Logo loading

JEAN-MICHEL BASQUIAT: “MỘT HỌA SĨ TỪ TRONG CỐT LÕI”

Từ kẻ nổi loạn graffiti đến người được Warhol bảo trợ và ngôi sao trang bìa của Thời báo New York, cuộc đời và sự nghiệp của một biểu tượng thế kỷ 20 Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi kết thúc đầy bi kịch, nhưng những bức tranh cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo […]
|Viet Art View

Từ kẻ nổi loạn graffiti đến người được Warhol bảo trợ và ngôi sao trang bìa của Thời báo New York, cuộc đời và sự nghiệp của một biểu tượng thế kỷ 20

Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi kết thúc đầy bi kịch, nhưng những bức tranh cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo ra một tác động lâu dài trong thế giới nghệ thuật và hơn thế nữa. Ở đây, Christie’s hồi tưởng lại cuộc đời và tác phẩm của người đàn ông mà chỉ trong tám năm, đã trở thành một biểu tượng của thế kỷ 20.

Jean-Michel Basquiat (1960-1988) ‘Bánh vòng trả thù’ 1982

Một đứa trẻ phát triển sớm

Basquiat sinh ra ở Brooklyn, New York, vào ngày 22 tháng 12 năm 1960, mẹ là người Puerto Rico và cha là người Haiti. Anh là con thứ hai trong bốn người con; có hai em gái, và một người anh trai đã mất không lâu trước khi anh chào đời.

Nghệ thuật đã cuốn hút anh từ khi còn nhỏ. Mẹ của anh, Matilde, đánh giá cao tài năng của con trai và khuyến khích bằng cách đăng ký cho anh làm thành viên trẻ của Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn. Đến năm 11 tuổi, anh đã thông thạo tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, cũng như tiếng Anh.

Năm sáu tuổi, Basquiat bị xe đụng; cánh tay bị gãy và anh phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Trong khi hồi phục, mẹ đã mua cho anh một cuốn Grey’s Anatomy, cuốn sách giáo khoa y học thế kỷ 19. Điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến tác phẩm của anh.

Khi Basquiat 13 tuổi, mẹ anh bị đưa vào trại tâm thần; bà ra vào viện trong nhiều năm sau đó. Basquiat phải theo học một trường trung học ở Manhattan, City-as-School, hướng đến những tài năng và ngược lại — nơi anh đã nổi tiếng vì ném một chiếc bánh vào mặt hiệu trưởng. Cuối cùng, anh bắt đầu dành thời gian xung quanh Trường Nghệ thuật Thị giác, nơi anh kết bạn với các sinh viên Keith Haring và Kenny Scharf.

SAMO — một thẻ graffiti chung

Từ năm 1978, thẻ graffiti SAMO của Basquiat (một bút danh, được chia sẻ với người bạn Al Diaz, viết tắt của “same old shit” [những thứ vớ vẩn thường tình]) bắt đầu xuất hiện xung quanh Lower Manhattan — và thỉnh thoảng trên các toa của chuyến tàu D mà anh đi từ nhà đến Brooklyn. Các epigram [những câu nói diễn tả bằng graffiti] đã lọt vào mắt xanh của The Village Voice [Tiếng nói dân làng], nơi đã xuất bản một bài về chúng. Basquiat và Diaz cuối cùng bất đồng quan điểm, và SAMO kết thúc vào năm 1979. Mặc dù có mối liên hệ sớm với graffiti, Basquiat chưa bao giờ coi mình là một nghệ sĩ graffiti.

Jean-Michel Basquiat (1960-1988) ‘Tội của Răng Vàng’ 1982

Tiếp sức cho nhau: Basquiat và Warhol

Basquiat từ lâu đã tôn kính họa sĩ Đại chúng huyền thoại Andy Warhol. Năm 1980, họ gặp nhau tại một nhà hàng Soho, và Basquiat cho ông xem bản sao một trong những bức ảnh ghép của mình. Hai người gặp lại nhau hai năm sau, khi người kinh doanh nghệ thuật của Basquiat là Bruno Bischofberger đưa anh đến The Factory của Warhol. Warhol rất ấn tượng với nghệ sĩ trẻ; hai người nhanh chóng bắt đầu làm việc cùng nhau và trở thành bạn thân.

Từ năm 1983 đến năm 1985, họ đã hợp tác trong một số bức tranh. Theo Ronnie Cutrone, một trong những trợ lý studio của Warhol, “Mối quan hệ là cộng sinh. Jean-Michel nghĩ rằng anh ấy cần sự nổi tiếng của Andy, và Andy nghĩ mình cần dòng máu mới của Jean-Michel. Jean-Michel lại tạo cho Andy một hình ảnh nổi loạn mới.”

Jean-Michel Basquiat và Andy Warhol, Area, New York, 1984. Ảnh: © Ben Buchanan / Bridgeman Images

“Triển lãm nghệ thuật cấp tiến đầu tiên của thập niên 80”

Bước đột phá lớn của Basquiat đến vào tháng 6 năm 1980, khi tác phẩm của anh được đưa vào The Times Square Show [tại quảng trường Thời Đại], một triển lãm dành cho nhiều nghệ sĩ do tập thể cấp tiến Colab và Fashion Moda ở New York, một không gian nghệ thuật cộng đồng Nam Bronx, phụ trách. Được dàn dựng trong một tòa nhà bỏ hoang giữa khu phố, triển lãm còn có các tác phẩm của Kenny Scharf, Jenny Holzer, Nan Goldin và Keith Haring.

Sự chú ý của giới truyền thông lúc đó đã giúp khởi động sự nghiệp của Basquiat. The Village Voice gọi đây là “triển lãm nghệ thuật cấp tiến đầu tiên của thập niên 80”. Jeffrey Deitch đã viết trên tạp chí Art in America [Nghệ thuật châu Mỹ] rằng “một mảng tường được sơn bởi SAMO, người vẽ khẩu hiệu graffiti khắp nơi, là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét vẽ nguệch ngoạc của de Kooning và đường tàu điện ngầm”.

Năm 1981, Basquiat được mời tham gia phòng trưng bày do Annina Nosei điều hành, người đã rất ấn tượng với tác phẩm của anh sau khi nhìn thấy nó trong buổi trình diễn đột phá New York / New Wave [New York / Làn sóng mới] tại PS1 vào đầu năm đó.

Chính tại đây, trong một studio ở tầng hầm với cửa sổ trần lớn bên dưới phòng trưng bày, Basquiat sẽ vẽ, theo lời của Nosei, “số kiệt tác đã khiến anh thu hút sự chú ý của toàn bộ thế giới nghệ thuật”. Donut Revenge [Bánh vòng trả thù] nằm trong số đó.

1982: Triển lãm cá nhân đầu tiên và sự ra mắt của một ngôi sao

Năm 1982, mọi thứ đi từ tốt đến tốt hơn. Vào tháng 3, Nosei tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho Basquiat, mọi tác phẩm đã được bán. Basquiat sau đó đã đi đến Modena, Ý, và những bức tranh mà anh vẽ ở đó — Untitled, Profit IBoy and Dog in a Johnnypump [Vô đề, Lợi nhuận I và Chàng trai và chú chó trong một Johnnypump] — được coi là những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh.

Trên thực tế, tám trong số 10 kỷ lục đấu giá thế giới của Basquiat thuộc về các tác phẩm từ năm 1981 đến năm 1983, bao gồm cả tác phẩm bán chạy nhất In This Case (1983) [Trong trường hợp này], được mua với giá 93,1 triệu USD vào tháng 5 năm 2021 tại Christie’s New York.

Vào tháng 6 năm 1982, Basquiat triển lãm tại Documenta VII ở Kassel; vào tháng 12, tạp chí Artforum đã xuất bản một bài luận về họa sĩ trẻ, đưa anh lên hàng siêu sao.

Jean-Michel Basquiat (1960–1988) ‘Chiến binh’ 1982

Cùng với Madonna và gặp gỡ Rauschenberg ở California

Cũng trong năm 1982, Basquiat đã dành thời gian đến bờ biển phía Tây, làm việc trong một không gian bên dưới ngôi nhà ở California của Larry Gagosian. Việc này dẫn đến cuộc triển lãm thứ hai của anh tại Phòng trưng bày Gagosian ở Los Angeles, vào năm 1983. Nhưng anh không phải là khách mời mới nổi duy nhất dưới mái nhà của Gagosian: Basquiat dẫn theo bạn gái khi đó của mình, một ca sĩ đang lên tên là Madonna. “Anh ấy nói với tôi, ‘Cô ấy sẽ trở thành một ngôi sao lớn, rất lớn’”, Gagosian sau này nhớ lại.

Ở California, Basquiat bị thu hút bởi những tác phẩm mà Robert Rauschenberg đang sản xuất tại xưởng in nổi tiếng Gemini G.E.L. Basquiat đã đến thăm Rauschenberg vài lần, và sẽ tiếp tục lấy cảm hứng từ nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng.

 Một quán quân mới theo lời The New Yorker

Tác phẩm của Basquiat đã gây được tiếng vang lớn đối với nhiều người trong thế giới nghệ thuật, những người mong muốn loại bỏ xu hướng Tối giản đã thống trị vào cuối những năm 1960 và 1970. Nơi Basquiat, một thành viên chủ chốt của phong trào Tân Biểu hiện, họ đã tìm thấy một quán quân mới. Như nhà phê bình Peter Schjeldahl của tờ The New Yorker sau này đã viết về những bức tranh của Basquiat từ năm 1982, “Bạn không thể học làm những thứ này. Đó là tài năng, được phục vụ bởi mong muốn và sự tập trung tương xứng — và niềm vui.” Ông Schjeldahl cho biết Basquiat là “một họa sĩ từ trong cốt lõi”.

Những người hùng nhạc jazz và blues và bản ghi hip-hop huyền thoại

Âm nhạc, và cụ thể là nhạc jazz, rất quan trọng đối với Basquiat. Nghệ thuật của anh đã tạo ra một đối tác trực quan sống động với sự nhấn mạnh phổ biến về tính ngẫu hứng, cấu trúc phi tuyến tính và thí nghiệm. Các bức tranh của anh thường tôn vinh những người hùng nhạc jazz mà anh yêu thích, chẳng hạn như Charlie Parker, giống như cách anh tôn vinh các vận động viên nổi tiếng, võ sĩ quyền anh và các biểu tượng cá nhân khác, nhiều người trong số họ đã phải vật lộn để giành được sự công nhận của các đối tác da trắng.

Quan trọng không kém đối với Basquiat là hip-hop, sự xuất hiện của nó song song với sự phát triển nghệ thuật của Basquiat. Năm 1981, anh xuất hiện với tư cách khách mời, là DJ trong video cho đĩa đơn đứng đầu bảng xếp hạng của Blondie, Rapture [Mê đắm] – video rap đầu tiên được phát sóng trên MTV. Anh cũng tạo ra một đĩa nhạc hip-hop huyền thoại, Beat Bop, một trận chiến rap giữa MC K-Rob và Rammellzee, được minh họa bằng nghệ thuật riêng của Basquiat. Với những bản sao ban đầu cực kỳ hiếm, nó đã trở thành một trong những đĩa nhạc rap được săn lùng nhiều nhất từ trước đến nay.

Jean-Michel Basquiat (1960-1988) ‘Chớp sáng ở Naples’ 1983

‘Tôi không trông thấy nhiều bức tranh với người da đen ở trong đó’

Basquiat là một trong số ít người Mỹ gốc Phi trong thế giới nghệ thuật chủ yếu là người da trắng. Trong suốt sự nghiệp của mình, nghệ thuật mang tính chính trị sâu sắc của anh đã nói lên sự đen tối, những thử thách và đau thương mà người da đen ở Mỹ phải trải qua. Sự tập trung của anh vào văn hóa của người da đen không phải là điển hình của nhiều nghệ sĩ vào thời điểm đó, và tác phẩm của anh đã khiến người ta chú ý đến sự thiếu đa dạng trong thế giới nghệ thuật.

Theo học giả Richard Marshall, Basquiat “liên tục chọn lọc và đưa vào tác phẩm của mình những từ ngữ chứa đựng những tham chiếu và ý nghĩa tích cực — đặc biệt là những mối quan tâm sâu xa của anh về chủng tộc, nhân quyền, việc sáng tạo dẫn đến quyền lực và sự giàu có”.

“Tôi nhận ra rằng tôi không trông thấy nhiều bức tranh có người da đen trong đó,” chính Basquiat giải thích, sau đó nói thêm, “người da đen là nhân vật chính trong hầu hết các bức tranh của tôi”.

Jean-Michel Basquiat (1960-1988) ‘Trong trường hợp này’ 1983

‘Hoàng gia và những con phố’ — Basquiat như một chiến binh vương giả

Cùng với võ sĩ quyền anh, nhà vua là một trong những mô típ lâu dài nhất của Basquiat. Anh bắt đầu sử dụng chiếc vương miện làm chữ ký khi chọn cánh cửa các phòng trưng bày nghệ thuật SoHo làm bức tranh của mình. Ngay từ đầu, Basquiat đã mô tả chủ đề của mình là “hoàng gia, chủ nghĩa anh hùng và đường phố”; khi sự nghiệp tiến triển, những chiếc vương miện ban đầu đã phát triển thành những nhân vật hoàn chỉnh trong chiếc mũ đội đầu lấp lánh. Chiến binh vương giả của Basquiat một phần là biểu tượng cho sự thành công: Basquiat, “Vua của những con phố”, đã chinh phục thế giới nghệ thuật.

Những trang bìa tạp chí — và cuộc chiến với chứng nghiện ma túy

Năm 1983, khi mới 22 tuổi, Basquiat được đưa vào Whitney Biennial, trở thành nghệ sĩ trẻ nhất đại diện cho nước Mỹ trong một triển lãm quốc tế lớn về nghệ thuật đương đại. Năm 1985, anh xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí The New York Times. Basquiat ở trên đỉnh cao của sự nghiệp — nhưng đang phải chiến đấu với chứng nghiện ma túy nghiêm trọng, điều này đã khiến Nosei ngừng đại diện cho anh.

Nhiều người thân cận với Basquiat sau này nói rằng chỉ có Warhol mới có thể khiến Basquiat kiềm chế việc sử dụng ma túy; khi Warhol qua đời, vào năm 1987, Basquiat đi xuống theo hình xoắn ốc. Basquiat qua đời vào ngày 12 tháng 8 năm 1988, tại thành phố New York, do dùng thuốc quá liều.

Được đánh giá cao bởi các nhạc sĩ và ngôi sao điện ảnh

Ngày nay, tác phẩm của Basquiat xuất hiện trong bộ sưu tập của một số nhân vật hàng đầu thế giới âm nhạc và điện ảnh, bao gồm tay bass của U2 Adam Clayton, Jay-Z và Leonardo DiCaprio. Nam diễn viên Johnny Depp, người đã đưa ra đấu giá tám bức tranh và bản vẽ của Basquiat tại Christie’s vào năm 2016, nói: “Không gì có thể thay thế được sự nồng nhiệt và cấp thiết trong chất thơ của Basquiat, hoặc những câu hỏi và sự thật tuyệt đối mà anh đưa ra.”

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top