(Câu chuyện thú vị bên lề của Viet Art View trong lúc hoàn thiện hồ sơ tác phẩm “Đường làng” do Giáo sư Joseph Inguimberty sáng tác)
Khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các căn phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương luôn nhận được sự yêu thích, quan tâm của công chúng.
Ở phòng số 9, bức tranh lụa có tựa “Thiếu nữ bên tràng kỷ”, 1934, lụa, 96×35,5 cm của họa sĩ Lê Văn Đệ được ngắm xem và chụp ảnh rất nhiều. Tranh mô tả một thiếu phụ xinh đẹp, quý phái, khuôn mặt tươi tắn, trong trang phục áo dài Lemur thanh lịch. Chắc không ít người xem thầm bâng khuâng tự hỏi về danh tính người đẹp trong tranh.
LÊ VĂN ĐỆ (1906-1966), ‘Thiếu nữ bên tràng kỷ’,
1935. Lụa. 96×35,5 cm.
Nhân dịp tìm sử liệu bức tranh sơn dầu “Đường làng” do Giáo sư Joseph Inguimberty sáng tác, Viet Art View mới khám phá được những tình tiết thú vị xung quanh hai tác phẩm nghệ thuật quý hiếm này. Bởi chúng đã từng cùng thuộc một bộ sưu tập nghệ thuật.
Nguyên mẫu trong “Thiếu nữ bên tràng kỷ” là bà Nguyễn Thị Bính (1911 – ?), phu nhân của ông Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) – một học giả nổi tiếng, tác giả cuốn “La Sơn Phu Tử”; “Chinh Phụ ngâm bi khảo”. Bà Nguyễn Thị Bính là một trí thức thiên hương, có bằng Dược sĩ hạng nhất tại Đại học Dược khoa (Paris – Pháp), chủ hiệu thuốc “Pharmaice Hoàng Xuân Hãn” lừng lẫy trên phố Tràng Thi.
Năm 1951, ông bà sang Paris. Sau năm 1954, tình hình đất nước có chuyển biến, ông bà Hoàng Xuân Hãn không trở về Việt Nam nữa và làm giấy hiến tặng toàn bộ hiệu thuốc và tài sản cho Chính phủ.
Có thể sau đó, những bức tranh cũng rời khỏi sưu tập của gia đình. Trong đó có bức “Thiếu nữ bên tràng kỷ” của Lê Văn Đệ và bức “Đường làng” của Joseph Inguimberty.
Điều đó cho thấy, ngoài hai bức tranh trên, gia đình Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thể đã từng có nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.
Theo tài liệu ghi, bức tranh vẽ Madame Bính được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua từ ông Nguyễn Xuân Lâm (một người buôn bán tranh của ở Hà Nội), nhà số 34, phố Cửa Nam năm 1962 với giá 150 đồng.
Cũng từ bộ sưu tập của ông Nguyễn Xuân Lâm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua được bức “Ra đồng” của Nguyễn Phan Chánh; “Phụ nữ ngồi” của Trần Phúc Duyên; “Thiếu nữ” của Hoàng Lập Ngôn…
Điều này cũng tương tự như một số tác phẩm quý của mỹ thuật Việt Nam như “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn được mua từ nhà ông Đỗ Huân ở phố Nguyễn Thái Học; “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân được mua từ nhà ông Trần Văn Niết ở phố Sinh Từ…
Xung quanh việc xây dựng “hồ sơ sử liệu” cho những tác phẩm quý của nhiều danh họa Việt Nam sẽ còn rất nhiều điều thú vị. Viet Art View xin chia sẻ dần dần tới bạn yêu nghệ thuật…
Chân dung Madame Nguyễn Thị Bính, Phu nhân
của học giả Hoàng Xuân Hãn
Ảnh tư liệu từ bài viết “Madame Nguyễn Thị Bính,
một trí thức thiên hương” của tác giả Kiều Mai Sơn.
Ông bà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tiếp chuyện đạo diễn
Trần Văn Thủy (Paris, 11-1989).
Ảnh tư liệu từ bài viết “Madame Nguyễn Thị Bính,
một trí thức thiên hương” của tác giả Kiều Mai Sơn.
Bài viết bởi VIET ART VIEW
Bản quyền thuộc về Viet Art View