Logo loading

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC “TẠI SAO TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CHỈ ĐẮT KHI ĐƯỢC BÁN CHO CHÍNH QUỐC GIA ĐÓ?”

Mỗi khi chuyện trò về nghệ thuật, về hội họa, về định danh sự nghiệp, về mức giá (thông qua những phiên đấu giá công khai) của các họa sĩ danh tiếng, thì những nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật đều có một câu trả lời chung: Họ mua tác phẩm nghệ thuật vì […]
|Viet Art View

Mỗi khi chuyện trò về nghệ thuật, về hội họa, về định danh sự nghiệp, về mức giá (thông qua những phiên đấu giá công khai) của các họa sĩ danh tiếng, thì những nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật đều có một câu trả lời chung: Họ mua tác phẩm nghệ thuật vì cảm xúc cá nhân, vì yêu mến nghệ sĩ, vì thấy quá khứ đâu đó của chính mình và vì đây là văn hóa của quốc gia… Vì vậy, tranh của họa sĩ Việt Nam hay nước ngoài vẽ chủ đề con người, xã hội, phong cảnh Việt được đấu giá quốc tế đều được các nhà sưu tập Việt mến mộ và kiếm tìm.

Đó là lý do rất đỗi tự nhiên của bất cứ một công dân thuộc quốc gia nào. Họ có niềm tự hào dân tộc, họ chỉ quan tâm đến những gì thuộc về quê hương của họ. Cũng chính vì lý do này, đôi khi một số Nhà đấu giá, không biết “vô tình hay cố ý” đã đặt tên cho một số tác phẩm không đúng với chủ đề, nội dung của tác giả; làm sai lệch cả địa danh và con người khiến cho người mua (đôi khi) nếu chưa nghiên cứu kỹ sẽ bị mắc phải.

Năm 2019, trong một phiên đấu tại Sotheby’s, ở lot 289 là một bức tranh sơn mài của Alix Aymé sáng tác, có tựa “Liseuse à côté de l’Annamite (Girl Reading Next to the Annamite Mountains) tạm dịch là “Cô gái An Nam đọc sách trên sườn đồi/núi”, sáng tác khoảng 1930-1940. Vô tình, Viet Art View đã từng xem tư liệu về bức tranh này trên một trang web uy tín chuyên về Alix Aymé; trong đó đề rõ: “Paysage basque/Phong cảnh xứ Basque. Circa 1960. 46×70 cm”. Và sau đó, trong một lần vô tình đến thăm tư gia một người bạn thân mến, Viet Art View nhìn thấy bức tranh này. Chủ nhà vô cùng dễ thương và niềm nở giới thiệu: “Đây hình như là bức tranh vẽ phong cảnh Sapa đấy”…

Tác phẩm sơn mài của Alix Aymé do Sotheby’s đề:
“Liseuse à côté de l’Annamite (Girl Reading Next to the Annamite Mountains)
Trang web về Alix Aymé đề: “Paysage Basque”

Nếu nhìn kỹ từng chi tiết trong tranh, hẳn chúng ta sẽ khó nhận ra bóng dáng của Sapa. Những căn nhà kia, những mái ngói kia, thậm chí cả dòng sông (lung linh vàng óng) đang uốn lượn giữa kiến trúc các tòa nhà và cây cầu… Đâu có chút gì Sapa thân thương của Việt Nam. Đây rõ ràng là phong cảnh Châu Âu, thậm chí những mái ngói kia lại có phần phảng phất tạo hình kiến trúc mái nhà cổ ở Vân Nam (Trung Quốc), nơi mà Alix Aymé có thời gian sống và đã từng thể hiện trong các bức tranh của bà.

Nhưng về phía Nhà đấu giá cũng khó bắt lỗi được họ, bởi tên tác phẩm là “Cô gái An Nam đang đọc sách…”, trong khi đó tạo hình người thiếu nữ cũng không rõ đặc điểm nhân chủng học, không rõ dân tộc nào trong trang phục hiện đại; cô ấy đọc đang nằm đọc sách ở đâu cũng không ghi. Vì sự không rõ ràng như vậy, chúng ta sẽ tự hỏi, nếu bức tranh để đúng tựa đề “Phong cảnh xứ Basque (Pháp), sáng tác khoảng 1960” thì có bán được cho một người Việt Nam với giá hơn 800 triệu đồng không?

TRẦN MINH THỌ (sinh 1882 hoặc 1922)
Cảnh chợ làng
ký THO có đóng dấu
Sơn mài trên vóc
Thực hiện vào khoảng năm 1950
182 × 252 cm, 71⅝ × 99¼ inch
Giá khởi điểm: 100k – 200k euro

Ngày 7.11.2023 tới đây, tại Sotheby’s Hong Kong, bộ sưu tập của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lộc (1914-1990) sẽ được bán đấu giá. Ngoài các tác phẩm đẹp của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, còn có bức tranh lụa hiếm thấy của Nguyễn Tường Lân. Điều gây tò mò, kiếm tìm trong phiên chính là tác phẩm sơn mài khổ lớn đề “THO”. Khi các lot đấu được post công khai trên trang web và in trong cataloque thì phần đề tên tác giả vẫn trống. Nhưng xét theo kích thước, theo tạo hình trên mặt tranh, theo tuổi đời của tác phẩm và nhất là tranh nằm trong bộ sưu tập của một hoàng tử thì giá không thể thấp được. Chắc từ những luận điểm trên, nhà đấu giá đã ước tính cho tác phẩm này từ 100k đến 200k euro.

Có thể nói, bức tranh sơn mài kích thước lớn này nhận được nhiều sự quan tâm bởi danh tính ẩn giấu. Có thể là Trần Đình Thọ, Trần Văn Thọ hay một họa sĩ có “bí danh Tho” nào đó chưa xác định được… Nhưng chắc chắn phải là tranh do một họa sĩ rất có nghề sáng tác.

Chúng ta cũng biết rằng, có thể lúc đó Nhà đấu giá chưa biết thông tin, nhưng một số người có nghiên cứu, có trong tay data về họa sĩ Việt Nam sẽ sớm tìm được danh tính của tác giả, chỉ có điều họ sẽ cung cấp thông tin cho ai hay chỉ giữ riêng cho mình mà thôi.

Quả đúng thế, trước phiên đấu ít ngày, phần tác giả đã được bổ sung “Trần Minh Thọ” (sinh 1882 hoặc 1922?).

Trần Minh Thọ là ai? Nhà đấu giá thông tin như sau: “Họa sĩ vẽ bức tranh này là Trần Minh Thọ, anh trai của họa sĩ sơn mài Lê Thy (Trần Minh Thi, 1911–1961), một trong những bậc thầy sơn mài được kính trọng nhất ở miền Nam Việt Nam. Trần Minh Thọ đã cống hiến hết mình cho tranh lụa trong phần lớn sự nghiệp của mình, vì vậy những tác phẩm sơn mài của Trần Minh Thọ là rất hiếm.

Theo J. Gaultier De La Ferrière, Trưởng phòng Văn hóa Cao ủy Pháp tại Đông Dương, trong lời nói đầu của danh mục triển lãm Exposition de Laques – Peintures sur Soie Gouaches – Pastels, 3-10/12/1951:

“Hơn nữa, ông (Lê Thy) hầu như tự học, không học qua trường lớp nào và nếu hợp tác với anh trai là họa sĩ Trần Thọ để tìm kiếm các kỹ thuật cơ bản cho nghệ thuật của mình thì sự nghiệp của ông được khẳng định rất nhanh. Trong khi Trần Thọ theo đuổi sự nghiệp ở Pháp và đã có tiếng tăm nhất định trong giới nghệ thuật, chuyên vẽ tranh trên lụa thì bộ môn sơn mài rất khó lại đặc biệt thu hút Lê Thy. Ông đã cùng anh trai Trần Thọ triển lãm tại Paris, Monte Carlo, Nice, Cannes, Lucerne, Bỉ và gần đây nhất là ở Rome, nhân dịp Năm Thánh.”

Một tác phẩm tương đương được giới thiệu trên trang bìa cataloque
triển lãm EXPOSITION DE LAQUES – PEINTURES SUR SOIE GOUACHES – PASTELS,
do Lê Thy tổ chức, từ ngày 3 đến ngày 10 tháng 12 năm 1951,
với sự tham gia của nhóm nghệ sĩ Việt Nam

Cuối cùng, thông tin về họa sĩ có chữ ký “THO” cũng được tìm thấy. Cứ thẳng thắn như thế này trên tinh thần cầu thị, tôn trọng người mua tranh Việt Nam thì uy tín của Nhà đấu giá càng được khẳng định và yêu mến hơn mà thôi. Bởi người Việt Nam chắc chắn hiểu rõ Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Bài viết của VIET ART VIEW
Bản quyền thuộc về VIET ART VIEW

Chia sẻ:
Back to top