Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ.
Nói về một họa sĩ-nhạc sĩ có lẽ vừa dễ hơn mà cũng vừa khó hơn nói về một họa sĩ hay một nhạc sĩ.
Dễ hơn là bởi vì các họa sĩ-nhạc sĩ có lợi thế hơn trong việc học hỏi, nhận biết cách sử dụng lẫn nhau các phương tiện riêng của cả hội họa và âm nhạc theo những “nguyên tắc như nhau”, và như vậy ta có đồng thời hai khả năng tốt hơn cho trải nghiệm và phân tích nghệ thuật. Nhưng cái khó tương ứng kèm theo là để chỉ ra được chính xác cách mà người họa sĩ-nhạc sĩ đã sử dụng thích đáng những phương tiện ấy, lại đòi hỏi một trình độ hiểu biết chuyên môn nhất định cả về hội họa lẫn âm nhạc.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016)
Hoặc dễ hơn là bởi vì ranh giới phân chia “trông thấy” giữa hội họa và âm nhạc thường mang đến sự so sánh giữa chúng với nhau trong quá trình tìm kiếm từ “nội tâm”, mà điều này thì lại thường rõ ràng hơn ở các họa sĩ- nhạc sĩ. Thế nhưng, cái tâm thế thôi thúc sáng tác bằng hội họa hay bằng âm nhạc ở cùng một người nghệ sĩ lại thường không hoàn toàn giống nhau. Nguyễn Đức Toàn đã từng viết: “Khi náo động nhất, có khi ta bỗng lắng lại để tìm một thi hứng âm nhạc. Và khi ngồi một mình suy ngẫm về thế sự, bỗng nhiên ta lại muốn bộc lộ ta bằng những mảng, khối, đường nét của nghệ thuật tạo hình”. Đây cũng là một trong những khó khăn thử thách sự phân tích về các họa sĩ-nhạc sĩ và nghệ thuật của họ. Vân vân và vân vân.
Riêng Trịnh Công Sơn sáng tác âm nhạc- nói theo Nguyễn Thiện Đạo- tựa như một nhà thơ. Và Trịnh Công Sơn cũng sáng tác hội họa như một nhà thơ. Khuynh hướng chung của nghệ thuật Trịnh Công Sơn, có thể nói, là khuynh hướng “ấn tượng duy thức” (impressionnisme intellectualiste) của một nhà thơ, hài hòa giữa tâm và vật.
Trên thực tế, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều đã tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940-1945. Bản thân Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha- cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.
Các cựu học sinh, sinh viên Trường CĐMTDD. Từ trái sang (hàng đứng)- Nguyễn Đức Toàn (thứ 16). Ảnh chụp tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1995
Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.
… Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn (tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng”) hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều, rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc). Trong các họa sĩ- nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. Và hội họa của ông rất được hâm mộ.
Dưới đây là một đoạn viết của Nguyễn Đức Toàn, khá cụ thể và tỉ mỉ, đọc cũng nhanh thôi:
“… Nhớ một chuyến đi đặc biệt, chúng tôi (có nhà thơ Cù Huy Cận) được Bộ tư lệnh Hải quân mời tham quan một cuộc diễn tập của bộ đội ngoài khơi. Trong cuộc diễn tập này có phóng ngư lôi và bắn đạn thật. Chúng tôi xuống tàu lúc trời đã xế bóng, ra đến khơi, hạm đội cắm neo, đúng vào lúc trăng lên đến đỉnh đầu. Biển lặng như tờ, mặt nước như không có sóng, mặt trăng tròn, sáng, nhìn chẳng rõ trăng ở mặt nước hay ở trên trời. Cảnh vật quá đẹp và còn đẹp hơn khi anh Cù Huy Cận kéo tôi
ra sát mạn tàu, anh chỉ vào mặt nước bảo tôi:
– Cậu có bao giờ thấy nước biển có màu xanh như thế này chưa?
Tôi như bị sốc bởi cái màu xanh kỳ lạ quá. Không thể tả bằng văn chương, nếu pha màu để vẽ thì cũng không ai tin được là sao màu xanh đẹp đến như thế. Cái màu xanh của biển dưới ánh trăng tạo ra một chiều sâu trong suốt, thăm thẳm. Sau này, mỗi khi viết một bài ca nào về biển, tôi lại từ cái màu xanh huyền thoại của biển ấy mà “khấn”, sao cho hồn biển nhập vào tôi.
… Tôi cứ nghiệm ra rằng: cái gì mà nó cứ ám ảnh mình hoài, thì rồi có lúc mình sẽ viết được một cái gì đấy. Nhiều lần đi biển, biển cứ ám ảnh tôi, hầu như gần hết cả cuộc đời, nên tôi tin rằng mình sẽ viết được ít ra cũng là một bài để đời, về đề tài biển.
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016).Thuyền về bến. 1989. Lụa. 41x57cm
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016). Trời sắp mưa. 1987. Lụa. 40,5x56cm
Cách tiếp nhận trong mỗi chuyến đi thực tế của nhạc sĩ, chẳng hề giống nhà văn, nhà báo. Cứ hỏi han, ghi chép. Còn nhạc sĩ chúng tôi thì như đang ‘thiền’. Không hỏi han, không ghi chép mà cứ mở ra, phanh tất cả ra cho gió, cho hương, cho mọi thứ nhập vào mình, ám ảnh mình. Chờ đến một lúc nào đấy, một bài hát ra đời”.
Các bức tranh của Nguyễn Đức Toàn có lẽ cũng đã ra đời, là kết quả của một quá trình trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc như thế.
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016). Chải tóc. 1983. Lụa. 46x39cm
Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến”- thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: những con đường làng- những gốc đa- những cái cổng; những mảng ruộng- những ngôi nhà- những đống rơm; mái chùa cổ- mặt trăng; hoặc thiếu nữ- hoa- lá- cây…
Rồi sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng:
“Anh đi ra khơi theo luồng cá biển. Em đi lên rừng theo tiếng sáo nai”- để rồi chùng một quãng, giai điệu nhạc bỗng vút lên cao như cánh diều: “Ôi, đất nước đang gọi mình đi. Những cánh chim của đồng quê. Hỡi em yêu, ta lại hẹn, đến ngày về.”
Âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài (hay nói khác đi, âm nhạc đã giúp ông tiếp cận được với “hiện thực nhiệm màu của họa sĩ”) – mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình-màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Tranh của ông có rất nhiều “giọng” (voix) lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Ông vẽ phong cảnh, tĩnh vật bằng sơn dầu, bột màu như sáng tác các Cantate, khi một bè, khi nhiều bè, với các tầng nhạc đệm phong phú. Ông vẽ phong cảnh bằng sơn mài, tranh thiếu nữ trên nền lụa như sáng tác các Prélude, với những nốt nhạc du dương, huyền ảo, lắm khi chỉ như bản vẽ phác mà vẫn gây hiệu quả hoàn thiện; vẽ các bố cục trừu tượng hoặc bán trừu tượng, các bố cục ứng tấu (improvisation) tựa như sáng tác các bản Fuga, đầy những mảng màu, đường nét chuyển động “thoát- đuổi” vô cùng linh động… Vả lại, kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn.
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016). Gác chuông chùa. 1988. Lụa. 38,5x53cm
Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Cái chất lính trong con người ông có thể “tộc tuệch”, “xuề xòa”, “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.
“… Bởi trí tuệ và tài năng quá khiêm tốn, lại trong một môi trường văn hóa còn chưa phát triển, đặc biệt là âm nhạc, thì dẫu rằng có sống trăm tuổi, cũng chỉ có thể là một nhạc sĩ viết ca khúc với một số bài hát được yêu thích. Thế là đủ!”. Về mình, Nguyễn Đức Toàn đã viết như vậy. Nhưng rốt cuộc, ông vẫn là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”- Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó và… Thế mới là đủ!
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016). Khi mùa xuân đến. 1998. Lụa. 42x40cm
Nguyễn Đức Toàn (1929 – 2016). Cô gái Hà Nội. 1988. Lụa. 56x34cm
NGUYỄN ĐỨC TOÀN (1929-2016): CHÚ DẪN VỀ TIỂU SỬ
Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10 tháng 3 năm 1929 tại Hà Nội, số nhà 61 phố Huế (thời Pháp thuộc gọi là Route de Hué, tức đường Huế). Quê gốc Bắc Ninh, làng Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, một làng nghề toàn tòng nổi tiếng về đồ gỗ, với các sản phẩm liệt hạng dành cho vua và hoàng tộc. Đời ông, cụ lang Nguyễn Đức Thư, đã ra Hà Nội làm nghề chữa bệnh. Bố, cụ Nguyễn Đức Thục (1886-1939, có tài liệu ghi 1883-1945) là một trong số rất ít nhà điêu khắc nổi tiếng ở nước ta những năm đầu thế kỷ 20. Tương truyền, thời trẻ, cụ Thục là một chàng trai “thông minh vốn sẵn tính trời”, lại khéo tay, tới mức có những họa tiết cổ từ nhiều đời truyền lại, cụ đều biên kê và phục dựng lại được. Khi đã hoàn toàn làm chủ được các kỹ năng của nghề mộc trang trí, cụ bắt đầu chuyển sang nghiên cứu tạc tượng, phù điêu và thiết kế trang trí kiến trúc (đáp ứng đòi hỏi của các thợ dựng đình, đền, chùa ở khắp các làng quê Bắc Ninh và các tỉnh xung quanh). Cụ Nguyễn Đức Thục cũng đã từng giúp người Pháp trong quá trình xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội (nay một số bản thiết kế các họa tiết trang trí của cụ vẫn còn được lưu trữ tại Pháp). Sau người Pháp đã mời cụ về dạy thiết kế đồ gỗ ở Trường Bách nghệ và làm giám thị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bản thân cụ Thục cũng có mối quan hệ rất thân thiết với họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, một trong hai người sáng lập ra Trường Mỹ thuật. Họa sĩ bậc thầy Trần Văn Cẩn cũng là người trong họ, Nguyễn Đức Toàn phải gọi bằng anh.
1944 Nguyễn Đức Toàn phải khai tăng thêm hai tuổi để vào học lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Trường giải thể vì Nhật đảo chính Pháp.
1945 Cách mạng Tháng Tám, gia nhập các đoàn biểu tình, cướp trại Bảo an ninh, tham gia mít-ting ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Lập một dàn nhạc nhỏ, tập và hòa tấu những bài ca cách mạng, hoạt động âm nhạc cùng Huy Du, Đỗ Nhuận, Lưu Bách Thụ, Bùi Công Kỳ, Thương Huyền, Mai Khanh… Sau tham gia thành lập Đoàn ca kịch Sao vàng, Đoàn Tuyên truyền Văn nghệ chi đội 2 Giải phóng quân… những tổ chức ca nhạc đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám và của cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sáng tác ca khúc “Ca ngợi đời sống mới”.
1946 Tham gia kháng chiến chống Pháp, ban đầu hoạt động từ Hưng Yên, Hải Dương đến Hải Phòng, làm đoàn phó Đoàn Sao vàng (đoàn trưởng là Đỗ Nhuận). Sáng tác ca khúc “Tăng gia sản xuất” và bài hát cho thiếu nhi “Bé nhè”.
1947 Sáng tác ca khúc “Tiếng hát Đông Khê”.
1948 Đoàn Sao vàng giải thể, về công tác tại Bộ tư lệnh. Việt Bắc, vẽ, sáng tác bài hát, làm báo. Làm đoàn phó Đoàn Văn công Việt Bắc (Hoàng Cầm là đoàn trưởng). Cùng Văn An, Xuân Hòa, Nguyễn Đình Đức đảm nhiệm phần âm nhạc cho các vở kịch do Hoàng Cầm viết và dàn dựng.
1949 Sáng tác ca khúc nổi tiếng “Quê em” (Chiến dịch Trung du).
1950 Sáng tác ca khúc “Chiều hậu phương” ca ngợi cuộc sống ở các vùng quê mới giải phóng (Chiến dịch Tây Bắc).
1951 Kết hôn với Hoàng Thúy Nga, diễn viên kịch nói quân đội.
1953 Cùng Đoàn Văn công vào vùng địch tạm chiếm (Bắc Ninh, Bắc Giang) phục vụ nhân dân và bộ đội. Sáng tác ca khúc “Lúa mới” (trong ca cảnh “Cùng đi”).
1954 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ được phân công phụ trách Đoàn Văn công 3 của Tổng cục Chính trị, làm nhiệm vụ đón tiếp các chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Sáng tác ca khúc “Chào miền Nam yêu dấu”.
Tham gia xây dựng các tiết mục lớn như kịch múa “Ngọn lửa Xô-viết Nghệ Tĩnh”, đại hợp xướng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” (là những thành tựu ban đầu trên quá trình trưởng thành của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị).
1955 Sau khi ba đoàn văn công của Tổng cục Chính trị sát nhập, được cử làm đoàn trưởng phụ trách Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, chủ yếu làm chỉ đạo nghệ thuật. Đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mông Gổ, Triều tiên… và tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới ở Moskva (1957).
1958 Sáng tác các ca khúc nổi tiếng “Biết ơn Võ Thị Sáu” và “Mời anh đến thăm quê tôi”.
1964 Sáng tác “Noi gương Lý Tự Trọng”, bài hát viết cho thanh niên và ca khúc “Nguyễn Văn Trỗi còn sống mãi”.
1965 Cùng Chính Hữu, Xuân Thiều, Thanh Phúc đi công tác vào miền Trung. Sáng tác các ca khúc “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Đào công sự”, “Đài hát người lái xe” và hợp xướng “Vinh quang Đảng Lao động Việt Nam”.
1968 Được cử đi thực tập hai năm tại Học viện Âm nhạc Kiev (Ucraina, Liên Xô), viết nhiều Prélude, Étude, Fuga…
Viết tổ khúc giao hưởng “Tổ quốc” và bản Cantate “Ngọn cờ giải phóng”.
1970 Về nước, công tác tại Phòng Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Là chuyên viên nghệ thuật của toàn quân.
1974 Cùng Chế Lan Viên và Nguyễn Minh Châu đi thực tế Đường Trường Sơn. Sáng tác ca khúc “Tình em biển cả”.
1976 Sáng tác các ca khúc “Người thầy giáo thương binh” và “Đảng là cuộc sống của tôi”.
1978 Sáng tác ca khúc “Chiều trên bến cảng” (giọng D-moll), có thể được xem là một trong những ca khúc đầu tiên của “nhạc trẻ” cách mạng.
1980 Trở thành hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam). Bắt đầu chuyên tâm vào hội họa.
1983 Sáng tác ca khúc “Hà Nội trái tim hồng”.
1998 Triển lãm cá nhân về hội họa dưới tiêu đề “Người chơi đàn cầm bút vẽ” tại Gallery 61 Tràng Tiền, Hà Nội. (Đã có 10 triển lãm hội họa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia các cuộc triển lãm quốc tế ở Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Pháp, Nhật Bản).
2000 Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (cho sáu ca khúc tiêu biểu: “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Tình em biển cả” và “Chiều trên bến cảng”).
2005 Sáng tác ca khúc về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Ôi mẹ Việt Nam yêu em đời
đời”.
2006 Xuất bản cuốn “Nguyễn Đức Toàn- Hà Nội trái tim hổng” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân), tuyển chọn các ca khúc, các bài viết của tác giả và một số bài của người khác viết về ông.
2008 Xuất bản trọn bộ hai tập thơ trữ tình nhan đề “Gió” (Nhà xuất bản Văn học) và cuốn sách “Tranh Nguyễn Đức Toàn” (Nhà xuất bản Mỹ thuật).
2016 Mất ngày 7 tháng 10 tại Hà Nội.
2019 Triển lãm mang tính chất hồi cố “Nguyễn Đức Toàn- Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhân kỹ niệm 90 năm sinh của họa sĩ, tại Nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền, Hà Nội.
– Quân hàm Đại tá
– Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
– Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
– Huân chương Chiến công hạng Ba
– Huân chương Độc lập hạng Ba
Bài viết trong cuốn sách “Nguyễn Đức Toàn”, năm 2019 của NXB Mỹ thuật, Quang Việt biên soạn.