Logo loading

MÓN QUÀ TỪ MẸ – LÊ PHỔ (1907-2001)

Hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh có một vị trí quan trọng trong Công giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật thế giới, các nghệ sĩ đều lấy cảm hứng về vẻ đẹp cũng như sự đức độ của Đức Mẹ Đồng Trinh để thỏa sức sáng tạo một “vẻ đẹp Đức Mẹ” […]
|Viet Art View

Hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh có một vị trí quan trọng trong Công giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật thế giới, các nghệ sĩ đều lấy cảm hứng về vẻ đẹp cũng như sự đức độ của Đức Mẹ Đồng Trinh để thỏa sức sáng tạo một “vẻ đẹp Đức Mẹ” theo quan niệm của riêng mình. Ngoài ra, việc tạo hình Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng là hai chủ thể không tách rời về “tình mẫu tử” khiến sức hấp dẫn của đề tài này chưa bao giờ cạn nguồn sáng tạo từ các nghệ sĩ.

Từ Châu Âu sang Châu Á, Châu Mỹ, thậm chí cả Châu Phi xa xôi, nếu ở đó có Đạo Công Giáo thì hình tượng này luôn hiện diện trong mọi giai tầng của xã hội. Đức Mẹ Đồng Trinh luôn được khắc họa dưới hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, thánh thiện trong một khung cảnh thơ mộng, dịu êm. Chúa Hài đồng là một em bé trai bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu. Không khí trong tác phẩm luôn tỏa ra sự ấm áp lan tỏa từ tình yêu thương giữa mẹ và con.

Khoảng những năm 1935-1945, Lê Phổ theo đuổi chủ đề mẫu tử bao gồm cả hình tượng Đức Mẹ và Chúa Hài đồng. Có thể là sự ra đời của Chúa trong máng cỏ, hay khi Chúa đã thành một em bé nhỏ. Nhưng hình tượng được ông khắc họa luôn mang đậm tính dân tộc và tâm hồn Việt.

Trong phiên đấu giá ngày 12 tháng 10 năm 2024 của Millon, chúng tôi trân trọng giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật một tác phẩm tuyệt đẹp của Lê Phổ về đề tài này.

LÊ PHỔ (1907-2001) –  MÓN QUÀ TỪ MẸ
Năm sáng tác: Khoảng 1935-1945. Chất liệu: Mực và màu trên lụa. Kích thước: 50,5×63,5 cm
Nguồn gốc: Mua tại một gallery ở Paris khoảng năm 1940. Ông nội truyền lại cho con cháu. Người cháu sang Mỹ sinh sống và mang theo bức tranh.

Về căn bản, hình ảnh kinh điển của những sáng tác về chủ đề này ở nghệ thuật cổ điển hàn lâm Châu Âu là một motif rất phổ biến. Lê Phổ tiếp thu tinh hoa nghệ thuật Châu Âu khi học tập tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi sang Pháp tu nghiệp, đi Ý tham quan bảo tàng… Nhưng dưới lăng kính của ông, chủ đề biểu tượng cho một dòng tôn giáo mang tính quốc tế được dân gian hóa theo tư duy của người họa sĩ bản địa. Điều này đã tạo cho tác phẩm một “hương vị” rất đặc biệt.

Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng được khắc họa với mẫu nhân vật là người Việt. Trang phục là chất liệu vải lụa truyền thống Việt. Với nhân vật nữ cũng có thể là chất liệu gấm bởi chiếc áo dài màu nâu có độ óng ánh nhẹ; bên ngoài là áo choàng nhung đen, lót lụa xanh lá với khăn voan lụa mỏng. Thực vật là khóm tre (trúc), hoa phù dung. Kiến trúc cửa vòm vừa giống kiểu thức Châu Âu, vừa giống những vòm cửa trong kiến trúc tôn giáo Việt. Đặc biệt quả đào trên tay Đức Mẹ chuẩn bị đưa cho Chúa Hài đồng là biểu tượng của sự trường thọ – theo quan niệm phương Đông.

Hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh cầm hoa hồng, hoa cẩm chướng, quả táo khá phổ biến trong hội họa cổ điển phương Tây. Danh họa người Ý Leornado da Vinci đã sáng tác những bức tranh nổi tiếng về chủ đề này như “Madonna with a Flower (hay “Madonna Benois”)  hoặc “The Madonna of the Carnation” được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật München.

Với mỗi loại hoa trái hoặc đồ vật được đặt trên tay Đức Mẹ Đồng Trinh hoặc chúa Hài đồng đều mang tới một thông điệp riêng. Hoa cẩm chướng được trao tặng cho Chúa – tượng trưng cho sự ái mộ và lòng tôn kính. Hoa hồng biểu tượng cho tình mẫu tử.

Khi xây dựng biểu tượng Đức Mẹ – người mẹ, Chúa Hài đồng – người con… theo quan niệm của mình, Lê Phổ đã Việt hóa hình tượng và các chi tiết. Đức Mẹ – người mẹ, tặng cho Chúa – người con quả đào – tượng trưng cho sự trường thọ. Cũng có thể hiểu theo nghĩa – tình mẫu tử thiêng liêng là vĩnh cửu, trường tồn. Là món quà vô giá từ Mẹ tặng cho con.

Ngoài tính Việt hóa cao một chủ đề tôn giáo quốc tế, ở bức tranh này, Lê Phổ đã mang tới cho người xem một cảm giác vừa thiêng liêng vừa ấm áp, vừa gần gũi với đời sống thực tế hàng ngày. Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng được tôn kính trong biểu tượng tôn giáo linh thiêng nhưng lại là tình mẫu tử ấm áp dưới góc độ gia đình.

Với tư duy của một bâc thầy hội họa, Lê Phổ đã diễn tả được tâm ý và quan niệm của chính bản thân mình về một đề tài khó, vừa quốc tế, vừa truyền thống, vừa mang tính quốc gia dân tộc.

Dưới kỹ thuật thượng thừa, làm chủ nét họa vô cùng tài hoa, tinh tế, hòa sắc nhuần nhị, đặc trưng gam màu Lê Phổ những năm 1935-1945, sáng tác ở thời kỳ Romanet đỉnh cao… bức tranh đã truyền tải sâu sắc thông điệp về tình mẫu tử. Nó vừa mang tính lịch sử, tôn giáo lại đậm chất lãng mạn, vương giả, trên nền văn hóa phương Đông với ý nghĩa phúc thọ an khang…và trên hết cả nó thấm đẫm tâm hồn Việt. Điều chính yếu này đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

Trong catalogue triển lãm năm 1942 tại Galerie d’Art Pasteur Alger cho ba họa sĩ  Mai Trung Thứ-Lê Phổ-Vũ Cao Đàm, phần danh mục Lê Phổ, số thứ tự 55 có tác phẩm tên “Vierge et enfant – Trinh nữ và em bé”, có phải chăng đây chính là tác phẩm trong triển lãm ấy. Chúng tôi chưa tìm ra đáp án này. Sau khi phân tích kỹ các hình tượng, chi tiết được Lê Phổ thể hiện trong bức tranh, tên gọi “Món quà từ Mẹ” có lẽ là hợp lý hơn cả.

                                                                                             Bài viết bởi Bùi Hoàng Anh – Giám đốc nghệ thuật Viet Art View 

Chia sẻ:
Back to top