Ngày 4.7.2023, tại Pháp, một bức tranh rất quý hiếm của Lê Phổ sẽ được chốt đấu…
Người thiếu nữ uể oải, 1932 | Giá ước đấu: 150-200k EUR
Thông số như sau:
- Tên tác phẩm: “Jeune vietnamienne alanguie – Thiếu nữ uể oải”. Ký 11.1932. Chất liệu sơn dầu trên toan. Kích thước: 110,5×170,5
- Xuất xứ: Được mang về từ Đông Dương bởi cha của chủ sở hữu hiện tại.
- Giấy xác nhận quyền sở hữu do ông Alain Lê Kim, con trai Lê Phổ lập, sẽ được trao cho người mua.
- Giá ước tính: 150 – 200k Euro.
Một mức giá khởi điểm quá tốt, quá hợp lý cho một bức tranh đẹp, quý như thế này.
Đối với người nghiên cứu (am hiểu quá trình sáng tác và làm việc của Lê Phổ); giới thạo tin; các nhà sưu tập lớn của Việt Nam- đang sở hữu nhiều tác phẩm quý, đặc biệt quan tâm đến “Jeune vietnamienne alanguie”.
Năm 1931, Lê Phổ được Victor Tardieu chọn làm phụ tá cho Triển lãm Quốc tế Thuộc địa Paris. Lê Phổ lần đầu tiên được tiếp xúc trực tiếp với hội họa châu Âu thông qua việc tham quan các bảo tàng ở một số nước như Bỉ, Ý, Hà Lan. Tiếp đó là học tập một năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris đã cho chàng họa sĩ Lê Phổ những nhãn quan rộng lớn về nghệ thuật thế giới từ thời sơ khai đến hiện đại. Sau đó, Lê Phổ quay trở lại Hà Nội, là giáo viên dạy vẽ tập sự vào năm 1932 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và Trường Trung học Albert Sarraut.
Như vậy, bức tranh này được sáng tác sau khi Lê Phổ mới từ Châu Âu quay trở về Việt Nam. Trên thực tế, những bức tranh sơn dầu sáng tác theo ngôn ngữ tạo hình hàn lâm cơ bản châu Âu với chủ đề đời sống xã hội Việt hay chân dung của Lê Phổ, thời kỳ trước năm 1945 (đặc biệt từ 1929-1935) luôn có giá trị nghệ thuật cao. Dù trên thực tế, những bức tranh lụa thời kỳ Romanet và tranh sơn dầu thời kỳ làm họa sĩ độc quyền thuộc quản lý của Wally Findlay Galleries được ưa chuộng và được kiếm tìm nhiều nhất của Lê Phổ. Có thể nói, chính nhờ sự kết hợp với các Galleries nổi tiếng đã giúp hội họa Lê Phổ vươn xa, có chỗ đứng đầy vị thế và nâng tầm giá trị trên trường quốc tế so với các họa sĩ quốc nội.
Quay trở lại với “Jeune vietnamienne alanguie”, bức tranh khắc họa chân dung một thiếu nữ đang uể oải ngồi trên phản (sập gụ) trong nhà, sau lưng là khung cửa sổ tròn với ao sen. Trên tường là bức kakemono (tranh cuộn Nhật Bản hoặc Trung Hoa), một chiếc hộp sơn mài nhiều màu sắc trên mặt bàn. Có lẽ cô ấy vừa tạm dừng công việc thêu thùa, may vá. Chính dáng vẻ uể oải, thiếu vẻ thanh mát, nhẹ nhõm của một thiếu nữ đang tuổi thanh xuân đã khiến cho tâm trạng của bức tranh trở nên trầm, buồn. Nhưng cũng chính không gian hơi “nặng” đó, khiến cho người xem lại phải dừng mắt thật lâu, kiếm tìm các chi tiết trong khung cảnh tác phẩm những điều gì đó để có thể giải thích thế giới nội tâm người thiếu nữ… Đó chính là điều thú vị của tác phẩm.
Một vài năm sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Phổ sáng tác khá nhiều chân dung đặt hàng trên chất liệu sơn dầu. Có thể chăng, sơn dầu với khả năng biểu đạt tả chất ưu việt hơn đã khiến cho Lê Phổ chọn sơn dầu làm chất liệu sáng tác chân dung (mẫu thực) theo phong cách hiện thực hàn lâm được các thầy giáo kính yêu của ông là Victor Tardieu và Joseph Inguimberty truyền dạy…
Với nhiều ngàn bức tranh mà Lê Phổ đã sáng tác suốt cuộc đời mình trên đủ khắp các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy thì những tác phẩm trên chất liệu sơn dầu, thời kỳ đầu, thể hiện được kỹ thuật sử dụng chất liệu, tạo hình hàn lâm, lối vẽ hiện thực dung dị, đầy tình cảm của ông luôn dành được sự quan tâm, yêu mến đặc biệt của người yêu nghệ thuật.
Rất mong “Jeune vietnamienne alanguie” sẽ được đấu ở mức giá cao (ít nhất phải gấp đôi) mới xứng tầm giá trị thực tế của nó. Một bức tranh rất Việt Nam, rất Đông Dương, phản ánh đúng con người của thời đại đó.
Và những nhà sưu tập có khả năng mua bức tranh này, hãy đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của “Jeune vietnamienne alanguie” để đưa bức tranh lên một vị thế mới, nâng tầm nó ở một mức độ đúng như giá trị tự thân của nó đang sở hữu.
Thời điểm đang khó khăn về thanh khoản như thế này, nếu nhiều Nhà sưu tập cùng thích, giá sẽ bị cao, đồng nghĩa với người mua sẽ phải trả phí cao… Nhưng không sao, bởi chỉ có người Việt mới có khả năng đẩy giá tranh Việt cao hơn trên trường quốc tế (tất cả các quốc gia khác cũng như vậy). Viet Art View tin tưởng rằng, đã là nhà tài phiệt chân chính, họ đều yêu quê hương, muốn những gì tốt đẹp nhất để nâng tầm cho văn hóa dân tộc mình…
Và bức tranh này xứng đáng để sưu tầm…
P/S: Viet Art View gửi các bạn thêm một số tranh sơn dầu thời kỳ trước khi Lê Phổ sang Pháp lập nghiệp năm 1937…
Thời hạnh phúc, 1930
Người mơ mộng, 1930, sơn dầu, 70×82 cm
Chân dung vợ quan, 1931
Chân dung Lê Thị Lựu, 1935, sơn dầu, 145×76 cm
Chân dung thiếu phụ, 1935, 78,8×60,5 cm
Chân dung Quy (em họ của họa sĩ), 1928, sơn dầu | Mặt kia – Mẹ và con
Chân dung tự họa, 1929
Nude, 1931, sơn dầu, 90,5×180,5 cm
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View