Ngày mà ông Tardieu được chính phủ giúp sức, mở ra trường mỹ-thuật Hanoi, là ngày ta nên đánh dấu bằng hòn đá trắng: ngày ấy đã mở một kỷ nguyên mới cho nền mỹ thuật nước nhà.
Nhờ người mình sẵn có mỹ quan sâu-sắc, ông Tardieu và các giáo sư trường mỹ thuật trong mấy năm đã đào tạo nên một tốp họa-sĩ và kiến trúc sư xứng đáng với danh hiệu, các ông ấy đã làm được những tác phẩm có giá trị; đem sang bên Pháp đọ với các tài tử châu Âu cũng không thua mấy; có nhiều ông nổi danh và việc làm đã thấy có ảnh hưởng đến lối sinh hoạt thường ngày của người mình; kỷ nguyên đó tôi gọi là kỷ nguyên mỹ thuật An-nam phục hưng.
Vì trước kia, người ta không phải không biết đến mỹ-thuật: những công trình kiến trúc và điêu khắc nhà Lý để lại, đình làng Đình-Bảng, ngôi chùa cổ ở Lạn-kha-Sơn, văn miếu ở Hanoi, kinh thành và lăng tẩm Huế…, xây dựng khoảng trăm năm trước đây đều tỏ cho ta biết xưa dân ta vẫn trọng mỹ thuật. Tuy mỹ thuật của ta phôi thai do ở Tầu, nhưng vẫn có nhiều tính cách đặc biệt, biểu diễn được mỹ quan của nòi giống.
Hình minh họa trong bài báo, một pho tượng cổ ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
—
Nhưng từ bấy đến nay, có lẽ do thế vận, nền mỹ thuật ta trải qua một hồi điêu tàn: những nhà cửa, đền đài, dinh thự xây dựng trong hồi ấy hầu toàn là kỳ-công tuyệt-tác của một thời, mỹ quan người mình sa sút: kiểu mẫu lố lăng và tốn tiền, nếu có đáng để ý, chỉ đáng để ý vì sự tốn tiền mà không đẹp ấy thôi, ta coi lại thật như cái gai trước mắt. Rồi vì đó, vì ta không sản xuất ra được một vài nhà mỹ thuật có giá trị, dân trí đã sai lạc đi cả, không biết phân biệt xấu, đẹp một cách thỏa đáng; những kỹ nghệ ứng dụng đến sự ăn, ở của người mình mà cần lấy khoa mỹ thuật làm gốc đều sản xuất ra những đồ vật giở tây, giở tầu, không có cốt cách. Những sản vật ấy đều do sự bắt chước mà tô tạo nên, mà bắt chước vậy không khi nào đẹp bằng kiểu mẫu được. Na ná giống của người, nhưng không đẹp bằng thì không thể bán ra ngoài được.
Cứ do những tác phẩm đã sản xuất ra trong mấy năm gần đây mà xét thì trường mỹ thuật có một khuynh hướng chính, rất chính đáng và có thể lâu bền được: thâu thái lấy những phương tiện biểu diễn đông-tây để tạo nên một nền mỹ-thuật có tính An-nam. Như lối vẽ sơn, vẽ pastel của người Tây, lối vẽ trên lụa của người Tầu, trong nghề họa, lối tạc tượng bằng thạch cao, đá, đá nhân tạo, trong nghề điêu-khắc, lối dùng bêtôn cốt sắt, sắt rèn trong khoa kiến trúc, lối sơn Tầu và Nhật trong nghề sơn, ấy là những phương tiện ta đã thâu thái, đã xử dụng cho biến hóa được, đã thành ra những cái lợi khí sắc sảo, phong phú cho nhà mỹ-thuật trong lúc cấu tạo.
Có cái lợi khí đó trong tay, nhà mỹ-thuật bây giờ nhận xét lấy những vẻ đẹp của người ta hay cảnh vật, họa vào bức tranh hay đúc vào pho tượng, ghi được một thời khắc của sắc đẹp bất tuyệt, đưa người xem đến cái thế giới huyền diệu của các mầu và các hình dáng. Nếu cái đầu đề chẳng phải là cốt yếu trong một bức họa, nếu đó chỉ là cái cớ để cho nhà họa-sĩ tả được lòng mình rung động trước cảnh vật thôi, ta cũng nhận rằng các nhà mỹ-thuật đã từng tìm tòi những mỹ cảm ấy trước những cảnh vật ta thường thấy hằng ngày chứ không xa lạ: một cái dáng ngồi của người thiếu nữ, cái bóng trúc bên bờ ao, cảnh chiều ở bờ sông Hanoi, cảnh êm-ấm trong gia-đình, vân vân… Vì đó, các tác phẩm ấy có tính cách biệt lập của người mình, và ta trông thấy dễ cảm và càng mến yêu cái thi-vị sâu xa của đất nước.
Hình minh họa trong bài báo, bức tượng của ông Trần Ngọc Quyên trong một triển lãm.
—
Khoa kiến trúc càng nên có tính cách biệt lập đó nữa, vì nó phải hợp với lối sinh hoạt của một dân tộc.
Những quy mô, những tài liệu dùng trong việc xây dựng, ta có thể biến cải cho tiện với sự ăn, ở, song những nhà cửa xây dựng nên phải hòa hợp với cảnh sắc chung quanh và với những người đến ở trong đó nữa.
Những kiểu mẫu nhà hay đền đài, dinh thự do các kiến trúc sư học ở trường mỹ-thuật ra đều có giá trị về phương tiện ấy: những kiểu ấy nếu xây dựng nên ắt đẹp và tiện, mà không lố như mấy kiểu nhà đồ sộ ta từng thấy, nó chỉ có cái dáng khoe mẽ với bà con.
Ta lại chớ nên quên nghĩ đến ảnh hưởng của những nghệ thuật ấy chi phối đến những nghề nhỏ mà rất có quan trọng trên trường kinh tế: các nghề có liên quan đến sự ăn, mặc, ở của người ta. Nghề dệt lụa, đóng bàn ghế, làm đồ gốm, đồ sứ, đồ sơn, đóng đôi giầy hay nặn cái lọ, nhất nhất đều phải nhờ đến mỹ-thuật cả. Mỹ-thuật thịnh, các nghề đó cũng thịnh lên, vì có kiểu mẫu đẹp mới làm nên những thứ hàng đẹp được.
—
Cứ theo dõi lạc quan như thế mà nói chuyện thì chắc các nhà mỹ-thuật nằm trên đống vàng hẳn. Sự thật thì không được như thế. Họ đều gặp nhiều bước khó khăn trong lúc muốn đem thi thố cái sở học của mình cả. Học trò trường mỹ-thuật ra cũng đã nhiều, nhưng trong số đó được vài người nhà nước bổ dụng vào dạy vẽ trong các trường công lớn, còn ngoài ra phải tìm kế sinh sống lấy hết. Tranh vẽ ra, duy chỉ có người Tây mới biết thưởng thức đến, bỏ tiền ra mua, còn những nhà cự phú ta vẫn chuộng ngà voi hay đồ sứ cổ. Mấy bức tranh vẽ trên lụa của ông Nguyễn-phan-Chánh đã được báo Illustration in bằng mầu, các bức họa của ông Nam-Sơn, Lê-Phổ và Tô-ngọc-Vân bán ở bên Pháp, hai bức họa ông Tô-ngọc-Vân đã vẽ trong cung vua, đó là vài tác phẩm bán có giá ta đáng kể mà thôi. Các nhà công nghệ ta thời lại chưa lưu ý đến mỹ-thuật mấy, vì các mẫu các ông ấy tự chế ra hay lấy được ở quyển sách rao hàng nào, các ông ấy tự cho đã là đẹp lắm rồi, không cần dùng đến tài nghệ của các nhà mỹ-thuật Annam nữa. Thật ra nghĩ như thế không đúng: vừa làm hẹp trường hoạt động của các nhà mỹ thuật ta, lại vừa ngăn công nghệ ta không tiến đạt được.
—
Trước cái tình thế khó khăn như vậy, các nhà mỹ-thuật và kỹ nghệ đã biết kết hợp nhau lại: hội Việt Nam chấn hưng mỹ-thuật và kỹ nghệ thành lập sẽ là nền tảng cho sự cộng tác các nhà mỹ-thuật và công nghệ. Phòng triển lãm năm nay hội ấy tổ chức có hiệu quả: hơn một vạn rưởi người vào xem trong vòng mười ngày. Hội lại mới được chính phủ giao cho quyền kiểm soát lại, về phương diện mỹ-thuật, các hóa vật ta có tính cách ấy muốn đem xuất dương. Tuy là một sự câu thúc cho các nhà sản xuất nhưng có ích chung cho công nghệ, tôi thiết tưởng nếu hội biết dùng quyền ấy một cách vô tư, có thể nâng cao giá trị hóa vật xuất cảng của người mình được.
—
Có đi thì có đến nếu ta đi nhằm đường. Mà còn gì nhằm đường hơn là gắng sức làm cho ta có một nền mỹ-thuật xứng đáng—Những kết quả trông thấy đã làm cho ta vững lòng trông cậy ở tương lai. Những bức tranh của danh họa ta được bên Pháp mua và thưởng những phần thưởng rất quí, những kiểu nhà của ông Nguyễn-cao-Luyện, Võ-đức-Diên, những kiểu nhà quê của ông Nguyễn-cao-Luyện cao ráo, sáng sủa, đẹp đẽ hơn, đã có nhiều người làm theo, những bức tranh khắc gỗ của các ông Trần bình Lộc, Cát Tường phổ cập đến mỗi nhà, những bức tượng các ông G. Khánh và Trần ngọc Quyên đã tạc nên, phong trào quần áo mới do ông Cát Tường đề khởi, ấy là tôi chưa nhớ mà kể hết, đều là triệu chứng rằng mỹ-thuật ta đương vào thời kỳ bồng bột tiến hóa có bóng vang đến quần chúng. Còn những điều khó khăn các nhà mỹ-thuật gặp trong khi theo đuổi với nghề, nó là những điều không thể tránh được, nhưng chẳng phải không thể thắng được.
Bài viết của tác giả Minh Trúc đăng trên báo Ngày Nay xưa.