Logo loading

NHÂN KỶ NIỆM 103 NĂM NGÀY SINH DANH HỌA BÙI XUÂN PHÁI (1.9.1920-1.9.2023), MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ “BIỂU TƯỢNG PHỐ CỔ HÀ NỘI”

Nhắc đến tranh sáng tác về phố cổ Hà Nội, cái tên đầu tiên hiện lên tâm trí người yêu nghệ thuật sẽ là Bùi Xuân Phái. Tên của ông đã trở thành biểu tượng cho một đời sống của “Phố cổ Hà Nội” của người Hà Nội. Bức tranh Viet Art View giới thiệu […]
|Viet Art View

Nhắc đến tranh sáng tác về phố cổ Hà Nội, cái tên đầu tiên hiện lên tâm trí người yêu nghệ thuật sẽ là Bùi Xuân Phái. Tên của ông đã trở thành biểu tượng cho một đời sống của “Phố cổ Hà Nội” của người Hà Nội.

Bức tranh Viet Art View giới thiệu ở đây, hiện đang thuộc sở hữu của một trong những người con của Nhà sưu tập Nguyễn Văn Lâm – người chúng ta vẫn hay biết với cái tên thân mật “ông Lâm cafe”.

BÙI XUÂN PHÁI (1920-1988). Phố cổ Hà Nội. 1963. Sơn dầu. Sưu tập gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, Hà Nội

Bức “Phố cổ Hà Nội” có lẽ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Bùi Xuân Phái. Được sáng tác năm 1963 trên chất liệu sơn dầu, “Phố cổ Hà Nội” được tạo hình trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc phố, những đặc trưng của nhà cổ Hà Nội. Nếu đứng trên ban công hoặc cửa sổ, hoặc sân thượng của căn nhà phố, nhìn xa xa sẽ là những mái nhà xô lệch, cái trước cái sau, không thẳng hàng. Giai đoạn này ông sử dụng gam màu có sắc vàng, nâu đỏ, xám, công-tua bằng những viền đen lớn, vững chãi, khúc chiết với kỹ thuật chồng nhiều lớp sơn. Vì vậy, không gian trong tranh rất sâu trong một hòa sắc trầm mặc và tâm trạng.

Sau hòa bình lập lại, 1954, là thời kỳ nở rộ của không khí xây dựng miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa với những bức tranh kinh điển, đã đi vào lịch sử Mỹ thuật Việt Nam như một trong những thời kỳ đỉnh cao với những “Nhớ một chiều Tây Bắc” (Phan Kế An, 1955, sơn mài); “Giao thừa bên Hồ Gươm” (Nguyễn Tư Nghiêm, 1957, sơn mài);  “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (Nguyễn Đức Nùng, Phạm Văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, 1958, sơn mài); “Tát nước đồng chiêm” (Trần Văn Cẩn, 1958, sơn mài); “Bình minh trên nông trang” (Nguyễn Đức Nùng, 1958, sơn mài); “Đan len” (Trần Văn Cẩn, 1959, sơn mài)…

Chân dung danh họa Bùi Xuân Phái (1920-1988)

Những năm thập kỷ 1960 cũng chứng kiến sự ra đời của những bức tranh kinh điển, có nội hàm giá trị nghệ thuật sâu sắc như: “Hành quân qua suối” (Nguyễn Khang, 1960, sơn mài); “Cô Liên” (Huỳnh Văn Gấm, 1962, sơn mài); “Chùa Tháp Phổ Minh” (Nguyễn Sáng, 1966, sơn mài); “Hà Nội kháng chiến” (Bùi Xuân Phái, sơn dầu 1966) và đặc biệt “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, sáng tác năm 1963, cùng thời gian với “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái đã tạo cho diện mạo hội họa Việt Nam thêm những sắc thái mới, tiêu biểu, đa dạng cho nhiều đề tài.

Nếu “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng là bản anh hùng ca hoành tráng vĩ đại về tinh thần quyết chiến vì tự do độc lập của đất nước thì “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái lặng lẽ, nhu mì như một nốt son thầm lặng khắc họa một biểu tượng về văn hóa của Hà Nội. Nhưng tất cả đều phản ánh tinh thần thần thời đại của Việt Nam thời kỳ ấy.

Mỗi một tác phẩm sáng tác một thời kỳ khác nhau đều là câu chuyện của chính nghệ sĩ muốn ghi dấu lại những nghĩ suy trong mình. Năm 1966, Bùi Xuân Phái đã sáng tác bức sơn dầu “Hà Nội chiến đấu” với hình ảnh dãy phố còn bốc khói đạn bom; những chiến sĩ “cảm tử” nằm ngắm bắn trên trận địa ngay giữa lòng phố cổ. Không khí hào hùng ấy của Hà Nội anh hùng và bất khuất chắc chắn còn được mãi khắc ghi.

Nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái, nhân ngày Quốc Khánh 2.9, Viet Art View chia sẻ đôi dòng về ông, một họa sĩ đã tạo nên những giá trị riêng biệt cho hội họa Việt Nam.

Và người Hà Nội, chắc chắn sẽ luôn tri ân Bùi Xuân Phái – người nghệ sĩ đã tạo cho phố cổ Hà Nội nét dung dị, mộc mạc, sâu lắng, trầm mặc với tính cách thanh lịch và tâm hồn mang đầy tính nhân văn…

 

Bài viết của Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top