Logo loading

JOAN MITCHELL, SANYU VÀ ĐỘI HÌNH NGÔI SAO TRONG BUỔI ĐẤU GIÁ NGHỆ THUẬT THẾ KỶ 20 VÀ 21 TẠI CHRISTIE’S

Christie’s vừa kết thúc các phiên đấu giá thành công rực rỡ với bộ sưu tập Paul Allen 1,6 tỷ USD, sắp tới là cuộc đấu giá nghệ thuật thế kỷ 20/21 tại Hong Kong. Tác phẩm ‘Vô đề’ của họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Joan Mitchell sẽ dẫn đầu, ước tính 80 – […]
|Viet Art View

Christie’s vừa kết thúc các phiên đấu giá thành công rực rỡ với bộ sưu tập Paul Allen 1,6 tỷ USD, sắp tới là cuộc đấu giá nghệ thuật thế kỷ 20/21 tại Hong Kong.

Tác phẩm ‘Vô đề’ của họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Joan Mitchell sẽ dẫn đầu, ước tính 80 – 120 triệu HKD, lần đầu tiên một tác phẩm Joan Mitchell được giới thiệu tại Christie’s châu Á.

Những lô nổi bật bao gồm các nghệ sĩ blue-chip như Sanyu với kiệt tác những năm 1940, ‘Cây mận trong chậu’; Zao Wou-Ki với ‘10.01.68’ thuộc thời kỳ Bão táp, cùng với nhau, chúng được dự kiến thu về ít nhất 153 triệu HKD.

Trong khi việc đấu giá bộ xương khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) lần đầu tiên tại châu Á đang là chủ đề nóng, Christie’s đã quyết định rút lại lô này.

Joan Mitchell (1925-1992). Vô đề. Sơn dầu trên toan. 278 × 199 cm. (109 1/2 × 78 3/8 in.) Vẽ năm 1966-1967.

Vào thời điểm mà phụ nữ không phải là điển hình trong thế giới nghệ thuật, Joan Mitchell là một trong số ít nữ nghệ sĩ đạt được sự công nhận của giới phê bình và thành công về mặt thương mại, khẳng định mình là nhân vật chủ chốt trong thế hệ thứ hai của những họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng.

Sinh năm 1925, Mitchell đến New York năm 1949 sau khi tốt nghiệp trường của Viện Nghệ thuật Chicago, những bức tranh rộng, sống động với đường nét đối lập nhịp nhàng đã thu hút sự chú ý của những người đi đầu trường phái Biểu hiện Trừu tượng- Willem de Kooning, Franz Kline, Philip Guston. Cô uống rượu và tranh luận với họ tại Cedar Tavern và The Club, salon chỉ dành cho thành viên, nơi các nghệ sĩ gặp nhau hàng tuần.

Mitchell đã từ chối những bức tranh thuần túy trừu tượng hoặc bất kỳ sự dán nhãn nào cho nghệ thuật. Cô phát triển vốn nghệ thuật của riêng mình, được gọi là ‘phong cảnh trừu tượng’, ghi lại bằng tranh những địa hình của cảm xúc, những khung cảnh được ghi nhớ, như cô nói, “Tôi mang quanh mình những phong cảnh.”

Gặt hái nhiều thành công ở New York những năm 1950, Mitchell quyết định rời thành phố, chuyển đến Paris vào năm 1959. Đến giữa những năm 1960, cô mệt mỏi và cảm thấy bị gạt ra ngoài lề với Paris, trước sự trỗi dậy của nghệ thuật đại chúng và chủ nghĩa hiện thực, cô bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà mới ở nông thôn. Với số tiền được thừa kế từ mẹ, cô đã mua một ngôi nhà tráng lệ ở Vétheuil, một thị trấn nhỏ gần Vườn Giverny nổi tiếng của Claude Monet.

Kể từ đó, miền đất phì nhiêu, tràn ngập ánh nắng với tầm nhìn thẳng ra sông Seine trở thành nguồn cảm hứng chính, cô sáng tác nhiều, bày tỏ tình cảm của mình với nơi cô gọi là quê hương cho đến cuối cuộc đời.

Được vẽ từ năm 1966 đến năm 1967, bức tranh cho thấy phong cách đặc trưng của cô phát triển giữa New York và Paris, tràn đầy và rực rỡ. Nó được tạo ra trong quá trình cô đi tìm một ngôi nhà ở nông thôn, gợi nhiều cảm xúc về nước, bầu trời và thảm thực vật, dường như báo trước sự phát triển và tự do mà khung cảnh nông thôn sẽ mang lại cho cô.

Joan Mitchell. Việt quất.

Joan Mitchell. 12 con chim diều hâu lúc 3 giờ.

Là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế kỷ, tác phẩm của Mitchell có trong các bảo tàng lớn, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney, New York; Bộ sưu tập Tate, Luân Đôn. Gần đây, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco và Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore đã đồng tổ chức một triển lãm hồi tưởng của Joan Mitchell, đang được trưng bày tại Fondation Louis Vuitton đến tháng 2 năm 2023.

Tại các cuộc đấu giá, kỷ lục của Mitchell là 16,6 triệu USD, thiết lập bởi tác phẩm trừu tượng ‘Blueberry’ [Việt quất] năm 1969 khi nó vượt ước tính 5 đến 7 triệu USD tại Christie’s New York vào năm 2018.

Sanyu (Chang Yu, 1895-1966). Cây mận trong chậu. Sơn dầu trên masonite. 90.5 × 63.5 cm. (35 5/8 × 25 in.). Vẽ những năm 1940.

Sanyu là một trong những tên tuổi lớn nhất của thị trường nghệ thuật châu Á trong những năm gần đây, với những bức tranh khỏa thân, hoa và động vật đạt mức giá đáng kinh ngạc từ mùa này sang mùa khác.

Vào tháng 7 năm 2020, ‘Hoa cúc trắng trong chậu’ đã lập kỷ lục với giá 191,6 triệu HKD tại Christie’s Hong Kong. Ba tháng sau, một bức tranh hoa khác, ‘Hoa trong chậu xanh và trắng’ đạt hơn 187 triệu HKD tại Sotheby’s, củng cố vị thế blue-chip của Sanyu trên thị trường.

Ngày nay Sanyu được ca ngợi là ‘Matisse của Trung Quốc’. Tuy nhiên lúc sinh thời ông đã sống trong khó khăn và hầu như không được biết đến trong thế giới nghệ thuật.

Sinh ra ở Tứ Xuyên vào cuối thế kỷ 19, Sanyu là con út trong một gia đình giàu có sở hữu một trong những nhà máy dệt lụa lớn nhất khu vực. Khi còn nhỏ, tình yêu của ông dành cho nghệ thuật được cha mẹ hoàn toàn ủng hộ, họ sắp xếp cho ông những buổi học tại nhà với một nhà thư pháp điêu luyện.

Cùng với làn sóng các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc đi theo chương trình vừa học vừa làm do chính phủ tài trợ, Sanyu đã đến Paris vào năm 1921. Sự hiểu biết sâu sắc của ông về nghệ thuật phương Đông gặp bối cảnh nghệ thuật hiện đại đang phát triển mạnh ở Paris, kết quả là những bức tranh đầy ấn tượng với phong cách thư pháp biểu cảm, mạnh mẽ và sống động, gợi nhớ đến hội họa Dã thú. Tài năng của ông không được công nhận vào thời điểm đó. Thay vì triển lãm và bán hàng, ông dựa vào tài sản gia đình để tiếp tục sáng tác.

Vào những năm 1930 khi anh trai ông qua đời, nguồn cung cấp đáng tin cậy duy nhất của ông đã chấm dứt. Với chiến tranh tàn phá châu Âu trong những năm sau đó, ông rơi vào tình trạng khốn khó hơn nữa. Vào thời điểm khó khăn nhất, ông thậm chí không thể mua đồ dùng cho nghệ thuật của mình.

Sanyu. Hoa mận và Cành mận. Sơn dầu trên ván. 129×69 cm. Cả hai thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đài Loan.

Sanyu. Chim ác là trên cành mận. Sơn dầu trên ván. 94×73.5 cm. Thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Đài Loan.

Chính trong bối cảnh đó, ‘Cây mận trong chậu’ được thực hiện, được biết đến là tác phẩm duy nhất vẽ trong những năm 1940 với chủ đề ‘hoa mận’. Trong văn hóa Trung Quốc, mận là loài hoa quí, được trân trọng vì nở rộ vào lúc mùa đông kết thúc. Sắc trắng tinh khiết của những bông hoa tượng trưng cho tinh thần bền bỉ và sự thanh lịch, nổi bật ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Hương thơm tinh tế và vẻ đẹp cô độc của chúng cũng gợi nhớ đến người họa sĩ với tài năng đáng kinh ngạc và lòng tự tin vào bản thân. Trên mặt bàn màu hoàng thổ, Sanyu vẽ thêm ký tự trên những lá bùa, biểu tượng của may mắn, tài lộc và trường thọ.

Hiện nay người ta biết đến khoảng hơn ba trăm bức sơn dầu của Sanyu, trong đó có mười bức vẽ hoa mận, ba trong số chúng nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng lịch sử Quốc gia Đài Loan.

Zao Wou-Ki (Zhao Wuji 1920-2013). 10.01.68. Sơn dầu trên toan. 82 × 116.5 cm. (32 1/4 × 45 7/8 in.) Vẽ năm 1968.

Đến Paris muộn hơn Sanyu khoảng hai thập kỷ, cuộc đời của Zao Wou-Ki hoàn toàn khác với tiền bối của mình: không chỉ gây ra những cuộc đấu giá điên cuồng ngày nay, mà nhu cầu đối với các tác phẩm của ông luôn cao, ông cũng thường xuyên nhận được những đề nghị tổ chức triển lãm cá nhân trong và ngoài nước.

Sinh ra ở Trung Quốc, ông bắt đầu vẽ tranh từ năm 10 tuổi. Giống như Sanyu, niềm yêu thích nghệ thuật sớm của ông được gia đình khuyến khích và ông được gửi đến học tại Trường Mỹ thuật Hàng Châu. Sau khi chuyển đến Paris vào năm 1948, Zao bước chân vào lĩnh vực trừu tượng. Bị cuốn hút bởi những văn bản cổ, ông bắt đầu vẽ những đường nét, biểu tượng thô đậm.

Năm 1957, Zao bắt đầu một chuyến đi kéo dài một năm với Pierre Soulages, đi đến New York, Nhật Bản và Hồng Kông. Cuộc hành trình này đưa ông vào vị trí trung tâm của giao lưu nghệ thuật quốc tế, nơi ông gặp gỡ các họa sĩ biểu hiện trừu tượng hàng đầu của Mỹ.

Được truyền cảm hứng sâu sắc, sự nghiệp của Zao đạt đến một đỉnh cao mới. Vào những năm 1960, nghệ thuật của ông bước vào thời kỳ Bão táp. Các biểu tượng thần kỳ dần dần tan chảy trên những tấm toan của ông, năng lượng và chuyển động của thư pháp chữ thảo pha trộn cùng chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng phương Tây, tạo nên phong cách hoang dại, táo bạo và mạnh mẽ.

Zao Wou-Ki. Một nơi khác. Thuộc thời kỳ đầu của Zao Wou-Ki (Cốt lõi).

Zao Wou-Ki. 29.09.64. Thuộc thời kỳ sau của Zao Wou-Ki (Bão táp).

‘10.01.68’ là một trong những tác phẩm ít được biết đến của Zao từ những năm 1960 có hai màu tương phản làm tông chủ đạo. Ông có niềm yêu thích với màu cam và màu xanh thiên thanh. Những tác phẩm của ông trong các thời kỳ đều nhiều lần lấy cam và thiên thanh làm màu chủ đạo. Màu cam gợi ra mùa thu, màu của niềm vui và sự thịnh vượng.

Màu xanh lam không phải là màu bắt nguồn từ Trung Quốc. Ngay cả trong đồ sứ trắng xanh đặc trưng nhất của Trung Quốc, men màu xanh cũng được du nhập từ Tây Á. Trong khi đối với Zao, bảng màu xanh lam được lấy cảm hứng từ chiếc áo choàng của Đức Mẹ. Ở phương Tây, màu xanh lam, sắc tố được tạo ra từ khoáng Lazurite trong thời Trung Cổ, là màu sắc quí phái, bền và đắt giá.

Giá của ‘10.01.68’ tại các cuộc đấu giá luôn ổn định. Năm 2011, nó đã lập kỷ lục mới cho Zao với giá 68,98 triệu HKD tại Sotheby’s Hong Kong, phá kỷ lục 5,9 triệu USD trước đó của họa sĩ. Bảy năm sau, nó được giới thiệu cũng trong căn phòng đó và thu về 68,93 triệu HKD.

Một vài lô khác:

Zao Wou-Ki. 12.05.83. Sơn dầu trên toan. 130 × 162 cm. (51 1/8 × 63 3/4 in.). Vẽ năm 1983.

Pierre Soulages. Peinture 130×97 cm, 1949.

Wu Guanzhong. Quế Lâm. Sơn dầu trên toan và ván. 46 × 54.7 cm. (18 1/8 × 21 1/2 in.). Vẽ năm 1991.

Nguồn: The Value, Christie’s.

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top