Văn Bình (1917 – 2004). Mùa sen ở Khiêm Lăng. 1971. Sơn dầu. 58×100 cm
Khi nghe danh xưng “Huế”, chúng ta thường nghĩ ngay đến cầu Trường Tiền, sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, tà áo dài màu tím tha thướt, yêu kiều…hình ảnh cố đô uy nghiêm, lộng lẫy, vàng son một thủa cùng những lăng tẩm trầm mặc, im lìm dưới vô vàn tán lá xanh mát, ngọt ngào…tạo nên một quần thể đầy ký ức, hoài niệm về một trong những triều đại hoàng kim đã qua.
Bức tranh được Viet Art View giới thiệu lần này có tiêu đề “Mùa sen ở Khiêm Lăng”, chất liệu sơn dầu, kích thước 58x100cm do họa sĩ Văn Bình sáng tác năm 1971.
Họa sĩ Văn Bình tên đầy đủ là Nguyễn Văn Bình, sinh 1917 tại Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 12 (1938-1943) cùng với Đặng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Tiếp, Phạm Xuân Thi…Khóa có tám học viên nhưng chỉ có ba người học hết 5 năm và đỗ tốt nghiệp là Nguyễn Văn Bình, Tô Văn San và Nguyễn Văn An.
Chân dung họa sĩ Văn Bình (1917 – 2004)
Nhắc đến Văn Bình, người am hiểu hội họa nhớ ngay đến những bức tranh sơn mài mang đậm dấu ấn, ngôn ngữ tạo hình của ông. Huyện Phú Xuyên, quê hương ông có làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, làng nghề sơn mài Hạ Thái tuổi đời mấy trăm năm. Có lẽ chăng vì thế, kỹ thuật sơn ta cổ truyền được ông học hỏi một cách bài bản và kỹ lưỡng nên tranh sơn mài của Văn Bình được yêu mến và sưu tập nhiều.
Văn Bình là họa sĩ hiện thực. Thứ hiện thực chân thực của nhân sinh quan xung quanh mình. Ông sáng tác nhiều tranh sơn mài, khổ lớn. Một số bức của ông hiện trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như “Bản Nậm Nà” (1958, sơn mài, 120×160); “Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ” (1997, sơn mài, 105x150cm); “Gặt” (1999, sơn mài, 60x80cm). Ngoài ra những bức như “Chiến thắng Điện Biên”(sơn mài); “Đền Hùng” (sơn mài); “Phong cảnh Cao Bằng” (1990, sơn mài, 120x180cm)…và nhiều bức sơn mài đẹp khác, nhận được những ấn tượng đầy thiện cảm từ người yêu nghệ thuật.
Ngoài sơn mài, ông cũng sáng tác nhiều trên các chất liệu khác như sơn dầu, lụa, giấy. Những bức lụa nhỏ xinh của ông về vịnh Hạ Long, phong cảnh miền núi, nghiên cứu hình họa đều mang một kỹ thuật cổ điển căn bản vững vàng.
Họa sĩ Văn Bình là một trong những họa sĩ có sức sáng tạo liên tục, bền bỉ, đa dạng. Gia tài sáng tác của ông có lẽ đến con số ngàn cho tất cả các chất liệu. Nhưng với chất liệu sơn dầu, con số chỉ dừng lại ở mức vài chục. Tranh sơn dầu khổ lớn thì lại càng hiếm. Bức tranh “Phong cảnh đền Hùng”, 100x150cm, có lẽ là một trong những tranh sơn dầu lớn nhất của ông tới nay (mà Viet Art View biết).
Bức “Mùa sen ở Khiêm Lăng” nằm trong số ít các tranh sơn dầu khổ lớn hiếm hoi của ông. Tranh có kích thước 58x100cm. Trên mặt tranh không đề năm sáng tác. Nhưng (do gia đình nhớ) trong giấy xác nhận từ gia đình họa sĩ đề rõ năm sáng tác 1971. Ngoài ra, ông cũng có một bức tranh phác thảo (cho bức sơn dầu) bằng bột màu.
Trong sách “Hội họa Việt Nam một diện mạo khác”, (2015, NXB Thế giới) của Nhà Phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có viết: “Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Văn Bình công tác tại Nhà Thông tin Tràng Tiền, rồi đi theo kháng chiến làm báo Cứu quốc, khu 4 (1947-1950), rồi làm ở xưởng họa Liên khu 4”.
Như vậy, bức tranh bột màu (ở trên) mô tả cảnh mùa sen ở Khiêm Lăng có thể được ông vẽ theo lối trực họa vào những năm 1947-1950 khi đang công tác ở Liên khu 4. Sau đó, trên cơ sở bức trực họa, năm 1971 ông đã sáng tác bức sơn dầu “Mùa sen ở Khiêm Lăng”.
Bức tranh mô tả cảnh hồ Lưu Khiêm, vị trí nhìn đối diện với hai nhà nghỉ mát Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Trên cao, phía xa là Khiêm Cung Môn. Sinh thời, lúc còn sống, vua Tự Đức thường đến ngắm hoa sen, làm thơ, đọc sách.
Trục thứ nhất của lăng Dũ Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn, và lấp ló mái Hoà Khiêm Điện
Trục thứ hai của lăng. Từ vị trí này đã nhận ra sân Bái Đình với hai hàng tượng đá, Bi Đình và hai cột trụ biểu
Vua Tự Đức (1829-1883), vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, lúc sinh thời mang tâm hồn nghệ sĩ nên ngay từ khi mới 19 tuổi đã tự xây dựng lăng mộ cho mình theo phong cách lãng mạn, nên thơ.
Tổng thể lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng được khởi công từ năm 1866 (Bính Dần) đến năm 1873 mới hoàn thành. 10 năm sau vua Tự Đức mới mất – thọ 54 tuổi; ngồi trên ngai vua 35 năm, 287 ngày (vị vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn). Lăng Tự Đức và Thiệu Trị được đánh giá là kiến trúc đẹp, thơ mộng, hài hòa với cảnh quan xung quanh nhất.
Việc xây dựng lăng tốn nhiều mồ hôi xương máu của nhân dân nên từ cái tên ban đầu Vạn Niên Cơ, khi hoàn thành, vua Tự Đức phải đổi tên thành Khiêm Cung Môn (“khiêm” trong “khiêm tốn”). Đến lúc vua mất, đổi thành Khiêm Lăng. Viet Art View đã đặt tiêu đề “Mùa sen ở Khiêm Lăng”…dựa vào mô tả chi tiết bằng ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc trong tranh có thể thấy rõ đây là mùa hè, sen nở khắp mặt hồ…(trong giấy xác nhận của gia đình, tên tranh được ghi đơn giản là “Lăng Tự Đức”).
Khi ngắm nhìn bức tranh, có thể người xem sẽ muốn đến thăm Khiêm Lăng, ngồi trong Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ ngắm hồ sen trăm đóa (Bách sen-theo ý tưởng của vua Tự Đức)…đưa tâm trí quay về lịch sử khi cách đây 150 năm, tại nơi này, nhà vua cũng đã ngồi đây thưởng ngoạn cảnh đẹp, tao nhã hòa mình với thiên nhiên.
Họa sĩ Văn Bình có phong cách đặc trưng điển hình ở ngôn ngữ tạo hình cây lá, mô tả người dân tộc đầu thường ngắn, trán ngang; các đường viền công-tua được đi bút nét to, thậm chí như mảng-thường bằng vàng xay mịn (với ý đồ làm rực rỡ chủ thể của tác phẩm). Đặc biệt tạo hình các bụi (khóm) chuối thường được ông đặt ngay tiền cảnh bố cục, sau đó mới là lớp lang các chi tiết. Tạo hình liên quan đến “chuối” như khóm chuối, lá chuối, thân cây chuối của Văn Bình là khác biệt, khó nhầm lẫn với họa sĩ khác. Chính vì vậy trong giới chuyên nghề có câu “Thọ tre-Bình chuối” (“Thọ tre” – họa sĩ Trần Đình Thọ ‘1919-2011’) cách gọi thân mến, nể phục khi bàn về sở trường của hai ông. Hoặc nếu để ý sẽ thấy (dù lụa hay sơn mài) Văn Bình thường dùng hình ảnh hoa trắng (mơ, mận) chứ không phải hoa đào cho những bức tranh chủ đề phong cảnh vùng cao.
Không như sơn mài, Văn Bình sáng tác tranh sơn dầu không nhiều; tranh to càng hiếm. Trong tranh “Mùa sen ở Khiêm Lăng”, ông sử dụng hòa sắc xanh tươi nhưng vẫn có những độ trầm nhất định. Hòa sắc này có gam tương ứng với bức “Phong cảnh đền Hùng”. Với sơn dầu, ông dùng mảng lớn, đơn giản, gợi khối, tạo chất vừa đủ, không nghĩ ngợi gì nhiều, nét thoáng gợi hình, hòa sắc chuyển vừa đủ, có độ rung tự nhiên của cảm xúc.
Cố đô Huế là nguồn cảm hứng vừa lãng mạn, vừa nên thơ vừa hiện thực cho các sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Các họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẽ về Huế khá nhiều. Trong đó phải kể đến họa sĩ người Huế – Tôn Thất Đào (1910-1979), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 (1932-1927). Tôn Thất Đào yêu Huế, gắn bó với Huế, sáng tác về Huế giàu xúc cảm, nhiều yêu thương, trìu mến bao hàm các chủ đề phong cảnh, kiến trúc, con người, đời sống xã hội mọi mặt của Huế…với ngôn ngữ đặc trưng Huế.
Cùng nằm trong dòng chảy sáng tác về phong cảnh quê hương, “Mùa sen ở Khiêm Lăng” của họa sĩ Văn Bình với hòa sắc xanh mát, khung cảnh mộng mơ, nơi lăng tẩm trầm mặc dưới tán lá xanh ngọc như lắng lại như một nốt nhạc mềm, êm dịu, du dương lòng người…
Tiểu sử họa sĩ Văn Bình
- Họa sĩ Nguyễn Văn Bình (1917-2004) Bút danh Văn Bình.
- Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1938-1943.
- Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
- Nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
- Có nhiều tranh được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Châu Á Thái Bình Dương (Liên Xô cũ).
- Bảo tàng Châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan)
- Sưu tập tranh của Tổng thống Sukarno (Indonesia)
- Sưu tập cá nhân trong và ngoài nước:
- Giải thưởng Sekiguchi (Nhật Bản) Triển lãm duy nhất 1944 – (Salon Unique 1944)
- Giải Nhì Triển lãm Toàn quốc 1955
- Giải Ba Triển lãm Toàn quốc 1958
- Giải thưởng họa sĩ cao tuổi của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam 1996.
Khen thưởng:
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất;
- Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam;
- Huy chương Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View