Logo loading

MỘT BỨC TRANH VỀ ĐUA NGỰA CỦA HỌA SĨ VÕ LĂNG (1921-2005)

Lần đầu tiên Viet Art View giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Võ Lăng… Võ Lăng (1921-2005). Chạy nước rút. Khoảng thập niên 1970.  Sơn dầu. 73×92 cm Môn thể thao Hoàng Gia Bức tranh sơn dầu sống động trước mắt chúng ta mô tả cảnh một cuộc đua ngựa.  Các nài ngựa […]
|Viet Art View

Lần đầu tiên Viet Art View giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Võ Lăng…

Võ Lăng (1921-2005). Chạy nước rút. Khoảng thập niên 1970.  Sơn dầu. 73×92 cm

Môn thể thao Hoàng Gia

Bức tranh sơn dầu sống động trước mắt chúng ta mô tả cảnh một cuộc đua ngựa.  Các nài ngựa cúi rạp mình trên lưng những con ngựa đua đang bứt tốc vào giai đoạn chạy nước rút, về đích.

Đua ngựa là một môn thể thao cưỡi ngựa đã được tồn tại qua các thế kỷ. Đua xe ngựa của thời kỳ La Mã là một dạng đua ngựa đầu tiên. Đua ngựa thường gắn liền với sự cá cược mạo hiểm. Tên phổ biến của đua ngựa là Thể thao Hoàng gia.

Người Pháp sang Đông Dương đô hộ đã mang theo nhiều trò giải trí châu Âu, trong đó có đua ngựa.

Trường đua ngựa mà nhiều người hay gọi tắt hơn là Quần Ngựa ở Hà Nội có từ rất sớm. Cuốn “Le Vieux Tonkin” (Bắc Kỳ xưa) cho biết cuộc đua ngựa đầu tiên ở Hà Nội diễn ra ngày 15/7/1886 trong khuôn khổ những hoạt động mừng Quốc khánh Mẫu quốc năm ấy của đạo quân chiếm đóng và phải 2 năm sau (1888) Tourane (Đà Nẵng) và Nam Định mới có nơi đua ngựa… (Theo vtc.vn)

Sân Quần Ngựa khi mới được xây dựng. Ảnh chụp từ bộ ảnh của Rousseau trưng bày tại Thư viện Quốc gia (1895-1896)

Sau đó trường đua Phú Thọ được xây dựng ở Sài Gòn vào thập niên 1930, trở thành nơi giải trí của nhiều giới trong xã hội.

Về căn bản, bộ môn đua ngựa đã hiện diện tại Việt Nam từ hơn 100 năm nay bởi người Pháp. Nhưng trên thực tế, đua ngựa không phải là môn thể thao giải trí phổ biến bởi tính xa xỉ của nó. Việc tổ chức một giải đấu, một cuộc đua là rất tốn kém.

Vì vậy, hình tượng con ngựa trong tạo hình thì nhiều nhưng chủ đề đua ngựa không phải là đề tài được các họa sĩ sống ở Việt Nam quan tâm.

Họa sĩ người Việt sống ở châu Âu sáng tác tranh về tạo hình ngựa như Lê Bá Đảng (1921-2015), Vũ Cao Đàm (1908-2000) nhưng chưa thấy đề tài đua ngựa (trong số những bức Viet Art View đã có tư liệu).

Bức tranh “Chạy nước rút”, của họa sĩ Võ Lăng, chất liệu sơn dầu mà Viet Art View giới thiệu với các bạn ở đây là một trong những bức tranh rất hiếm, về chủ đề đua ngựa của họa sĩ Việt sáng tác.

Họa sĩ Jean Võ Lăng là ai?

Chân dung họa sĩ Võ Lăng (1921- 2005)

Họa sĩ Võ Lăng sinh 1921 ở Huế, là con thứ hai trong số 14 người con trai của gia đình. Trước khi học mỹ thuật ông đã có 7 năm nghiên cứu về nghệ thuật Hy Lạp-La Mã.

Ông từng tham dự triển lãm tại Hồng Kông (1948-1949), Ý (1952), Pháp (từ 1961), Hoa Kỳ (từ 1965)…

Về cơ bản, có thể tạm chia hệ thống sáng tác của Võ Lăng theo ba giai đoạn:

– Giai đoạn thứ nhất khi ông còn ở Việt Nam

Năm 1942 ông bắt đầu học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 16 cùng với Trần Phúc Duyên, Quang Phòng, Đinh Minh, Phan Thông. Khóa này chưa học hết 5 năm thì cách mạng tháng Tám thành công, sau đó kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, nên phải dừng lại giữa chừng.

Ngay từ năm 1942, khi mới học năm đầu tiên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã sáng tác bức “Nông dân trên cánh đồng lúa” theo quan sát riêng về thế giới quan xung quanh; tìm tòi bút pháp mới; không nhiều tính hiện thực kể tả trong đó. Sau này ông cũng vẽ nhiều tranh đề tài Việt Nam

– Giai đoạn thứ hai đến 1949 khi ông sống ở Hồng Kông

Khoảng 1945-1946, ông tới Hồng Kông, nơi ông tiếp tục học tập và làm việc trong ba năm. Ở đây, ông vẽ bến cảng, thuyền buồm, vịnh biển dưới góc nhìn những không gian rất lớn.

– Giai đoạn cuối từ 1949, đến khi ông qua đời năm 2005, sinh sống tại Pháp

Năm 1949, ông chuyển tới Paris sống. Ở Pháp ông là nhà sản xuất phim, thiết kế mỹ thuật điện ảnh – đặc biệt là phim hoạt hình, minh họa sách.

Chúng tôi tìm thấy trên trang web: www.societe.com có viết: “Giới thiệu về công ty MR JEAN VOLANG, doanh nhân cá nhân, đăng ký theo SIREN 431207091, đã kinh doanh được 43 năm (tính đến 2022 – người viết). Có trụ sở tại PARIS (75015), chuyên về lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật biểu diễn. Ngày đăng ký INSEE 01/01/1979.

Vào khoảng năm 1965, tại Gallery of World Art, Newton Centre tại Massachusetts, Mỹ, ông đã trưng bày những bức tranh có gam màu rực rỡ. Đó là cả một quá trình sáng tác theo cảm quan, tìm tòi riêng của cá nhân ông về thế giới.

Chữ ký của họa sĩ Võ Lăng 

“Những tác phẩm đầy màu sắc được hoàn thiện theo cách thức do chính ông tìm tòi, diễn tả những gì ông quan sát, từ Cap Jacques trên Thái Bình Dương đến nông trại bên bờ biển ở Bretagne. Ông dùng màu xuất sắc-màu đỏ, cam, xanh lam và vàng, tương phản với một impasto* trắng sống động, bằng với độ sáng của màu trắng của Utrillo**. Ông luôn kiểm soát được hình thể và bố cục.” (Theo tác giả Patricia Boyd Wilson viết trong vựng tập giới thiệu Võ Lăng).

[* cách vẽ sơn dầu phủ dày, ** họa sĩ người Pháp]

Tranh của ông cũng được trưng bày thường xuyên tại Galerie Drouant, Paris.

Chạy nước rút – trực diện khoảnh khắc gay cấn và hồi hộp…

Ở một số tác phẩm, Võ Lăng không mô tả nhiều chi tiết thì ở “Chạy nước rút” ông  khắc họa mọi thứ khá kỹ lưỡng nhằm biểu đạt trạng thái gay cấn, hồi hộp. Bởi ông muốn truyền tải được xúc cảm của một người đang được xem trực tiếp trận đua ngựa.

Là họa sĩ, để sáng tác được hình mang cảm giác những bước chuyển động chính xác của hình tượng như trong “Chạy nước rút” thì không chỉ xem trực tiếp một vài lần mà phải xem nhiều lần, thậm chí đam mê thì mới có thể diễn đạt sinh động như thế.

Khoa học đã chứng minh, cái đẹp của nghệ thuật được hình thành từ các giác quan. Nếu thu nhận vào tầm mắt đầy đủ về hình dạng, màu sắc, không gian, ánh sáng trong một bố cục chắc chắn, thì những thứ được phản chiếu ấy sẽ tạo nên cảm nhận. Trong ngôn ngữ tạo hình riêng biệt của hội họa sẽ “lấy cái đứng yên biểu hiện cái vận động”, “lấy cái cụ thể để biểu hiện cái trừu tượng”, “lấy cái trực tiếp biểu hiện cái gián tiếp…”.

Võ Lăng (1921-2005). Chạy nước rút. Khoảng thập niên 1970.  Sơn dầu. 73×92 cm

Trong “Chạy nước rút”, Võ Lăng thể hiện được “cái đứng yên” để “biểu hiện cái vận động” thông qua hình dạng, màu sắc, không gian, ánh sáng.

Ông dùng kỹ thuật hình họa cổ điển vững vàng, sự quan sát nhạy bén trong lĩnh vực mỹ thuật điện ảnh, để diễn tả hình ảnh chuyển động “chạy nước rút” vừa sống động vừa tinh tế. Đoàn ngựa đang phóng vụt qua khuôn hình với một phần thân cuối chưa được thoát. Bố cục thể hiện các lớp cảnh xa, gần gây cảm giác không gian rộng lớn của trường đua.

Bảng màu Hậu Ấn tượng của “Chạy nước rút” rực rỡ, phóng khoáng như cảm giác về tốc độ của những con ngựa đang dồn vó về đích; nhưng vẫn chắc chắn đậm đà bởi những mảng màu sẫm; ghìm con mắt của người xem không bị buông lơi khỏi một bố cục chắc chắn. Lấy tĩnh (màu sẫm) để biểu hiện động (màu rực).

Để xử lý bề mặt tranh sao cho đặc biệt nhằm chủ đích tạo hiệu ứng mạnh nên ngoài màu sắc mạnh mẽ, ông còn dùng thủ pháp làm dầy sơn lên những điểm nhấn, gây cảm giác mạnh, rồi chạm khắc, làm trầy xước, bào mòn, xoáy tròn khiến cho tranh có một kết cấu khác thường.

Trên bề mặt của “Chạy nước rút” là những vệt bút to, mạnh, dứt khoát tiến về phía trước. Chúng thể hiện cảm giác về sự chuyển động của những bước chân ngựa đang bứt tốc bằng thủ pháp làm nhòa đi, mờ đi như tốc độ 24 hình trên giây trong chuyển động điện ảnh… nhưng chậm hơn nhiều.

Thế giới nói về Jean Võ Lăng…

Bức tranh “Chạy nước rút” của một họa sĩ Việt sáng tác đề tài châu Âu. Một số người sẽ hoài nghi về giá trị của nó bởi suy nghĩ “Người Việt vẽ những gì về Việt Nam mới có giá trị”. Nhưng trên thực tế, cảm xúc của người xem khi đối diện với bức tranh mới là điều quan trọng nhất. Giá trị cao hay thấp đều phụ thuộc vào cảm giác này.

Ngắm “Chạy nước rút” chắc hẳn bạn yêu nghệ thuật đều có những nhận định cho riêng mình…

Suốt 56 năm, từ 1949, khi đến Paris sinh sống, cho tới năm 2005 khi qua đời, Võ Lăng “như cá gặp nước”. Ông đã trở nên thu hút và nổi tiếng bởi được sống, sáng tạo trong một môi trường nghệ thuật hợp với mình mà ngay từ khi học ông đã hướng tới.

Để kết thúc video này, Viet Art View xin trích lại nhận xét của tác giả Marcel Sauvage viết trong vựng tập giới thiệu Võ Lăng, in năm 1983:

“Trong truyền thuyết về quá khứ của ông, người Việt Nam này của Paris là tâm điểm của cuộc hội ngộ giữa phương Đông hùng vĩ, huyền bí, riêng tư, chất phác, và một phương Tây cụ thể, vật chất và khoa trương…

…Võ Lăng là một họa sĩ lớn, một họa sĩ rất vĩ đại; một số người chỉ vừa mới khám phá ra sự thật này, nhưng đối với hầu hết các nhà sưu tập nghệ thuật, đây chỉ là một xác nhận chính xác về danh tiếng hiện đã được khẳng định của ông, thứ đã vượt ra khỏi biên giới của chúng ta; Marcel Sauvage đưa ra một nhận định rất thích đáng: “Ngày mai Võ Lăng sẽ có được tiếng tăm, vinh quang, và tối đa danh vọng mà ông xứng đáng có được.”

Vựng tập giới thiệu hoạ sĩ Võ Lăng, in năm 1983

Bài viết bởi Viet Art View 

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top