Ngày 30.11.2023, tại phiên đấu của nhà Aguttes, bức bình phong sơn mài 4 tấm. Thông số:
TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG, KHOẢNG 1940-50
‘Thuyền buồm trên vịnh’,
Sơn mài thếp vàng, bạc và khảm trai,
Đóng dấu “XN MY NGHE V.N HANOÏ” phía sau,
Bức bình phong gồm 4 tấm. Tổng kích thước: 100 × 157,9 cm. Chiều cao: 100 cm. Chiều rộng của mỗi tấm: 39,5 + 39,4 + 39,5 + 39,5 cm.
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Paris và vùng lân cận
Giá ước tính từ 80-120k EUR.
Nếu chỉ nhìn qua ảnh, có thể thấy đây là một tấm bình phong sơn mài đẹp, bố cục cảnh rộng phức tạp, chi tiết tỉ mỉ, kỹ lưỡng nhưng được tạo hình cân xứng, hài hòa… Chắc hẳn phải là tác phẩm của một họa sĩ được học hành bài bản, vững nghề. Ngoài chủ đề, phong cách bút pháp văn minh, vững chãi, thì chất liệu cơ bản sử dụng từ then, son, vàng, bạc là của sơn mài truyền thống như “núi thì màu đen, nâu; thuyền, cây cối màu đỏ; bầu trời, mặt nước thếp vàng, thếp bạc trên một màu màu nền nguyên”. Kỹ thuật sơn này thường được sử dụng phổ biến trên các tác phẩm nghệ thuật sơn mài (thời kỳ đầu) và trước 1945.
Mặt sau tấm sơn mài ghi “XN MY NGHE V.N HANOÏ”, tạm dịch là Xí nghiệp Mỹ nghệ Việt Nam, Hà Nội. Hiện tại, Viet Art View chưa tìm được thông tin về “XN MY NGHE V.N HANOÏ”. Liệu, cơ sở này có phải được hình thành sau năm 1945 hay 1954? Bởi XN thì chỉ tạm dịch là “XÍ NGHIỆP”, thấy có vẻ hợp lý nhất.
Viet Art View chỉ biết thông tin, sau năm 1954, miền Bắc Việt Nam có Hợp tác xã sơn mài Bình Minh (ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình cũ) thành lập năm 1959 và kết thúc hoạt động sản xuất năm 1979. Đây là một trong những Hợp tác xã chủ lực trong việc sản xuất đơn hàng sơn mài mỹ nghệ đi các nước Đông Âu, thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, còn một số cơ sở nhỏ, lẻ khác.
Hiện nay, ở Việt Nam, có một bức bình phong tương tự 1/1 với bức bình phong sắp đấu tại Nhà đấu giá Aguttes nhưng ký đề “Phạm Văn Đôn”. Viet Art View có ảnh chụp tác phẩm này, nhưng vì lý do bảo mật với chủ sở hữu nên không thể post ảnh. Mong các bạn thông cảm.
Vậy, bức bình phong sắp được đấu giá tại Aguttes liệu có phải là bản sáng tác sau khi họa sĩ Phạm Văn Đôn đã sáng tác (bức đầu tiên) không? Liệu có giống trường hợp như một số tấm tranh bình phong sơn mài “Chín con cá chép trong hồ nước” của họa sĩ Phạm Hậu, có tới mấy bản (đã xuất hiện). Hay tất cả đều do “XN MY NGHE V.N HANOÏ” sản xuất theo đơn hàng như các hãng Thành Lễ, Trần Hà, Mê Linh ở miền Nam… và họa sĩ Phạm Văn Đôn là người sáng tác mẫu. Hoặc trường hợp bức bình phong sơn mài ở Việt Nam đã được thêm tên vào? Tất cả chỉ có thể là giả thuyết…
Và thực tế, đây là bức bình phong sơn mài 4 tấm rất đẹp, đáng để sưu tầm. Nếu sau này, tìm được thông tin chính xác, sâu hơn, hoặc một điều gì khác kỳ thú hay hơn nữa thì chính “câu chuyện bên lề thú vị” sẽ khiến cho “giá trị hữu hình” của tác phẩm thực sự có sức nặng…
Bài viết bởi VIET ART VIEW
Bản quyền thuộc về Viet Art View