Curator Gražina Subelytė trò chuyện với Christie’s về vai trò của những điều huyền bí trong cuộc sống và nghệ thuật của những người theo chủ nghĩa Siêu thực — lý do tại sao phản ứng của họ đối với xung đột toàn cầu dường như vẫn phù hợp hơn bao giờ hết
Leonora Carrington ‘I piaceri di Dagoberto (Những thú vui của Dagobert)’ 1945. Màu keo trứng trên masonite. 74.9 × 86.7 cm
Đã gần một thế kỷ kể từ khi André Breton viết Tuyên ngôn đầu tiên của Chủ nghĩa siêu thực, vào năm 1924. Trong những năm qua, vô số cuốn sách đã được viết về phong trào này và vô số cuộc triển lãm đã được tổ chức.Tuy nhiên, theo curator của cuộc triển lãm Peggy Guggenheim Collection [Bộ sưu tập Peggy Guggenheim] ở Venice, một khía cạnh chính của Chủ nghĩa siêu thực từ lâu đã bị bỏ qua. Cụ thể là sự quan tâm của rất nhiều nghệ sĩ đối với ma thuật và điều huyền bí — và kết quả là những ảnh hưởng trên tác phẩm của họ.
Surrealism and Magic: Enchanted Modernity [Siêu thực và Ma thuật: Hiện đại mê hoặc] giới thiệu 60 tác phẩm, với hơn ba phần tư là được mượn từ các bảo tàng và bộ sưu tập cá nhân trên toàn thế giới, cốt lõi là những bức tranh thuộc bộ sưu tập Siêu thực phong phú của Peggy Guggenheim.
Chúng tôi trò chuyện với một curator của triển lãm, Gražina Subelytė, về phép thuật, bài Tarot, một cuộc hội ngộ đáng nhớ.
Bạn có thể chia sẻ về khởi nguồn của ý tưởng cho cuộc triển lãm?
Gražina Subelytė: Nó nảy sinh từ sự gắn bó của tôi với tác phẩm của họa sĩ Thụy Sĩ Kurt Seligmann, người đã chuyển đến Paris vào cuối những năm 1920 và trở thành một phần của giới Siêu thực. Ông là một chuyên gia về ma thuật và những điều huyền bí, đồng thời đóng vai trò cố vấn cho nhiều nhà Siêu thực về những chủ đề đó — bao gồm André Breton, Remedios Varo và Leonora Carrington.
Kurt Seligmann ‘Baphomet’ 1948. Sơn dầu trên toan. 122.6 × 147.6 cm
Chẳng hạn, khi Seligmann và Breton đều đang sống lưu vong ở New York trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Seligmann đã giúp Breton viết cuốn sách bí truyền của ông, Arcanum 17. Điều này chia sẻ hy vọng của Breton về sự đổi mới của xã hội thông qua tầm nhìn huyền bí của người phụ nữ như một cửa ngõ để thanh lọc tâm linh.
Triển lãm trưng bày bốn bức tranh của Seligmann. Nghệ thuật của ông tràn ngập chủ nghĩa tượng trưng, ám chỉ đến thuật giả kim, phép thuật và Kabbalah. Năm 1948, ông xuất bản một cuốn sách hiện được coi là kinh điển, Tấm gương ma thuật, bàn về toàn bộ lịch sử những điều huyền bí ở thế giới phương Tây.
Giorgio de Chirico ‘Il cervello del bambino (Não bộ trẻ thơ)’ 1914. Sơn dầu trên toan. 60 × 65 cm
Với Seligmann là điểm xuất phát, các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng một số lớn các nhà Siêu thực thường quan tâm đến phép thuật, từ René Magritte đến Dorothea Tanning.
Làm thế nào để luận điểm của bạn phù hợp với sự hiểu biết chung hơn về Chủ nghĩa siêu thực?
GS: Tôi nghĩ là khá gọn gàng. Nó không lật đổ mọi thứ bạn từng được nghe về phong trào; nó đang thêm vào. Chủ nghĩa siêu thực ra đời trong hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, như một cuộc nổi dậy chống lại xã hội được cho là duy lý vừa mang lại sự tàn sát hàng loạt.
Theo cách hiểu thông thường, các nghệ sĩ và nhà văn của nó bắt đầu hướng tới thực tại thay thế của những giấc mơ và tiềm thức để tìm cảm hứng. Người ta có thể nói rằng ma thuật và điều huyền bí cung cấp một thực tại thay thế song song. Không một người theo chủ nghĩa Siêu thực nào hài lòng với thế giới mà họ thực sự đang sinh sống.
Leonor Fini ‘La fine del mondo (Kết cục của Trái đất)’ 1949. Sơn dầu trên toan. 35 × 28 cm
Các nghệ sĩ có tự mình tham gia vào các màn ma thuật thực tế không?
GS: Một số đã làm. Ví dụ, chúng ta biết rằng Seligmann và Nhà siêu thực người Ý, Enrico Donati, đã làm theo một nghi lễ thế kỷ 16 do các nhà huyền bí người Anh, John Dee và Edward Kelly, nghĩ ra nhằm mục đích triệu hồi người chết.
Tôi cũng có thể kể đến Remedios Varo và Leonora Carrington, những người bạn tốt từ đầu những năm 1940 trở đi đều sống ở Mexico. Varo nói về việc họ tham dự vào thuật phù thủy “ở những khu vực biệt lập của đất nước nơi [nó] vẫn được thực hành”. Đáng buồn thay, các chi tiết chính xác vẫn chưa được khám phá.
Bạn có thể cho chúng tôi biết về một hoặc hai tác phẩm nổi bật từ triển lãm không?
GS: Triển lãm bao trùm quãng thời gian khoảng 60 năm. Tác phẩm sớm nhất là của người theo chủ nghĩa Siêu thực, Giorgio de Chirico, từ năm 1914, và tác phẩm gần đây nhất là vào giữa những năm 1970.
Max Ernst ‘La vestizione della sposa (Trang phục của cô dâu)’ 1940. Sơn dầu trên toan 129.6 × 96.3 cm
Hai trong số những bức tranh yêu thích của tôi là Trang phục của cô dâu của Max Ernst (1940), miêu tả người yêu của họa sĩ, Leonora Carrington, như một cô dâu bán khỏa thân được quấn trong lớp áo lông vũ màu đỏ; và Chân dung Max Ernst của Carrington (1939), trong đó nhân vật của cô mặc một chiếc áo choàng tương tự từ đầu đến chân. (Thật thú vị, bộ trang phục trước hoàn chỉnh với đầu chim và bộ sau có đuôi cá.) Hai bức có thể được coi là bổ sung cho nhau và thật đáng mừng, chúng đoàn tụ lần đầu tiên sau 80 năm.
Có một bức ảnh chụp năm 1941 — Ernst đang chuẩn bị cho một cuộc đấu giá tại Villa Air-Bel, một lâu đài ở ngoại ô Marseilles, nơi nhiều người theo chủ nghĩa Siêu thực chờ đợi các giấy tờ cần thiết để rời châu Âu bị chiến tranh tàn phá sang châu Mỹ. Ernst đã treo một vài bức tranh của ông và Carrington trên cây, bao gồm Trang phục cô dâu và Chân dung Max Ernst. Chúng đã không được nhìn thấy cùng nhau kể từ đó… cho đến nay.
Leonora Carrington ‘Ritratto di Max Ernst (Chân dung Max Ernst)’ k. 1939. Sơn dầu trên toan 50.3 × 26.8 cm
Ernst từng gọi Carrington là “Cô dâu của gió” — một biệt danh lấy cảm hứng từ một sinh vật giống phù thủy trong truyền thuyết thời trung cổ — và người ta cho rằng ông có thể ám chỉ điều đó trong bức ảnh. Trong khi đó, Carrington vẽ Ernst như một ẩn sĩ giả kim cầm một chiếc đèn lồng. Ông rất giống với nhân vật ‘The Hermit’ trong bộ bài Tarot truyền thống.
Hai tác phẩm nói lên kết nối nghệ thuật và những mối quan tâm của cặp đôi — cũng như, trong trường hợp cụ thể, ảnh hưởng của Carrington đối với Ernst, bức chân dung của ông được cô vẽ trước.
Jacques Hérold (đang đứng), Max Ernst và Danny Bénédite, Hội Varian Fry, treo tranh của Max Ernst và Leonora Carrington trên cây cho cuộc đấu giá, Villa Air-Bel, Marseilles, 1941
Có thật là một số người theo chủ nghĩa Siêu thực đã áp dụng những đặc tính của thuật giả kim, thầy bùa hay nhà tiên kiến không?
GS: Vâng, sự quan tâm của họ đối với ma thuật trong một số trường hợp đã kéo dài đến đó. Leonor Fini sinh ra ở Argentina là một ví dụ điển hình, Victor Brauner của Romania cũng vậy.
Trong bức tranh năm 1947 của mình, Người siêu thực, Brauner mô tả mình như một nhà ảo thuật trẻ tuổi. Anh đội một chiếc mũ lớn và đứng sau chiếc bàn với một con dao, một chiếc cốc và một ít tiền xu trên đó. Hình ảnh này bắt nguồn từ lá bài Juggler (hay còn gọi là Nhà ảo thuật) trong bộ bài Tarot truyền thống.
Victor Brauner ‘Il surrealista (Nhà Siêu thực)’ 1947. Sơn dầu trên toan 60 × 45 cm
Lá Juggler báo hiệu sự phát huy hết khả năng sáng tạo của một người như một cách để kiểm soát cuộc sống. Ma thuật đã giúp Brauner đạt được sự tự do nghệ thuật cần thiết cho sự hoàn thiện như vậy, giải phóng tâm trí ông khỏi những giới hạn có thể ngăn cản nó khám phá tiềm năng của chính mình.
Những bức tranh trong triển lãm còn điều gì muốn nói với chúng ta hôm nay không?
GS: Dĩ nhiên rồi. Ngày nay, chủ nghĩa siêu thực đôi khi được nhìn lại như một phong trào hơi kỳ quặc và có lẽ thiếu nghiêm túc. Nhưng tôi hy vọng cuộc triển lãm này chứng minh rằng một điều gì đó khác biệt có thể là sự thật.
Năm 2022 — thời đại của bệnh dịch, biến đổi khí hậu và một cuộc chiến khác trên đất Châu Âu — có lẽ chúng ta dễ dàng kết nối với tư duy của những người theo chủ nghĩa Siêu thực hơn những năm trước. Họ đã sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh của hai cuộc chiến tranh thế giới. Có gì ngạc nhiên khi họ tìm kiếm một hình thức trốn thoát và cường hóa bản thân bằng những giấc mơ hoặc ma thuật?
Nguồn: Christie’s
Lược dịch bởi Viet Art View