Logo loading

MỘT SỐ TRIỂN LÃM NỔI BẬT SẼ DIỄN RA TRONG NĂM 2023

Egon Schiele. Chân dung tự họa với hoa đèn lồng (1912). Nghệ sĩ người Áo đã vẽ nhiều chân dung tự họa suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình. Được phép của Bảo tàng nghệ thuật thành phố Tokyo. EGON SCHIELE: THIÊN TÀI TRẺ TUỔI CỦA VIENNA 1900, BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ TOKYO, […]
|Viet Art View

Egon Schiele. Chân dung tự họa với hoa đèn lồng (1912). Nghệ sĩ người Áo đã vẽ nhiều chân dung tự họa suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình. Được phép của Bảo tàng nghệ thuật thành phố Tokyo.

EGON SCHIELE: THIÊN TÀI TRẺ TUỔI CỦA VIENNA 1900, BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ TOKYO, 26 THÁNG 1 đến 9 THÁNG 4

Trẻ, rắc rối, tài năng, Egon Schiele là ngôi sao của Vienna. Giống nhiều người cùng thế hệ, ông chết ở tuổi 28 vì bệnh cúm Tây Ban Nha, chỉ ba ngày sau người vợ đang mang thai của mình.

Triển lãm—từ bộ sưu tập của Bảo tàng Leopold ở Vienna—sẽ bao gồm các nghiên cứu ban đầu của Schiele, thực hiện khi ông còn là một thiếu niên, cũng như những bức chân dung tự họa nổi tiếng, được thể hiện như những khám phá về bản sắc của một nghệ sĩ trẻ. Đáng chú ý là những bức tranh đầy ám ảnh về mẹ và con, khi nghệ sĩ bước vào giai đoạn trưởng thành về nghệ thuật, cũng như những bức khỏa thân đầy nút thắt và tranh phong cảnh hình khối.

Đây là triển lãm hồi tưởng lớn về Egon Schiele được tổ chức tại Nhật Bản sau gần 30 năm. Bên cạnh hơn 50 bức vẽ và tranh của ông, triển lãm còn bao gồm hơn một trăm tác phẩm của các nghệ sĩ khác trong và xung quanh thành phố Vienna, quê hương ông, Gustav Klimt, Richard Gerstl và Oskar Kokoschka. Phong cách của ông đã chịu ảnh hưởng từ xung quanh cũng như dòng chảy nghệ thuật của thành phố.

Johannes Vermeer. Người vắt sữa, (1658-59). Triển lãm gồm 28 bức tranh của ông, con số nhiều nhất những tác phẩm của Vermeer từng được trưng bày cùng một nơi. Được phép của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC.

 VERMEER, RIJKSMUSEUM, AMSTERDAM, 10 THÁNG 2 đến 4 THÁNG 6

Thành tựu của Rijksmuseum về việc bảo vệ 28 trong số 37 bức tranh của Johannes Vermeer đã được công bố rộng rãi, nhưng triển lãm tại Amsterdam sẽ thực sự được trưng bày như thế nào? Các tác phẩm sẽ được trải rộng rãi trên mười phòng, không có tác phẩm nghệ thuật nào khác.

Các bức tranh sẽ được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ những năm 1650 đến trước khi Vermeer qua đời năm 1675. Tuy nhiên trình tự này có thể bị phá vỡ, nhằm nhấn mạnh chủ đề hoặc tham vọng của họa sĩ.

Gregor Weber, đồng giám tuyển của triển lãm, dự định nhấn mạnh vào “hướng nội và hướng ngoại” của các nhân vật trong tranh. Trong một số bức tranh, Vermeer gợi ý một cách tinh tế về sự tương tác với những người khác bên ngoài tranh bằng “cửa sổ, bức thư, lời mời chơi nhạc”, những tác phẩm khác tập trung vào nhân vật tự chiêm nghiệm “trong sự cô lập”.

Triển lãm hồi tưởng lớn gần đây nhất của Vermeer là năm 1995-96 tại Washington DC và The Hague, triển lãm sắp tới ở Amsterdam sẽ giới thiệu nghệ thuật của ông cho một thế hệ mới. Trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu kỹ thuật đáng kể về các bức tranh—giờ đây chúng ta đã biết nhiều hơn về cách chúng được tạo ra (tài liệu này chủ yếu sẽ được trình bày trong danh mục).

Nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn. Như Weber đã gợi ý, chúng ta nên đến triển lãm để “gần hơn với Vermeer và trải nghiệm những bí mật của ông.”

Nếu muốn tìm hiểu thêm về Vermeer, chúng ta cũng nên đến Delft (cách đó khoảng 50 km), quê hương của ông. Bảo tàng thành phố sẽ có một triển lãm, Vermeer’s Delft (từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 4 tháng 6).

Hokusai. Thác nước nơi ngựa của Yoshitsune tắm, tại Yoshino tỉnh Yamato (khoảng 1832) © Bảo tàng Mỹ thuật, Boston

 HOKUSAI: NGUỒN CẢM HỨNG VÀ ẢNH HƯỞNG, BẢO TÀNG MỸ THUẬT, BOSTON, 26 THÁNG 3- 16 THÁNG 7

Hokusai (1760-1849) đã được quốc tế ngưỡng mộ trong hơn một thế kỷ và Bảo tàng Mỹ thuật Boston, với bộ sưu tập nổi bật của Nhật Bản, là nơi thích hợp để giới thiệu tác phẩm của ông. Triển lãm bao gồm hơn 90 tác phẩm của Hokusai, hơn 200 tác phẩm của những người cùng thời và những người chịu ảnh hưởng từ ông trên toàn thế giới.

Nửa đầu của triển lãm sẽ dõi theo mối quan hệ của Hokusai với người thầy Katsukawa Shunshō và mối liên hệ của ông với các nghệ sĩ và nhà văn Nhật Bản trong thời kỳ này. Nó cũng tiếp tục xem xét ảnh hưởng của Hokusai đối với những người hâm mộ châu Âu cuối thế kỷ 19, chủ yếu là những người theo trường phái Hậu ấn tượng.

Nửa sau triển lãm sẽ tập trung vào thế kỷ 20 và 21, kể câu chuyện về cách Hokusai trở thành nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng nhất bên ngoài đất nước của mình. Một căn phòng ở trung tâm triển lãm sẽ được dành cho bản khắc gỗ nổi tiếng Con sóng lớn của ông.

Trong số những điều ngạc nhiên của triển lãm sẽ là một trong những bức tranh thác nước của Hokusai cùng với bức tranh năm 1925 của nghệ sĩ người Mỹ Loïs Mailou Jones. Khi đó ở tuổi 20, cô lấy cảm hứng từ tác phẩm của Hokusai để tạo ra thiết kế màu nước cho vải của mình (mặc dù nó dường như chưa bao giờ được đưa vào sản xuất). Jones (1905-98) tiếp tục trở thành thành viên hàng đầu của nhóm Phục Hưng Harlem ở New York.

Triển lãm có thể sẽ được xê dịch qua những nơi tổ chức khác nhau, tuy nhiên các chi tiết vẫn chưa được quyết định.

Dante Gabriel Rossetti. Paolo và Francesca da Rimini (1855) © Tate

THE ROSSETTIS, TATE BRITAIN, LONDON, 6 THÁNG đến 24 THÁNG 9

Cảm quan rực rỡ của Dante Gabriel Rossetti và những người anh em Tiền Raphael của ông đã đủ quen thuộc trên khắp Vương quốc Anh và nhiều nơi khác; cuộc sống thiên hướng cảm xúc của họ thậm chí còn được đưa lên truyền hình chính thống trong loạt phim Desperate Romantics năm 2009 của đài BBC. Triển lãm sắp tới của Tate — có lẽ một cách vô thức — bắt đầu từ lúc chương trình truyền hình kết thúc, lần đầu tiên tập trung vào gia đình Rossetti và vướng mắc phức tạp của họ với những người như Jane và William Morris.

Khoảng 90 tác phẩm của Dante Gabriel Rossetti sẽ được trưng bày trong triển lãm hồi tưởng đầu tiên của nghệ sĩ tại Tate, nơi đã lưu giữ nhiều bức tranh nổi tiếng nhất của ông, bao gồm Truyền tin (1849-50), Beata Beatrix (1864-70) và Proserpine (1874). Tác phẩm thứ hai dự kiến sẽ được tái hợp với The Blessed Damozel (1879) và Mnemosyne (1881), bộ ba gây choáng váng được đặt cùng nhau trong phòng khách của nhà sưu tập đầu tiên của Rossetti, Frederick Leyland. Christina, em gái của Dante, tác giả nổi tiếng với Goblin MarketIn the Bleak Midwinter, cũng là hình mẫu cho tác phẩm Truyền tin, triển lãm bao gồm các bản ghi âm thơ của cô, trong khi một người anh em khác, William, đã viết bản tuyên ngôn gốc của Hội anh em tiền Raphael.

Tuy nhiên phần ấn tượng thực sự của Tate là trưng bày những tác phẩm của Elizabeth Siddal, nổi tiếng với vai trò người mẫu cho John Everett Millais trong Ophelia (1851-52) và một loạt những tác phẩm sau đó của Dante Gabriel Rossetti, người mà cô đã kết hôn. Siddal bắt đầu vẽ vào những năm 1850, đỡ đầu bởi nhà phê bình John Ruskin, cô vẽ đều đặn cho đến khi qua đời vào năm 1862. Số lượng tác phẩm của Siddal không nhiều, khoảng 30, nhưng sẽ rất tuyệt nếu được ngắm nhìn chúng cùng một lúc.

Hallazgo (Khám phá) (1956) vẽ bởi nghệ sĩ người Tây Ban Nha Remedios Varo (1908-63), sống lưu vong ở Mexico hậu chiến, cùng với những nghệ sĩ Siêu thực châu Âu. Được phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

REMEDIOS VARO: KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG, VIỆN NGHỆ THUẬT CHICAGO, 29 THÁNG 7- 27 THÁNG 11

Remedios Varo và những người bạn của cô, họa sĩ người Anh Leonora Carrington và nhiếp ảnh gia người Hungary Kati Horna, được mệnh danh là “bộ ba phù thủy”. Là một phần của nhóm những người theo chủ nghĩa siêu thực châu Âu lưu vong ở Mexico thời hậu chiến, họ có chung niềm đam mê với thuật giả kim và những điều huyền bí. Những bức tranh về thế giới khác của Varo được tạo nên bởi những nhân vật tham gia vào các nghi lễ và nghiên cứu bí ẩn: một người tung hứng các vì sao, một học giả xâu chuỗi pha lê trên bàn tính hoặc một nhà thám hiểm đang vẽ biểu đồ cho một dòng sông dâng trào từ một chiếc cốc.

Làm việc theo phong cách điêu luyện, minh chứng cho nhiều năm được đào tạo học thuật ở quê hương Tây Ban Nha và ảnh hưởng sâu sắc của Hieronymus Bosch, đôi khi cô dành hàng tháng trời để tạo ra một hình ảnh duy nhất. Khi cô đột ngột qua đời vào năm 1963, người sáng lập trường phái Siêu thực André Breton đã nói rằng “nữ phù thủy đã ra đi quá sớm”.

Mặc dù Varo đã đạt được sự công nhận trong suốt cuộc đời của mình, tuy nhiên danh tiếng của cô tăng vọt trong những năm gần đây khi những người phụ nữ theo chủ nghĩa Siêu thực được khám phá lại rộng rãi hơn. Mùa hè này, khoảng 25 bức tranh từ đỉnh cao sự nghiệp của cô vào những năm 1950 và đầu những năm 60, cùng với các bức vẽ và tài liệu lưu trữ, sẽ được tái hợp tại Viện Nghệ thuật Chicago trong buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của Hoa Kỳ dành riêng cho cô kể từ năm 2000, được tổ chức với sự hợp tác của Museo de Arte Moderno ở Mexico City. Với tiêu đề Khoa học viễn tưởng, triển lãm tìm cách làm sáng tỏ sự căng thẳng giữa khoa học hiện đại và chủ nghĩa thần bí trong trí tưởng tượng của Varo cũng như “sự kết hợp giữa lập kế hoạch chính xác và may rủi” đã tạo nên kỹ thuật tỉ mỉ của cô.

Michelangelo. Người đàn ông khỏa thân từ phía sau (Nghiên cứu cho Trận chiến Cascina, khoảng 1504), một trong những bản vẽ trọng tâm của triển lãm © Bảo tàng Albertina, Viennna

MICHELANGELO VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG, ALBERTINA, VIENNA, 15 THÁNG 9 đến 7 THÁNG 1, 2024

Cứ khoảng một thập kỷ một lần, Bảo tàng Albertina của Vienna lại trưng bày bộ sưu tập những bản vẽ nổi tiếng của Michelangelo cho công chúng. Tháng 9 này, chín trong số 13 bức vẽ sẽ là tâm điểm của triển lãm về bậc thầy vĩ đại thời Phục hưng. Với khoảng 170 tác phẩm, Michelangelo và những ảnh hưởng cung cấp góc nhìn về việc nghệ thuật phác thảo và ý tưởng về cái đẹp đã chịu ảnh hưởng từ Michelangelo như thế nào trong suốt nửa thiên niên kỷ.

Các tác phẩm như bức khỏa thân nam thanh niên đang ngồi của Michelangelo và hai nghiên cứu về cánh tay (1510 – 1511), với phần thân vặn, sẽ gợi lên những so sánh với các bức tranh khỏa thân nam của các nghệ sĩ bao gồm Hendrick Goltzius người Hà Lan, được thể hiện bằng bức khắc Hercules ngoại cỡ năm 1589 của ông.

Bảo tàng Albertina trưng bày bản vẽ và bản in của các bậc thầy kinh điển để xem xét tác động to lớn của Michelangelo trong cả thế kỷ 16 và 17, đồng thời các curator đã đưa vào một số bức vẽ quan trọng của Raphael, Rubens và Dürer. Chọn chủ đề gần gũi hơn với thời đại của chúng ta, bậc thầy Hiện đại Egon Schiele, trong bức vẽ màu bạo liệt năm 1910 Nude nhăn mặt (Tự họa), là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những gì được và mất, khi các nghệ sĩ vĩnh viễn gạt bỏ giải phẫu lý tưởng hóa của cơ thể. Một ví dụ điển hình là bức vẽ năm 1503 của Michelangelo mô tả một người đàn ông khỏa thân đứng, như một bức tượng sống. Từng là một phần trong bộ sưu tập của Rubens, bức vẽ mang dấu vết bàn tay của họa sĩ.

Triển lãm cũng giới thiệu một trong những tác phẩm đồ họa hiếm hoi của Michelangelo mô tả chính xác cơ thể phụ nữ, Nghiên cứu về một phụ nữ khỏa thân ngồi (khoảng 1530-36), các curator đã sắp xếp cùng những tác phẩm nữ khỏa thân của Rembrandt, Dürer và người Đức đương thời của Michelangelo, Hans Baldung Grien.

El Greco. Sagrada familia con Santa Isabel y San Juanito (khoảng 1585-90), sẽ có trong triển lãm tại Palazzo Reale. Được phép của Museo de Santa Cruz, Toledo.

EL GRECO TRONG MÊ CUNG, PALAZZO REALE, MILAN, 13 THÁNG 10- 9 THÁNG 2, 2024

El Greco đã rèn giũa phong cách kịch tính của mình ở các thành phố Địa Trung Hải. Ở Venice, ông đã học được từ Titian và Tintoretto cách tắm những khung cảnh tối trong ánh sáng rực rỡ. Tại Rome, ông đã phân tích những bức tượng cổ, cũng như kỹ thuật vẽ tranh của Michelangelo. Nhưng chính ở Toledo, Tây Ban Nha – nơi cuối cùng ông định cư – nghệ sĩ người Crete đã tạo ra những tác phẩm tuyệt vời nhất của mình. Áp dụng những gì đã học được ở Ý, ông mở đường cho Trường phái Tây Ban Nha và, một số người cho rằng, đã truyền cảm hứng cho những người ủng hộ chủ nghĩa Biểu hiện và chủ nghĩa Lập thể trong nhiều thế kỷ sau đó.

Doménikos Theotokópoulos (1541-1614), tên chính thức của ông, sẽ là chủ đề của một cuộc triển lãm lớn tại Palazzo Reale, Milan. Triển lãm El Greco quan trọng đầu tiên ở Ý trong gần 30 năm, nhìn nhận sự phát triển của nghệ sĩ từ cảm quan của các thành phố nơi ông được đào tạo và làm việc. Triển lãm sẽ bao gồm một số bức tranh nổi tiếng nhất của El Greco—bao gồm Chúa Cứu thế (khoảng 1610), Thánh Martin và Người hành khất (khoảng năm 1597-99) và Laocoön (khoảng năm 1610-14)—với những thỏa thuận mượn tác phẩm từ Bảo tàng El Greco ở Toledo, Museo Nacional del Prado ở Madrid, Phòng trưng bày Uffizi ở Florence và Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, DC, cùng những nơi khác.

Juan Antonio García Castro, giám đốc Bảo tàng El Greco và curator của triển lãm tại Milan, nói rằng việc xem các tác phẩm của El Greco cùng với các tác phẩm của các nghệ sĩ khác sẽ mang lại những hiểu biết đặc biệt. “Thay vì bố cục tuyến tính hoặc theo trình tự thời gian thông thường, triển lãm này đã được hình thành theo chủ đề,” ông nói. “Mục tiêu của chúng tôi là cho thấy những người cùng thời với El Greco đã có ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình chuyển đổi của ông từ một họa sĩ vẽ các biểu tượng Byzantine thành một thiên tài nghệ thuật được toàn thế giới công nhận.”

Một ‘sự diễn giải cực kỳ cá nhân và đầy năng lượng về những truyền thống cổ xưa’: Emily Kame Kngwarreye. Vô đề (awelye) (1994). Nghệ sĩ người Anmatyerre (1910-96) sinh ra và lớn lên ở Alhalkere, lãnh thổ phía Bắc của Úc. Phòng trưng bày Quốc gia Úc, Kamberri/Canberra © Emily Kame Kngwarreye/Copyright Agency.

EMILY KAME KNGWARREYE, PHÒNG TRƯNG BÀY QUỐC GIA ÚC, CANBERRA, 2 THÁNG 12- 28 THÁNG 4, 2024

Emily Kame Kngwarreye bắt đầu vẽ tranh một cách nghiêm túc vào khoảng 78 tuổi và cho ra đời hơn 3.000 bức tranh trước khi bà qua đời bảy năm sau đó – trung bình một bức tranh mỗi ngày. Nghệ sĩ Anmatyerre sinh ra và lớn lên ở Alhalkere, phía bắc Alice Springs ở Lãnh thổ phía Bắc của Úc, và tác phẩm của bà phản ánh những mẫu hình và kết cấu trong cảnh quan. Đứng trước những bức sơn dầu rực rỡ, chúng ta có thể nhận ra những hạt giống, dòng nước, cây cối trong những đường kẻ và dấu chấm lặp đi lặp lại.

Một triển lãm lớn tại Phòng trưng bày Quốc gia Úc sẽ đặt tác phẩm của Kngwarreye trong bối cảnh địa phương. Triển lãm tập hợp các bức tranh sơn dầu trong suốt sự nghiệp sáng tạo ngắn ngủi nhưng đáng chú ý của nghệ sĩ, trong số đó có bức Giấc mơ Ntange rộng lớn và trù phú (1989), một ấn tượng trừu tượng về đất nước của bà sau cơn mưa, và Yam Awely (1995), một trong những bức tranh tuyệt vời cuối cùng của bà. Cũng được trưng bày là The Alhalkere Suite (1993), một chuỗi gồm 22 bức tranh sơn dầu ca ngợi các lực lượng tự nhiên và tinh thần nuôi dưỡng trái đất. Sự bùng nổ của màu hồng, xanh ngọc, đỏ anh đào và xanh lam, ám chỉ sự xuất hiện của hoa dại sau hạn hán.

Tác phẩm của bà là ‘sự diễn giải cực kỳ cá nhân và đầy năng lượng về những truyền thống cổ xưa’ Kelli Cole, người đồng giám tuyển triển lãm với Hetti Perkins, cho biết. Mặc dù đã có một số triển lãm về tác phẩm của Kngwarreye, triển lãm này đặc biệt ở chỗ có sự tham gia của các curator bản địa đến từ miền trung nước Úc có mối quan hệ cá nhân với gia đình của nghệ sĩ và mối liên hệ văn hóa với cộng đồng của bà. Cole nói: “Chúng tôi đã hợp tác với gia đình và cộng đồng Utopia và quê hương Urapuntja để mang đến một góc nhìn mới.”

Nguồn: The Art Newspaper

Lược dịch bởi Viet Art View

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top