Logo loading

MỘT SỐ TRIỂN LÃM SẼ DIỄN RA TRONG NĂM 2023: BẮC MỸ

Từ Năm của Picasso đến các triển lãm mới của Georgia O’Keeffe, Diego Rivera và María Berrío, những sự kiện không thể bỏ qua sẽ diễn ra tại Bắc Mỹ trong năm 2023 1. MARÍA BERRÍO: CUỘC VIỄN CHINH CỦA TRẺ EM — 16 tháng 2 đến 6 tháng 8, Viện Nghệ thuật đương đại, […]
|Viet Art View

Từ Năm của Picasso đến các triển lãm mới của Georgia O’Keeffe, Diego Rivera và María Berrío, những sự kiện không thể bỏ qua sẽ diễn ra tại Bắc Mỹ trong năm 2023

1. MARÍA BERRÍO: CUỘC VIỄN CHINH CỦA TRẺ EM — 16 tháng 2 đến 6 tháng 8, Viện Nghệ thuật đương đại, Boston

Những tác phẩm với kích thước lớn sống động của María Berrío được tạo ra bằng cách ghép các lớp giấy Nhật, sequin và màu nước. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện thực huyền diệu và văn hóa dân gian, khung cảnh đẹp như cổ tích của cô có phụ nữ, trẻ em và động vật chung sống, một thế giới mộng mơ với con người và thiên nhiên tồn tại hài hòa. Tuy nhiên, trong những khung cảnh lý tưởng này, Berrío đưa vào thực tế khắc nghiệt của hiện tại, các vấn đề như di cư và chia cắt trong gia đình.

María Berrío (sinh năm 1982), Cavalry, 2022. Tác phẩm ghép với giấy Nhật, màu nước trên toan. 72 × 90 in (182.9 × 228.6 cm). Được phép của nghệ sĩ và Victoria Miro.

Triển lãm này cũng không ngoại lệ: giới thiệu các tác phẩm mới và đã có từ sê-ri Cuộc viễn chinh của trẻ em, lồng ghép lịch sử của Cuộc thập tự chinh của trẻ em thế kỷ 13 — và các truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, bài hát và tác phẩm nghệ thuật thần bí xung quanh nó — với những cuộc di cư ồ ạt của các dân tộc qua Địa Trung Hải và biên giới Hoa Kỳ ngày nay.

Như Berrío giải thích, ‘Trọng tâm chính và các nhân vật chính là trẻ em và nhận thức của chúng khi được nhìn qua chủ nghĩa hiện thực giả tưởng và ma thuật. Khi những đứa trẻ dấn thân vào cuộc hành trình gian khổ này, chúng thấm nhuần điều bình thường với thần thoại, khi cách giải thích ngây thơ và tưởng tượng của chúng về thế giới va chạm với thực tế khắc nghiệt.’

2. CHÂU MỸ CỦA DIEGO RIVERA — 11 tháng 3 đến 31 tháng 7, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Mỹ Crystal Bridges

Diego Rivera là người đi đầu trong dự án Mexico Muralism đầu thế kỷ 20. Những bức bích họa và tranh tường của ông là những cảnh tường thuật trải dài, chi tiết, ca ngợi cuộc sống của những người dân lao động Mexico và nền văn hóa bản địa của đất nước. Chịu ảnh hưởng từ một thập kỷ sống giữa những người tiên phong ở Paris, tác phẩm của ông thúc đẩy sự hồi sinh của nền văn hóa Mexico sau cách mạng.

Châu Mỹ của Diego Rivera là triển lãm khảo sát chuyên sâu nhất về tác phẩm của ông trong hơn hai thập kỷ, tập hợp những tác phẩm hiếm thấy từ các bộ sưu tập tư nhân, những bức tranh lớn được mượn từ các bảo tàng, những nghiên cứu cho các dự án tranh tường quan trọng ở Thành phố Mexico, San Francisco, Detroit và New York, các phép chiếu kỹ thuật số với kích thước lớn truyền tải chất lượng và sự sống động trong các bức tranh tường hoành tráng của ông. Mười phòng triển lãm dành cho các chủ đề đã thu hút trí tưởng tượng của nghệ sĩ, từ lao động, công nghiệp đến các khu chợ phố. Triển lãm tập trung vào tác phẩm của Rivera từ những năm 1920 đến 1940, khi ông hình thành một tầm nhìn mới về Bắc Mỹ qua những chuyến du lịch ở Mexico và Hoa Kỳ.

3. JANNIS KOUNELLIS TRONG SÁU PHÂN ĐOẠN — 1 tháng 4 đến 17 tháng 9, Bảo tàng Jumex, Thành phố Mexico

Là tổ tiên của phong trào Arte Povera, nghệ sĩ người Hy Lạp Jannis Kounellis đã làm suy yếu sự tôn nghiêm của không gian phòng trưng bày khi ông đặt các vật liệu như đất, than, vải bố, móc thịt, chai thủy tinh và thậm chí cả động vật sống cạnh nhau. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có hình 12 con ngựa, biến không gian triển lãm thành nhà kho. Nghệ thuật của Kounellis trải dài từ hội họa đến điêu khắc, trình diễn và sắp đặt, ông đã nhấn mạnh vào năm 2016, ‘Mọi thứ tôi làm là vẽ, ngay cả khi tôi không chạm vào cọ. Tôi nói sự thật của mình với tư cách là một họa sĩ.’

Jannis Kounellis trong sáu phân đoạn, bao gồm khoảng 50 tác phẩm, đưa ra đánh giá sâu rộng nhất về sự nghiệp của nghệ sĩ cho đến nay và là cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên về tác phẩm của ông ở Mexico. Triển lãm và danh mục đi kèm giới thiệu những tác phẩm theo cách ông muốn chúng được nhìn nhận, một phân tích trên một phạm vi rộng về hội họa như một phương tiện.

Triển lãm xem xét lại tác phẩm của Kounellis qua các giai đoạn quan trọng, những bức tranh, dự án điêu khắc, những tác phẩm found object [những đồ vật tìm thấy] và tác phẩm sắp đặt kích thước lớn, kết hợp các tác phẩm mang tính biểu tượng với các tác phẩm chưa được trưng bày trước công chúng.

4. JUAN DE PAREJA: HỌA SĨ NGƯỜI MỸ LATIN GỐC PHI — 3 tháng 4 đến 16 tháng 7, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Triển lãm đầu tiên khám phá cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ người Mỹ Latin gốc Phi Juan de Pareja (khoảng 1608-1670), được biết đến rộng rãi với tư cách là chủ đề của bức chân dung mang tính biểu tượng năm 1650 của Diego Velázquez. Pareja bị bắt làm nô lệ hơn 20 năm trong xưởng vẽ của Velázquez và buộc phải làm trợ lý cho ông. Sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ, Pareja đã dành phần đời còn lại của mình để hoạt động như một nghệ sĩ.

Juan de Pareja (1608-1670), Lời kêu gọi của Thánh Matthew, 1661. Sơn dầu trên toan, 88 ⅝ × 10 ft 7 ⅞ in (225 × 325 cm). Bảo tàng Quốc gia Prado.

Triển lãm chưa từng có mang tính chất vấn không khoan nhượng về lao động nô lệ và xã hội đa chủng tộc trong ‘Thời kỳ hoàng kim’ Tây Ban Nha. Chân dung người da đen và người Morisco ở Tây Ban Nha của Francisco de Zurbarán, Bartolomé Esteban Murillo và Velázquez, kết hợp các tác phẩm biểu thị mức độ phổ biến của lao động nô lệ trên các phương tiện từ điêu khắc đến đồ trang sức. Bức chân dung Pareja của Velázquez được bối cảnh hóa bởi những bức chân dung khác của ông vào thời điểm đó, cũng như hợp đồng mà ông đã viết, trao cho Pareja sự tự do.

Đỉnh điểm của triển lãm là bộ sưu tập tranh công khai lần đầu tiên của Pareja. Vào thời của ông, các nhà phê bình coi tác phẩm của ông chỉ là sự phản ánh phong cách của Velázquez, nhưng bộ sưu tập này cho thấy sự đa dạng và đổi mới trong tác phẩm của Pareja, người đã bắc cầu nối giữa nghệ thuật kinh điển phương Tây và cộng đồng người châu Phi hải ngoại.

5. DAWOUD BEY & CARRIE MAE WEEMS: TRONG ĐỐI THOẠI — 4 tháng 4 đến 9 tháng 7, Getty Center, Los Angeles

Dawoud Bey và Carrie Mae Weems là bạn bè và đồng nghiệp kể từ lần đầu tiên họ gặp nhau trong một lớp học nhiếp ảnh ở Harlem hơn 40 năm trước. Cả hai nghệ sĩ đều khám phá chủng tộc, cấu trúc quyền lực áp bức, bản dạng giới và giai cấp trong tác phẩm của họ, thông qua lăng kính của lịch sử người Da đen và thực tế hàng ngày nói lên thân phận con người.

Bey được biết đến với những bức chân dung hấp dẫn về mặt tâm lý về các cộng đồng ít được thể hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống và ghi lại trong lịch sử, cũng như sự đồng cảm ông mang đến cho các đối tượng của mình. Weems sử dụng một loạt các phương tiện phong phú, nhưng tính tích cực và khả năng kể chuyện của cô được đề cao trong nhiếp ảnh. Nổi tiếng với sê-ri Bàn bếp, trong đó cô đặt mình là chủ thể với chiếc bàn bếp hoạt động như một sân khấu để khám phá những vai trò khác nhau của phụ nữ Da đen, cô sử dụng bản ngã biến đổi này trong suốt tác phẩm của mình để đại diện cho cả nghệ sĩ và khán giả.

Dawoud Bey & Carrie Mae Weems: Trong Đối thoại tập hợp tác phẩm của hai nghệ sĩ thành năm nhóm theo chủ đề, làm sáng tỏ sự gắn kết và tầm nhìn chung của họ.

6. GEORGIA O’KEEFFE: ĐỂ XEM CẦN CÓ THỜI GIAN — 9 tháng 4 đến 12 tháng 8, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York

Mặc dù được biết đến nhiều nhất với những bức tranh vẽ hoa, Georgia O’Keeffe cũng đã tạo ra những tác phẩm phi thường bằng than, bút chì, màu nước và phấn màu. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York sẽ trưng bày 120 tác phẩm trên giấy, thường được xem riêng lẻ, cùng với các bức tranh chính. Triển lãm đầu tiên tập trung vào các bức vẽ của nghệ sĩ, nó sẽ mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc hơn về niềm tin của cô rằng ‘để xem cần có thời gian’.

Georgia O’Keeffe (1887-1986), Ngôi sao buổi tối Số III, 1917. Màu nước, giấy trên ván, 8 ⅞ × 11 ⅞ in (22.7 × 30.4 cm). Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York. Món quà của Quỹ Mr. and Mrs. Donald B. Straus, 1958.

O’Keeffe đã thử nghiệm và hoàn thiện tầm nhìn của mình trên giấy từ năm 1915 đến năm 1918, với sự phát triển của những đường kẻ đậm, những bức tranh khỏa thân và những bức vẽ bằng than, nhưng ngay cả khi cô ngày càng chuyển sang vẽ tranh trên vải, giấy vẫn tiếp tục cho phép cô tự do nắm bắt nhịp điệu của thiên nhiên theo cách mà toan không cho phép. Trên những tờ giấy, cô có thể theo dõi quỹ đạo xoắn ốc của mặt trời khi nó đi xuống hoặc tầm nhìn trên không thay đổi từ cửa sổ máy bay.

Như Samantha Friedman, curator triển lãm, đã nói, ‘Cô ấy nhận ra tầm nhìn của mình cần phải chậm lại, và đến lượt mình, các bức vẽ của cô ấy mời gọi chúng ta dành thời gian xem xét.’

7. JOSH KLINE: DỰ ÁN CHO MỘT THẾ KỶ MỚI CỦA NƯỚC MỸ — 19 tháng 4 đến 1 tháng 8, Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, New York

Josh Kline nổi tiếng với các tác phẩm sắp đặt nhập vai sử dụng video, tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh và thiết kế để xem xét việc công nghệ đang thay đổi ý nghĩa của con người trong thế kỷ 21. Anh thường sử dụng chính những công nghệ và phương pháp mà anh đang xem xét kỹ lưỡng — từ phần mềm máy tính deepfake đến quảng cáo thương mại.

Tác phẩm của anh thường xuyên được nhấn mạnh với các bộ phận cơ thể, dược phẩm và các sản phẩm vệ sinh. Ví dụ, trong tác phẩm sắp đặt, Chín đến năm, Tám đến bốn, Bảy đến ba, những chiếc xe của người gác cổng chất đầy đầu, chân và tay, nằm giữa những đồ dùng dọn dẹp.

Josh Kline (sinh năm 1979), Trong kho (Tay của nhân viên Walmart), 2018. Điêu khắc in 3D, xe mua hàng Walmart, hộp các tông đặt, 39 × 26 × 44 in (99.06 × 66.04 × 111.76 cm). Được phép của 47 Canal, New York, và Modern Art, London. Ảnh chụp bởi Joerg Lohse.

Về cốt lõi, tác phẩm của anh tập trung vào công việc và giai cấp, cũng như cách những vấn đề cấp bách nhất hiện nay – từ bệnh tật đến sự suy yếu của nền dân chủ – ảnh hưởng đến những người chắc chắn phải nhặt nhạnh từng chút: lực lượng lao động.

Triển lãm này sẽ là cuộc khảo sát bảo tàng đầu tiên của Kline, kết hợp các tác phẩm trong hơn một thập kỷ với những tác phẩm sắp đặt mới và tác phẩm với những hình ảnh chuyển động thể hiện góc nhìn về cuộc khủng hoảng khí hậu của những người lao động thiết yếu.

8. PICASSO THỜI TRẺ Ở PARIS — 12 tháng 5 đến 6 tháng 8, Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York

Pablo Picasso đến Paris lần đầu tiên vào mùa thu năm 1900, trong những tuần cuối cùng của Triển lãm Thế giới. Mới 19 tuổi, ông lao đầu vào cuộc sống thành thị. Trong suốt hai tháng ở lại, và một lần nữa khi trở lại vào mùa xuân năm sau, ông thường lui tới không chỉ các phòng trưng bày mà còn cả những quán cà phê phóng túng, hộp đêm và vũ trường ở Montmartre.

Pablo Picasso (1881-1973), Le Moulin de la Galette, 1900. Sơn dầu trên toan, 35 ⅜ × 46 in (89.7 × 116.8 cm). Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York. Món quà của Justin K. Thannhauser.

Triển lãm tại Guggenheim: Picasso thời trẻ ở Paris xoay quanh bức tranh năm 1900 của vũ trường cùng tên Le Moulin de la Galette, sẽ khám phá những biến đổi được thúc đẩy bởi chuyến đi Paris đầu tiên của Picasso đồng thời thể hiện những bài tập sắc sảo của ông trong nghiên cứu nhân vật.

Triển lãm sẽ là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm về Picasso năm nay. Ngày 8 tháng 4 năm 2023 đánh dấu 50 năm ngày mất của nghệ sĩ, một ủy ban do chính phủ Pháp và Tây Ban Nha tổ chức đã tuyên bố năm 2023 là Năm của Picasso và ủy thác 42 cuộc triển lãm và sự kiện trên khắp Châu Âu và Hoa Kỳ để tưởng nhớ di sản của ông.

9. NHỮNG CÂY BÁCH CỦA VAN GOGH — 22 tháng 5 đến 27 tháng 8, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Những bức tranh cây bách của Van Gogh luôn có thể được nhận ra ngay, đây là triển lãm đầu tiên chỉ tập trung vào mô típ đặc biệt này của danh họa người Hà Lan. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã tuyển chọn một bộ sưu tập gồm 40 tác phẩm thể hiện quỹ đạo niềm đam mê của Van Gogh với những cây bách cao chót vót bao quanh ông ở miền Nam nước Pháp. Triển lãm gồm những tác phẩm trong hai năm, từ lần đầu tiên người nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng nhìn thấy những cây bách ở Arles cho đến khi ông nhận ra tiềm năng gợi mở đầy đủ của chúng tại viện tâm thần ở Saint-Rémy.

Vincent van Gogh (1853-1890), Cánh đồng lúa mì với những cây bách, 1889. Sơn dầu trên toan, 28 ⅞ × 36 ¾ in (73.2 × 93.4 cm). Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Món quà của Quỹ The Annenberg, 1993.

Những bức tranh mang tính biểu tượng như Cánh đồng lúa mì với những cây bách (1889) và Đêm đầy sao (1889) tạo thành tâm điểm của triển lãm, được bối cảnh hóa bằng các bức vẽ và những lá thư mang đến cái nhìn chưa từng có về câu chuyện đằng sau những tác phẩm này.

10. VŨ TRỤ DI ĐỘNG: TƯ TƯỞNG VÀ SỰ HUY HOÀNG CỦA COLOMBIA BẢN ĐỊA — 3 tháng 6 đến 1 tháng 10, Bảo tàng Mỹ thuật Montreal

Triển lãm quy tụ hơn 400 tác phẩm nghệ thuật Colombia từ năm 1500 trước Công nguyên cho đến ngày nay; từ các khái niệm bản địa đương đại, trình bày một tầm nhìn về thế giới trong đó các tác phẩm nghệ thuật và giáo lý cổ xưa có mối liên quan đến ngày nay và trong tương lai.

Đồ dâng cúng (Tunjo) trong hình dáng một người đàn ông ngồi trên ghế đẩu, Colombia, Đông Cordillera, 800-1600 sau Công Nguyên (truyền thống Muisca), tumbaga (hợp kim vàng đồng). Bảo tàng Mỹ thuật, Houston, món quà của Alfred C. Glassell, Jr.

Đỉnh cao của nhiều năm hợp tác giữa nhóm curator của triển lãm và cộng đồng Arhuaco của vùng Sierra Nevada de Santa Marta miền bắc Colombia, triển lãm giới thiệu một số tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất từng được tạo ra trong khu vực, từ mặt nạ vàng rèn đến gốm sứ, hình nộm của các sinh vật huyền bí đến những tác phẩm màu nước đương đại. Được bối cảnh hóa bằng các phép chiếu hình ảnh và âm thanh của những chiếc ocarina cổ đại, nghệ thuật và hiện vật của các nền văn hóa Bản địa này được tái hiện đầy sức sống như hàng nghìn năm trước.

11. VÙNG ĐẤT XÁN LẠN: HỘI HỌA CUNG ĐÌNH UDAIPUR — 11 tháng 6 đến 10 tháng 9, Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland

Vào năm 1700, các nghệ sĩ của Udaipur, một cung đình ở phía tây bắc Ấn Độ, đã rời xa những bản thảo sâu sắc và bắt đầu tạo ra những bức tranh lớn để truyền tải tinh thần — hoặc, bhava — của cung điện, hồ và núi của kinh thành.

Maharana Swarup Singh và các cận thần trong Lễ hội Holi ở Cung điện, khoảng 1851. Tara. Màu nước và vàng trên giấy; 92.2 × 125.5 cm. Bảo tàng Cung điện, Udaipur, 2012.19.0012.

Vùng đất xán lạn: Hội họa cung đình Udaipur giới thiệu những tác phẩm rực rỡ trên giấy và vải. Hầu hết các bức tranh chưa bao giờ được trưng bày công khai và chưa có bức nào được trưng bày ở Hoa Kỳ. Trải dài hơn 200 năm, từ Mughal đến Ấn Độ thuộc địa, bộ sưu tập mang đến cái nhìn mới sâu sắc về cách các nghệ sĩ mô tả các địa điểm, lập bản đồ địa hình và kích hoạt ký ức để thúc đẩy sự gắn bó chính trị và cá nhân với đất đai, giữa bối cảnh xã hội và văn hóa đầy biến động đầu thời kỳ hiện đại Nam Á.

Triển lãm được tổ chức như một hành trình bắt đầu từ trung tâm của Udaipur và hướng ra bên ngoài: đầu tiên là thành phố, sau đó là vùng nông thôn và cuối cùng là vũ trụ.

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top