Có nhiều câu hỏi thắc mắc tại sao trong những phiên đấu giá tranh Việt Nam luôn xuất hiện những cái tên như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… hay những họa sĩ đầu thế kỷ XX như Phạm Hậu, Lương Xuân Nhị thuộc thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khi Việt Nam có nền hội họa 100 năm, giàu bản sắc với nhiều thế hệ nghệ sĩ, có tên tuổi không kém.
Về căn bản, điều này đúng một phần. Nhưng thị trường nghệ thuật với kế hoạch của nhà đấu giá còn phụ thuộc nguồn tranh được gửi tới hoặc họ tự kiếm tìm, xu hướng người sưu tập, tên tuổi, vị thế, giá trị nghệ thuật, giá trị thương mại của các nghệ sĩ mà họ giới thiệu.
Với các nhà đấu giá nước ngoài, tên tuổi nghệ sĩ với những tác phẩm chất lượng chính là sự đảm bảo cho thành công của các phiên đấu giá. Nhà đấu giá càng có uy tín, chất lượng thì càng thu hút được cả người mua và người bán, tạo nên giá trị thương mại nổi trội cho thị trường nghệ thuật.
Mai Trung Thứ (1906-1980). Ngoài trời. Lụa. 1940. 54,6×45,2 cm.
Đạt 794.720 EUR năm 2022 tại Aguttes.
Mai Trung Thứ (1906-1980). Nhạc công. Lụa. 1946. 80,5×63,2 cm.
Đạt 297.080 EUR năm 2018 tại Aguttes.
Một người bạn sưu tập quen biết của Viet Art View cho biết, rất nhiều – nhấn mạnh là “rất nhiều” những người môi giới nghệ thuật mời chào tranh, gửi qua tin nhắn tranh của nhiều nghệ sĩ có tiếng thuộc các khóa Đông Dương, Kháng chiến, Tô Ngọc Vân với lời chào mời hấp dẫn về giá. Và tất nhiên là chưa có kiểm định “thật giả” chứ chưa cần bàn tới câu chuyện tranh có “chất lượng” hay không. Những người môi giới này cho biết nguồn tranh của nghệ sĩ A, nghệ sĩ B mà họ giới thiệu có giá rẻ lắm… Trong khi người sưu tập luôn cần giá trị nghệ thuật là đầu tiên, tiên quyết của việc có mua hay không.
Ngoài ra, một số người môi giới, nơi “trao đổi” đăng tải trên nền tảng online nhiều tác phẩm với thông số đầy đủ (giá tất nhiên là inbox) với những lời giới thiệu chung chung. Hầu hết, những thứ người yêu nghệ thuật cần như: Nguồn gốc, xuất xứ, giá trị nghệ thuật, vẻ đẹp của tác phẩm ở đâu thì đều khó tìm thấy ở đó.
Vậy, tác phẩm nghệ thuật đẹp ở đâu, có giá trị ở chỗ nào, điều này không phải ai cũng có thể trả lời rõ ràng, mạch lạc một cách có hệ thống, trên cơ sở lý luận, học thuật.
Ví dụ nếu cho rằng các bức tranh cùng sáng tác trên chất liệu sơn dầu của Lê Phổ có thể sẽ có mức giá tương đương. Thời gian sáng tác trước, sau thì có thể cao giá hơn một chút; hoặc nếu kích thước tranh to thì sẽ có giá đắt hơn… điều ấy chỉ đúng một phần nhỏ. Nhưng điều gì tạo nên giá trị tác phẩm phải chính là “giá trị tự thân mà bề mặt thị giác, câu chuyện, chủ đề mà nó chứa đựng”, nếu muốn lý giải rõ ràng nếu không phải là những chuyên gia thì khó lòng đặt chúng chính xác vị thế.
Mai Trung Thứ (1906-1980). Vòng cổ. Lụa. 1944. 55×71 cm.
Đạt 3,3 triệu HKD năm 2023 tại Bonhams.
Mai Trung Thứ (1906-1980). Mẹ và đứa con đang ngủ. Lụa. 1944. 54,6×45,2 cm.
Đạt 462.960 EUR năm 2023 tại Aguttes.
Trong bài “Jonathan Redell – cách tôi nhìn một ngôi nhà” (nguồn Christie’s – Viet Art View dịch) ngài Jonathan Rendell, Phó Chủ tịch Christie’s đã phát biểu: “Tôi vào một ngôi nhà với tư cách là một nhà nhân chủng học để tìm kiếm những thứ đồ đạc, tìm ra những thứ tóm gọn lại con người mà những đồ vật đó thuộc về. Đôi khi đồ vật đó có thể có rất ít hoặc không có giá trị nội tại — như chiếc kẹp tiền của Rockefeller. Đối với tôi, tạo tác đó lại nói lên tất cả mọi thứ về Rockefellers, về New York trong những năm Ba mươi và Bốn mươi, về sự giàu có và địa vị. Đó là tất cả trong một tạo vật nhỏ bé. Nếu bạn là một chủ ngân hàng ở Manhattan, bạn có muốn sở hữu một chiếc kẹp tiền từng thuộc về Rockefellers không? Nó đặt bạn, người mua, vào cùng mối quan hệ với đối tượng như những người đã sở hữu nó trước đó. Đó là lý do tại sao xuất xứ là rất quan trọng. Trên thực tế, xuất xứ là tất cả: Nơi một tác phẩm xuất phát cũng quan trọng như bản thân nó.”
Mai Trung Thứ (1906-1980). Chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga.
Lụa. 1950. 61×46 cm.
Chuẩn bị bán đấu giá ngày 7.3.2024 tại Aguttes.
Tranh lụa của họa sĩ Mai Trung Thứ rất nổi tiếng và thường được bán ở mức giá cao. Nhưng có những tác phẩm lại có giá cao đặc biệt hơn hẳn các bức khác. Có thể cùng một mẫu chân dung, cùng kích thước, thậm chí trang phục và chủ đề cũng tương tự lại có mức giá khác, thậm chí rất khác nhau.
Mai Trung Thứ (1906-1980). Cơn gió. Lụa. 1945. 55×46 cm.
Đạt 195.000 EUR năm 2020 tại Aguttes.
Năm 2021, bức tranh lụa nhỏ xinh “Khăn quàng xanh”, 1942, lụa, 30,5×22 cm của Mai Trung Thứ đã được bán cho Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ với giá (cả thuế) là 271.560 EUR. Trong khi đó, những bức tranh tương đương năm sáng tác, chủ đề, kích thước như vậy lại có giá thấp hơn rất nhiều. Có một vài yếu tố tạo nên sự chênh lệch lớn về mức giá. Nhưng trong trường hợp của “Khăn quàng xanh” chính vì người chủ sở hữu đầu tiên của nó là “Vua Hàm Nghi” nên bức tranh mới đạt mức giá như vậy. Bản thân Nhà sưu tập Hàn Ngọc Vũ cũng chia sẻ “anh luôn có hứng thú với các tác phẩm ngoài giá trị nghệ thuật thì phải có câu chuyện lịch sử, có nguồn gốc tốt, từng thuộc sở hữu của những nhân vật nổi tiếng…”
Mai Trung Thứ (1906-1980). Khăn quàng xanh. Lụa. 1942. 30,5×22 cm.
Tác phẩm từng thuộc sở hữu của Vua Hàm Nghi.
Đạt 271.560 EUR năm 2021 tại Aguttes.
Tháng 11 năm 2023, Nhà đấu giá Sotheby’s đã đấu giá bộ sưu tập Nghệ thuật mang tên “Tráng lệ và vương giả” của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lộc (1914-1990) với các bức tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân. Bất chấp suy thoái về kinh tế, 16/16 bức đã được đấu thành công. Đặc biệt bức “Uyên ương hý liên”, khoảng 1930, lụa của Lê Phổ đã đạt mức 1,28 triệu USD (tương đương 31,4 tỷ đồng). Trong khi đó bức “Đôi chim bồ câu’, 1937, lụa, có mức giá 280.000 EUR (năm 2017). Tất nhiên, so sánh hơi có phần khập khiễng bởi sau 6 năm, một tác phẩm đẹp đã được tăng giá nhiều lần dù hai bức tranh có giá trị nghệ thuật một chín, một mười. Nhưng năm 2023 là năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị lịch sử và nghệ thuật đều chỉ đạt một mức giá rất bình thường, thậm chí là thấp hơn giá trị nghệ thuật tự thân mà nó vốn phải đạt được về ngưỡng giá. Vì vậy, đặt giả dụ, nếu bức “Uyên ương hý liên” không có nguồn gốc hoàng gia thì chưa chắc đã đạt mức giá 1,28 triệu USD (so với một bức có chất lượng tương đương khác).
Lê Phổ (1907-2001). Đôi chim bồ câu. 1937. Lụa.
Đạt 280.000 EUR năm 2017 tại Aguttes.
Lê Phổ (1907-2001). Uyên ương hý liên. Khoảng 1930, lụa.
Thuộc Bộ sưu tập của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc,
Đạt 1,28 triệu USD năm 2023 tại Sotheby’s.
Tương tự như vậy, trong phiên đấu của Aguttes ngày 7 tháng 3 năm 2024, tác phẩm “Ngoài trời” của Mai Trung Thứ (nằm trong top những tác phẩm lụa xuất sắc của ông) sẽ đạt mức giá nào? Năm 2022, bức tranh này cũng đã được đấu thành công tại Aguttes với mức giá 794.720 EUR (hơn 19 tỷ đồng). Viet Art View chưa hiểu vì lý do gì mà người chủ sở hữu hiện tại đem “Ngoài trời” đấu giá lại bởi thời điểm này, có vẻ chưa hợp lý cho lên sàn những tác phẩm đã đạt mức giá như vậy. Nhưng có một điều Viet Art View cho rằng, nếu “Ngoài trời” từng thuộc sở hữu hoàng gia như “Khăn quàng xanh” thì giá trị sẽ ngày càng tăng chứ không phải suy nghĩ “thời điểm tăng giảm” của kinh tế thị trường. Nhưng sẽ luôn có hy vọng về sự tăng giá với những tác phẩm đẹp, xuất sắc, hiếm có của các danh họa.
Như vậy, ngoài việc có thể thanh khoản của người sưu tập, vấn đề nên đầu tư vào tác phẩm nào, ở thời điểm nào luôn cần có sự tham vấn của những chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Và thời điểm này, là thời điểm tốt để mua vào những tác phẩm nghệ thuật tốt, nếu chúng được bán ra.
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View