Tưởng nhớ 90 năm năm sinh họa sĩ Trần Hữu Chất (1933-2023)
Họa sĩ Trần Hữu Chất (1933-2018)
TỪ HÌNH ẢNH ĐÀN CHIM VIỆT
Ngày 20.8.2023 tại Nhà Hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình kỷ niệm 100 năm sinh Nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023) với tiêu đề “Đàn chim Việt”.
Theo thông tin từ báo chí, các nhạc phẩm bất hủ do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác như: “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Trương Chi”, “Làng tôi”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Trường ca sông Lô”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, “Chiến sĩ Việt Nam”… sẽ được trình bày tới công chúng.
Hình ảnh trong buổi họp báo giới thiệu chương trình “Đàn chim Việt” với hình tượng đàn chim bay hướng về lá cờ đỏ sao vàng làm Viet Art View chợt nhớ đến một tác phẩm của họa sĩ Trần Hữu Chất (Hồng Chinh Hiền, 1933-2018) với rất nhiều cánh chim mang chủ đề lịch sử có tính biểu tượng dân tộc, khái quát cao.
CÓ PHẢI BỨC TRANH ĐƯỢC ĐẶT HÀNG?
Thoạt nhìn tác phẩm, có thể chúng ta sẽ băn khoăn, không biết, khi họa sĩ Trần Hữu Chất sáng tác bức tranh này ông có được đặt hàng không, hay ông lấy cảm hứng từ cánh cò, một biểu tượng truyền thống trong ca dao, ăn sâu vào tiềm thức của văn hóa người Việt.
Trần Hữu Chất (1933-2018). Ngày hội non sông. 2002. Sơn dầu. 150×150 cm
Lật lại lịch sử những lần thay đổi logo của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cho thấy. Từ khi thành lập hãng năm 1993 đến năm 2002, hãng sử dụng logo “con cò với vầng trăng”; logo “bông sen vàng” từ năm 2002; Năm 2015 vẫn là logo “bông sen vàng” nhưng đã thay đổi phông màu, chỉnh sửa tỷ lệ chữ Viet Nam Arline và tỉ lệ bông hoa sen sao cho hài hòa, cân đối và nổi bật.
Bức tranh này được họa sĩ Trần Hữu Chất sáng tác năm 2004, như vậy, gần như chắc chắn ít khả năng đây là một bức tranh được đặt hàng. Nhưng nếu được đặt hàng cũng chỉ là một lý do để thể hiện câu chuyện của nghệ sĩ, bởi giá trị nghệ thuật nằm ở trên chính mặt tranh.
CƠ BẢN HỘI HỌA TRẦN HỮU CHẤT
Họa sĩ Trần Hữu Chất tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam – khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), tốt nghiệp Đại học chính quy (1962-1967), học tại Học viện gốm sứ Giang tây Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc (trong hai năm). Và cuối cùng ông học một năm tại Học viện Clermont Ferrand, Pháp.
Họa sĩ Trần Hữu Chất chuyên chất liệu sơn mài và sơn khắc. Những tác phẩm sơn khắc khổ lớn của ông về đề tài văn hóa các dân tộc, các lễ hội trên các vùng miền của tổ quốc với rất đông nhân vật (có bức lên tới hàng trăm) là chủ đề chính và xuyên suốt quá trình sáng tác. Những nét khắc tỉ mỉ, chi tiết, tinh tế, khéo léo của ông trên mặt vóc khiến người xem phải thán phục và kinh ngạc.
Các tác phẩm sơn khắc của ông được lưu giữ nhiều trong bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân.
Ngoài ra, chất liệu sơn dầu cũng được ông sáng tác, tuy ít hơn nhưng tính cá nhân lại tuyệt đối hơn cả bởi chắc chắn ông thể hiện, thực hiện chỉ có một mình.
THÔNG ĐIỆP TRONG TÁC PHẨM “NGÀY HỘI NON SÔNG”
Bức tranh “Ngày hội non sông”, chất liệu sơn dầu, kích thước 150×150 cm, được ông sáng tác năm 2004 với tiêu điểm là biểu tượng của chiếc máy bay với logo “con cò với vầng trăng” chính giữa. Và trên cao nhất, giữa non xanh trùng điệp, chắc chắn rõ ràng là biểu tượng bất khuất của chiến dịch Điện Biên Phủ với tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhà điêu khắc Nguyễn Hải (1933-2012). Bên cạnh đó lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên nóc hầm Đờ Cát.
Đến đây, phần nào thông điệp câu chuyện của bức tranh được giải nghĩa rõ ràng. Năm 2004 “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”.
Như vậy, hình ảnh chiếc máy bay màu trắng với “vầng trăng và cánh cò” cùng đàn cò trắng bay lượn trên những viền mây vàng tuyệt đẹp phủ trên nền trời xanh ngắt với rất nhiều nhân vật thuộc các dân tộc Việt, có cả chiến sĩ, có thương binh, có cả những người nước ngoài (dường như đang đi du lịch)… mang cho người xem cảm giác vui vẻ, rộn ràng ngày lễ hội.
Có nhiều cá tính mạnh khi xem những bức tranh với ngôn ngữ tạo hình “hiện thực, hiền hòa” như “Ngày hội non sông” có thể sẽ nghĩ “chủ đề, ngôn ngữ tạo hình, bút pháp” chưa có gì đột phá, đặc biệt, có đáng để xem kỹ hay không? Hiện thực hay phá cách mới là sáng tạo thì còn phải phụ thuộc vào nội dung trao gửi.
Trên thực tế, giá trị câu chuyện của tác phẩm mới khiến đời sống của nó được lâu bền. Càng sâu sắc về thông điệp càng gây ấn tượng mạnh về cảm xúc. Họa sĩ Trần Hữu Chất dùng hình tượng logo “vầng trăng và đàn cò trắng” là chất dẫn để những cánh cò đang nhịp nhàng vỗ cánh bay thành đoàn như một thông điệp về dân tộc, hòa bình, đoàn kết, chiến thắng, hạnh phúc.
Các chi tiết tạo hình được lồng ghép tinh tế, hài hòa. Có cả tạo hình trong vốn cổ dân tộc như hình vân mây lấy từ motif mỹ thuật cổ trong các đình, chùa, bia văn…
Và đấy là hình ảnh biểu tượng trong văn hóa truyền thống, xuyên suốt lịch sử văn hóa của dân tộc.
Và với Viet Art View, đây là một bức tranh có quá nhiều ý nghĩa lịch sử, thông điệp rõ ràng và kể được một câu chuyện về một dân tộc anh hùng và nhân văn.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View