Khi thả lỏng với cuộc sống trang trại, nghệ sĩ đã chuẩn bị cho một triển lãm hoành tráng về thiết kế với 200.000 chiếc vòi từ những chiếc ấm và bình vỡ. Ông nói về sức mạnh của Trung Quốc, sự ghen tị phương Tây – và thôi thúc chi tiêu của ông
‘Nước Anh đang rung chuyển. Tôi đã quá già cho điều đó’… Ngải Vị Vị tại địa điểm gần Lisbon, nơi ông đang tạo lại studio ở Thượng Hải của mình, nơi đã bị phá hủy.
Ảnh: Ricardo Lopes/The Guardian
Đó là một buổi sáng mùa xuân trong trẻo, ấm áp và Ngải Vị Vị dẫn tôi đi tham quan studio mới rộng lớn mà ông đang xây dựng cách Lisbon khoảng một giờ lái xe. Không một ngôi nhà nào khác ở trong tầm mắt, chỉ có phong cảnh bằng phẳng xanh mướt của Alentejo, và bầu trời xanh điểm xuyết những chú én đang bay lượn. Nghệ sĩ giải thích về studio của mình, là một bản sao studio cũ của ông ở Thượng Hải, hoàn thiện năm 2011 để rồi bị phá hủy gần như ngay lập tức bởi chính quyền Trung Quốc: chính thức, vì nó vi phạm các quy định về xây dựng; không chính thức, vì những chỉ trích thẳng thừng của ông đối với chính phủ. Nhiều tháng sau đó, nghệ sĩ bị giam giữ trong ba tháng, rồi bị quản thúc tại gia. Khi hộ chiếu của ông được trả lại vào năm 2015, ông rời khỏi đất nước và không quay trở lại kể từ đó.
“Chúng ta đang sống trong một bối cảnh thay đổi liên tục,” Ngải Vị Vị nói. Bối cảnh của ông chắc chắn đã thay đổi nhiều hơn hầu hết mọi người. Sau Trung Quốc, ông lập nghiệp ở Berlin nhưng lại rời đi trong nghi ngờ, ông nói: “Chủ nghĩa phát xít hoàn toàn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của người Đức hiện nay.” Ông tiếp tục chuyển đến Vương quốc Anh, nơi ông đụng độ với cơ quan nhập cư. Trong chuyến thăm đầu tiên, ban đầu ông chỉ được cấp thị thực trong 20 ngày do “có tiền án” ở Trung Quốc.
“Tôi thậm chí không nhìn đến kết quả cuối cùng. Tôi không quan tâm đến nó lắm. Quá trình thì đầy cảm xúc, nó có máu – nhưng bản cuối cùng chỉ là một xác chết”
Tuy nhiên, ông vẫn thích nước Anh. Con trai 13 tuổi của ông đang học ở Cambridge và ông thường xuyên đến thăm. “Nước Anh giống như một chiếc áo khoác có nhiều túi,” ông nói. “Nó có rất nhiều. Nó đang rung. Nhưng tôi đã quá già cho việc đó.” Ngải Vị Vị đã 65 tuổi. “Khi bạn đi bộ trên đường phố ở London, bạn cảm thấy mình hơi cản đường những người trẻ tuổi. Tôi cần một nơi để một mình bình yên hơn.” Ông thích đồ ăn, thời tiết và con người ở Bồ Đào Nha, ông nói, khi chúng tôi uống trà trên hiên của trang trại bên cạnh địa điểm studio của ông, với tầm nhìn ra hồ bơi của ông và vùng nông thôn xa hơn. Vô số mèo và chó tắm nắng và đi loanh quanh; những con chim kêu trong một cái lồng gần đó.
Cấu trúc gỗ khớp nối của studio dựa trên kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Đó không phải là một công việc dễ dàng: không đinh, không keo và mỗi miếng gỗ đều khác nhau. “Tôi nhận ra rằng mình cần phải xây dựng một thứ gì đó để tạo ra đủ vấn đề để tôi có thể liên hệ với các công nhân xây dựng địa phương,” ông nói. Việc xin giấy phép xây dựng cũng không dễ dàng, ông đã ví xưởng vẽ như một nhà kho nông nghiệp. Với một nụ cười bí ẩn, ông giải thích: “Khi họ hỏi tôi định cho gì vào đó, tôi nói, ‘Hạt hướng dương.’”
‘Tôi không quan tâm đến Lego nhiều như thế’ … Ngải Vị Vị tái tạo tác phẩm Hoa súng của Monet tại Bảo tàng Thiết kế.
Ảnh: David Levene/The Guardian
Ngải Vị Vị đang đề cập đến một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: nghệ thuật sắp đặt với 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ lấp đầy Sảnh Turbine rộng lớn của Tate Modern London. Mỗi hạt hướng dương được làm thủ công và sơn tại Trung Quốc. Quy mô của tác phẩm và lao động tham gia dường như không thể tưởng tượng được – tuy nhiên, nghệ sĩ chỉ ra, dân số của Trung Quốc gấp 10 lần con số đó.
Kích thước choáng ngợp là một hằng số trong tác phẩm của Ngải Vị Vị, thường trong một kết hợp với chiều kích con người. Trong triển lãm năm 2015 tại Học viện Hoàng gia London, ông đã tạo ra một tác phẩm sắp đặt hùng hồn từ 90 tấn những thanh thép lấy lại từ đổ nát sau trận động đất năm 2008 ở Tứ Xuyên, mỗi thanh được nắn thẳng lại bằng tay. Tác phẩm đã thu hút sự chú ý đến việc xây dựng trường học không đạt tiêu chuẩn dẫn tới cái chết của nhiều trẻ em. Ông cũng thực hiện những tác phẩm sắp đặt từ hàng ngàn chiếc khung xe đạp, hay áo phao của những người tị nạn từ những chuyến vượt biển đến châu Âu. “Nó phá hủy tính hợp lý của chúng ta,” ông giải thích về kích thước các tác phẩm của mình, nói thêm rằng nó mở ra nhận thức rộng hơn những gì chúng ta hiểu một cách thông thường. “Có lẽ sẽ tốt khi chúng ta chỉ có thể thấy đến một mức nhất định, chỉ nghe thấy một số âm thanh nhất định, chỉ phân biệt được một số màu nhất định.”
Trong sự nghiệp 45 năm của mình, Ngải Vị Vị đã làm phim và phim tài liệu; ông đã làm hỏng, phá hủy đồ cổ Trung Quốc; ông đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc buồn cười, chẳng hạn như camera giám sát chạm khắc từ đá cẩm thạch; và ông đã thiết kế các tòa nhà. Trên thực tế, trong 10 năm, Ngải Vị Vị đã điều hành một công ty kiến trúc thành công, FAKE. Cái tên là một cách chơi chữ. “Tôi là nhà thiết kế duy nhất,” ông nói một cách khiêm tốn. “Và chúng tôi đã tạo ra những tòa nhà kiểu cổ sơ nhất.” Mặc dù vậy, FAKE đã làm hơn 60 dự án, bao gồm các studio khác nhau của ông.
Tất cả những điều này khiến Bảo tàng Thiết kế của London không còn là một địa điểm đáng ngạc nhiên cho triển lãm khi đó của Ngải Vị Vị. “Chúng tôi không giới thiệu ông ấy là một nhà thiết kế,” curator Justin McGuirk giải thích. “Chúng tôi giới thiệu ông ấy là một nghệ sĩ có tầm nhìn về thiết kế.”
Tôi là một ấm trà lớn … Left Right Studio Material, nghệ thuật sắp đặt từ những mảnh đồ sứ vỡ của những tác phẩm điêu khắc khi studio tại Bắc Kinh của Ngải Vị Vị bị phá hủy.
Ảnh: David Levene/The Guardian
Đóng góp nổi tiếng nhất của Ngải Vị Vị về thiết kế là sân vận động “Tổ chim”, tâm điểm của Thế vận hội Bắc Kinh 2008, được tạo ra bởi các kiến trúc sư người Thụy Sĩ của Herzog & de Meuron. Mặc dù cảm thấy khó mà giải thích chính xác những gì ông đã mang lại cho công trình, ông nói: “Không có tôi thì sẽ không có dự án như vậy. Nó sẽ hoàn toàn khác về thị giác và khái niệm.” Ông nghĩ tòa nhà nên “để lộ hoàn toàn, từ bên trong hay bên ngoài bạn đều có thể nhìn thấy như nhau, và không có gì gắn với nó để nó xinh đẹp hơn”.
Nó có thể dẫn đến một nghề tay trái béo bở, nhưng Ngải Vị Vị đã từ chối tham dự lễ khai mạc Thế vận hội, gạt đi sự kiện đó vì cho rằng nó là tuyên truyền và đóng cửa FAKE ngay sau đó, “vì tôi nghĩ rằng nó sẽ hủy hoại cuộc đời tôi”. Ông vẫn có quan hệ tốt với Herzog & de Meuron (sau đó họ hợp tác trong Serpentine Pavilion năm 2011) nhưng nói rằng: “Mối quan hệ chỉ hoạt động khi chúng tôi khác biệt, nếu không thì tại sao lại ở bên nhau? Vào thời điểm đó, họ háo hức tìm kiếm năng lượng mới vì về cơ bản, kiến trúc khá là khô khan.”
Triển lãm tại Bảo tàng Thiết kế, có tên là Making Sense [Có ý nghĩa], kéo từ bên này đến bên kia trong sự nghiệp của Ngải Vị Vị, bao gồm nhiều tác phẩm sắp đặt với kích thước công nghiệp nhưng vẫn con người, các công cụ thời đồ đá, đồ gốm đập vỡ từ studio tại Bắc Kinh của ông (studio bị phá hủy bởi chính quyền, năm 2018) cùng với khoảng 100.000 viên đạn đại bác và 200.000 vòi vỡ từ ấm hoặc bình – tất cả đều được làm thủ công bằng gốm từ thời nhà Tống, có niên đại khoảng 1.000 năm trước. Chúng là lời nhắc nhở về việc Trung Quốc từng là một trung tâm sản xuất phi thường, được thành lập dựa trên sức lao động của con người, từ rất lâu trước cách mạng công nghiệp. Chúng cũng nhắc rằng Ngải Vị Vị sưu tập rất nhiều thứ: vòi, rễ cây, đạn đại bác, thú cưng, dấu hộ chiếu.
Ông lấy tất cả chúng ở đâu? Những chiếc vòi vỡ ông đã bắt đầu mua ở các chợ trời khoảng 15 năm về trước. Nông dân ở Cảnh Đức Trấn, nơi có lịch sử làm đồ sứ, có thể đào chúng lên trên ruộng của họ. Khi thông tin lan ra rằng có ai đó quan tâm đến việc mua những tạo tác tương đối vô giá trị này, ngày càng nhiều người trong số họ tìm đến ông và giá bắt đầu tăng. “Giống như ở bất kỳ thị trường nào,” ông nói, “Rất thú vị.”
‘Không có tôi thì sẽ không có dự án như thế’ … sân vận động Tổ chim, Thế vận hội ở Bắc Kinh. Ảnh: Wang Xinchao/AP
Ông cho tôi xem một bộ sưu tập khác gần đó: một khu rừng nhỏ những rễ cây ô liu cong queo, xù xì, thu được từ những nông dân lân cận. “Nhiều thứ tôi sưu tập là vô dụng với người khác,” ông nói. “Nhưng sẽ là phí nếu những thứ đó không được chú ý. Chúng ta thấy mọi thứ và chúng ta chẳng thấy gì.”
Ông còn sưu tập gì nữa? “Nhiều thứ không thể để lộ ra,” ông nói, một cách bí ẩn. Tuy nhiên ông đưa ra một ví dụ khác. “Một ngày trên Twitter, tôi thấy có một nhà máy ở Anh đóng cửa.” Đó là A Brown & Co ở Croydon. “Họ nói, ‘Chúng tôi có 30 tấn cúc áo, chúng tôi phải bỏ đi.’ Tôi nói, ‘Tôi có thể lấy chúng không?’” Bây giờ chúng chất thành một đống lớn trong studio ở Berlin của ông. “Tôi vẫn chưa có thời gian để nghĩ xem phải làm gì với chúng,” nghệ sĩ, người vẫn còn giữ tất cả những hạt hướng dương đó, trong một nhà kho khác, nói. Ông cũng không biết phải làm gì với chúng.
Và sau đó là ám ảnh mới nhất của Ngải Vị Vị: Lego. Triển lãm của Bảo tàng Thiết kế bao gồm một bản tái hiện dài 15 mét tác phẩm Hoa súng của Claude Monet, được lắp ráp một cách tỉ mỉ bằng tay từ 550.000 miếng Lego nhiều màu. Phải mất 10 công nhân trong 100 ngày để làm ở Ý. Ông cho tôi xem một đoạn video tua nhanh về quá trình này. Ông không phải là nghệ sĩ đầu tiên khai thác khả năng sáng tạo của Lego, nhưng nó là một loại chất liệu điển hình kiểu Ngải Vị Vị. Nó là pixel hóa nhưng cũng quay trở lại thời kỳ đầu tiên của nghệ thuật, chẳng hạn như tranh khảm của Hy Lạp và La Mã, trước khi hội họa trở thành một phương tiện diễn giải “cá nhân” hơn, như được thể hiện bởi các nghệ sĩ như Van Gogh, Rembrandt hoặc thực sự là Monet. “Tôi không quan tâm lắm đến Lego,” ông nói. “Tôi quan tâm đến việc tìm ra một cách mới để tạo ra một bề mặt hai chiều có thể là một hình minh họa và một số loại hình ảnh khối.”
Phải nói rằng, mối quan hệ của Ngải Vị Vị với công nghệ là nước đôi. Ông là một blogger nhiệt thành và thẳng thắn trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Ông vẫn chăm chỉ tweet, mặc dù ông không nghiện. “Tôi chỉ làm việc đó vào buổi sáng và buổi tối,” ông nhấn mạnh. “Thật buồn cười khi xem những cuộc tranh luận của mọi người.”
Nhưng ông rất hoài nghi về trí tuệ nhân tạo và nơi nó có thể dẫn chúng ta đến: “Những gì bạn nhận được là tất cả những ý tưởng tầm thường được trộn lẫn vào một thứ gì đó giống như sự hợp nhất, nơi không có cá tính nào và bạn tránh được mọi sai lầm. Điều đó thực sự nguy hiểm cho nhân loại, bởi vì tất cả chúng ta đều bình đẳng nhưng tất cả chúng ta đều được tạo ra một cách khác biệt. Sự khác biệt là vẻ đẹp. Nghệ thuật, văn học, thẩm mỹ thiết kế – chúng bắt nguồn từ những sai lầm, đánh giá sai lầm của con người hoặc sự khác biệt về tính cách nếu bạn thích. Chúng nên nguy hiểm và gợi cảm và không thể đoán trước. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại thế giới AI.”
‘Bạn giàu bằng số bạn có thể chi tiêu, không phải số bạn có’ … Ngải Vị Vị tại nơi gần trang trại của ông ở Bồ Đào Nha.
Ảnh: Ricardo Lopes/The Guardian
Ngải Vị Vị đã thêm yếu tố cá nhân của riêng mình vào Lego Hoa súng. Ở trung tâm, ông đã chèn một lỗ đen hình vuông: ám chỉ lối vào ngôi nhà dưới lòng đất ở Tân Cương nơi ông lớn lên. Ông cho tôi xem ảnh gốc: đó là màn hình chờ trên điện thoại của ông. Cha ông, nhà thơ Ngải Thanh, bị đày đến Tân Cương trong Cách mạng Văn hóa và bị buộc phải dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng trong 5 năm. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, gia đình trở về Bắc Kinh, nơi Ngải Vị Vị học tập trước khi chuyển đến New York trong 12 năm. Trở lại Trung Quốc vào những năm 1990, sự kết hợp giữa trí thông minh về khái niệm, sự nghịch ngợm khôi hài và sự khiêu khích táo bạo đã mang lại cho ông danh tiếng quốc tế và một đống rắc rối trong nước.
Có phải sự thôi thúc sưu tập của ông được thúc đẩy bởi lịch sử di dời và tước đoạt? Ông lắc đầu một cách chắc chắn. “Tôi ghét điều đó. Bởi vì ở Trung Quốc, chúng tôi có câu nói, ‘Bạn sinh ra là một đứa trẻ trong tình trạng khỏa thân, bạn sẽ khỏa thân như một đứa trẻ khi chết’. Tôi lớn lên trong một xã hội cộng sản nơi bạn không có tài sản riêng.”
Bất chấp những lời chỉ trích của chính mình, ông dường như vẫn ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của đất nước mình. “Trung Quốc đã trở thành vấn đề đau đầu đối với phương Tây,” ông nói. Nhưng sự hoang tưởng của phương Tây đối với công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn như động thái của Mỹ và EU nhằm loại bỏ TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ, theo quan điểm của ông là bị thổi phồng quá mức: “Những cuộc thảo luận đó thực sự là giả. Trong bức tranh lớn hơn, trong một thế giới tư bản, cạnh tranh được khuyến khích. Nhưng rồi phương Tây gặp một gã khổng lồ như Trung Quốc – bất cứ thứ gì nó tạo ra, như Alibaba hay TikTok, ngay lập tức trở nên lớn mạnh. Tôi nghĩ điều đó khiến phương Tây ghen tị.”
Mặc dù rõ ràng là khá giả (nhà ông thậm chí còn có một cây đàn piano lớn để con trai ông tập khi cậu đến thăm), ông nói rằng ông ít quan tâm đến của cải. “Tôi có thói quen tiêu hết số tiền mình có. Bởi vì tôi có một lý thuyết: bạn giàu có bằng số tiền bạn có thể chi tiêu, chứ không phải số tiền bạn có.” Điều tương tự cũng áp dụng cho nghệ thuật của ông: “Tôi có thể vứt bỏ tất cả những tác phẩm được gọi là nghệ thuật mà tôi đã tạo ra. Tôi sẽ không cảm thấy gì lắm. Những thứ này cùng tồn tại với cuộc sống của chúng ta, nhưng cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi.”
“Bất cứ gì đã xảy ra với tôi, nếu là khó khăn, mọi người nói tôi xứng đáng; nếu là cái gì quyến rũ, thì tôi không xứng đáng”
Tình yêu nghệ thuật của Ngải Vị Vị không thực sự là về kết quả cuối cùng. “Tôi thậm chí không nhìn vào kết quả cuối cùng,” ông nói. “Tôi không quan tâm đến nó lắm. Quá trình thì nhiều cảm xúc, nó có máu. Nhưng bản cuối cùng chỉ là một xác chết đối với tôi.” Đối với studio mới của ông, ông thích quá trình tạo ra nó hơn là khả năng thực sự sử dụng nó. Ông thực sự không biết mình sẽ ở lại Bồ Đào Nha bao lâu sau khi nó hoàn thiện. “Tôi không lo lắng lắm,” ông nói. “Tôi tận hưởng khoảnh khắc này.”
Đây là bối cảnh luôn thay đổi trong cuộc sống của Ngải Vị Vị. Và nếu nó đi kèm với thành công và tiện nghi vật chất, thì nó cũng kéo theo sự ngược đãi, thất bại và di dời. Ông nói gần như đó là số phận của mình: “Mọi thứ có vẻ rất logic: bố tôi, tôi, có lẽ đây cũng sẽ là một phần cuộc sống của con trai tôi.” Có vẻ như ông đã được chọn, ông nói. “Và tôi cảm thấy rất biết ơn. Nó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi.”
Tuy nhiên, không có yếu tố tự chọn sao? Không phải ông đáng trách, nhưng ông đã luôn tự đưa mình lên trước, lên tiếng, thậm chí có thể nói là tự tạo ra vấn đề cho chính mình. “Tất cả những gì đã xảy ra với tôi,” ông nói với vẻ thích thú, “nếu khó khăn, người ta nói rằng tôi đáng bị như vậy. Nếu đó là một cái gì đó quyến rũ, thì tôi không xứng đáng với nó. Nhưng tôi hy vọng những nguyên tắc mà tôi bảo vệ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Như thế sẽ là xứng đáng.”
Bài viết của Steve Rose
Nguồn: The Guardian
Lược dịch bởi Viet Art View