Logo loading

HƯỚNG DẪN SƯU TẬP: THẾ HỆ TIỀN RAPHAEL THỨ BA

Chuyên gia Sarah Reynolds giới thiệu những công trình lộng lẫy của thế hệ tiền Raphael thứ hai và thứ ba – những người kế thừa Millais, Holman Hunt và Rossetti Họ bắt đầu như một hội kín. Bí mật đến nỗi, khi họ ký tên vào các bức tranh của mình ‘P.R.B.’ (Pre-Raphaelites Brotherhood, […]
|Viet Art View

Chuyên gia Sarah Reynolds giới thiệu những công trình lộng lẫy của thế hệ tiền Raphael thứ hai và thứ ba – những người kế thừa Millais, Holman Hunt và Rossetti

Họ bắt đầu như một hội kín. Bí mật đến nỗi, khi họ ký tên vào các bức tranh của mình ‘P.R.B.’ (Pre-Raphaelites Brotherhood, Hội anh em tiền Raphael), một tin đồn đã lan truyền rằng những chữ cái đó là viết tắt của ‘Please Ring the Bell’. Họ thực sự là đại diện cho Hội anh em tiền Raphael: một nhóm bảy họa sĩ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của họ vào năm 1848 và sẽ sớm bước ra trước công chúng.

John Everett Millais, William Holman Hunt, Dante Gabriel Rossetti và nhóm của họ đã hình thành nên một phần của phong trào nghệ thuật quan trọng nhất nước  Anh thế kỷ 19.

Ẩn trong tên gọi của họ là sự chỉ trích việc giảng dạy hàn lâm thời điểm đó, vốn coi Raphael và các nghệ sĩ thời Phục hưng Cao cấp của ông như những khuôn vàng thước ngọc. Họ thấy các bức tranh Ý trước đó, giai đoạn Quattrocento, càng thuần khiết hơn, ít kiểu cách hơn và đáng để phấn đấu hơn.

‘Ophelia’ (1851-2) của Millais và ‘Our English Coasts’ (1852) của Holman Hunt là hai ví dụ xuất sắc của hội họa tiền Raphael, cả hai được triển lãm vĩnh viễn tại bảo tàng Tate, London.

‘Ophelia’ (1851-2) Millais

‘Our English Coasts’ (1852) của Holman Hunt

John Melhuish Strudwick (Anh, 1849-1937), ‘Khi nỗi buồn đến vào những ngày hè’

Hội anh em tiền Raphael tan rã sau 5 năm nhưng lý tưởng của họ vẫn được kế thừa bởi hai thế hệ. Những người tiền Raphael về sau, hoạt động vào đầu thế kỷ 20,  gồm John Byam Shaw, Evelyn De Morgan và John William Waterhouse.

Sarah Reynolds, chuyên gia Nghệ thuật thời Victoria, tiền Raphael và nghệ thuật ấn tượng Anh tại Christie’s cho biết: “Thế hệ đầu tiên là những người nổi tiếng nhất. Nhưng hệ quả của sự nổi tiếng đó là hầu như tất cả tranh của họ đều nằm trong các bộ sưu tập của bảo tàng và sẽ không bao giờ tung ra thị trường. Nếu bạn đang tìm một tác phẩm tiền Raphael, nhiều tác phẩm thuộc giai đoạn kế thừa sẽ dễ tiếp cận hơn nhiều.”

Một số tranh sơn dầu của các tác giả kế thừa Hội anh em tiền Raphael đã được bán đấu giá tại Christie’s London năm ngoái, trong Bộ sưu tập của Joe Setton: ‘Từ tiền Raphael đến chủ nghĩa lãng mạn mới nhất’.

 

Evelyn de Morgan (Anh, 1855-1919), ‘Chân dung một người phụ nữ, có thể là thành viên gia đình Mure’

Các thành viên của Hội anh em ban đầu có chung sở thích về màu mạnh, chủ đề văn học và tôn giáo, và sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết trên toàn bộ bức tranh, như trong ‘Ophelia’ của Millais với khung cảnh xanh tươi, nguồn cảm hứng từ Shakespeare và chi tiết cây cỏ tinh tế.

Thế hệ thứ hai hình thành xung quanh Rossetti: hai tên tuổi lớn của nó, William Morris và Edward Burne-Jones, đều đã cùng ông thực hiện những bức tranh tường của Liên hiệp Oxford vào cuối những năm 1850.

Burne-Jones sẽ tiếp tục định hướng phong trào trong những thập kỷ sau, khi nó mang nhiều tính trang trí hơn và đưa người xem vào một vương quốc thời trung cổ của các hiệp sĩ Arthurian và những thiếu nữ tóc nâu vàng.

Giống như Morris, Burne-Jones đã tìm cách thần tiên hóa một thế giới mà ông cảm thấy ảm đạm bởi Cách mạng Công nghiệp và chủ nghĩa tư bản không thể kìm hãm của Đế quốc Anh. Ông cho rằng công việc của nghệ thuật, không phải là nắm bắt sự tồn tại thời hiện đại, mà cung cấp một lối thoát khỏi nó.

“Ý tôi là, bằng một bức tranh,” ông nói, “một giấc mơ lãng mạn tuyệt đẹp về một điều gì đó chưa bao giờ có, sẽ không bao giờ có.”

Henry Ryland (British 1856-1924), ‘Japonica’

Burne-Jones đóng vai trò là cầu nối giữa Hội anh em và thế hệ tiền Raphael thứ ba,  tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ông.

Trong trường hợp của Thomas Matthews Rooke, ảnh hưởng đó là trực tiếp: ông từng là trợ lý studio của Burne-Jones khi bắt đầu sự nghiệp của mình.

Với ‘Người đẹp ngủ trong rừng’ năm 1903, Archibald Wakley đã đáp lại một câu chuyện cổ tích tương tự tác phẩm của Burne-Jones. Những bông hoa hồng nở rộ bao quanh công chúa, đang nằm trên một chiếc bệ vàng lấp lánh, chờ đợi nụ hôn của hoàng tử sẽ đánh thức nàng.

Trong tác phẩm ‘Nữ hoàng của những trái tim’ của Byam Shaw, người ta cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của Rossetti, ở sự phẳng lặng về không gian và chủ đề phụ nữ bí ẩn, có phần gợi cảm.

Bức tranh này cũng có điểm tương tự với kiệt tác của Jan van Eyck, ‘Bức chân dung Arnolfini’ năm 1434, đặc biệt là ở cách nữ hoàng nắm chặt các nếp gấp của chiếc váy của mình. Tác phẩm của van Eyck, được Phòng trưng bày Quốc gia mua vào năm 1843, đã truyền cảm hứng cho một số bức tranh tiền Raphael, năm 2017 và 2018, một cuộc triển lãm đã diễn ra dưới chủ đề này: ‘Phản chiếu: Van Eyck và tiền Raphael’.

John Byam Liston Shaw (1872-1919), ‘Nữ hoàng của những trái tim’

Reynolds nói: “Một trong những điều thú vị về thời kỳ tiền Raphael về sau là số lượng họa sĩ nữ trong số họ. Nơi mà trước đây phụ nữ chỉ trầm ngâm và làm người mẫu, giờ đây họ đã trở thành những người chủ động. Những họa sĩ này bao gồm De Morgan, Marie Spartali Stillman, Lucy Madox Brown và Joanna Boyce Wells.

Spartali Stillman đã kết hôn với một nhà báo người Mỹ có sự nghiệp không mấy ổn định. Bà thường phải hỗ trợ tài chính cho chồng và sáu đứa con nhờ việc bán tác phẩm của mình.

Trong ‘Khu vườn thần tiên’, bà mô tả một cảnh từ bộ tiểu thuyết ‘The Decameron’ của Boccaccio, trong đó Dianora đồng ý đến thăm người ngưỡng mộ của cô là Ansaldo chỉ khi khu vườn của anh nở hoa vào giữa mùa đông, điều này đã xảy ra nhờ nhà ảo thuật mà Ansaldo thuê.

Phía xa có thể là một quang cảnh phủ đầy tuyết trắng, tuy nhiên bên trong các bức  tường của khu vườn Ansaldo là một loạt cây trái đang nở hoa.

Marie Spartali Stillman (1844-1927), ‘Khu vườn thần tiên’ 1889

Vào năm 2019, Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London đã dành riêng một cuộc triển lãm ‘Những người phụ nữ tiền Raphael’ cho Spartali Stillman và những người bạn nữ của bà.

Cho đến nay, người nổi tiếng nhất trong số các họa sĩ thế hệ thứ ba là John William Waterhouse, người có ‘Quý cô của Shalott’ là một trong những tác phẩm tiền Raphael nổi tiếng nhất. Năm 2009, ông là đối tượng của một cuộc triển lãm tại Học viện Hoàng gia ‘J.W. Waterhouse: Họa sĩ tiền Raphael hiện đại’.

‘Quý cô của Shalott’ John William Waterhouse

Sự nổi tiếng của ông khiến ông trở thành một chủ đề khác thường trong những họa sĩ tiền Raphael về sau, và khiến giá của tác phẩm giữ ở mức cao trong nhiều năm. Năm 2000, bức tranh ‘Thánh Cecilia’ của ông được bán tại Christie’s với giá 6,6 triệu bảng Anh, đây vẫn là mức giá kỷ lục cho một tác phẩm bán tại cuộc đấu giá.

John William Waterhouse (1849-1917), ‘Thánh Cecilia’

Chúng ta có thể bàn về thế hệ tiền Raphael đầu tiên theo sự phân loại có căn cứ, với tên tuổi các thành viên và những năm hoạt động của Hội anh em được ghi chép rõ ràng, thì những gì tiếp theo lại có một số tính lưu động nhất định.

Một số họa sĩ có thể được cho là thuộc cả thế hệ thứ hai và thứ ba, chẳng hạn như Simeon Solomon, người mà Burne-Jones mệnh danh là ‘giỏi nhất trong tất cả chúng ta’.

Cũng có một số giao thoa giữa thời kỳ tiền Raphael về sau và các phong trào khác, chẳng hạn như Chủ nghĩa tượng trưng và Chủ nghĩa duy mỹ. Nhiều bức tranh của De Morgan là những câu chuyện ngụ ngôn, chứa đầy những biểu tượng mà người xem được mời giải mã.

Simeon Solomon (British 1840-1905), ‘Medusa Erotica’

Sự phủ rộng của nghệ thuật tiền Raphael được đẩy mạnh vào năm 2012 bởi một cuộc triển lãm tổng quát lớn tại bảo tàng Tate Anh quốc, ‘Tiền Raphael: Những người tiên phong thời Victoria’, sau đó đã diễn ra tại Washington DC, Moscow và Tokyo. Reynolds lưu ý rằng “trong thế kỷ 21, hình ảnh thị giác ấn tượng của phong trào – với màu sắc rực rỡ, hoa văn đẹp mắt và các loại vải phong phú – đang ngày càng trở nên phổ biến”.

Năm 2013, bức tranh màu nước ‘Tình yêu giữa những tàn tích’ của Burne-Jones đã thu về 14,8 triệu bảng Anh tại Christie’s, mức giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm tiền Raphael tại cuộc đấu giá. Đối với các họa sĩ thế hệ thứ ba, giá kỷ lục đã được thiết lập cho De Morgan, Byam Shaw và Frank Cadogan Cowper trong thập kỷ qua.

‘Tình yêu giữa những tàn tích’ của Burne-Jones

Reynolds nói: “Ngoại trừ Waterhouse, những gương mặt này tương đối ít được biết đến, do đó, có rất nhiều cơ hội tăng trưởng trên thị trường của họ. Chẳng hạn như khả năng chi tiết bậc thầy của Marie Spartali Stillman, có thể sánh ngang với bất kỳ thành viên nào của Hội anh em.”

“Người ta có thể mua một bức tranh tiền Raphael thực sự đẹp với mức giá vừa phải.”

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top