Nguyễn Sáng (1923-1988), “Chân dung Ngọc Hà”, 1978, lụa, 72×53 cm
MỆNH ĐỀ HỘI HỌA NGUYỄN SÁNG
Với mệnh đề hội họa mang tên Nguyễn Sáng chúng ta thấy gì?Đầu tiên, là ngọn lửa khí phách của chủ nghĩa dân tộc, anh hùng cách mạng được thể hiện đậm nét trong các tác phẩm đỉnh cao như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”; “Thành đồng Tổ quốc”. Bút pháp hiện thực với ý lực mãnh liệt được hằn mạnh vào khối hình, hằn vào những đường viền đậm chắc dưới một bút lực đầy ý chí tạo nên sự hào hùng đầy kịch tính của trữ tình và bi tráng.
Những tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”; “Thống nhất”; “Thiếu nữ Việt Nam”… cũng nằm trong chủ đề chủ nghĩa dân tộc nhưng ở một góc nhìn khác.
Tiếp đó, ông lại sâu sắc suy ngẫm về triết lý nhân sinh quan rộng lớn của thế giới, vừa bay bổng vừa khúc chiết, đậm chất dân gian trong “Vũ trụ”; “Vật”; “Múa vòng”; “Chọi trâu”; “Mèo”; “Không gian”; “Bố cục”…
Rồi lại thấm đượm, lắng đọng tình cảm cảnh sắc quê hương như “Chùa Phổ Minh”; “Trú mưa”; “Tình cảm họa sĩ”; “Thiếu nữ và hoa sen”; “Thổi sáo”…
Đặc biệt, dưới phong cách tạo hình riêng của Nguyễn Sáng, đề tài chân dung bất cứ người mẫu nào, dù được sáng tác ở thời điểm nào, chất liệu nào đi nữa thì “đặc điểm tạo hình Nguyễn Sáng” và “đặc trưng của nhân vật” là hai phẩm chất nổi trội, đậm đặc của ông.
Nghệ thuật của Nguyễn Sáng đan xen giữa truyền thống hiện đại, toát lên sự hào sảng cá tính đặc trưng người Nam Bộ, tình yêu thương da diết, nồng ấm với quê hương và con người.
Trong gia tài tác phẩm nghệ thuật để lại của Nguyễn Sáng, chúng ta mới thống kê được chưa đến 200 tác phẩm phong phú các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, phấn màu và các bản sketch chì.
Những bức tranh chân dung trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu và hiếm hoi có một vài bức lụa. Thậm chí, những tác phẩm trên chất liệu lụa của ông được công bố trên các tư liệu chưa tới 10 bức.
Bản thân Viet Art View cũng mới được nhìn tận mắt hai bức tranh chân dung trên lụa do Nguyễn Sáng sáng tác đang lưu giữ ngoài nhân gian. Một bức vẽ vợ ông Thái Văn Hiếu, Hải Phòng và bức thứ hai vẽ bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phu nhân của đại tá Nguyễn Kim Sơn.
Khoảng tháng 3, tháng 4, năm 1978, Nguyễn Sáng về Sài Gòn thăm gia đình và người thân. Trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Kim Sơn – một người bạn thân thiết của Nguyễn Sáng đã đề nghị Nguyễn Sáng vẽ cho mẹ ruột mình là bà Nguyễn Thị Huê một bức chân dung. Sau đó, tranh được vẽ ngay tại nhà riêng của ông Kim Sơn, số 40 Võ Văn Tần. Nguyễn Sáng hào hứng bắt tay vào vẽ ngay và hoàn thiện trong khoảng hai, ba ngày.
Bức tranh trên chất liệu sơn dầu khắc họa hình ảnh một bà má miền Nam, tóc búi gọn sau gáy, gương mặt cương nghị, thanh thoát cùng lời đề tặng “KT (Kính tặng) Má” của Nguyễn Sáng đã phần nào cho thấy sự thân thiết như ruột thịt giữa họa sĩ và bà Nguyễn Thị Huê.
Anh Nguyễn Trường Sơn, con trai của ông Nguyễn Kim Sơn có chia sẻ “bác Sáng gọi bà nội tôi là má và xưng con. Mỗi khi có dịp ghé nhà chơi ông đều nói “má ơi, má nấu nhiều cơm chút chút để con ăn nghe”.
Sau đó, Nguyễn Sáng ngỏ ý vẽ tặng bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, vợ của ông Kim Sơn một bức chân dung.
CHÂN DUNG NGỌC HÀ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh năm 1928 tại Phnom Penh Campuchia. Bà là du học sinh ở Paris. Năm 1949, bà kết hôn với tình báo viên Nguyễn Kim Sơn. Ông Kim Sơn sinh 1927 – Đại uý Ngự lâm quân cho Quốc trưởng Bảo Đại, là tình báo được cài vào quân đội Pháp. Năm 1955 bà từ Paris về Sài Gòn đưa con trai đầu ra miền Bắc theo đường dây bí mật (bởi lúc đó đã hết thời hạn 300 ngày tập kết) để cùng với chồng từ chiến khu Việt Bắc đoàn tụ tại Hà Nội. Sau đó bà dạy tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại giao và Ngoại thương, là đồng nghiệp của ông Nguyễn Văn Hoa, em trai của Nguyễn Sáng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà và tác phẩm.
Thưa bà, xin bà cho Viet Art View và người yêu nghệ thuật biết về sự ra đời của bức chân dung này?
Anh Sáng nói với tôi: “Ngày mai em có rảnh không, anh vẽ cho em một bức tranh”. Mình nói: “Anh ơi, nó phải tự nhiên chứ còn em mà ngồi poser (tạo dáng) mà để mà vẽ thì chắc chưa quen, với lại mà vẽ tranh dầu hay là gì? Nhưng em thích vẽ lụa vì lụa nó nhẹ nhàng hơn”. Thì anh Sáng nói: “Chà! Cái này gay đó, từ trước tới giờ anh không có vẽ ai mà vẽ lụa hết”. Tôi lại tiếp: “Thôi, bây giờ anh vẽ thử đi, chắc là thế nào qua bàn tay của anh thì nó khác đấy”. Anh nói: “Ờ! Thế thì anh cố gắng”. Tôi và anh Sáng chỉ trao đổi với nhau trước khi anh ấy vẽ chỉ đơn giản thế thôi.
Bức tranh lụa này cũng phải ngồi hai buổi mới xong. Mà khi xong rồi thì anh nói: “Sao mà nó khác với cái ý của anh. Không ngờ là anh vẽ được như vậy, nó nhẹ nhàng, nó thanh thoát”. Thì mình mới nói: “Người có tài thì nó khác đấy”.
Sau khi họa sĩ Nguyễn Sáng hoàn thiện trong bức tranh, bà có cảm nghĩ như thế nào ạ?
Thật ra thì khi vẽ xong rồi đó, lúc vẽ thì mình mặc cái áo màu vàng, không biết tại sao từ trước giờ vẫn thích cái màu nhẹ nhàng như tơ ấy mà không phải là màu chói. Nhưng đến lúc vẽ xong rồi thì tôi nói: “Anh Sáng ơi, tiếc quá cái màu vàng thấy nó chìm quá, giá hôm đó mà em mặc cái áo màu hồng mà có vài cái nét hoa đó thì hay hơn”. Thế thì anh cũng có đùa, anh nói: “Nếu em thích thì anh vẽ tranh khác”. Nhưng mà chắc anh ít có thì giờ.
Bức tranh này vẽ hai ngày liên tục hay vẽ hai buổi hay chỉ vẽ mấy tiếng trên một ngày?
Hai ngày thì không phải ngồi liên tục nhưng mà một buổi thì anh chỉ bảo là “Anh bắt đầu vẽ đấy, tự nhiên nhé”. “Vâng! Em vẫn tự nhiên” thì anh vẽ độ chừng không đến một tiếng, mỗi một buổi ngồi đó không đến một tiếng. Nhưng mà khi bắt đầu vẽ thì anh nói là “Em cứ tự nhiên đi”.
Bà ưng ý nhất chi tiết gì trong bức tranh?
Thật sự đôi bàn tay đó thì tự nhiên mình ngồi, mình không để ý đến đó, nhưng biết rằng anh lấy những cái nét nào mà đặc biệt của cô Ngọc Hà, mình biết anh ấy như vậy. Thì anh nói “Anh bắt đầu vẽ nha”. Mình biết anh nhìn vào mắt, cái cặp mắt nó có một cái gì đấy lạ, nhìn là biết mắt của cái cô này.
Bà cảm nhận như thế nào về tính cách và con người của Nguyễn Sáng?
Với anh Nguyễn Sáng thì mình quý anh từ lâu, coi như một người anh. Mà sự thật lúc bấy giờ thì cũng có đôi khi tôi cũng khó tính nhưng mà anh nói “nếu em khó tính thì em cứ thể hiện ra đi”, “Nhưng mà em thể hiện không được vì trước một người vẽ như anh thì em thấy là em phải dịu đi”. Thì anh nói là “không, anh biết là từ trước tới giờ em ít nói nhưng mà khi ngồi thể hiện đó thì cái đôi mắt của em nói nhiều hơn là bản thân em”.
Tôi thấy đôi mắt này có lẽ dữ hơn Ngọc Hà, nghĩa là đôi mắt này là cái con người đăm chiêu, có gì đó khó tính. Chứ còn tôi thì tôi mắt tôi cũng thường, mình ít nhìn vào cái người nào mà, ít nhìn vào cái thẳng là vì cái đó là cái tự nhiên của một con người của mình. Nhưng mà khi anh vẽ xong thì mình mới thấy là anh làm tôn hơn cái nét riêng đôi mắt của cô này.
NGƯỜI XƯA VẪN CÒN LẠI
Người mẫu Ngọc Hà trong “Chân dung Ngọc Hà” năm nay đã bước sang tuổi 96. Nét thời gian hằn sâu trên dung mạo. Nhưng phong thái vẫn rất thanh lịch, nhẹ nhàng đúng tư chất một người phụ nữ thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt giới nữ miền Nam xưa. Giọng nói đậm đặc chất Nam Bộ với ngữ điệu chắc chắn, từ tốn, âm vang. Trí nhớ minh mẫn, mạch lạc…
Chuyện trò với bà Ngọc Hà, ngắm nhìn bức chân dung Nguyễn Sáng đã sáng tác cách đây 46 năm, thấy thời gian như lắng đọng trong tác phẩm.
Mười năm sau khi sáng tác “Chân dung Ngọc Hà”, Nguyễn Sáng rời xa trần thế. Mỹ thuật Việt Nam thiếu vắng đi cá tính quyết liệt với nghề của một tài danh hội họa.
Qua lời kể nhẹ nhàng của bà Ngọc Hà, thoáng đâu đây trong tâm trí hiện lên hình ảnh một Nguyễn Sáng hiền lành, tử tế, hào hiệp đang ngồi trước tấm lụa, dồn hết tâm trí vào đôi mắt và bàn tay để khắc họa đúng tâm chất của một người bạn mà ông mến quý.Với những người làm chương trình, được đối diện, được ngồi yên lắng nghe người bạn xưa cùng thời với Nguyễn Sáng kể câu chuyện chân thực về ông là niềm vinh dự, hạnh phúc.
“Xin gửi gió cho mây ngàn bay”, xin gửi ngàn lời tri ân của thế hệ sau tới mệnh đề tài danh của hội họa Việt Nam – Nguyễn Sáng.
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View