KẾT QUẢ HƠN 4,2 TRIỆU EURO ĐÃ BAO GỒM VAT
Phiên đấu giá lần thứ 42 dành cho nghệ thuật hiện đại châu Á, đã được tổ chức bởi Aguttes vào ngày 7 tháng 3 năm 2024 tại Neuilly-sur-Seine, đạt tổng giá trị 4.245.914 €. Năm 2024 cũng kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương do Victor Tardieu sáng lập. Trong số các tác phẩm được giới thiệu trong danh mục đấu giá, phải kể đến bộ sưu tập của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga, những người bạn thân thiết với cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nước Việt Nam.
“Phiên đấu giá lần thứ 42 này là lời tri ân tuyệt vời dành tặng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: 87% số lô hàng đã được đấu giá thành công, vượt xa dự kiến. Những kết quả này chứng minh sự năng động của khách hàng quốc tế. Thường xuyên tham dự các phiên đấu giá của chúng tôi tại Paris, họ khẳng định lại một lần nữa sự quan tâm đặc biệt đối với chất lượng của các tác phẩm mà chúng tôi cung cấp. Với một danh mục gồm 34 lô hàng, phiên đấu giá đạt tổng giá trị 4,2 triệu €.” – Charlotte Aguttes-Reynier, Chuyên gia
TOP 5
Lot 12 – Mai Trung Thứ (1906-1980), “En plein air” (Ngoài trời): 828.420 €
Lot 7 – Mai Trung Thứ (1906-1980), “Portrait de Madame Nguyễn Nguyệt Nga” (Chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga): 413.720 €
Lot 14 – Lê Phổ (1907-2001), “Femme aux oeillets” (Thiếu phụ bên hoa cẩm chướng): 407.340 €
Lot 20 – Lương Xuân Nhị (1914-2006), “Jeune femme au tricot” (Thiếu phụ đan len): 311.640 €
Lot 16 – Vũ Cao Đàm (1908-2000), “Marguerite au jardin jouant avec les poussins” (Marguerite bên đàn gà con trong vườn): 260.600 €
MAI TRUNG THỨ (1909-1980), NGHỆ SĨ ĐƯỢC AGUTTES TÔN VINH
Kể từ phiên đấu giá đầu tiên dành cho các Nghệ sĩ châu Á năm 2014, Aguttes đã đưa ra ánh sáng nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Mai Trung Thứ, đã từng được giữ kín trong một khoảng thời gian dài. Trong khuôn khổ phiên đấu giá lần thứ 42 này, 10 tác phẩm của nghệ sĩ đã thu về 2.214.674 €.
Những người mua đấu giá đã cạnh tranh căng thẳng trong nhiều phút đồng hồ đối với tác phẩm “Ngoài trời”, được thực hiện vào đầu những năm 1940. 828.420 € là giá bán cho bức tranh lụa này của Mai Trung Thứ, một tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh hưởng của phương Đông lan tỏa trong tác phẩm cùng với nguồn cảm hứng đến từ nghệ thuật châu Âu. Mai Trung Thứ vốn nổi tiếng với các bản vẽ minh họa thời trang trong các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam, trang phục của những thiếu nữ trong tranh cũng gợi nhớ đến phong cách vẽ nếp gấp vải trong nghệ thuật Hy Lạp. Chuyển động của nhân vật, đặc biệt là tư thế uốn mình theo đường cong, là điểm nổi bật trong phong cách của nghệ sĩ theo trường phái Kiểu cách của Ý thế kỷ 16.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980), “Ngoài trời”, khoảng 1940-1945
Mực và màu trên lụa, ký tên phía dưới bên trái, tiêu đề ở mặt sau
73 × 53,8 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Paris (mua trong một triển lãm ở Paris, khoảng 1946);
Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (để lại cho thế hệ sau);
Phiên đấu giá lần thứ [34] tại Aguttes, ngày 2 tháng 6, 2022, lô 220;
Bộ sưu tập ở Pháp
Đạt 828.420 €
Bộ sưu tập của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hợp đạt tổng trị giá 641.745 €. “Chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga” được Mai Trung Thứ thực hiện vào năm 1950, được bán với giá 413.720 €; đây là mức giá cao thứ hai của phiên đấu giá. Sống đồng thời giữa Pháp và Việt Nam từ năm 1948, ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga có mối quan hệ thân thiết với cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, đã kết bạn với một số họa sĩ Việt Nam nổi tiếng như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu cùng chồng là Ngô Thế Tân. Với mong muốn hỗ trợ sự nghiệp của các nghệ sĩ, họ đã đặt hàng một số tác phẩm hiện vẫn còn được lưu giữ trong bộ sưu tập gia đình cho đến ngày nay. Trong số đó, bức chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga được vẽ theo đơn đặt hàng, một công việc mà nghệ sĩ không thường xuyên thực hiện. Tác phẩm mang đượm tình cảm, thể hiện vẻ đẹp và sự dịu dàng của một người phụ nữ thanh lịch. Nghệ sĩ đã mang đến một bức tranh tinh tế, vĩnh cửu hóa nét đẹp của một người bạn, người sưu tầm và nhà bảo trợ của mình.
MAI TRUNG THỨ (1906-1980), “Chân dung Madame Nguyễn Nguyệt Nga”, 1950
Mực và màu trên lụa, có chữ ký và ghi thời gian phía trên bên trái
61 × 46 cm – 12 1/2 × 18 1/8 in.
Xuất xứ: Bộ sưu tập Nguyễn Hữu Hợp và Nguyễn Nguyệt Nga
Bộ sưu tập tư nhân, Paris (từ bộ sưu tập trước, khoảng 1965-1970)
Đạt 413.720 €
LÊ PHỔ (1907-2001), CÂY CẦU NỐI GIỮA PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY
Bức “Người phụ nữ và hoa cẩm chướng”, được bán với mức giá ấn tượng 407.340 €, thể hiện sự kết hợp hoàn hảo của Lê Phổ giữa hội họa truyền thống trên lụa và ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, đặc biệt là từ Ý. Người nghệ sĩ đã chọn Pháp là quê hương thứ hai của mình, lấy cảm hứng từ các họa sĩ sơ khai của Ý, trong khi vẫn giữ lại kỹ thuật và nguồn cảm hứng nghệ thuật Việt Nam. Ở tác phẩm này, họa sĩ tạo ra một sự bình yên đầy xúc động bằng cách sử dụng màu sắc đồng nhất, đường nét tinh tế, khối hình mềm mại và bức chân dung góc ba phần tư, gợi lên ảnh hưởng từ các họa sĩ cổ điển Ý thời Quattrocento.
LÊ PHỔ (1907-2001), “Thiếu phụ và hoa cẩm chướng”
Mực và màu trên lụa, ký tên phía trên bên phải, có tiêu đề và đánh số ở mặt sau
64,1 × 44,9 cm – 25 1/4 × 17 3/4 in.
Xuất xứ: Bộ sưu tập cá nhân, Casablanca (mua từ một triển lãm năm 1942)
Bộ sưu tập tư nhân, phía tây nam nước Pháp (có nguồn gốc từ bộ sưu tập trước)
Đạt 407.340 €
Bức sơn dầu trên toan mang tên “Hoa” (lô 17) cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu nghệ thuật và đạt mức giá 191.380 €.
LÊ PHỔ (1907-2001), “Hoa”
Sơn dầu trên toan, ký tên phía dưới bên phải
101 × 65.5 cm – 39 3/4 × 25 3/4 in.
Xuất xứ: Wally F Galleries, New York, Inv. no. 42266;
Bộ sưu tập tư nhân, Hoa Kỳ (được mua lại từ xuất xứ trước);
Bộ sư tập tư nhân
Đạt 191.380 €
MỘT TRONG SỐ NHỮNG TÁC PHẨM CHƯA TỪNG XUẤT HIỆN TRÊN THỊ TRƯỜNG, “THIẾU PHỤ ĐAN LEN” CỦA LƯƠNG XUÂN NHỊ
Những kết quả đấu giá thể hiện sự công nhận của người yêu nghệ thuật đối với tính hiện đại trong các tác phẩm của Lương Xuân Nhị, những tác phẩm mang đặc trưng cá nhân độc đáo. Đạt mức giá 311.640 €, bức tranh sơn dầu chưa từng được xuất hiện trên thị trường – “Thiếu phụ đan len”, mang một bảng màu mãnh liệt và sống động. Sinh ra tại Hà Nội vào năm 1914, người nghệ sĩ đóng một vai trò quan trọng trong giới nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1932. Trong thời gian học tập, ông được đào tạo bởi nghệ sĩ Pháp Inguimberty, người để lại ảnh hưởng rõ nét trong tác phẩm “Thiếu phụ đan len”, được giới thiệu vào ngày 7 tháng 3 vừa qua. Trung thành với những nguyên tắc mà Victor Tardieu đã chỉ dạy, ngay từ những năm 1940, ông đã chọn con đường truyền đạt tri thức và gia nhập đội ngũ giảng viên của trường.
LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006), “Thiếu phụ đan len”
Sơn dầu trên toan, ký tên trên cùng bên trái
61 × 46 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (mua tại Sài Gòn năm 1950 và mang về Pháp)
Bộ sưu tập tư nhân, tây nam Pháp (được để lại cho thế hệ sau, 1975)
Đạt 311.640 €
VŨ CAO ĐÀM (1908- 2000), HỌA SĨ CHÂN DUNG VỚI KHẢ NĂNG NẮM BẮT KHUNG CẢNH ĐỜI THƯỜNG
Vượt xa mức giá ước tính cao nhất, tác phẩm này của Vũ Cao Đàm thể hiện khung cảnh cuộc sống gia đình: Marguerite, cháu gái của nghệ sĩ, đang chơi với một đàn gà trong khu vườn. Được bán với giá 260.599 €, tác phẩm này ghi lại một cảnh đời thường diễn ra ở Béziers, có thể vào mùa hè năm 1951. Những chú gà trống là biểu tượng cho lòng dũng cảm, sức mạnh, và sự nam tính, trong khi gà mái và gà con được cho là đại diện cho cuộc sống gia đình đối với nghệ sĩ, minh họa các giá trị trong xã hội Việt Nam.
VŨ CAO ĐÀM (1908-2000) “Marguerite cùng đàn gà con trong vườn”
Mực và màu trên lụa, ký tên phía dưới bên phải
55 × 43 cm – 21 5/8 × 16 7/8 in.
XUẤT XỨ: Bộ sưu tập của bác sĩ Nguyen Van Tung, bạn nghệ sĩ, họ gặp nhau vào thập niên 1930
tại Paris (mua lại tháng 8 năm 1956, sau đó được để lại cho con cháu);
Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (từ bộ sưu tập trước, năm 2000)
Đạt 260.600 €
“Năm 2014, cách đây mười năm, Aguttes phát hiện ra tác phẩm ‘Le Thé’ của Lê Phổ (một trong những sinh viên của khoá đầu tiên) tại Paris. Nhà đấu giá quyết định dành cho tác phẩm một vị trí đặc biệt trong phiên đấu giá, giúp cho tác phẩm đạt được mức giá bán phù hợp. Điều này cũng khơi nguồn cho sự thức tỉnh của một thị trường đã ngủ quên kể từ giữa thế kỷ XX.
Như những gì Béatrice de Rochebouët đã viết trong tờ Figaro số ra ngày 22 tháng 2 năm 2024: ‘Vào ngày 7 tháng 3, phiên đấu giá nghệ thuật hiện đại Việt Nam tại Aguttes sẽ tạo ra xu hướng cho thị trường mới mẻ này,’ tôi cảm thấy thật vui mừng trước sự quan tâm mà người mua đấu giá và các nhà sưu tầm đến từ châu Á và quốc tế dành cho môn nghệ thuật tinh tế này.” – Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia
Phiên đấu giá tiếp theo
Thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2024
Để biết thêm thông tin, liên hệ
Charlotte Aguttes-Reynier – Chuyên gia
+33 1 41 92 06 49 – reynier@aguttes.com
Nguồn: Aguttes