Logo loading

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ GIÁ TRANH VIỆT THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI VÀ MỪNG CHO “CHÂN DUNG MẸ TÔI’ CỦA NAM SƠN VỀ VIỆT NAM

Sau nhiều phản hồi của người đấu giá về sự cố hy hữu trong phiên chỉ đấu duy nhất một tác phẩm; sau sự phân trần, giải thích về những lỗi liên quan đến kỹ thuật của Nhà đấu giá Art Research Paris ngày 30.3.2023 ….Rất nhiều tiếc nuối sau phiên đấu ngắn ngủi chỉ […]
|Viet Art View

Sau nhiều phản hồi của người đấu giá về sự cố hy hữu trong phiên chỉ đấu duy nhất một tác phẩm; sau sự phân trần, giải thích về những lỗi liên quan đến kỹ thuật của Nhà đấu giá Art Research Paris ngày 30.3.2023 ….Rất nhiều tiếc nuối sau phiên đấu ngắn ngủi chỉ vài phút. Một bức tranh nhiều chú ý, cuối cùng chỉ đạt ở mức giá 200.000 eur (bao gồm cả phí) tương đương 6.6 tỷ vnđ thật sự chưa xứng tầm giá cho một tác phẩm tiêu biểu về cả bút pháp, phong cách, tạo hình do họa sĩ Nam Sơn (1890-1973) sáng tác từ năm 1932.

Gần đây nhất, ngày 5 và 6.4.2023, trong phiên đấu kỷ niệm 50 Sotheby’s châu Á, bức tranh lụa “Gia đình trong vườn”, sáng tác 1938 của Lê Phổ (1907-2001) gõ búa thành công ở mức 2,37 triệu usd, tương đương 55,6 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận.

Trước phiên đấu cuả Art Research Paris và Sotheby’s (cách nhau 5 ngày), Viet Art View có hỏi thăm một vài nhà nhà sưu tập (đúng nghĩa) về quan điểm sưu tập.

1. Nhà sưu tập thứ nhất (rất lâu năm), nhiều kinh nghiệm về nghề, một khách hàng lâu năm và thường xuyên của các nhà đấu giá cho biết:

– “Mình không đấu “Chân dung mẹ tôi” của Nam Sơn vì tranh này khó thanh khoản bởi nội dung “riêng tư” mà cụ thể ở đây là chân dung một con người cụ thể của một gia đình cụ thể.

– Còn phiên đấu 50 năm châu Á của Sotheby’s tranh cũng không có gì đặc sắc lắm so với những bức mình đã từng sở hữu. Mà phiên này quan trọng, nhiều người chú ý nên giá có thể sẽ bị đẩy lên cao. Mình vừa là nhà đầu tư vừa là người bán nên mình phải cân nhắc kỹ.

Quả tình, sau phiên đấu, có mấy bức tiêu điểm bị đẩy lên cao quá giá trị thực tế. Còn đa phần số tranh còn lại đều hợp với giá trị hiện tại…

2. Nhà sưu tập thứ hai, người sở hữu nhiều tranh quý, rất có giá trị (mọi mặt) của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng…cùng rất rất nhiều tranh quý khác của Việt Nam cũng có chung suy nghĩ như Nhà sưu tập thứ nhất về bức tranh của Nam Sơn. Thậm chí còn nói thêm “cá nhân mình thấy giống tranh thờ” quá. Vì vậy, dù tranh quý, có giá khởi điểm tốt 200k eur mình cũng sẽ không đấu bức này.

Sau phiên đấu ngày 5.4 của Sotheby’s, Nhà sưu tập có gọi Viet Art View và trao đổi: “Đồng chí nào mua Lê Phổ giá ‘ác’ đấy; giá quá cao so với giá trị thực; có thể là người mới chơi chăng?”.

3. Nhà sưu tập thứ ba, trung dung hơn thì cho biết, cũng thích bức “Chân dung mẹ tôi”; Nhà sưu tập đã chuẩn bị để đấu và nói “nếu giá không quá đột biến (gấp nhiều lần) thì việc sở hữu bức tranh này là rất hợp lý mọi mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Về mặt tạo hình Nhà sưu tập cho là đẹp, cổ điển, hàn lâm về cả phong cách và bút pháp. Nhưng cuối cùng, do lỗi kỹ thuật từ phía Nhà đấu giá, anh và một số người đấu khác đã không thể đặt lệnh trong phiên. Ngay sau phiên đấu, anh đã liên hệ với Art Research Paris, họ cũng thật sự lúng túng về sự cố đáng tiếc (và thực sự là không đáng) đã xảy ra này.

Phòng trưng bày tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1930 với rất nhiều tác phẩm và tên tuổi quen thuộc – những nghệ sĩ đã làm nên nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại thời sơ khở

Trên thực tế, sau phiên đấu của Sotheby’s, có hai luồng ý kiến. Một bên hoan hỷ vì giá tranh Lê Phổ được đẩy lên (dù họ chẳng mua) vì tranh cứ giá cao là tốt rồi. Một số khác (đa phần là dealer) thì lại bảo nhau “ngần ấy tiền mua được nhiều tranh Đông Dương đẹp”. Nếu hiểu rõ thị trường thì ý kiến thứ hai là hợp lý…

Về căn bản, tranh càng cao giá thì chứng tỏ mỹ thuật Việt đang được chú ý. Giá cao sẽ nâng tầm sưu tập tác phẩm nghệ thuật ở một tầm cao mới. Nhưng rõ ràng, việc đầu tư như thế nào cho hợp mọi lý của những “nhà đầu tư mới” sẽ rất cần các chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiện vẫn còn nhiều quan điểm nhầm lẫn tranh xưa (mỹ nghệ) của các nghệ nhân dân gian với tranh tạo hình của các họa sĩ có danh xưng, có tiểu sử sáng tác nghệ thuật, có tác phẩm giá trị được công nhận qua nhiều năm tháng, thời kỳ lịch sử của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Quay trở lại câu chuyện “giá trị thương mại” đôi khi không gắn được với “giá trị thực tế” của tác phẩm. Không bàn về việc ai là thầy, ai là trò nhưng rõ ràng đây là hai tên tuổi rất lớn của Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cận Hiện đại. Đặc biệt, Lê Phổ đã quá nổi tiếng với nhiều bức tranh đạt giá triệu đô. Vậy, bức 55,6 tỷ nên mua vì những lý do gì và bức 6,6, tỷ tại sao lại ít người thích? Câu trả lời này cần nhiều luận điểm và mổ xẻ ở một mức độ học thuật sâu hơn chứ không thể trong khuôn khổ một bài review nhỏ như thế này. Viet Art View sẽ đề cập tới vấn đề này trong những bài tiếp theo. Mong rằng sẽ có những đóng góp ý kiến, suy nghĩ của các chuyên gia cùng trao đổi.

Sau phiên đấu của Art Research Paris, một Nhà sưu tập – người bạn thân mến của Viet Art View tiết lộ danh tính người mua bức “Chân dung mẹ tôi” của Nam Sơn. Tranh sẽ về quê hương, cụ thể là về Hà Nội. Điều này là rất vui, bởi bức tranh “vị thế bảo tàng” ấy đã về Việt Nam. Như vậy, cơ hội để tranh có một vị trí xứng đáng trong một bảo tàng tư nhân hay quốc gia của Việt Nam là có khả năng. Còn nếu tranh sẽ thuộc về một nơi nào đó không phải Việt Nam thì chúng ta có thể hình dung ra câu trả lời…

Sau phiên đấu, Viet Art View cũng hỏi thăm một người rất thạo tin trong giới và được biết bức “Gia đình trong vườn” của Lê Phổ – á hậu về giá là do một người Việt mua nhưng khả năng cao chưa chắc sẽ về Việt Nam. Vậy, ở Việt Nam vẫn còn hoa hậu – “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ (3,1 triệu đô Mỹ) đang được lưu giữ tại tư gia của chủ nhân.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top