Logo loading

KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30.4.1975 – 30.4.2024

XEM MỘT SỐ HÌNH NGHÊN CỨU CỦA NGUYỄN SÁNG CHO BỨC TRANH “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC” NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988). Thành đồng Tổ quốc. 1967 – 1978. Sơn mài. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Nghệ thuật hiện đại dường như đã làm biến đổi toàn bộ các khái […]
|Viet Art View

XEM MỘT SỐ HÌNH NGHÊN CỨU CỦA NGUYỄN SÁNG CHO BỨC TRANH “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988). Thành đồng Tổ quốc. 1967 – 1978. Sơn mài. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Nghệ thuật hiện đại dường như đã làm biến đổi toàn bộ các khái niệm của hội họa. Ngày nay, thật khó có được những định nghĩa chặt chẽ cho các thể loại mang tính phụ thuộc cổ điển như tranh lịch sử, tranh chiến trận, tranh tôn giáo, thậm chí cho đến cả tranh tĩnh vật, tranh chân dung, tranh phong cảnh…

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988). Thành đồng Tổ quốc. 1967. Sơn dầu. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Vô số bức tranh của thời kỳ hiện đại, có thể nói, tự chúng tồn tại như những hình thái hội họa riêng biệt, khiến chúng ta cần tiếp nhận chúng như những thực thể theo một hệ quy chiếu mang tính giả định nào đó. Chúng định vị trong tâm trí con người, gây xúc động cho chúng ta mà không cần xác định rõ ràng về mặt thể loại.

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988). Phác thảo toàn bộ tranh “Thành đồng Tổ quốc”. 1978. Chì than. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội

* * *

Ở nước ta, nếu một số tranh như “Xô-viết Nghệ Tĩnh” (sáng tác tập thể), hoặc “Đấu tranh chống thuế năm 1930” của Nguyễn Tư Nghiêm hay “Nam Kỳ năm 1940” của Huỳnh Văn Gấm – có thể gọi là tranh lịch sử – thì các tranh như “Trái tim và nòng súng” của Huỳnh Văn Gấm hay “Thành đồng Tổ quốc” của Nguyễn Sáng có thể gọi là tranh lịch sử được không?

Đúng, cả hai bức kể sau của Huỳnh Văn Gấm và Nguyễn Sáng đều xuất phát từ những sự kiện lịch sử, lấy cảm hứng từ lịch sử, nhưng lịch sử ấy lại đồng thời với hiện tại, song song với quá trình sáng tác của người vẽ, với tinh thần “tham dự” rất trực tiếp, rất gần với hành động của người vẽ tranh cổ động- thì khó có thể gọi chúng là tranh lịch sử.

Bởi thế, những tranh như vậy đã từng được gọi dưới cái tên: “Bố cục chính luận”.

Riêng tranh “Thành đồng Tổ quốc” của Nguyễn Sáng, trên thực tế, có hai bản khác nhau. Một bản được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, đát 1967. Một bản phát triển bằng chất liệu sơn mài, đát 1967-1978. Bản đầu là một bố cục chính luận. Bản thứ hai, có thể nói, vừa là một bố cục chính luận vừa là tranh lịch sử.

NGUYỄN SÁNG – Hình nghiên cứu các người mẫu tên Hiếu, Việt… 1978. Chì than. Sưu tập Phạm Văn Thông

* * *

Nguyễn Sáng là một họa sĩ để lại rất ít tư liệu, từ ký họa, hình nghiên cứu, phác thảo đến bản hình mẫu (carton), khiến chúng ta biết rất ít về quá trình thực hiện tác phẩm của ông. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn lưu một phác thảo cho bức tranh “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ”, nhưng lâu nay cũng không mấy ai được trông thấy.

Điều may mắn là mới gần đây, ông Phạm Văn Thông ở Hà Nội đã mua được từ một người thân trong gia đình Nguyễn Sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh một số lượng “đô-cu-măng” rất đáng kể, trong đó có một phác thảo và khá nhiều hình nghiên cứu của Nguyễn Sáng cho bức tranh “Thành đồng Tổ quốc”.

Nếu  đối chiếu với bản sơn dầu Nguyễn Sáng vẽ năm 1967 tại Hà Nội thì bản phác thảo và phần lớn các hình nghiên cứu này đã được Nguyễn Sáng thực hiện để phục vụ cho bản sơn mài vẽ năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã nới rộng tranh theo chiều ngang, tạo thành một “panorama” (122x245cm), bổ sung nhân vật, đầu tư chuẩn xác hình họa và cấu trúc không gian…

Nói theo cách Nguyễn Sáng hay nói: Thì bản sơn dầu đầu tiên chỉ là một “phác thảo”, một thử nghiệm ghi lại cảm xúc bùng phát (ngay cả tranh “Giặc đốt làng tôi” Nguyễn Sáng cũng chỉ coi như một phác thảo).

Theo đánh giá của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng không chỉ là một con người của tư tưởng, ông còn là một con người của sáng kiến và kỹ năng. Quá trình phát triển của nghệ thuật Nguyễn Sáng, trên thực tế, luôn luôn dựa trên một nền tảng nghề nghiệp vô cùng vững chắc, là một trong những yếu tố quan trọng đã tạo nên sức thuyết phục của nghệ thuật ông. Nghề nghiệp cũng là một phương tiện để Nguyễn Sáng biểu lộ óc sáng tạo phong phú, hoàn toàn tự do, không câu nệ, một tầm suy nghĩ rộng rãi.

NGUYỄN SÁNG – Hình nghiên cứu các người mẫu tên Linh, Tâm và các thế tay. 1978. Chì than. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội

NGUYỄN SÁNG – Hình nghiên cứu thế tay cầm súng của tên lính Mỹ và súng M.16. 1978. Chì than, bút sắt. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội

Người ta thường nói “hình của Sáng”, nhưng lại thường hay đồng nhất với khả năng vẽ “bịa” của Nguyễn Sáng. Sự thật, Nguyễn Sáng có thể giản lược rất giỏi bất cứ cái gì, nhưng đó là kết tinh của một quá trình quan sát, nghiên cứu và rèn luyện lâu dài, bao giờ cũng xuất phát từ hiện thực, từ cái trông thấy- và trước hết: Nhờ tài năng và sức mạnh vô thức đặc biệt của ông.

Nguyễn Sáng, có thể nói, là một trong mấy bậc thầy hiện đại-cổ điển cuối cùng thông thạo lối dựng tranh theo truyền thống xưởng họa, xây dựng nhân vật dựa trên người mẫu (mẫu sống). Qua các hình nghiên cứu cho tranh “Thành đồng Tổ quốc”, chúng ta có thể thấy Nguyễn Sáng nghiên cứu rất có trọng tâm. Ông đi sâu vào chân dung các nhân vật của phong trào học sinh sinh viên các đô thị miền Nam đấu tranh đòi đế quốc Mỹ “Go home/ Cút về nước”, biểu thị mạnh mẽ tinh thần, khí phách mang đặc tính Nam Bộ của họ. Các dáng đứng, thế chuyển động, nhất là sự tích tụ năng lượng ở những cánh tay, bàn tay, vũ khí duy nhất của học sinh sinh viên cũng đều không nằm ngoài trọng tâm ấy. Thật thú vị, Nguyễn Sáng đã vẽ hai tên lính Mỹ đứng quay lưng, nhưng ông lại nghiên cứu rất kỹ khẩu súng  M.16 (US carbine) để khắc họa “chân dung” của chúng. Và hai khẩu súng Mỹ chính là dấu hiệu đặc trưng quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử qua cách nhìn biện chứng của Nguyễn Sáng…

* * *

Bản sử thi anh hùng ca “Thành đồng Tổ quốc” (chất liệu sơn mài), xin nhắc lại, đã được Nguyễn Sáng vẽ năm 1978 tại Sài Gòn. Khi ấy người vợ trẻ của ông, cô Nguyễn Thị Thủy, vẫn còn sống và đã đỡ đần rất nhiều cho ông trong quá trình thực hiện bức tranh. Đây cũng là bức tranh khổ lớn nhất mà Nguyễn Sáng đã từng vẽ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết bởi Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt (Hà Thái Hà), đăng trên Tạp chí Mỹ thuật tháng 3&4 năm 2019

 

Chia sẻ:
Back to top