NGUYỄN TƯỜNG TAM (1906-1963)
“Lời khuyên của ni sư”, khoảng 1926-1927
Tranh khắc gỗ
Triện “Trường Mỹ thuật Đông Dương” và đề tặng “Quà lưu niệm của Trường Mỹ thuật V. Tardieu” phía dưới bên phải
73 × 45,5 cm
Nguyễn Tường Tam là một nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ); và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm, và từng là Chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Về sau, ông còn là người sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Thuở niên thiếu, ông đậu thủ khoa vào trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, nhưng chỉ học hơn một năm thì bỏ. “Lời khuyên của ni sư” là một trong những tác phẩm hiếm hoi thực hiện khi ông còn theo học trường Mỹ thuật. Sử dụng kỹ thuật khắc gỗ cổ truyền, Nguyễn Tường Tam thể hiện một người phụ nữ trẻ Bắc Kỳ với áo tứ thân truyền thống, đội nón quai thao, và một phụ nữ đứng tuổi trong trang phục tôn giáo, đầu đội khăn, tay cầm trượng gỗ, dường như đang có những lời khuyên quý báu cho người phụ nữ trẻ chăm chú lắng nghe, trong bầu không khí yên bình bên ao làng.
Bức tranh được in thành nhiều bản, có mộc của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Một trong những bản in này có đóng dấu “阮祥祥三” (Nguyễn Tường Tam ấn). Góc phải phía trên có lạc khoản viết bằng chữ Nôm, được hai nhà nghiên cứu Lâm Hán Thành và Lam Điền đọc ra: “Việc chi mưa Sở gió Tần / Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng / Trăm năm cho vẹn chữ tòng / Lòng nào lòng nỡ phụ lòng ấy vay”. Bên phải góc dưới có mộc “大南高等美術學堂”, (Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường). Tại sao “Đại Nam”, mà không là “Đông Dương” (Cao đẳng Mỹ thuật học đường)? Phải chăng họa sĩ Nam Sơn, đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, đã nghiêng nặng tinh thần quốc gia, muốn chọn “Đại Nam” với nghĩa quốc hiệu, hàm ý xác định nguồn gốc của đất nước và con người?
Về ngữ nghĩa của lạc khoản, theo điển tích vào thời Chiến Quốc, vua Sở một lần mệt mỏi nằm ngủ dưới chân núi Vu Sơn thì nằm mơ thấy nữ thần đến giao hoan với mình, khi từ biệt nàng nói: “Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn qua chơi đất Cao Đường, vốn cùng nhà vua có tiền duyên, nay được gặp gỡ thật là phỉ nguyền mong ước. Ở thiên cung, thiếp có nhiệm vụ buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa ở Dương Đài”. Do điển tích này, người sau ta gọi việc giao hoan là chuyện vu sơn, hoặc chuyện mây mưa. Về nguyên tắc Tam tòng Tứ đức của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền, Tam tòng là “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, và Tứ đức “Công, dung, ngôn, hạnh”.