Bức tranh “Hội hoa đăng”, 1965, sơn mài, 87,4×115,3cm của họa sĩ Lê Vinh (1923-2008), thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lê Vinh (1923-2008). Hội hoa đăng. 1965. Sơn mài. 87,4×115,3cm
So với những tên tuổi lớn, những bức tranh tiêu điểm khác thì “Hội hoa đăng” có chỗ đứng khiêm tốn hơn rất nhiều. Nhưng câu chuyện mà họa sĩ Lê Vinh kể lại bằng tạo hình, đường nét, sắc màu, ánh sáng trên chất liệu sơn mài đã mở cho người xem một thế giới kỳ thú của trẻ thơ.
Nhìn kỹ những gì diễn tả trên mặt tranh có thể thấy đây là câu chuyện “nông nghiệp của Việt Nam” thời trước. Những em bé (tuổi học sinh) cùng giúp sức với gia đình dùng đèn phụ bắt những con sâu bướm (rầy nâu) chuyên phá hoại mùa màng (lúa).
Nhìn bức tranh chúng ta có thể quay ngược trở lại Việt Nam những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước. Lúc ấy, Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam – Bắc . Miền Bắc Việt Nam tập trung sản xuất lương thực, chi viện cho chiến trường miền Nam, kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta có thể phần nào mường tượng khí thế khẩn trương trong lao động, sản xuất ở miền Bắc với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam thân yêu”.
Các em thiếu niên sống trong thời kỳ ấy, học tập theo phương châm giáo dục “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”. Mỗi một em góp phần sức lực, trước hết phụ giúp cha mẹ, gia đình, sau cũng chính là góp phần nhỏ bé trong công cuộc chống Mỹ toàn dân.
“Tính nhân văn, lòng biết ơn” là thông điệp chính của bức tranh được họa sĩ Lê Vinh khắc họa hết sức “thơ mộng, tình cảm” theo kiểu thức “nhân cách hóa”, vừa sống động lại vừa vô cùng hợp lý. Những em bé hồn nhiên, ngây thơ nghe lời cha mẹ phụ giúp công việc nhà nông; khung cảnh, bối cảnh và tính chất công việc (theo nhóm) đã khiến cho việc “đồng áng” này lại trở thành “một ngày hội lao động” nhiều ý nghĩa.
Với khả năng diễn tả ánh sáng lộng lẫy, trong vắt, sâu thẳm độc đáo của sơn mài, họa sĩ Lê Vinh đã trình bày với người xem một bữa tiệc thị giác của “thứ ánh sáng rực rỡ được bừng lên, cháy lên trong bóng tối”. Càng nhìn kỹ, ngắm lâu càng thấy thứ ánh sáng này thật kỳ diệu, đẹp về mọi nghĩa. Họa sĩ Lê Vinh đã thực sự ghi dấu ấn hội họa sơn mài của ông trong “Hội hoa đăng”.
Mỗi ánh sáng nhỏ trong “chiếc đèn dầu” trở thành một “đèn hoa đăng” lộng lẫy lấp lánh hạnh phúc tạo thành một đêm hội hoa đăng đầy kỳ thú…
Nhân dịp trung thu, thay vì những bức tranh có đèn kéo quân, đèn ông sao, múa lân, bánh trung thu… Viet Art View thân mến gửi tới bạn yêu nghệ thuật một thế giới hồn nhiên của con trẻ nông thôn Việt cách đây hơn nửa thế kỷ.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View