1 Trong bài viết “Chân dung mẹ tôi của Nguyễn Nam Sơn – bảo vật quốc gia” viết về một sáng tác của họa sĩ Nam Sơn – bức tranh sơn dầu “Chân dung mẹ tôi”; Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn (1890-1973) có đề cập đến vấn đề “Bảo vật quốc gia”. Vậy, thử tìm hiểu một vài vấn đề xung quanh để chúng ta có hình dung hơn.
Nguyễn Nam Sơn (1890-1973). Chân dung mẹ tôi. 1930. Sơn dầu. 170×1035 cm. Giá khởi điểm 200-300k euro
2 Vậy, ở Việt Nam, bảo vật quốc gia là gì? Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản.
Theo ông Vi Kiến Thành, nguyên cục trưởng cục Mỹ thuật cho biết: “Theo khoản 1, Điều 1, Luật Di sản Văn hóa, sửa đổi năm 2009 thì “Bảo vật quốc gia” có những tiêu chí sau: Hiện vật gốc, độc bản; Hiện vật có hình thức độc đáo; Là tác phẩm nổi tiếng về giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách thời đại…”.
Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có 9 hiện vật nằm trong danh sách công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó có 6 bức tranh, bao gồm:
– “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, Nguyễn Sáng, 1963, sơn mài, 122,3x180cm. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013
– “Em Thúy, Trần Văn Cẩn”, 1943, sơn dầu, 60,5×45,5cm. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013.
– “Hai thiếu nữ và em bé”, Tô Ngọc Vân, 1944, sơn dầu, 100,2x75cm. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013.
– “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”, Dương Bích Liên, 1980, sơn mài, 100x180cm. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017
– “Bình phong”, Nguyễn Gia Trí, 1939, sơn mài, 155,5x400cm (gồm 8 tấm ghép lại). Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017.
“Gióng”, Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), 1990, sơn mài, 90×120,3cm. Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017.
Đến thời điểm hiện tại, “Bảo vật quốc gia” về mỹ thuật chủ yếu thuộc sáng tác của các thế hệ các họa sỹ thế hệ vàng Đông Dương. Bởi yếu tố thời gian khẳng định giá trị tác phẩm của họ.
3 Trích từ bài viết của NNC Ngô Kim Khôi:
Trước đó không lâu, Nam Sơn đã gửi một tấm ảnh chụp bức tranh “Chân dung Mẹ tôi” cho thầy Jean-Pierre Laurens của mình tại Paris để xin ý kiến. Ngày 29/6/1931, ông nhận được những lời phê bình như sau :
“Trong thư vừa rồi anh bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi về những thành công có được. Hãy tin rằng, anh không có bổn phận gì về sự giáo dục của tôi, chính tác phẩm của anh tự nó đã biểu lộ giá trị. Hãy tiếp tục sáng tác như anh vẫn làm, với cùng một ý chí, và với sự khiêm tốn chu đáo của anh mà tôi vẫn biết… Tác phẩm của anh đã gây cho tôi một ấn tượng tuyệt vời. Trong tranh, từ trang phục và phong thái đặc biệt của con người tại đất nước anh, tôi có cảm giác trong tận cùng tâm hồn anh toát ra một khái niệm mỹ thuật nghiêm trang và trầm lắng. Điều quan trọng là anh nên luôn giữ vững phong cách thể hiện này và không bao giờ đánh mất những điều đã làm nên sự vĩ đại trong nền Nghệ thuật của dân tộc mình. Hình ảnh mà anh gửi cho tôi là một biểu hiện tuyệt vời chứng minh cho điều ấy. Tôi đã chăm chú quan sát người phụ nữ này và mỗi ngày tôi lắng sâu hơn vào đường nét đơn giản của phong cách sáng tác. Có rất nhiều thứ để học ở đây. Biết trầm tư mặc tưởng về một tác phẩm như vậy, thật là…” [2]
Chân dung họa sĩ Nam Sơn. Ảnh chụp năm 1949. Tư liệu Ngô Kim Khôi
“Gần đây, Nicolas Henni-Trịnh Đức đã có dự định trình Luận án Thạc sĩ với nhan đề “Những biến đổi trong nghệ thuật chân dung Việt Nam, 1874-1976” [5], đã có những phân tích rất thú vị về bức “Chân dung Mẹ tôi” của Nguyễn Nam Sơn, xứng đáng để chúng ta ghi nhận :
[…] Chân dung vẽ bà Nguyễn Thị Lân được diễn tả trang trọng và mạnh mẽ. Trong tranh chúng ta thấy cuốn kinh được bà cầm bằng hai tay, nhẹ nhàng đặt trên đầu gối. Các ngón tay thể hiện một cách thần tình, tinh tế len vào giữa những trang sách. Song song với biểu hiện trầm tư của khuôn mặt, cuốn sách chứng minh khoảnh khắc thiền định mà bà Nguyễn Thị Lân đang trải qua. Hình ảnh này dường như muốn cho chúng ta hiểu rằng trong khi đang đọc dở dang, bà đã khép kinh sách giữa những ngón tay, để mặc tưởng về một vài đạo lý mà bà vừa cảm nhận.
“Chân dung mẹ tôi” của Nam Sơn trưng bày tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1930 trước khi sang tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris 1931
[…] Bà Nguyễn Thị Lân mặc một chiếc áo tràng với tay rộng, cổ áo chéo trên ngực. Cuốn kinh, chuỗi tràng hạt, mũ đội đầu, áo tràng hòa hợp với nhau và tạo thành một tổng thể mạch lạc. Chân dung vẽ bà là một tuyên ngôn dứt khoát, ca tụng một người phụ nữ sùng đạo và đáng kính. [6]
Ảnh chụp “Chân dung mẹ tôi” ở Hà Nội khoảng 1930-1931. Ảnh do Pháp đặt chụp để lưu giữ. Nay lưu ở Trung tâm Aix en Provence, miền Nam nước Pháp.
[…] Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc đây không phải là một bức chân dung dùng để thờ, mà nó được sáng tác vì một mục đích hoàn toàn khác. Nam Sơn đã vẽ bức chân dung này để trưng bày ở phía bên kia quả địa cầu, tại Pháp, nơi mà tranh phải chứng minh tài năng và chất lượng đào tạo của tác giả. Đây là một tác phẩm nghệ thuật theo định nghĩa của phương Tây. Nam Sơn không thực hiện cho việc thờ cúng gia đình, mà cho sự quảng bá nghệ thuật của Trường Mỹ thuật Hà Nội. [7]
Ngô Kim Khôi viết: “Đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương, tuy nhiên tác phẩm của Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập. Họ đều bảo nhau, để được một bộ sưu tập tranh Đông Dương hoàn hảo, bắt buộc ít nhất phải có một bức tranh của Nam Sơn!
Từ phải sang trái: Victor Tardieu, Nam Sơn, Lê Thị Lựu. Ảnh chụp tại trường Mỹ thuật Đông Dương, khoảng 1927, tư liệu Ngô Kim-Khôi
Lần đầu tiên, một danh tác sơn dầu của họa sĩ Nam Sơn được đưa lên sàn đấu giá. Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam, “Chân dung mẹ tôi” xứng đáng được hiện diện trong những bộ sưu tập hoặc bảo tàng lớn nhất trên thế giới.
Hơn nữa, với vai trò tiên phong, nền Mỹ thuật Việt Nam nên phong tặng tác phẩm kinh điển này tên gọi BẢO VẬT QUỐC GIA.
4 Với những trích dẫn trên, ý kiến của NNC Ngô Kim Khôi rất đáng lưu ý. Nếu quả đúng “Chân dung mẹ tôi” xứng đáng ở một vị trí tốt nhất thì vẫn cần phải có Mạnh Thường Quân mua đấu giá, sau đó tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Việc này là khó…
Với giá khởi điểm 200-300k euro, nếu đấu đúng như giá ước tính, hoặc có thể là cao hơn (gấp nhiều lần chắc khó) thì ‘Chân dung mẹ tôi” sẽ có nhiều Nhà sưu tập hoàn toàn thừa khả năng. Vấn đề ở đây, bức tranh này hiếm, quý, tên tuổi lớn, xứng tầm thì vị trí tốt nhất vẫn phải là ở một Bảo tàng Quốc gia thuộc hệ thống của chính phủ. Nhưng có lẽ, sau phiên đấu này, bức tranh sẽ có một vị trí ở một bảo tàng hoặc một bộ sưu tập riêng tư nào đó. Và mong muốn nhất, tốt nhất là “Chân dung mẹ tôi” sẽ trở về quê hương.
Còn nếu một Bảo tàng tư nhân nào đó ở một quốc gia khác mua được và đem về trưng bày tại bảo tàng của họ thì “chúng ta chẳng còn cơ hội nào” – NNC Ngô Kim Khôi chia sẻ.