Trong thế giới tác phẩm mỹ thuật, có những bức tranh rất nổi tiếng của các danh họa… nhưng chúng ta thường chỉ được xem trong các tư liệu hình ảnh, qua sách vở, qua lời kể của một số nhân vật thế hệ trước. Đặc biệt với những tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử, có giá trị nghệ thuật cao, tôn vinh chủ đề “chủ nghĩa anh hùng dân tộc – lòng yêu nước”, thường được người yêu nghệ thuật mong có duyên được xem trực tiếp. Bởi những xúc động về tình yêu quê hương, về sự hào hùng của lịch sử thường để lại dấu ấn sâu đạm, truyền cảm hứng cho người xem.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng thời trẻ
Trong đó, bức tranh sơn mài “Thiếu nữ Việt Nam” được Nguyễn Sáng sáng tác năm 1976 khi ông ở Hà Nội, là một trong những tác phẩm xuất sắc về chủ nghĩa dân tộc của ông nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Nguyễn Sáng đã khắc họa chân dung “Thiếu nữ Việt Nam” điển hình tiêu biểu, đầy sức sống, khuôn mặt vừa dịu dàng, vừa cá tính kiêu hãnh với tạo hình đậm “chất Sáng”. Nguyễn Sáng lấy chân dung thiếu nữ làm tiền cảnh, chiếm gần một nửa bề mặt tranh như một biểu tượng cho giới nữ thời hiện đại. Hậu cảnh tượng trưng cho thông điệp quá khứ – hình ảnh hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị, được lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ “Hai Bà Trưng”. Có thể thấy, ông đã sử dụng lại gần như nguyên bản bức tranh dân gian này như một hình nền. Nó đã trở thành một cấu trúc có tính liên kết giữa quá khứ và hiện tại như nhà văn Dương Tường đã viết về hội họa Nguyễn Sáng được “cắm rễ sâu trong truyền thống dân tộc”.
NGUYỄN SÁNG (1923-1988). Thiếu nữ Việt Nam. 1976. Sơn mài. 80x50cm
Hình minh họa in trong sách Nguyễn Sáng, xuất bản năm 1996.
Bức tranh có kích thước vừa phải, 50x80cm trên chất liệu sơn mài cùng gam màu truyền thống với nền son đỏ làm chủ đạo. Chỉ với tạo hình một thiếu nữ Việt Nam điển hình – của thế kỷ XX và câu chuyện về hai nữ tướng Trưng Trắc – Trưng Nhị – cách đây 1984 năm, đang vung kiếm, cưỡi voi ra trận đã thấy sự kết nối của lịch sử trong dòng chảy chung của truyền thống đánh giặc giữ nước của người Việt Nam.
Một bức tranh được coi là tiêu biểu, điển hình phải truyền đi những thông điệp lớn. Với “Thiếu nữ Việt Nam” Nguyễn Sáng đã thể hiện lòng yêu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nguyễn Sáng là họa sĩ lớn của chủ nghĩa dân tộc với đầy đủ phẩm chất “Hiện thực – hào hùng, kịch tính, trữ tình, bi tráng…để tỏa sáng một thứ chủ nghĩa lạc quan…” (theo Nhà văn Dương Tường).
Ngoài giá trị tự thân của “Thiếu nữ Việt Nam”, bức tranh có một đời sống sưu tập rất phong phú. Thoạt tiên, “Thiếu nữ Việt Nam” thuộc sưu tập của ông Hanh – Việt kiều Paris. Đến năm 1993, tranh thuộc sưu tập của ông Trần Hậu Tuấn. Sau đó, tranh thuộc sở hữu của một người Hàn Quốc có vị trí khá quan trọng. Sau khi ông mất, người vợ được trao quyền thừa kế và đã chuyển nhượng sưu tập cho ông Koo Sambon – một nhà sưu tập người Hàn Quốc, người sở hữu rất nhiều tác phẩm quý của hội họa Việt Nam.
Tác phẩm “Thiếu nữ Việt Nam” hiện đang tại Hà Nội.
Hiện nay, “Thiếu nữ Việt Nam” đã từ Hàn Quốc về Hà Nội. Hiện thuộc sở hữu của ông Nguyễn Minh.
Trước khi “Thiếu nữ Việt Nam” cùng một vài bức tranh rất nổi tiếng khác (chúng tôi sẽ viết sau) về Việt Nam, ông Nguyễn Minh đã mời Giám đốc Nghệ thuật của Viet Art View đã chia sẻ thông tin. Ngay khi tranh về tới Hà Nội, đã tới xem trực tiếp tác phẩm quý giá này.
Trân trọng giới thiệu với các bạn yêu nghệ thuật một tác phẩm sơn mài quý hiếm, nhiều giá trị của họa sĩ Nguyễn Sáng đã trở về Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View