Thông số tác phẩm
Sáng tác: Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006)
Tên tác phẩm: Người phụ nữ trẻ ngồi đan len
Năm sáng tác: Khoảng 1950
Kích thước: 61×46 cm
Giá ước tính: 130.000 – 150.000 EUR
Những tác phẩm nghệ thuật nào luôn được kiếm tìm với sự ưu ái đặc biệt? Tất nhiên rồi, đó là tác phẩm của các danh họa. Đặc biệt là những tác phẩm chưa bao giờ được công bố. Những tác phẩm ấy luôn được người nghiên cứu, nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật dành cho những cảm xúc đặc biệt. Nhất là với những tác phẩm đẹp, có câu chuyện lý thú, có nguồn gốc đặc biệt…
Họa sĩ Lương Xuân Nhị là danh tên đặc biệt của hội họa Việt Nam. Những tác phẩm của ông bất kể xuất hiện ở đâu đều được dành cho những cảm tình mến mộ. Hội họa của ông là sự đảm bảo thành công về sự yêu mến cho bất cứ phiên đấu giá nào.
Thể loại tranh chân dung, tranh khắc họa nhân vật của Lương Xuân Nhị luôn thu hút sự chú ý quan tâm của người yêu nghệ thuật. Các nhân vật của ông thường là những nhân vật có thực ngoài đời. Từ những bức chân dung người thân trong gia đình như “Bố tôi”, “Vợ tôi”, “Em trai tôi” đến nhân vật khác như “Thiếu nữ Nhật Bản”, “Thiếu nữ tân thời”, “Thiếu nữ Thái”, “Thiếu nữ bên hoa loa kèn”, “Trung thu”… Theo nguồn tin thân cận cho biết, nhân vật thường ngồi làm mẫu tại phòng làm việc của họa sĩ trên phố Cửa Nam. Vì vậy, chúng ta thường thấy phảng phất đâu đó những đồ đạc nội thất quen thuộc trong tư gia họa sĩ như chiếc ghế ngồi, cái tủ, cái rèm cửa, thậm chí cả một bức tranh do ông sáng tác làm hậu cảnh trên tường…
Ngày 7 tháng 3 năm 2024, trong phiên đấu “Họa sĩ Châu Á, Nghệ thuật Hiện đại Việt Nam” của Nhà đấu giá Aguttes, tác phẩm “Jeune femme au tricot – Người phụ nữ trẻ ngồi đan len”, chất liệu sơn dầu của họa sĩ Lương Xuân Nhị sẽ được đấu giá. Về mặt thị giác, có thể nhận thấy hòa sắc màu vàng – ốc, tông nâu trầm hơi ưng ửng đỏ tía quen thuộc của họa sĩ. Vóc dáng mảnh mai, thanh nhã của người mẫu trong chiếc áo dài thành thị với dáng ngồi thoải mái như đang nghỉ ngơi; dù toàn bộ tư thế và khuôn mặt đều chăm chú tập trung vào công việc đang làm… đều toát lên “nét đẹp đặc trưng phụ nữ thành thị trong tranh Lương Xuân Nhị”.
Theo lời kể của những người thân, ông rất chú ý đến việc chọn người mẫu, nhất là mẫu nữ thành thị. Dù vẽ “commande” hay sáng tác tự do ông đều chọn mẫu nữ có vóc dáng, gương mặt thanh thoát; khí chất tao nhã, thanh lịch với vẻ đẹp cổ điển dịu dàng.
Viet Art View thường có sự thích thú đặc biệt trong việc kiếm tìm sử liệu người mẫu cho những bức chân dung như thế này. Dựa vào tạo hình nhân vật, trang phục, bối cảnh… sẽ suy luận những chi tiết hết sức thú vị. Theo Nhà đấu giá Aguttes, bức tranh này từng thuộc Bộ sưu tập tư nhân Pháp (mua lại tại Sài Gòn năm 1950 và đưa về Pháp). Bộ sưu tập tư nhân, miền Tây Nam nước Pháp (được truyền từ bộ trước năm 1975).
Theo tư liệu về chiếc áo dài viết “từ những năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may có eo. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người”. Như vậy, sử liệu thời gian sáng tác của bức tranh này dường như là trùng hợp.
Một thông tin rất đáng tin cậy cho biết, chân dung người mẫu “Người phụ nữ trẻ ngồi đan len” đã được chính họa sĩ Lương Xuân Nhị chụp ảnh và đã được ông lưu giữ trong tư liệu cá nhân.
Hiện, danh tính người mẫu trong tranh vẫn được Viet Art View tìm kiếm. Nếu có thông tin thêm, Viet Art View sẽ thân mến gửi tới bạn đọc. Với tác phẩm “Người phụ nữ trẻ ngồi đan len”, chúng ta lại bổ sung thêm vào kho tàng những tác phẩm đẹp, quý của Lương Xuân Nhị.
Với giá ước tính từ 130.000 đến 150.000 EUR, có vẻ như bức tranh này có thể sẽ đạt mức giá cao hơn. Bởi vẻ đẹp tao nhã, sự dịu dàng, hiền thục, đảm đang của người phụ nữ trẻ sẽ làm lay động tình cảm từ những nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật. Với bức tranh này, hình dung của chúng ta hiện hữu hình ảnh về một gia đình ấm áp, viên mãn với nếp nhà xinh xắn, gọn gàng, những đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, mùi cơm thơm, mùi thức ăn thơm nức của bữa cơm gia đình đang gọi mời…
Sự êm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc, bình an… được toát ra từ hình ảnh người phụ nữ trẻ trong tác phẩm chính là điều mà ngàn đời nay, xã hội nào, giai tầng nào cũng luôn luôn hướng tới.
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View