Logo loading

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 – 7.5.2024)

Nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Viet Art View đã tìm hiểu thông tin về việc “dự định sáng tác một bức tranh lớn về đề tài Điện Biên Phủ của nhóm họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – bao gồm những thành viên trong nhóm […]
|Viet Art View

Nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Viet Art View đã tìm hiểu thông tin về việc “dự định sáng tác một bức tranh lớn về đề tài Điện Biên Phủ của nhóm họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – bao gồm những thành viên trong nhóm làm tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con gái của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã chia sẻ với Viet Art View một bản thảo viết tay (năm 1978) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ về quá trình “Xây dựng một bức tranh lớn Điện Biên Phủ” với những thông tin quý giá. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, sau nhiều bàn thảo, thậm chí đã đi thực tế tại Điện Biên nhưng cuối cùng “bức tranh lớn” đã không xây dựng được như mong muốn ban đầu của Nhóm. Nhưng các họa sĩ trong Nhóm đều đã sáng tác được cho mình những tác phẩm riêng như “Trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ; “Lên đường với khí thế Điện Biên” của họa sĩ Lương Xuân Nhị; “Tiếng hát mùa chiến dịch” của họa sĩ Mai Văn Hiến…

Viet Art View trân trọng giới thiệu cùng bạn yêu nghệ thuật!

XÂY DỰNG MỘT BỨC TRANH LỚN – ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tháng 8 năm 1974, nhóm làm tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh kỷ niệm 20 năm tác phẩm tập thể đầu tiên bằng sơn mài về đề tài lịch sử cách mạng. Nhóm họp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật gồm có: Phạm Văn Đôn, Nguyễn Đức Nùng, Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Tỵ. Nhóm có mời thêm Mai Văn Hiến, đại biểu Hội Mỹ thuật. Các họa sĩ có nhắc lại thời kỳ vẽ bức thứ nhất ở 48 Hai Bà Trưng, phải xong vào tháng 9, tháng 10 năm 1957 để kịp gửi đi Mát-xcơ-va để chào mừng 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Bức “Xô Viết – Nghệ Tĩnh” thứ hai làm vào mùa xuân 1958 ở Trường Mỹ thuật phố Yết Kiêu, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật. Sau đó, sách báo đã in lại nhiều lần tác phẩm này khi muốn minh họa cho cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh.

Nhóm họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi thực tế tại Điện Biên Phủ tháng 6 năm 1978.
Từ bên trái sang (hàng trên): Họa sĩ Lương Xuân Nhị (thứ ba), họa sĩ Trần Đình Thọ (thứ tư, đội mũ),
nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim (đeo túi chéo),
họa sĩ Sỹ Ngọc ( đứng cạnh NĐK Nguyễn Thị Kim).
Hàng thứ hai, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đội mũ, cầm cặp vẽ.

Trước khi thể hiện bức thứ hai, các họa sĩ có đi nghiên cứu và vẽ các nhân vật ở huyện Nam Đàn, một huyện quê hương của Xô Viết. Vẽ lại địa hình huyện cũ, vẽ chân dung và động tác những chiến sĩ đã tham gia xích vệ.

Các họa sĩ đều vui mừng đã thể hiện được một bức tranh lịch sử cách mạng bổ ích và đều muốn cống hiến vào thời gian tới một công trình mới của tập thể: Một bức tranh khổ lớn về chiến dịch Điện Biên Phủ suốt mấy tháng dòng.

Anh em đã phân chia thời gian để chuẩn bị tài liệu và làm phác thảo để mỗi tháng trình bày cho Nhóm xem một lần vào cuối tháng.

Từ tháng 9, tháng 10, tháng 11 năm 1977 đến tháng 1,2 năm 1978 anh em đã lần lượt làm được nhiều đợt phác thảo. Tài liệu bằng ký họa, bằng ảnh, sách báo khá dồi dào. Anh em đã dành thời gian nghiên cứu và vẽ phác thảo đều đặn cho một đề tài xứng đáng.

Trần Đình Thọ phác thảo một bức toàn cảnh, từ cuộc nhóm họp của Bộ Chính trị và ra quyết nghị về chiến dịch đến phút chiến thắng cuối cùng vào ngày mùng 7 tháng 5. Phạm Văn Đôn cũng phác thảo toàn cảnh nhưng ở góc độ nhìn xa hơn, số nhân vật đông hơn. Nguyễn Đức Nùng bố cục một hình vẽ theo thiểu hoành tráng phù điêu với những giai đoạn chiến dịch khác nhau. Sỹ Ngọc phác một cảnh dân công Tây Bắc, Nguyễn Văn Tỵ phác ra nhiều giai đoạn xen kẽ nhau: Đi dân công, vượt suối, kéo pháo, đào hầm đánh lấn…

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Lên đường với khí thế Điện Biên. Lụa. Sưu tập gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị

Những hình tượng dựng lên đã khá phong phú, những sự kiện chính của các giai đoạn chiến dịch khá đầy đủ. Mỗi lần họp, anh em lại góp cho nhau những ý bổ xung thiết thực cho phác thảo. Họa sĩ nào cũng tích cực thể hiện ý đồ riêng của mình và cũng đều gặp những khó khăn chung về bố cục. Vẽ một giai đoạn, mộ sự kiện về Điện Biên Phủ thì dễ nhưng phối hợp lại toàn bộ các giai đoạn và sự kiện của chiến dịch trong một bố cục, một bức tranh thì khó. Xếp chồng lên nhau những cảnh, những hình lớp người ở các địa hình khác nhau lên cùng một mặt bằng, cùng một phối cảnh thì rất khó thể hiện, khó nhất trí về bao quát chung cho một bố cục. Tôi nghĩ là phải làm một tranh dài nối tiếp nhau để tả các sự kiện liên tiếp của một chiến dịch lớn có nhiều giai đoạn. Hoặc tách từng sự kiện ra để làm từng bức tranh riêng rồi nhiều tranh riêng góp lại thành một đề tài hoàn chỉnh về một chiến dịch lịch sử có nhiều giai đoạn.


NGUYỄN VĂN TỴ (1917-1992). Trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ.  1980-1983. Sơn mài. 80x120cm. Sưu tập tư nhân nước ngoài

Cuối tháng 6 năm 1978, một số tác giả phác thảo tranh Điện Biên Phủ đã được Cục Văn nghệ thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội đưa lên Điện Biên để vẽ nghiên cứu một số địa hình và những chiến sĩ đã tham gia chiến dịch lịch sử đó. Bước đầu, nghiên cứu thực tế chiến trường sẽ giúp đỡ các họa sĩ giải quyết được nhiều khó khăn về bố cục tranh.

Hiện nay, cả Nhóm họa sĩ đang tiếp tục suy nghĩ để xây dựng được một bố cục tốt. Một ngày gần đây, nhóm sẽ đưa phác thảo ra trưng bày để lấy ý kiến của quần chúng. Một khó khăn nữa của Nhóm làm tranh Điện Biên Phủ là cũng thiếu thốn về phương tiện vật liệu và nhất là thời gian làm việc cụ thể dành riêng cho sáng tác lớn này.

* Bài viết hoàn thành ngày 17 tháng 6 năm 1978, đề tác giả Hoa Tranh – bút danh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ .

(Bản thảo viết tay thuộc lưu giữ của gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ)

 

Chia sẻ:
Back to top