Nhân dịp kỷ niệm ngày đặc biệt bao gồm hai lễ lớn, trọng đại của đất nước, Viet Art View gửi tới bạn yêu nghệ thuật bài viết nhỏ về câu chuyện sáng tác hai bức tranh sơn mài về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Bình (1917-2004) và họa sĩ Phạm Hậu (1905-1994).
Nội dung hai bức tranh được hai họa sĩ sử dụng từ hai tấm ảnh gốc (Viet Art View chưa tìm thấy tư liệu tên của hai Nhiếp ảnh gia đã chụp) được chụp trong những thời khắc lịch sử của dân tộc với hai chủ đề khác biệt. Tùy chủ đề tác phẩm mà người họa sĩ đã khéo léo, tinh tế để sử dụng cho hợp lý, nêu bật được nội dung, thông điệp, câu chuyện, bối cảnh muốn truyền tải.
Viet Art View trân trọng giới thiệu với bạn yêu nghệ thuật.
TỪ NHỮNG BỨC ẢNH LỊCH SỬ ĐẾN CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA MANG GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
- TÁC PHẨM “BÁC HỒ TRONG THỜI KỲ CHỐNG MỸ” CỦA HỌA SĨ VĂN BÌNH (1917-2004)
Ngày 15 tháng 11 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Bức ảnh chụp Hồ Chủ Tịch với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam ở đường Xoài trong buổi gặp gỡ ấy đã trở thành một trong những bức ảnh biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa miền Nam và miền Bắc; giữa lãnh tụ và nhân dân, một lòng hướng về miền nam thân yêu, tiến tới ngày thống nhất đất nước vào năm 1975.
Bức ảnh gốc: Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các dũng sĩ miền Nam tại Đường Xoài trong Phủ Chủ tịch, ngày 15 tháng 11 năm 1965. Nguồn: Tamnhin.trithuc
Sau đó, họa sĩ Văn Bình lấy đó làm nguồn cảm hứng để sáng tác bức sơn mài “Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ” của Văn Bình.
Nhìn bức ảnh gốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy Văn Bình thêm các chi tiết, thay đổi vị trí chính xác của bức ảnh gốc cũng như lược bỏ một số nhân vật. Nhưng trên bản phác thảo chì, màu nước cũng như tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh đã thay đổi rất nhiều.
VĂN BÌNH (1907-2004). Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ. 1997. Sơn mài. 105x150cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
– Vị trí các nhân vật trong ảnh gốc là tại Đường Xoài trong Phủ Chủ tịch. Vị trí trong tác phẩm là đối diện Nhà sàn Bác Hồ.
– Ở bức ảnh gốc, các nhân vật từ trái sang phải (theo một số tư liệu): Phạm Hùng, Lê Chí Nguyện, Tạ Thị Kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Vai, Huỳnh Văn Đảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Dưỡng)… Nhưng Văn Bình chỉ đưa hình ảnh (có thể) gồm các đồng chí Lê Chí Nguyện, Tạ Thị Kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Đức Vai (tức A Vai) và Huỳnh Văn Đảnh. Đây là những dũng sĩ miền Nam dũng cảm, có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến ở chiến trường miền Nam.
– Ngoài vị trí, nhân vật thì các chi tiết cảnh vật trong ảnh gốc cũng đã được tiêu biểu hóa trong tác phẩm. Ông đưa vào hầu hết các hình tượng tiêu điểm trong khu Phủ Chủ tịch vào tranh như Nhà sàn, cây cầu trong vườn, các cây xoài cao, tán lá xoè rộng, hàng dừa trước nhà sàn, hàng bụt mọc ven hồ, những cành liễu mềm mại rủ xòe xuống mặt nước trong mát…
Từ bức ảnh gốc, dưới con mắt, tư duy tạo hình của người nghệ sĩ – Văn Bình đã xây dựng một bức tranh tiêu biểu, sâu sắc, khắc họa được hai vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhân dân (các chiến sĩ tương trưng) khi được gặp lãnh tụ Đảng (Hồ Chủ Tịch đại diện). Thứ hai chính là những hình ảnh đặc trưng tiêu biểu ở một nơi vừa tôn nghiêm vừa thân mến ấm áp (nơi lãnh tụ ở) với cây xanh hiền hòa, không gian thanh bình, ấm áp tình thân.
VĂN BÌNH (1907-2004). Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ. Khoảng 1990. Chì, màu nước trên giấy. 102x147cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Ngay từ bản dessin chúng ta đã cảm nhận được sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của Văn Bình trong việc chọn chủ đề, xây dựng bố cục và quá trình hoàn thiện nhiều công phu.
Ngoài những hình ảnh mang tính biểu tượng thì kỹ thuật tuyệt vời trong việc sử dụng chất liệu sơn mài một cách hoàn hảo của họa sĩ Văn Bình khiến cho đây có thể là một trong những bức tranh đẹp nhất của ông.
- TÁC PHẨM “NGÀN THU NHỚ BÁC” CỦA HỌA SĨ PHẠM HẬU (1905 -1994)
Bức ảnh gốc đen trắng được Viet Art View lấy từ tư liệu của Thông Tấn xã Việt Nam. Bức ảnh này được chụp vào thời điểm diễn ra tang lễ Hồ Chủ Tịch vào tháng 9 năm 1969.
Ảnh chụp Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khoảng ngày mùng 6 hoặc mùng 9 tháng 9 năm 1969. Chưa rõ tác giả. Nguồn Thông tấn xã Việt Nam
Tác phẩm “Ngàn thu nhớ Bác” được họa sĩ Phạm Hậu (1905-1994) sáng tác khoảng 1969-1970, chất liệu sơn mài, kích thước 30×20cm. Đây là tác phẩm duy nhất của họa sĩ Phạm Hậu về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt.
PHẠM HẬU (1905-1994). Ngàn thu nhớ Bác. Khoảng 1969-1970. Sơn mài. 30x20cm. Sưu tập Quang Phúc, Hà Nội. Đã in sách “Họa sĩ Phạm Hậu” của tác giả Phạm Gia Yên (con trai họa sĩ Phạm Hậu)
Có thể nói, Phạm Hậu đã khắc họa, truyền tải gần như chính xác bối cảnh, bố cục, chi tiết trong bức ảnh gốc về lễ tang của Hồ Chủ Tịch. Chúng ta có thể thấy bốn vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ bao gồm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Điều này rất đúng bởi với một đề tài đặc biệt nghiêm túc như thế này thì việc chuyển thể nguyên bản sẽ là hợp lý, hợp tình nhất.
Phạm Hậu dùng hòa sắc ấm, nóng, đỏ từ màu son của sơn mài làm chủ đạo; kết hợp với màu đen, xám; phần tiền cảnh cho chi tiết hai chậu cây xanh, ông dùng chất vàng vật lý nằm giữa hai lớp màu xanh lá, sau đó mài đi, lộ lớp vàng lộng lẫy, hòa cùng màu xanh mát tạo một cảm giác nhẹ, mềm đi trong một không khí tôn nghiêm, trang trọng, linh thiêng và trầm mặc bao trùm.
Với sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong kỹ thuật của một bậc thầy về hội họa sơn mài, Phạm Hậu đã thể hiện được các chi tiết trong tác phẩm một cách vi tế ở mức độ hoàn thiện cao. Nó cho thấy sự quan tâm, lưu tâm, tập trung ở mức độ cao của ông trong tác phẩm đặc biệt này. Điều này cho thấy tấm lòng kính mến, sự tri ân sâu sắc, niềm yêu kính của Phạm Hậu với Hồ Chủ Tịch. Đây là một đề tài đặc biệt, một bức tranh đặc biệt, rất đáng được trân trọng ghi nhận và lưu giữ của hội họa Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View