Logo loading

HỌA SĨ TRUNG QUỐC CHEN KE VÀ NHỮNG PHỤ NỮ BAUHAUS

“Bauhaus Gals—Theatre”, triển lãm ra mắt của họa sĩ tại Perrotin, Paris. “Tôi hình dung toàn bộ triển lãm như một tác phẩm, biến không gian thành một thế giới sân khấu,” Chen Ke nói trong cuộc gọi video từ studio ở Bắc Kinh vào cuối mùa hè này. Chen, người nổi tiếng với những […]
|Viet Art View

“Bauhaus Gals—Theatre”, triển lãm ra mắt của họa sĩ tại Perrotin, Paris.

“Tôi hình dung toàn bộ triển lãm như một tác phẩm, biến không gian thành một thế giới sân khấu,” Chen Ke nói trong cuộc gọi video từ studio ở Bắc Kinh vào cuối mùa hè này. Chen, người nổi tiếng với những bức tranh được chế tác tỉ mỉ, lúc đó đang trong quá trình lên ý tưởng cho triển lãm ra mắt ở Paris “Bauhaus Gals—Theatre” [Những cô gái Bauhaus—Giảng đường] tại Perrotin.

Ở dạng hoàn thiện, các thiết kế phức tạp của Chen đã kết hợp với nhau trong một triển lãm tập hợp hội họa và nhiếp ảnh kiến trúc trong một phối cảnh sân khấu vui nhộn lấy từ di sản Bauhaus, trường nghệ thuật ứng dụng nổi tiếng đầu thế kỷ 20 của Đức. Tại trung tâm phòng trưng bày Perrotin ở Paris là một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại xoắn ốc, bề mặt nhôm phản chiếu của nó tạo ra màu sắc rực rỡ khắp không gian. Những phản chiếu rạng rỡ này, vừa mê hoặc vừa làm mất phương hướng, ngăn cản người xem đến quá gần, cảnh giác hơn với góc cạnh sắc bén của tác phẩm. Đó là sự giao tiếp liền mạch giữa thị giác và xúc giác gợi ý đến những trải nghiệm về chất liệu của Bauhaus. Một tác phẩm khác, tấm bình phong vàng rực rỡ, gợi nhớ đến những bình phong cổ, được thắp sáng bằng những ánh đèn nhiều màu sắc, thu hút người xem bước vào và gợi ý về một thế giới khác tồn tại đằng sau nó. Khi bước vào không gian trưng bày, dãy tranh chân dung nổi bật đã tạo nên màn giới thiệu đầy ấn tượng.

Chen Ke, Bauhaus Gal No.12, 2021, nguồn: PERROTIN

Cốt lõi của triển lãm là một nhóm chân dung mới đầy ấn tượng của các nữ sinh viên Bauhaus, tiếp nối series “Bauhaus Gal” của họa sĩ. Tuy nhiên, những tác phẩm mới nhất này toát ra nhiều kịch tính hơn trước. Theo họa sĩ, sự thay đổi này diễn ra “một cách vô thức”. Một số bức chân dung này là những người phụ nữ tắm trong ánh đèn chói lóa, tạo ra sự tương phản mạnh mẽ trên khuôn mặt và gợi lên bầu không khí hoài cổ, khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, cuối cùng, họa sĩ đã từ bỏ tựa đề đầu tiên của cô cho triển lãm— “Utopia” [Không tưởng]— vì tin rằng nó “không phù hợp với câu chuyện chân thực của Bauhaus, đặc biệt là liên quan đến những nghệ sĩ nữ này.”

Chen Ke, Bauhaus Gal No.11, 2021 (Standard poster),
nguồn: PERROTIN STORE PARIS

“Tôi nhận ra rằng sự thay đổi nghệ thuật này là khác thường và việc lựa chọn nhân vật cũng như màu sắc có thể gắn liền với những trải nghiệm trong ba năm qua,” Chen nói, hàm ý những thay đổi về tâm lý và cảm xúc của chính cô. Thành phố nơi cô sống, Bắc Kinh, đã trải qua nhiều lần phong tỏa và cách ly đột ngột vào năm 2023, chắc chắn đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ. “Những năm vừa qua đối với tôi đầy kịch tính hơn và đôi khi bạn không chắc mình đang ở trong thực tế hay trong mơ,” Chen mô tả về trải nghiệm của mình.

Chen Ke, Ý nghĩa của việc xê dịch, 2008, nguồn: PERROTIN

 

Chen Ke, Hôm qua là tôi, Ngày mai là bạn, 2012, nguồn: PERROTIN

Trong bối cảnh sân khấu mà cô đã tạo ra trong phòng trưng bày, những người phụ nữ trong các bức chân dung dường như đang tự ép mình cải trang. Ngoài những bức tranh, không gian còn tràn ngập những tác phẩm kiến trúc và trừu tượng, xen kẽ như bối cảnh sân khấu. Chen Ke phản đối việc bị phân loại chỉ là một họa sĩ vẽ chân dung và cô cũng coi trọng vai trò của kiến trúc trong lịch sử Bauhaus.

Được hình thành vào khoảng năm 2020, series “Bauhaus Gal” bắt nguồn cảm hứng khi Chen tình cờ xem được một cuốn sách ảnh Bauhaus. Lật qua các trang của nó, cô có cảm giác như đang du hành qua một đường hầm thời gian. Chen thấy mình đang đối mặt với những người phụ nữ Bauhaus từ một thế kỷ trước. Những phụ nữ này, thường bị lu mờ bởi câu chuyện lịch sử, đã cộng hưởng với trải nghiệm của chính Chen với tư cách là một nghệ sĩ nữ. Từ sự đồng cảm và tái tạo, cô đã thổi sức sống vào những bức ảnh đen trắng, truyền cho chúng những màu sắc sống động, hồi sinh câu chuyện và hình ảnh của những phụ nữ Bauhaus để mang chúng đến với những người xem đương đại.

Chen Ke, Nhà ốc sên, 2006, nguồn: PERROTIN

Trong khi triển lãm đánh dấu lần ra mắt của Chen tại Paris, ngôi sao của cô đã nổi lên được một thời gian. Cô lần đầu tiên được chú ý vào năm 2007, thông qua sự hợp tác giữa Phòng trưng bày Star tại Bắc Kinh và Phòng trưng bày Marella của Ý. Đến năm 2016, Chen được Perrotin đại diện và được giới thiệu trong triển lãm cá nhân “Dream·Dew” [Mơ·Sương] tại không gian Hong Kong của phòng trưng bày cùng năm đó. Gần đây hơn. Chen đã trở thành một trong những nghệ sĩ Trung Quốc “sinh sau thế hệ 70” nổi tiếng nhất và được nhiều nhà sưu tập săn đón (Chen sinh năm 1978). Vào năm 2021, Perrotin Thượng Hải ra mắt “Bauhaus Gals” và từ đó đã củng cố series này, series được ca ngợi và đáng chú ý nhất của Chen.

Chen Ke, Người đấu bò (2006).

Thành công trên thị trường của Chen, ngoài series “Bauhaus Gals” của cô, đã thu hút được sự chú ý và thảo luận đáng kể. Vào năm 2023, bức tranh khổ lớn Matador (2006) [Người đấu bò], đã đạt mức giá ấn tượng là 9.085.000 RMB (khoảng 1.252.900 USD) tại Đấu giá Yongle, gấp ba lần mức ước tính cao và lập kỷ lục cá nhân mới cho họa sĩ. Năm 2016, bức tranh này được bán đấu giá tại Poly Auction Macau với giá khoảng 258.395 USD.

Trong Danh sách nghệ thuật Hurun China 2023 mới nhất, Chen xếp ở vị trí thứ 37, đưa cô trở thành nghệ sĩ nữ có thứ hạng cao nhất (Đáng chú ý, trong số 100 nghệ sĩ của danh sách, chỉ có 8 nghệ sĩ là nữ). Tác phẩm của cô đã đạt doanh thu tổng cộng 15.670.000 RMB (khoảng 2.150.000 USD) trong năm vừa qua.

Trong cuộc trò chuyện, Chen Ke đã nói về tác động của việc gia nhập “câu lạc bộ triệu đô” đối với suy nghĩ của cô ấy, đồng thời lưu ý rằng “những con số thị trường luôn là một phần trong sự nghiệp của tôi”. Cô thừa nhận cảm thấy tâm trạng lên xuống thất thường do áp lực thị trường trong những năm qua. Với kinh nghiệm, cô đã học được cách tránh xa các yếu tố bên ngoài như vậy, “[giá đấu giá] thực sự phản ánh kết quả của một thế giới khác”. Suy thoái không cản trở tinh thần nghệ thuật của cô; trên thực tế, chúng đã xúc tác cho những thay đổi chủ chốt trong khả năng sáng tạo.

Sau khi lấy được bằng MFA từ Khoa Hội họa sơn dầu tại Viện Mỹ thuật Tứ Xuyên vào năm 2005, Chen chuyển đến Bắc Kinh, tham gia vào hiện tượng gọi là “sự trôi dạt Bắc Kinh”— thuật ngữ chỉ dòng người trẻ xê dịch đến Bắc Kinh từ các vùng khác của Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn và tương lai tươi sáng hơn, thường phải đối mặt với những thách thức như chi phí sinh hoạt cao và sự xa lạ trong xã hội. Trong quá trình học cao học, Chen đã coi trọng ý thức tự do sáng tạo, thậm chí cả việc khám phá nhiếp ảnh, và chuyến thăm châu Âu, nơi cô gặp những bức tranh Phục hưng thời kỳ đầu, đã tác động sâu sắc nhất đến cô, trải nghiệm này đã tiếp thêm đam mê hội họa, thúc đẩy việc thử nghiệm các chất liệu.

Chen Ke, Bauhaus Gal No.33 (2023). Ảnh chụp của Hao Yang.
Được phép của họa sĩ và Perrotin.

Vào đầu những năm 2000, các bức tranh của Chen Ke nổi bật với những cô bé u sầu giống như trong phim hoạt hình, giúp cô được xếp vào “Thế hệ hoạt hình” của Trung Quốc. Nhóm này, chủ yếu là các nghệ sĩ sinh vào cuối những năm 70 và 80, lớn lên trong thời kỳ Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng, trò chơi điện tử và hoạt hình. Tác phẩm của họ thường mô tả những thách thức và khát vọng của một xã hội đang thay đổi. Đối với Chen, những cô bé trong tranh của cô cũng là sự phản ánh cá nhân. Trong khi nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ khám phá những chủ đề này, thì cách tiếp cận của Chen lại rất nữ tính và nội tâm. Những tác phẩm như Matador là điển hình trong thời kỳ “Phim hoạt hình” này, với nhân vật trung tâm là một cô bé có sừng, nằm trên một con bò Tây Tạng màu trắng, có vẻ như đang say ngủ.

Chen nói: “Tôi trải qua thời thơ ấu ở tỉnh Tứ Xuyên, một vùng ở Trung Quốc, nơi phụ nữ thường giữ vai trò mạnh mẽ hơn trong cuộc sống gia đình, điều này có lẽ đã ảnh hưởng đến tôi một cách tinh tế.” Trong những năm đại học, cô say mê đọc những cuốn sách kinh điển về phụ nữ như Giới tính thứ hai và tìm hiểu về các nghệ sĩ nữ phương Tây như Nan Goldin và Cindy Sherman. Chen chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng phụ nữ có thể vừa nhạy cảm sâu sắc vừa vô cùng sáng tạo.” Sự ngưỡng mộ này đã khơi dậy khát vọng nghệ thuật của cô, “được giống như họ có vẻ rất tuyệt. Đó là phần lớn lý do tại sao tôi học để trở thành một nghệ sĩ.”

Năm 2012, một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra trong sự nghiệp của Chen. Trong giai đoạn đầy thử thách (theo cô cũng là “những năm tháng ở tầm thấp”) trong sự nghiệp, Chen Ke đã phải đối mặt với trở ngại sáng tạo. Cũng trong khoảng thời gian đó, cô đã làm mẹ. Khi mang thai, cô tình cờ xem được cuốn sách ảnh của Frida Kahlo. Những bức ảnh cổ điển khiến Chen nhớ lại niềm yêu thích chụp ảnh thời sinh viên của cô. Cô đã tạo ra một loạt chân dung lấy cảm hứng từ Kahlo, liên tiếp 20 đến 30 bức. Cách vẽ từ những bức ảnh cũ vẫn tồn tại trong các series sau này của cô. Quá trình chuyển đổi này cho phép Chen Ke vượt ra khỏi nội tâm cá nhân và kết nối với các nhân vật nữ lịch sử, cho phép cô tham gia vào cuộc đối thoại với những phụ nữ lịch sử xuyên thời gian và không gian.

Chen Ke, Bauhaus Gal No.26 (2023). Ảnh chụp của Hao Yang.
Được phép của họa sĩ và Perrotin.

Chen cũng tìm kiếm nguồn cảm hứng từ nhiều phụ nữ mang tính biểu tượng khác, bao gồm Marilyn Monroe và nghệ sĩ hiện đại người Mỹ Helen Torr, nhân vật trung tâm trong triển lãm năm 2020 của cô, “Nghệ sĩ nữ ẩn danh”.

Trong triển lãm Perrotin Hong Kong năm 2016 với Marilyn Monroe, một tác phẩm có tựa đề 1955 – NEW YORK – 29 TUỔI (2016) đã được trưng bày. Chen Ke miêu tả một cảnh hư cấu, vào một buổi sáng ở New York, Monroe đứng trên ban công tắm nắng. Cô tỏ ra thoải mái, hút một điếu thuốc, toát lên vẻ tự tin. Phía trên bức tranh, Chen viết bản dịch tiếng Trung của một dòng trong cuốn tự truyện của Monroe: “Tôi đã từng nghĩ khi nhìn ra màn đêm ở Hollywood, ‘Chắc hẳn có hàng nghìn cô gái ngồi một mình như tôi mơ trở thành ngôi sao điện ảnh.’ Nhưng tôi sẽ không bận tâm về họ. Giấc mơ của tôi là mạnh mẽ nhất.”

Bước vào vai trò làm mẹ, Chen một lần nữa suy ngẫm sâu sắc về thân phận phụ nữ của mình: “Sau khi làm mẹ, sinh lý khiến tôi gặp hàng loạt vấn đề liên quan đến giới tính trong thực tế”, cô nói. Vào khoảng thời gian này, cảm giác nữ tính trong tác phẩm của Chen trở nên mạnh mẽ hơn và khó tránh khỏi về mặt chủ quan. Vừa là một nghệ sĩ vừa là một người mẹ mang đến những thử thách đặc biệt. Giống như nhiều nghệ sĩ nữ khác, cô thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi về vấn đề làm mẹ. Cân bằng vai trò của mình là một cuộc chiến nội tâm đầy xung đột và tội lỗi, cô mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho con nhưng không thể. Làm mẹ là một hành trình có ảnh hưởng lớn đối với cô. Như cô mô tả, “Đang lơ lửng không mục đích trong bóng tối, tôi đột nhiên mắc cạn.”

Thực tế cuộc sống đã mài giũa tầm nhìn của cô, khiến cô chú ý hơn đến các chi tiết của thế giới và thay đổi quan điểm về nhiều vấn đề. Do đó, xưởng vẽ và hội họa đóng vai trò như những nơi tôn nghiêm, những nơi trốn thoát cho họa sĩ, “Nghệ thuật dường như là một đường khác song song với cuộc sống, chúng phản chiếu lẫn nhau, như những tấm gương.”

Bài viết của Cathy Fan
Nguồn: Artnet

Chia sẻ:
Back to top