Logo loading

NGUYÊN MẪU TRONG TÁC PHẨM “PHỤ NỮ HÀ THÀNH” HAY “CHÂN DUNG BÀ ĐẶNG THỊ ÁNH” CỦA HỌA SĨ LƯƠNG XUÂN NHỊ

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Chân dung bà Đặng Thị Ánh. 1952. Lụa Sưu tập gia đình ông Nguyễn Kim Đan, tại Pháp. (Ảnh chụp tác phẩm do ông Nguyễn Kim Đan cung cấp) NHỮNG THÔNG TIN VỀ NGUYÊN MẪU TRONG TÁC PHẨM Tháng 1 năm 2024, Viet Art View đã đăng tải bài viết có […]
|Viet Art View

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Chân dung bà Đặng Thị Ánh. 1952. Lụa

Sưu tập gia đình ông Nguyễn Kim Đan, tại Pháp. (Ảnh chụp tác phẩm do ông Nguyễn Kim Đan cung cấp)

NHỮNG THÔNG TIN VỀ NGUYÊN MẪU TRONG TÁC PHẨM

Tháng 1 năm 2024, Viet Art View đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Công dung ngôn hạnh của phụ nữ Hà Thành trong tranh Lương Xuân Nhị”.

Đây là một bản vẽ chì màu khắc họa chân dung một người phụ nữ xinh đẹp. Tác phẩm thuộc sở hữu của gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị, sau đó đã chuyển giao cho một Nhà sưu tập Nghệ thuật tại Hà Nội.

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Phụ nữ Hà Thành. Khoảng 1950-1952. Chì màu, màu nước trên giấy. 63×41 cm

Để viết về vẻ đẹp, tính cách của người phụ nữ xinh đẹp trong bức tranh, Viet Art View bắt đầu kiếm tìm tư liệu về danh tính người mẫu. Nguồn tin gia đình họa sĩ cho biết, đây là phu nhân của bác sĩ Đặng Vũ Lạc.

Trước khi được cung cấp bức thư tay (do gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị mới tìm thấy), Viet Art View tìm hiểu thông tin về bác sĩ Đặng Vũ Lạc nhưng chỉ tìm được những thông tin hết sức hiếm hoi, từ những nguồn không chính thống và chỉ mang tính chất tham khảo. Viet Art View vô tình biết được thông tin “phu nhân bác sĩ Đặng Vũ Lạc đã hạ sinh cô con gái đầu lòng năm 1924” từ một nguồn thân cận đáng tin. Thực tế, thông tin này là chính xác.

Sau đó, Viet Art View được cung cấp một bức thư tay (do gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị gửi cho người chủ sở hữu bản tranh chì màu trên giấy), viết ngày 19 tháng 8 năm 1952, có địa chỉ gửi từ Bệnh viện ĐẶNG-VŨ-LẠC, 92 Trần Hưng Đạo, dây nói: 382. Nội dung liên quan đến một buổi tiệc trà:

Kính gửi Ông Lương Xuân Nhị!

Thưa Ông

Ngày mai tôi sẽ xin trình bày bức tranh của vợ tôi để một số các bạn thân của vợ chồng tôi cùng thưởng lãm.

Nhân dịp ấy, tôi trân trọng kính mời ông vui lòng lại xơi với chúng tôi một chén trà vào hồi 18h30 ngày 20 -VIII – 52 để tôi được bày tỏ cùng ông lòng biết ơn và cảm tình chân thành của tôi.

Kính mời

Phạm-Văn-Diễn

(Bức thư gốc hiện vẫn do gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị lưu giữ)

Sau khi gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị cung cấp bức thư tay thì đã có sự nhầm lẫn về danh tính của người mẫu. Trên thực tế, người phụ nữ trong tranh không phải là phu nhân bác sĩ Đặng Vũ Lạc mà chính là con gái đầu lòng của ông – Đặng Thị Ánh, sinh năm 1924.

Sau khi trao đổi với anh Nguyễn Kim Đan – con trai của người mẫu trong tranh, Viet Art View xin được viết lại tiểu sử của người mẫu trong tranh – bà Đặng Thị Ánh:

– Nguyên mẫu trong tranh – bà Đặng Thị Ánh (1924-1951) là luật sư và giáo viên dạy đàn piano.

– Bố ruột là bác sĩ Đặng Vũ Lạc (1900-1948) là con trai thứ tư của cụ Phủ Chi.

– Mẹ ruột là Nguyễn Thị Điển (1896-1935) con cụ Tuần Phủ Nguyễn Đạo Tấn.

– Người chồng đầu tiên là bác sĩ Nguyễn Văn Phác.

– Người chồng thứ hai là bác sĩ Phạm Văn Diễn.

– Con gái là Nguyễn Nùng Riệm, con trai là Nguyễn Kim Đan (là con của người chồng đầu của bà).

Bà Đặng Thị Ánh (1924-1951)

Theo lời kể của anh Nguyễn Kim Đan, bố ruột anh là bác sĩ  Nguyễn Văn Phác được sinh ra trong một gia đình dòng dõi. Cụ nội anh là Nguyễn Văn Bân – đỗ Tiến sỹ thời Nguyên là Thái tử Thiếu bảo hàm Thượng thư.

Còn về ông ngoại của anh – bác sĩ Đặng Vũ Lạc, sinh năm 1900 (theo giấy tờ là 1902), mất năm 1948. Trước năm 1954, bệnh viện Đặng Vũ Lạc rất nổi tiếng ở Hà Nội. Theo một vài tư liệu hiếm hoi viết – Bác sĩ Đặng Vũ Lạc cùng với bác sĩ Hoàng Thụy Ba là hai bác sĩ đầu tiên của Đông Dương (Trường Đại học Y Dược Hà Nội) đã sang Pháp học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Y Paris. Hai bác sĩ đã từng cùng nhau bàn bạc dự án nhân đạo, xây bệnh viện cho người nghèo, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Sau đó, bác sĩ Đặng Vũ Lạc đã xây bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Hà Nội – Nhà thương Henry Copin, phố Hàng Cỏ, sau gọi là bệnh viện Đặng Vũ  Lạc, bây giờ là Bệnh viện tim Hà Nội.

CÂU CHUYỆN VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM

Phu nhân của bác sĩ Đặng Vũ Lạc hạ sinh người con gái năm 1924 trong sự yêu thương đón chờ của cha mẹ. Bé gái được đặt tên là Đặng Thị Ánh. Đây chính là nguyên mẫu trong tác phẩm “Phụ nữ Hà Thành” do họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác năm 1952 (tên tranh do Viet Art View đặt sau khi nghe câu chuyện từ gia đình họa sĩ Lương Xuân Nhị).

Điều đặc biệt là “bức tranh được bác sĩ Phạm Văn Diễn đặt họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác khi nguyên mẫu trong tranh đã tạ thế ở tuổi 27”.

Bà Đặng Thị Ánh và các con

Hai chị em Nùng Riệm và Kim Đan chụp trong sân bệnh Viện Đặng Vũ Lạc bên chiếc xe “Citroen traction” vẫn đưa hai chị em đi học

(Ảnh do ông Nguyễn Kim Đan cung cấp)

Bác sĩ Phạm Văn Diễn – Giám đốc bệnh viện Đặng Vũ Lạc là người chồng thứ hai của bà Đặng Thị Ánh. Ông bà kết hôn khi bà đã sinh hạ hai người con với người chồng đầu tiên. Đó là bé gái Nguyễn Nùng Riệm và bé trai Nguyễn Kim Đan. Anh Nguyễn Kim Đan (Giáo sư các trường Đại học Pháp, hiện sống ở Pháp) cho biết thêm, bố Diễn và mẹ anh đã từng yêu nhau khi cùng học ở Trường Trung học Albert Sarraut. Mẹ anh kết hôn lần hai với bố Diễn sau khi đã ly hôn với bố ruột của anh.

Theo lời kể của bác sĩ Đặng Quốc Tuấn (cháu nội của bác sĩ Đặng Vũ Lạc cũng là cháu rể của bác sĩ Hoàng Thụy Ba) bà Đặng Thị Ánh chơi piano rất hay, mỗi khi gia đình có khách bà thường chơi piano tiếp đón. Sau khi kết hôn với bác sĩ Phạm Văn Diễn, bà và các con sống hạnh phúc, viên mãn; nhưng thời gian rất ngắn ngủi, chỉ trên dưới một năm, bà đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

Lại nói về bác sĩ Phạm Văn Diễn, cũng như những người đàn ông luôn yêu thương gia đình; ngoài tình yêu dành cho người vợ của mình, ông còn trân quý, tôn trọng bà hết mực. Vì vậy, sau khi bà Đặng Thị Ánh sớm qua đời (năm 1951), để lại niềm thương nhớ vô hạn cho gia đình và người thân…Ông đã nhờ họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ một bức chân dung tưởng nhớ bà. Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã nhận lời. Khi tác phẩm được hoàn thiện, gia đình ai cũng nhận thấy sự tài hoa của họa sĩ; bởi chỉ qua lời kể về tính cách và các tư liệu ảnh do gia đình cung cấp, họa sĩ đã khắc họa lại không những dáng hình, vẻ đẹp của bà mà còn lột tả được khí chất tao nhã, thanh lịch, đức độ với đầy đủ phẩm chất “công dung ngôn hạnh” đúng như tính cách của bà lúc sinh thời.

Anh Nguyễn Kim Đan còn chia sẻ thêm “Sau khi mẹ anh mất, ngoài bức chân dung lụa, gia đình còn một bức tranh sơn dầu khác vẽ cảnh gia đình quây quần cũng do họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác. Hình ảnh người mẹ dịu hiền của anh trong trang phục áo dài màu vàng, đang ngồi đan len cũng được họa sĩ vẽ theo tư liệu.

Sau khi sang Pháp sinh sống, anh Nguyễn Kim Đan mang hai bức tranh sang Paris. Để mang được bức tranh đi, Sở Văn hóa Hà Nội yêu cầu anh phải có thẩm định của Bảo tàng Mỹ thuật mới cho mang ra khỏi Việt Nam; bởi lúc ấy, các bức tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị đã được coi là tài sản quốc gia. Lúc đó họa sĩ Lương Xuân Nhị còn sống; chính họa sĩ đã gọi điện thoại cho cán bộ kiểm định của Bảo tàng, nhấn mạnh đây là bức vẽ của gia đình. Vì vậy, anh mới được phép mang tranh sang Pháp.

Chân dung bà Đặng Thị Ánh treo trong tư gia của ông Nguyễn Kim Đan tại Pháp

(Ảnh do ông Nguyễn Kim Đan cung cấp)

MỘT SỐ THÔNG TIN BÊN LỀ

Theo dòng thời gian diễn biến, từ việc nhận lời sáng tác tranh theo đề nghị từ gia đình bác sĩ Phạm Văn Diễn, chúng ta có thêm thông tin, hình ảnh những tác phẩm quý giá được họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác trước năm 1954. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể giới thiệu thêm với người yêu nghệ thuật ba tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

  1. Chân dung bà Đặng Thị Ánh (Phụ nữ Hà Thành)– bản vẽ chì màu (Hiện thuộc sưu tập tư nhân, Hà Nội)
  2. Chân dung bà Đặng Thị Ánh – bản tranh lụa (Hiện thuộc sưu tập của ông Nguyễn Kim Đan)
  3. Gia đình bác sĩ Phạm Văn Diễn – tạm đặt theo đúng nội dung tranh (Hiện thuộc sưu tập của ông Nguyễn Kim Đan).

Bức tranh trên chất liệu sơn dầu vẽ các thành viên trong gia đình gồm bác sĩ Phạm Văn Diễn, phu nhân Đặng Thị Ánh, bé gái Nguyễn Nùng Riệm và bé trai Nguyễn Kim Đan. Đây là một bức tranh quý, đẹp, giàu tình cảm, hòa sắc vàng – xanh đặc trưng của Lương Xuân Nhị. Tranh mô tả tả cảnh đoàn viên ấm áp, thể hiện đúng tình yêu thương của bác sĩ Phạm Văn Diễn dành cho vợ và các con. Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã đồng cảm xúc với người chồng – người cha trong tác phẩm khi sáng tác bức tranh này.

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Gia đình bác sĩ Phạm Văn Diễn (tên tạm đặt theo nội dung tranh). 1952. Sơn dầu. Sưu tập gia đình ông Nguyễn Kim Đan, tại Pháp

(Ảnh chụp tác phẩm do ông Nguyễn Kim Đan cung cấp)

Thêm một chi tiết thú vị do anh Nguyễn Kim Đan cung cấp, bình hoa hồng trên bàn (trong bức tranh sơn dầu) cũng đã được họa sĩ Lương Xuân Nhị sáng tác thành một bức tranh hoàn chỉnh khác.

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006). Hoa hồng. 1952. Sơn dầu. In trong sách “Lương Xuân Nhị”, xuất bản năm 2003

Và các bạn yêu nghệ thuật, nếu đã có trong tay cuốn Lương Xuân Nhị, hãy lật giở trang 51, có in một bức tranh được đặt tên “Hoa hồng”, chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1952, có nhiều nét tương đồng với bình hoa trong bức sơn dầu vẽ gia đình bác sĩ Phạm Văn Diễn. Liệu có đúng là bình hoa hồng ấy không? Nếu yêu thích nghiên cứu, các bạn hãy thử xem kỹ và so sánh để có câu trả lời cho riêng mình?

Cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ, lẩn khuất đâu đó, cần được soi tỏ, làm rõ bởi các thế hệ sau. Các tư liệu lịch sử, các câu chuyện đi kèm gắn với tác phẩm nghệ thuật sẽ làm tác phẩm trở nên thú vị; như những chất dẫn tạo nhiều cảm xúc. Quá khứ qua đi, quá khứ không bao giờ trở lại nhưng những gì nó đã được tái hiện trong các tác phẩm nghệ thuật sẽ còn sống mãi với thời gian…

*Tư liệu trong bài được cung cấp từ:

– Ông Nguyễn Kim Đan – con trai bà Đặng Thị Ánh và bac sĩ Phạm Văn Diễn

– Ông Đặng Quốc Tuấn – cháu nội của bác sĩ Đặng Vũ Lạc

– Ông Hoàng Thụy Hưng – con trai bác sĩ Hoàng Thụy Ba

– Tư liệu sách “Lương Xuân Nhị”, xuất bản năm 2003

Bài viết bởi Viet Art View 
Bản quyền thuộc về Viet Art View 

Chia sẻ:
Back to top