MAI TRUNG THỨ (1906-1980). Khăn quàng xanh* (tên do họa sĩ đặt). 1942. Lụa. 30,5x22cm
Từ một bức tranh mang tính lịch sử …
Ngày 24.11.2010, tại Nhà đấu giá Millon của Pháp, trong phiên đấu “Nghệ thuật hiện đại và đương đại” có một bức tranh rất đặc biệt. Đó là bức tranh “Chiều tà”, chất liệu sơn dầu, sáng tác 1915, kích thước 35x46cm do Vua Hàm Nghi (1871-1944) sáng tác. Đây cũng là bức tranh đầu tiên do vua Hàm Nghi sáng tác xuất hiện trên một sàn đấu giá. Tranh có giá khởi điểm từ 800-1k eur. Giá được đẩy lên rất nhanh, sau 10p tranh đã được chốt 8800 eur, từ một người đấu giá qua điện thoại. Nhà sưu tập sở hữu bức tranh “Chiều tà” là bác sĩ Gérard Chapuis người Pháp, gốc Việt, sinh sống tại Marseille.
Hàm Nghi (1871-1944). Chiều tà. 1915. Sơn dầu. 35×46 cm
Lịch sử Việt Nam ghi: Hàm Nghi huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ năm của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871 (có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) và vua Đồng Khánh (Chánh Mông hay Ưng Kỷ). Hàm Nghi cùng với vua Thành Thái và Duy Tân là ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc.
Vì tư tưởng này, vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, nhà vua đến thủ đô Alger của Algérie. Bắt đầu cuộc sống tha hương nơi đất khách quê người đến tận khi qua đời vào năm 1944.
Vua Hàm Nghi – Chân dung tự họa 24/7/1896
Năm 1896, trong tình cảnh bị cưỡng bức đủ điều, vua Hàm Nghi đã đến với hội họa bằng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của một vị minh quân khi ông thực hiện hiện một bức chân dung tự họa bằng chì than đầu tiên. Bức chân dung tự họa này được vẽ theo ảnh chụp khi nhà vua mới lưu vong vài năm và trang phục trong ảnh vẫn là trang phục thuần túy của phong cách hoàng gia Việt Nam. Sau đó, ông đã in sao ra hàng loạt và tặng bức họa này cho những người ông gặp như tấm thẻ xã giao theo phong tục thời bấy giờ. Nhưng mục đích chính là muốn nói: “Tôi vẫn là vua của nước An Nam và người Pháp không thể khuất phục được lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của vị vua như tôi”. (Theo Nhã Khai).
Chính vì những suy nghĩ và hành động như trên, Hàm Nghi đã trở thành một biểu tượng về lòng yêu nước của người Việt nói chung và dân tộc Việt nói riêng. Vì vậy, những câu chuyện xung quanh cuộc đời, sự nghiệp, tất cả mọi thứ liên quan đến vua Hàm Nghi đều được quan tâm đặc biệt. Điều đó lý giải về việc bức “Chiều tà” của vua Hàm Nghi đã được đấu ở mức giá cao; tại thời điểm người Việt còn ít biết đến các cuộc đấu giá quốc tế.
Đến đấu giá “Khăn quàng xanh” của Mai Trung Thứ
Viet Art View muốn cùng các bạn lật giở lại đôi chút lịch sử đề dẫn, bởi bức tranh “Khăn quàng xanh” được giới thiệu ở đây có một số phận đặc biệt. Tranh do danh họa Mai Trung Thứ sáng tác và thuộc sở hữu của vua Hàm Nghi. Đây là hai tên tuổi huyền thoại của lịch sử của chính trị và nghệ thuật Việt Nam.
Danh họa Mai Trung Thứ (1906-1980). Ảnh chụp năm 1942 tại Paris, Pháp
Galerie dArt Pasteur – Alger, Oran – Exposition Mai Thu, Le Pho, Vu Cao Dam – Peintures Indo-Chinoises (cir 1942-1944)
Tên ba họa sĩ trưng bày tranh trong triển lãm
Danh sách các bức tranh trưng bày trong triển lãm – Trois Peintres Indochinois – Cir 1942-1944
Gaston POULAIN – Trois Peintres Indochinois – Cir 1942-1944
Ông Hàn Ngọc Vũ, chủ nhân mới của “Khăn quàng xanh” chia sẻ: “Tháng 10 năm 2022, trong một chuyến công tác, tôi ghé qua Pháp, thăm phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trước phiên đấu “Peintres & Arts du Vietnam – Hội họa và Nghệ thuật Việt Nam” của Nhà đấu giá Aguttes. Tôi đã gặp bà Charlotte Aguttes-Reynier– Giám đốc Nghệ thuật của Aguttes. Hai bên đã có những câu chuyện chia sẻ hết sức chân thành về nghệ thuật. Bà Charlotte đặc biệt lưu ý tôi bức “L’écharpe bleue –Khăn quàng xanh” do danh họa Mai Trung Thứ vẽ; bởi tác phẩm đã từng thuộc sở hữu Bộ sưu tập Nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Khi ngắm nhìn bức tranh, trong tôi có những rung động lạ kỳ. Tôi nghĩ, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang tới cho người thưởng lãm những xúc cảm về vẻ đẹp tạo hình, gợi trí tưởng tượng và mong muốn khám phá về nội dung con người, cảnh vật, chủ đề trong đó. Với những tác phẩm mà sự tồn tại của chúng đã trải dài qua nhiều thăng trầm lịch sử, từng đi qua không gian lưu giữ và sự thưởng lãm của nhiều chứng nhân nổi tiếng, thì sự tò mò của ta với tác phẩm lại còn sâu xa hơn rất nhiều. Bức tranh lụa “Khăn quàng xanh” của Mai Trung Thứ là một tác phẩm như vậy”.
Ông Hàn Ngọc Vũ, chủ nhân mới của “Khăn quàng xanh”. Ảnh chụp tháng 11/2022 tại Viet Art View studio
Trên thực tế, Mai Trung Thứ là một trong những họa sĩ Việt, có tác phẩm được yêu mến nhất, đấu giá cũng cao nhất, tranh luôn đắt dần theo thời gian. Hiện này, kỷ lục bức tranh cao giá nhất của hội họa Việt Nam (tính đến hết năm 2022) vẫn thuộc về một bức tranh của Mai Trung Thứ. Đó là “Chân dung cô Phượng” với giá 3,1 triệu usd. Một dấu son đỏ cho hội họa Việt Nam.
MAI TRUNG THỨ. Chân dung cô Phượng. 1930. Sơn dầu. 135,5x80cm
So với một bức tranh có cùng chủ đề và kích cỡ tương đương của Mai Trung Thứ thì “Khăn quàng xanh”, kích thước 30,5x22cm, chỉ hơi đắt một chút. Nhưng nếu xét về ngữ nghĩa sâu xa, bức tranh này đã từng thuộc sở hữu của vua Hàm Nghi. Điều này mới tạo nên giá trị thực sự cho tác phẩm.
Giá trị “hữu hình” và giá trị “vô hình” của tác phẩm nghệ thuật
Khi nói về giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, khái niệm “hữu hình” và “vô hình” luôn song hành. Giá trị “hữu hình” là vẻ đẹp tự thân của bức tranh và tên tuổi người sáng tác. Giá trị “vô hình” là những câu chuyện xung quanh tác phẩm. Có thể là lịch sử, nguồn gốc, chủ sở hữu, bối cảnh bức tranh đã trải qua. Một bức tranh có đời sống phong phú, từng được ở trong những bộ sưu tập nổi tiếng; nếu được đặt đúng “trọng tâm lịch sử”, bản thân tác phẩm sẽ trở nên rất có gía trị.
Salon trong nhà của Yves Saint Laurent tại rue de Babylone, Paris, 2009
Trong bài “Ronathan Redell – cách tôi nhìn một ngôi nhà” (nguồn Christie’s) Ngài Jonathan Rendell, Phó Chủ tịch Christie’s đã phát biểu: “Tôi vào một ngôi nhà với tư cách là một nhà nhân chủng học để tìm kiếm những thứ đồ đạc, tìm ra những thứ tóm gọn lại con người mà những đồ vật đó thuộc về. Đôi khi đồ vật đó có thể có rất ít hoặc không có giá trị nội tại — như chiếc kẹp tiền của Rockefeller. Đối với tôi, tạo tác đó lại nói lên tất cả mọi thứ về Rockefellers, về New York trong những năm Ba mươi và Bốn mươi, về sự giàu có và địa vị. Đó là tất cả trong một tạo vật nhỏ bé.
Nếu bạn là một chủ ngân hàng ở Manhattan, bạn có muốn sở hữu một chiếc kẹp tiền từng thuộc về Rockefellers không? Nó đặt bạn, người mua, vào cùng mối quan hệ với đối tượng như những người đã sở hữu nó trước đó. Đó là lý do tại sao xuất xứ là rất quan trọng. Trên thực tế, xuất xứ là tất cả: nơi một tác phẩm xuất phát cũng quan trọng như bản thân nó.”
Những ý kiến trên của ngài Ronathan Redell rất chính xác, đúc rút từ các kinh nghiệm thực tế, sau 30 năm làm việc tại Christie’s của ông.
Từ đó, có thể hiểu tại sao bức “Chiều tà” do vua Hàm Nghi sáng tác, sau khi đấu giá năm 2010 tại Millon (Pháp) đã được rất nhiều phương tiện truyền thông đăng tải như một sự kiện lớn. Hiện nay, giá trị thương mại của “Chiều tà” rất khó ước tính bởi giá trị lịch sử “bức tranh do một vị vua sáng tác” đã vượt các khung tính định lượng thông thường.
Ảnh chụp vua Bảo Đại tại Thụy Sĩ, năm 1954, vua Bảo Đại tới Geneva (Thụy Sĩ) để tham dự Hội nghị ngoại giao Đông Dương (https://xwatch.vn)
Những món đồ đã từng thuộc sở hữu Hoàng gia, nguồn gốc quý tộc luôn được săn đón và kiếm tìm. Tháng 5 năm 2017, chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 Oyster Perpetual, thuộc sở hữu của vua Bảo Đại đã trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất lịch sử nhân loại khi đã được bán ở mức 5 triệu usd (114 tỷ đồng, tỷ giá quy đổi thời điểm ấy) trong một cuộc đấu giá ở Hotel La Reserve ở Geneva (Thụy Sĩ).
Gần đây nhất, tháng 10 năm 2022, Nhà đấu giá Millon cũng đã đưa lên sàn đâú, ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”, thuộc triều Nguyễn, do vua Bảo Đại sở hữu. Trước phiên đấu, làn sóng dư luận rất lớn của công luận về việc phải đưa ấn vàng hồi hương đã được nhà nước và những người con trong dòng tộc Nguyễn lưu ý đặc biệt. Sau những cuộc thương thảo bí mật với mức giá cũng bí mật, “Hoàng Đế Chi Bảo” đã chính thức chuẩn bị được đưa trở về quê hương. Tất nhiên ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo’ được đặt ở một tầm khác. Nhưng tất cả những món đồ có lịch sử, xuất xứ thuộc hoàng gia chắc chắn sẽ rất đắt đỏ.
Ấn vàng Hoàng Đế chi bảo
Những món đồ đã từng thuộc sở hữu Hoàng gia, nguồn gốc quý tộc luôn được săn đón và kiếm tìm. Tháng 5 năm 2017, chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 Oyster Perpetual, thuộc sở hữu của vua Bảo Đại đã trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất lịch sử nhân loại khi đã được bán ở mức 5 triệu usd (114 tỷ đồng, tỷ giá quy đổi thời điểm ấy) trong một cuộc đấu giá ở Hotel La Reserve ở Geneva (Thụy Sĩ).
Gần đây nhất, tháng 10 năm 2022, Nhà đấu giá Millon cũng đã đưa lên sàn đâú, ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”, thuộc triều Nguyễn, do vua Bảo Đại sở hữu. Trước phiên đấu, làn sóng dư luận rất lớn của công luận về việc phải đưa ấn vàng hồi hương đã được nhà nước và những người con trong dòng tộc Nguyễn lưu ý đặc biệt. Sau những cuộc thương thảo bí mật với mức giá cũng bí mật, “Hoàng Đế Chi Bảo” đã chính thức chuẩn bị được đưa trở về quê hương. Tất nhiên ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo’ được đặt ở một tầm khác. Nhưng tất cả những món đồ có lịch sử, xuất xứ thuộc hoàng gia chắc chắn sẽ rất đắt đỏ.
Chân dung Thánh Mẫu ở Phủ Nấp, Nam Định
Ngắm khăn quàng xanh, nghĩ về tâm thức Việt
“Khăn quàng xanh” là một bức tranh lụa nhỏ xinh mô tả một người thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng, đầy nữ tính với bút pháp tạo hình đặc trưng của Mai Trung Thứ. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy đây là phong cách xuyên suốt của bộ tứ danh họa Việt ở châu Âu. Mai Trung Thứ cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu…đã đem nỗi nhớ xa quê, hình ảnh về quê hương luôn thường trực trong tâm trí, chuyển vào những tác phẩm hội họa, biến thành những vẻ đẹp mềm mại, thấm đẫm yêu thương…
Tuy sống ở Pháp, nhưng Mai Trung Thứ không nguôi nỗi nhớ quê hương da diết… Ông đã sáng tác nhiều bức tranh về Việt Nam, trong đó có “Khăn quàng xanh”… Vì thế, tạo hình các nhân vật; cảnh vật; không gian đậm nét văn hoá Việt. Hình ảnh dịu dàng của thiếu nữ khiến Viet Art View liên tưởng đến chân dung Thánh Mẫu. Hình tượng Thánh Mẫu chứa đựng những đặc điểm tư tưởng, tình cảm, tính cách của dân tộc và phụ nữ Việt; đặc biệt là truyền thống văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Thánh Mẫu với khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ, toát lên sự chở che, bao dung, độ lượng… Bàn tay mềm mại, đầy nữ tính, nhẹ nhàng, uyển chuyển thanh tẩy cảm xúc, tu dưỡng tâm thiện. Các chi tiết trang trí đậm nét kiểu thức hoa văn trang trí dân gian Việt. Đặc biệt các họa tiết trang trí trong các cung điện lộng lẫy của cố đô Huế được Mai Trung Thứ tái hiện lại trên các khung tranh do ông tự tay thiết kế và hoàn thiện. Thậm chí, có những bức tranh, như “Khăn quàng xanh”, tuy ông không trực tiếp hoàn thiện khung nhưng ông ghi rõ (ở mặt sau tranh) nên thiết kế khung tranh như thế nào cho phù hợp nhất. Đây là một điểm khác biệt của Mai Trung Thứ với hầu hết các họa sĩ khác.
Đấu giá “Khăn quàng xanh” từ Pháp, mang về Việt Nam
Trên thực tế, so với một số tác phẩm về đề tài thiếu nữ của Mai Trung Thứ thì “Khăn quàng xanh” chưa nằm trong số những tác phẩm xuất sắc nhất mà ông đã sáng tác. Nhưng bức tranh lại trở nên đặc biệt bởi câu chuyện của chính nó.
Theo tư liệu từ Nhà đấu giá Aguttes: Bức “Khăn quàng xanh” có nguồn gốc từ Bộ sưu tập của vợ vua Hàm Nghi, tại El-Biar, Algérie… Vua Hàm Nghi đã buộc phải sống lưu vong ở Algérie từ năm 1888 vì chống lại sự hiện diện của Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tìm niềm an ủi trong hội họa, mỹ thuật. Ông vẽ, điêu khắc và sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Ông kết hôn năm 1904 tại Algiers, với Marcelle Laloë, con gái của Chủ tịch Tòa phúc thẩm Algiers, người đã sinh cho ông 3 người con.
Vua Hàm Nghi và vợ gặp Monsieur X khi họ đang xây dựng dinh thự Gia Long ở El-Biar. Monsier X là người đã cung cấp những dịch vụ trong quá trình xây dựng dinh thự của vua Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi qua đời năm 1944, vợ và các con ông về sau vẫn thân thiết với Monsier X và gia đình của người này. Vợ vua Hàm Nghi sau đó đã tặng Monsier X “Chiếc khăn xanh” như một món quà bày tỏ lòng cảm ơn tình bạn và những sự giúp đỡ của ông. Bà cư trú tại dinh thự của gia đình ở Périgord, cho đến khi qua đời vào năm 1974, con cháu của Monsier X thì định cư ở miền Đông Nam”.
Với một lịch sử nguồn gốc rõ ràng trong một gia đình hoàng tộc, “Khăn quàng xanh” của Mai Trung Thứ được ông Hàn Ngọc Vũ lưu ý đặc biệt. Ông chia sẻ:“Mặc dù từng có một số bức tranh lụa chủ đề này, giai đoạn này của Mai Trung Thứ đã khiến tôi thích thú, nhưng tôi chưa sở hữu bức nào, đơn giản vì giá của chúng cao. Tuy nhiên,“Khăn choàng xanh” khiến tôi thích thú hơn nhiều vì hành trình lịch sử mà tác phẩm đã trải qua. Hãy thử hình dung, một người hoạ sĩ Việt Nam tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường mỹ thuật đầu tiên tại Đông Dương do người Pháp thành lập và hướng dẫn, nay do nhiều lý do lại sinh sống trên đất Pháp, nhưng cũng lại do hoàn cảnh chiến tranh mà Pháp thời điểm đó là bên yếu thế, nên không thuận lợi cho việc triển lãm ở trên đất nước bị phát xít Đức chiếm đóng, nên đã tìm đường để sang một xứ thuộc địa khác của Pháp là Algeria để triển lãm tranh. Và cũng tại xứ Algeria đó, một ông vua của một nước thuộc địa khác của Pháp, vua Hàm Nghi của Việt Nam, đang sống cuộc đời lưu vong ngoài mong muốn bên cạnh người vợ Pháp mà ông kết hôn theo ý chí và tình yêu của mình. Tại sao vua Hàm Nghi và vợ đã chọn mua bức “Khăn quàng xanh” của Mai Trung Thứ ? Hàm Nghi hay người vợ là người lựa chọn bức tranh đó ? Họ có gặp Mai Trung Thứ và mua bức tranh trong giai đoạn triển lãm năm 1942 tại Alger không, hay mua sau đó khi triển lãm đã kết thúc ? Hàm Nghi đã treo bức tranh này ở đâu, mời những ai tới xem tranh, trước khi ông qua đời chỉ vài năm sau đó, năm 1944?”
Tại phiên đấu gía Aguttes 3.10.2022
Từ bên trái sang: Ông Hàn Ngọc Vũ và vợ là bà Thạch Lê Anh, bà Charlotte Aguttes-Reynier – Giám đốc Nghệ thuật của Aguttes, tại Aguttes Office Neuilly sur Seine 25.11.2022 (khi ông Hàn Ngọc Vũ và vợ quay lại Pháp mang bức tranh về Việt Nam sau nhiều thủ tục liên quan đến giấy phép).
Một trang của Giấy phép XK
Mặt sau của bức “Khăng quàng xanh”
Những suy nghĩ trên của ông Hàn Ngọc Vũ là tâm lý chung của những nhà sưu tập nghệ thuật. Khi gặp một bức tranh đẹp, quý, có lịch sử đặc biệt họ đều có những suy nghĩ, cân nhắc. Quyết định có mua hay không mua đều phụ thuộc vào hai điều ấy.
Và cuối cùng, ông Hàn Ngọc Vũ đã quyết định: “Rất nhiều câu hỏi đã hiện ra mà tôi biết chắc rằng các câu trả lời chỉ có thể là sự phỏng đoán. Chỉ một kết luận duy nhất được đưa ra và được thực hiện, đó là cần phải mua “Khăn quàng xanh” và đưa bức tranh về Việt Nam”.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View