Logo loading

MÓN QUÀ TỪ MẸ – LÊ PHỔ (1907-2001)

Khoảng những năm 1935-1945, Lê Phổ theo đuổi chủ đề mẫu tử bao gồm cả hình tượng Đức Mẹ và Chúa Hài đồng. Có thể là sự ra đời của Chúa trong máng cỏ, hay khi Chúa đã thành một em bé nhỏ. Nhưng hình tượng được ông khắc họa luôn mang đậm tính dân tộc và tâm hồn Việt.

Trong phiên đấu giá ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Millon, chúng tôi trân trọng giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật một tác phẩm tuyệt đẹp của Lê Phổ về đề tài này. Về căn bản, hình ảnh kinh điển của những sáng tác về chủ đề này ở nghệ thuật cổ điển hàn lâm Châu Âu là một motif rất phổ biến. Lê Phổ tiếp thu tinh hoa nghệ thuật Châu Âu khi học tập tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi sang Pháp tu nghiệp, đi Ý tham quan bảo tàng… Nhưng dưới lăng kính của ông, chủ đề biểu tượng cho một dòng tôn giáo mang tính quốc tế được dân gian hóa theo tư duy của người họa sĩ bản địa. Điều này đã tạo cho tác phẩm một “hương vị” rất đặc biệt.

Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng được khắc họa với mẫu nhân vật là người Việt. Trang phục là chất liệu vải lụa truyền thống Việt. Với nhân vật nữ cũng có thể là chất liệu gấm bởi chiếc áo dài mâu nâu có độ óng ánh nhẹ; bên ngoài là áo choàng nhung đen, lót lụa xanh lá với khăn voan lụa mỏng. Thực vật là khóm tre (trúc), hoa phù dung. Kiến trúc cửa vòm vừa giống kiểu thức Châu Âu, vừa giống những vòm cửa trong kiến trúc tôn giáo Việt. Đặc biệt quả đào trên tay Đức Mẹ chuẩn bị đưa cho Chúa Hài đồng là biểu tượng của sự trường thọ – theo quan niệm phương Đông.

Ngoài tính Việt hóa cao một chủ đề tôn giáo quốc tế, ở bức tranh này, Lê Phổ đã mang tới cho người xem một cảm giác vừa thiêng liêng vừa ấm áp, vừa gần gũi với đời sống thực tế hàng ngày. Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng được tôn kính trong biểu tượng tôn giáo linh thiêng nhưng lại là tình mẫu tử ấm áp dưới góc độ gia đình. Với tư duy của một bâc thầy hội họa, Lê Phổ đã diễn tả được tâm ý và quan niệm của chính bản thân mình về một đề tài khó, vừa quốc tế, vừa truyền thống, vừa mang tính quốc gia dân tộc.

 

Back to top