Logo loading

“LAO ĐỘNG, TÌNH THƯƠNG VÀ TINH THẦN ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” TRONG “QUÊ HƯƠNG MÙA LÚA MỚI” CỦA HỌA SĨ TRẦN ĐÌNH THỌ

TRẦN ĐÌNH THỌ (1919-2011). Quê hương mùa lúa mới. 1972. Sơn dầu. 73x86cm. Tranh thuộc sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội Từ một bức tranh phong cảnh “Quê hương mùa lúa mới” được họa sĩ Trần Đình Thọ sáng tác năm 1972. Theo các chuyên gia chính trị nhận định, năm 1972 là thời điểm […]
|Viet Art View

TRẦN ĐÌNH THỌ (1919-2011). Quê hương mùa lúa mới. 1972. Sơn dầu. 73x86cm. Tranh thuộc sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

Từ một bức tranh phong cảnh

“Quê hương mùa lúa mới” được họa sĩ Trần Đình Thọ sáng tác năm 1972. Theo các chuyên gia chính trị nhận định, năm 1972 là thời điểm lịch sử khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam; đặc biệt là cuộc tấn công bằng không quân của Hoa Kỳ đối với miền Bắc Việt Nam. Theo ước tính của hai bên, các con số thiệt hại rất lớn…

Vậy, chiến trường sục sôi ác liệt vô cùng nhưng tại sao bức tranh này lại mô tả một khung cảnh nông thôn miền Bắc thanh bình, hiền hòa đến như vậy?

Trên thực tế, nếu chỉ nhìn nội dung, chi tiết con người, cảnh vật thể hiện trên bề mặt tranh thì ý kiến trên là hợp lý. Nhưng, đây là một sáng tác của họa sĩ Trần Đình Thọ. Một người đã trải qua nhiều vai trò trong công tác quản lý mỹ thuật.

Thời điểm ấy, ông đang đương nhiệm nhiều vị trí quan trọng của mỹ thuật Việt Nam như: Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1966-1984) nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Viện phó Viện Nghiên cứu Nghệ thuật. Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (1969-1979); Quyền Viện trưởng Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ (1969-1972) nay là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Xét về góc độ chính trị, chắc chắn ông phải là người thấm nhuần sâu sắc chủ trương đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam.Vì vậy, các sáng tác của ông không chỉ đơn thuần về thiên nhiên, phong cảnh, con người mà xét trên tâm thế sáng tác phải ở một tầm suy nghĩ cao hơn nhiều.

Ý thức về cách mạng dân tộc từ rất sớm…

Báo Tiền Phong, số 6 ngày 16 tháng 2 năm 1946 có in bài “Tranh Tết những ngày đầu độc lập” của họa sĩ Trần Đình Thọ (lúc ấy đang làm việc tại báo với vai trò họa sĩ). Bài viết có đoạn: “Nghệ thuật Việt Nam hiện nay cũng muốn phụng sự, muốn làm việc cho cái sống còn của dân tộc, chứ không đứng trung lập đối với cuộc đời chỉ thờ phụng cái đẹp mà thôi. Những đầu đề các bức tranh đều là đầu đề tranh đấu…”.

Điều này cho thấy, ý thức cách mạng, ý thức về chủ nghĩa dân tộc hòa bình, no ấm đã hình thành trong tâm hồn họa sĩ trẻ Trần Đình Thọ từ rất sớm.

Chân dung họa sĩ Trần Đình Thọ (1919-2011)

Họa sĩ Trần Đình Thọ sinh năm 1919 tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khóa 13 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương  (1939-1944) cùng với Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận…. Cũng như các nghệ sĩ yêu nước khác, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám ông đã sớm tham gia các hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ và Hội Văn hóa Cứu quốc.

Ông là một trong những họa sĩ tiêu biểu của dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nghệ thuật ông kết hợp một cách kín đáo tính trữ tình, tự sự cá nhân, tình yêu quê hương sâu lắng, nồng nàn.

Sức mạnh đoàn kết của dân tộc

Trong “Quê hương mùa lúa mới”, có thể họa sĩ Trần Đình Thọ đã gửi gắm nhiều tình cảm sâu kín.

Chúng ta nhìn thấy cánh đồng làng quê miền Bắc với lớp lang cảnh vật. Những người nông dân đang cấy lúa, vài chú trâu thong thả trên con đường đất sau buổi cày; phía xa là dãy núi Ba Vì sừng sững màu xanh lam trên nền trời với những đám mây trắng bồng bềnh…tất cả hiện diện trên nền màu xanh mát của lũy tre, rặng cây, của cỏ, của mạ non…

TRẦN ĐÌNH THỌ (1919-2011). Quê hương mùa lúa mới. 1972. Sơn dầu. 73x86cm. Tranh thuộc sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

Một bức tranh thanh bình, hiền hòa ở nông thôn miền Bắc Việt Nam năm 1972

Trái ngược với cảnh tượng đó là một miền Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Hai hình ảnh trái ngược này có liên quan gì đến nhau?

Trên thực tế, rất liên quan…

Lịch sử đã ghi nhận, sau chiến tranh Thế giới thứ II, chiến tranh xâm lược Việt Nam từ 1954 đến 1975 là cuộc chiến tranh lớn nhất, kéo dài nhất, ác liệt nhất, tốn kém nhất của nước Mỹ.

Trong những năm gian khó ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Nhà nước và toàn dân kết thành một khối thống nhất. Tất cả chi viện cho tiền tuyến. Toàn miền Bắc “thi đua sản xuất”.

Những phong trào như thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa tay súng”, “Ngày thứ bảy năng suất cao”, “Luyện tay nghề thi thợ giỏi”, học sinh làm “Nghìn việc tốt chống Mỹ”…

Phong trào Thanh niên Ba sẵn sàng của Thái Bình, tháng 8 năm 1964. Nguồn TTXVN

Đặc biệt, tỉnh Thái Bình ghi bảng vàng 5 tấn, đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc. Khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Tinh thần ấy, khí thế ấy lan tỏa toàn miền Bắc. Lòng người ai ai cũng hướng về miền Nam thân yêu. Hoàn cảnh càng khó khăn, nét đẹp lao động càng trở nên thiêng liêng, mang giá trị nhân văn cao quý, là biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ và tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Những ký ức sâu lắng

Viet Art View trò chuyện với chị Trần Tuyết Mai, con gái đầu của họa sĩ Trần Đình Thọ. Chị cho biết “Lúc ấy, khoảng năm 1970-1972, chiến trường miền Nam vô cùng khốc liệt. Ở miền Bắc, người dân thành phố phải sơ tán về nông thôn. Bức tranh này bố chị sáng tác tại nơi sơ tán (đi cùng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) ở xã Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Năm 1965, gia đình cũng đã đi sơ tán ở Hà Bắc. Ở đó, bố chị cũng sáng tác bức “Cây táo” (sơn dầu); Trong vườn (sơn dầu).

TRẦN ĐÌNH THỌ (1919-2011). Cây táo. 1965. Sơn dầu. 34x46cm

Cũng như những họa sĩ thời đại cách mạng mới, ông chú trọng đặc biệt đến đề tài chiến tranh cách mạng, lao động, xây dựng xã hội chủ nghĩa, nông thôn mới…Nhưng chất thơ, chất trữ tình của người nghệ sĩ luôn ẩn khuất kín đáo, tế nhị trong cách thể hiện.

Trong giới chuyên nghề, họa sĩ Trần Đình Thọ nổi tiếng với biệt danh “Thọ tre”. Hình ảnh tre hiện diện trong “Ra đồng”, sơn mài, 1961, 58x88cm; “Hành quân đêm”, sơn mài, 1974, 120x160cm; “Bảo vệ xóm làng”, sơn mài, 1980; hai bức “Tre”, sơn mài, 1991; “Hoàng hôn”, sơn mài, 1994, 43x64cm; “Kéo pháo”, sơn mài, 1994; “Buổi sớm, lụa’ 1989…với nhiều tạo hình tre nhiều sắc thái; để lại dấu ấn đặc biệt trong những sáng tác của ông.

Trong “Kéo pháo”, người xem có thể cảm nhận một đêm trăng thanh đầu tháng, tỏa sáng dìu dịu xuống trên những hàng cây, những dãy núi trập trùng, soi vừa đủ hình ảnh người chiến sĩ đang chèn pháo. Thật nên thơ, thật thanh bình, không hề thấy có chiến tranh…

TRẦN ĐÌNH THỌ (1919-2011). Kéo pháo. 1994. Sơn mài. 90x60cm

Trong “Quê hương mùa lúa mới” cũng vậy, chúng ta không hề thấy cảnh đạn bom, chỉ thấy những người nông dân đang cấy lúa trên cánh đồng thanh bình. Nhưng thật sự trong đó là những tấm lòng đầy nhiệt huyết, đẩy nhanh sản xuất mùa vụ tươi tốt, biến thành thực phẩm chuyển vào miền Nam thân yêu, góp phần chống Mỹ.

Cái tâm thế, cái tư thế, cái hăng say lao động thể hiện một cách ẩn sâu, tế nhị trong sáng tác của một người thấm nhuần tư tưởng cách mạng như hoạ sĩ Trần Đình Thọ; đúng như Hồ Chủ tịch đã từng viết: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trải qua muôn vàn gian khó, Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, ngày một lớn mạnh. Bởi “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn (trích Báo cáo Chính trị của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng)

Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top