Vũ Cao Đàm (1908-2000). Tâm tình. Khoảng thập niên 1960. Sơn dầu trên vải. 55x46cm.Tranh thuộc sưu tập Hàn Ngọc Vũ
Nếp xưa truyền thống
Từ xa xưa lắm, làng Việt là nơi lưu giữ nếp sống ngàn đời của cha ông. Giữa thênh thang đất trời, trên cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, dưới lũy tre xanh mướt là những nếp nhà thấp thoáng trong vương vít khói lam chiều đầy thương nhớ. Khuya sớm đầy ắp tiếng chuyện trò râm ran của người lớn, tiếng cười rộn rã của con trẻ, tiếng ầu ơ ru em bé đang nằm trên nôi… Lớn lên trong khung cảnh thanh bình, hiền hòa… Từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành đều được sống trong không khí ấm áp của mẹ cha, gia đình; tình thân của họ hàng, làng xóm… Tình cảm yêu thương gắn bó ấy đi vào đời sống người Việt một cách rất tự nhiên, trở thành một phần không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Nhất là phái nữ…
Văn hóa giao tiếp đi vào nghệ thuật
Nếp sống nơi làng quê giản dị, thanh bình đi đến nơi phố thị phồn hoa, trang nhã, vẫn giữ nguyên ứng xử với nhau ân tình, ấm áp.
Những hình ảnh đẹp đẽ, thương mến ấy được các nghệ sĩ khắc họa trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.Từ năm 1925 đến 1945, là thời kỳ cận Hiện đại của Mỹ thuật Việt Nam. Xu hướng tìm kiếm cái đẹp thanh khiết từ thiên nhiên đến con người của các họa sĩ đã khiến cho hội họa thời kỳ này mang đậm vẻ đẹp lãng mạn và trữ tình. Đặc biệt, nét yêu kiều, quý phái của thiếu nữ thành thị được các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung, Trần Phúc Duyên,… khắc họa lại duyên dáng, thướt tha trên nhiều tác phẩm…
Họa sĩ Vũ Cao Đàm tuy học điêu khắc nhưng lại sáng tác nhiều tranh trên chất liệu sơn dầu, lụa… Cũng như các họa sĩ thời ấy, ông đặc biệt yêu thích sáng tác theo chủ đề mẫu tử, thiếu nữ tâm tình với nét tạo hình yêu kiều và nền nã.
Bước ngoặt cuộc đời
Năm 1931 xảy ra nhiều biến cố, khi người cha yêu kính và người mẹ nhân từ hiền hậu của Vũ Cao Đàm đều tạ thế. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của chàng họa sĩ trẻ.
Chân dung họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000)
Tháng 9 năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nhận được học bổng sang Pháp tu nghiệp.Để vơi đi nỗi buồn mất mát và cũng để được khám phá thế giới nghệ thuật rộng lớn đã ấp ủ bấy lâu… chàng họa sĩ trẻ, lúc ấy mới 23 tuổi, quyết tâm sang Pháp học tập với những khát vọng và hoài bão lớn lao…
Nhưng Vũ Cao Đàm chắc chắn không thể ngờ rằng, kể từ khi bước chân lên con tàu d’Artagnan đến Pháp, ông đã đi một chuyến hành trình viễn xứ suốt cuộc đời mình. Trong suốt 69 năm, kể từ tháng 11 năm 1931 cho đến khi qua đời năm 2000 tại Pháp, Vũ Cao Đàm chưa một lần nào quay trở lại cố hương…
Hội họa Vũ Cao Đàm
Sau khi sang Pháp, thập niên 1950, ông may mắn được tiếp xúc và làm bạn với hai danh họa lừng danh là Matisse và Marc Chagall. Từ đây, phong cách hội họa của Vũ Cao Đàm chuyển sang một giai đoạn mới, mang màu sắc của Chủ nghĩa Ấn tượng.
Ngoài một số ít tranh phong cảnh vùng Vence, nơi Vũ Cao Đàm sống, ông dành hết thời gian, tâm trí và tình cảm cho những sáng tác về quê hương.
Ông đặc biệt thích các tích cổ như Kiều, Chinh phụ Ngâm. Hình ảnh chị em Thúy Kiều; chàng Kim Trọng; thiếu nữ trẻ; phụ nữ và những đứa con; những con ngựa và các chiến binh; những chú gà xuất hiện trong hầu hết các sáng tác. Các nhân vật xuất hiện trong bối cảnh kiến trúc pha trộn kiểu thức giữa quê nhà và nơi đang sinh sống trong một tiềm thức mơ màng giữa quá khứ và hiện tại.
Vũ Cao Đàm (1908-2000). Tâm tình. Khoảng thập niên 1960. Sơn dầu trên vải. 55x46cm.Tranh thuộc sưu tập Hàn Ngọc Vũ
Kỹ thuật của Vũ Cao Đàm là sự pha trộn tổng hòa giữa Á và Âu. Không còn là nền phẳng đơn sắc của hội họa lụa phương Đông mà là những vệt bút, nhát bút tung hoành phóng khoáng với chất liệu sơn dầu của hội họa hiện đại phương Tây. Gam màu trầm trước đó đã được thay thế bởi sự rực rỡ của xanh lam, hồng, vàng, tím cùng nhiều sắc độ của màu trắng. Nhưng mái tóc và đôi mắt đen láy được giữ nguyên một màu đen thuần khiết Á đông.
Hai thiếu nữ trẻ đang ngồi tâm tình là hình ảnh ông ghi nhớ trong tim qua bao năm tháng. Nó thấm đậm nét văn hóa “chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu” trong giao tiếp hàng ngày của người Việt. Hai thiếu nữ tuổi xuân thì đang chuyện trò về những giấc mơ, những hoài bão tuổi thanh xuân, khát vọng tương lai hoặc đơn giản chỉ là những thầm thì riêng tư.
Nét văn hóa ứng xử đẹp đẽ đầy thân ái giữa con người với con người trong nếp giao tiếp văn hóa Việt trở thành một biểu tượng khác biệt với các dân tộc khác.
Những chân trời rộng mở
Chia sẻ, tâm tình, tìm được sự đồng cảm với những lý tưởng, ước vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc đời luôn khiến cho tâm hồn con người trở nên thanh cao, trong sáng và ngập tràn niềm tin.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View