Logo loading

NHẬT TIÊN KIỀU, CHÙA THẦY – ĐƯỜNG DẪN VÀO CHỐN THIỀN MÔN

Chúng ta hẳn ai cũng trải qua thời kỳ đi học tại trường, nhất là thời kỳ học tiểu học. Trong sách văn tiểu học có lẽ khó có thể quên bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2014). Bài thơ như một bức tranh đầy màu sắc khắc họa lại cảnh […]
|Viet Art View

Chúng ta hẳn ai cũng trải qua thời kỳ đi học tại trường, nhất là thời kỳ học tiểu học. Trong sách văn tiểu học có lẽ khó có thể quên bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2014). Bài thơ như một bức tranh đầy màu sắc khắc họa lại cảnh chợ Tết:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…”

Bài thơ vừa giàu chất trữ tình, vừa mộc mạc, ấm áp, vừa sống động. Kể từ khi lần đầu đăng trên báo Ngày nay, năm 1939, “Chợ Tết” đã trở thành một trong những bài thơ hay nhất, phổ biến nhất về Tết Việt.

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên là con trai của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ông được thừa hưởng ở cha mình tâm hồn nghệ sĩ. Nhắc đến họa sĩ Đoàn Văn Nguyên chúng ta thường nghĩ tới những bức tranh sơn mài truyền thống có tính học thuật, chuẩn mực về chất liệu và bút pháp tạo hình. Đặc biệt, triển lãm “Nước thời gian” năm 2019, tại Nhà Triển lãm số 52 Hàng Bài, Hà Nội. Trong triển lãm, ông đã trưng bày tới 62 bức tranh sơn mài trong tổng số 72 bức ông đang lưu giữ được.

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên bên bức tranh Gióng, sơn mài, sáng tác năm 2022. Ảnh chụp tại nhà riêng họa sĩ tháng 11/2022

“Nước thời gian” là một cách chơi chữ, về căn bản để nổi bật đặc trưng của chất liệu sơn mài. Tranh sơn mài càng để lâu, càng trong trẻo như một thứ nước nguyên chất, càng để tĩnh lâu năm thì càng trong trẻo và thuần khiết. Giá trị của một bức tranh sơn mài lâu năm được tôn vinh lên nhiều nhờ đặc tính đó.

Xem tranh sơn mài của ông thấy rõ ràng tính nghiêm túc trong mọi việc. Từ nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật, sáng tạo trên nền cơ bản của sơn mài truyền thống. Chủ đề sáng tạo đa dạng, phong phú linh hoạt.

Nếu họa sĩ sáng tạo trên nhiều chủ đề khác nhau, người xem có vẻ thấy dàn trải, trọng tâm chưa nổi bật. Nhưng nếu nhìn bao quát ở một diện rộng sẽ hiểu ngay tâm sức của ông tập trung vào việc diễn tả những hiệu ứng nổi bật của sơn mài. Ông đam mê sơn mài, sống, làm việc hết mình với nó. Chính vì vậy, các chủ đề được thể hiện đôi khi chỉ là điều kiện đầu tiên để ông thỏa sức sáng tạo với sơn mài. Với Đoàn Văn Nguyên, chất liệu nào cũng được ông sử dụng trong tâm thế sáng tác đó.

Ngoài tranh sơn mài, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cũng sáng tác trên chất liệu sơn dầu và lụa. Với lua, sơn dầu ngôn ngữ của ông vẫn khúc chiết nhưng mềm mại hơn. Đôi lúc ông dùng gam hồng phơn phớt dịu dàng…

Bức tranh “Nhật Tiên Kiều chùa Thầy”, chất liệu sơn dầu của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên mà Viet Art View giới thiệu trong bài viết này, mô tả hình ảnh cầu Nhật Tiên, dẫn lối lên đảo chính. Tranh không nhiều màu sắc sống động xanh, lam, chàm, tím như trong bài thơ của cha ông – nhà thơ Đoàn Văn Cừ, mà lại ở một cực khác của cảm xúc. Toàn bộ tác phẩm là gam màu nâu, trầm như một nét duyên lặng xuống của tâm thế lòng người khi đứng trước chốn thiền môn.

Đoàn Văn Nguyên (Sinh 1946). Nhật Tiên Kiều chùa Thầy. 1980. Sơn dầu. 85×108 cm

Viet Art View đã đến nhà riêng họa sĩ Đoàn Văn Nguyên một ngày cuối thu, đầu đông năm 2022, chuyện trò với ông về bối cảnh sáng tác “Nhật Tiên Kiều chùa Thầy”. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên xúc động, bồi hồi khi nhìn thấy bức tranh mà mình đã sáng tác hơn 40 năm về trước.

Viet Art View: Nhật Tiên Kiều được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào, thưa họa sĩ?

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên (bùi ngùi kể): Cái tranh này tôi vẽ nhân dịp đưa học trò đi thực tập ở Chùa Thầy. Khoảng năm 1980 hay tám mấy gì đó. Ờ! Đúng năm 1980 đấy. Vì năm 1978 tốt nghiệp, 1979 giảng dạy, 1980 đi chùa Thầy vẽ. Trò vẽ, thầy vẽ. Trong lứa học trò ấy có Lê Văn Sửu, Trương Tân đấy…

(Trên thực tế, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên là thầy của nhiều họa sĩ nổi tiếng nhưng ông không tiện nêu tên)

Ồ, ngày ấy nghèo lắm mà sao mình lại vẽ được cái tranh to như thế này ấy nhỉ. À, nhớ rồi, hồi ấy Hội Mỹ thuật Việt Nam cho toan và sơn. Sơn dầu hiếm lắm. Thi thoảng “thằng bé” lên Hội, được Hội đầu tư cho một tuýp sơn. Còn toan này là toan Liên Xô. Toan Liên Xô dày lắm, cực tốt luôn. Đã hơn 40 năm rồi mà nó không mốc thì vĩnh viễn không bao giờ mốc nữa…Có hai loại toan vĩnh cửu. Một là toan của Liên Xô; hai là toan của Pháp. Sơn dầu cũng thế. Sơn, toan của “hai anh” này (Liên Xô và Pháp-người viết) là tốt nhất.

Nhật Tiên Kiều, Chùa Thầy 

Viet Art View: Trong những buổi đi thực tế với sinh viên ở chùa Thầy ấy chắc ông ký họa, sau đó trên cơ ở bức ký họa mới sáng tác bức sơn dầu khuôn khổ lớn như thế này phải không, thư ông?

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên (giọng rất sôi nổi): Đúng rồi. Về sau cũng trên cơ sở bản ghi chép ấy tôi sáng tác cả sơn dầu và lụa và sơn mài nữa. Sơn dầu thì tôi chỉ vẽ bức này. Còn lụa thì nhiều lắm. Vì khổ nỗi cứ vẽ xong, bán đi rồi thì có người lại bảo “Ông Nguyên ơi, ông vẽ cho tôi một bức y như thế nhé. Phải giống hệt cơ tôi mới lấy. Tôi thích như thế…”. Mà nói thật là hồi ấy toàn xã hội kinh tế khó khăn quá. Thế là tôi lại vẽ; vẽ lại chứ không phải chép đâu nhé. Nhưng ngay kể cả khi sáng tác cùng một đề tài ấy, một góc nhìn ấy thì người nghệ sĩ vẫn có những cảm xúc và nét đi bút, đi màu đậm nhạt khác nhau. Mỗi bức nó lại khác đi, dù nhìn qua thì có thể là giống nhau nhưng chắc chắn vẫn khác nhau.

Một trong những bức lụa vẽ chùa Thầy ấy đã quay về Việt Nam đấy. Một nhà sưu tập gì đó ở Sài Gòn, mua ở đấu giá bên nước ngoài về, có gửi ảnh và hỏi thăm tôi. Đúng tranh tôi vẽ đây rồi. Nhìn thích quá, cảm xúc dâng trào. À! Thế thì nhớ quá, nhớ cái tranh này quá, kỷ niệm biến thành cái tranh sơn mài, chứ còn gốc của nó là cái tranh lụa từ năm 1980 cơ.

Viet Art View: Họa sĩ có thể chia sẻ thêm với bạn yêu nghệ thuật cảm xúc cá nhân hồi đó khi vẽ phong cảnh ở chùa Thầy?

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên (ông chỉ tay vào bức tranh giảng giải): Thủa ấy, chùa Thầy vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ. Không khí thanh tịch nơi cửa Phật nhiều vẹn nguyên như lúc kiến trúc được hoàn thiện, gần 400 năm trước. Người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp thì sẽ rung động ngay. Tôi chắc chắn, hồi ấy, không ông nghệ sĩ nào đến chùa Thầy mà không rung động với vẻ đẹp của nó. Nó rất cổ, nguyên sơ, thanh tao, tĩnh mịch. Nhìn cái cầu này, cái mái ngói này, cái kè đá này. Đá là đá nguyên, khai thác thủ công đấy nhé. Họ vần về xây kè. Vớ được hoàn nào xây hòn ấy nên nó mấp mô, lên xuống, cao thấy không đều, trông rât lạ và đẹp.

Tôi đặc biệt ấn tượng với hai cái cầu. Cầu mà lại có mái. Mái rất lạ. Về mặt hội họa nó cực đẹp. Đẹp lắm. Tôi không thể diễn tả nổi cảm xúc khi nhìn thấy cây cầu có mái ấy. Vì thế, tôi hăm hở vẽ ngay. Tôi phải ghi lại cảm xúc này…

Đây nhé, nhìn vào đây nhé. Năm 80 ấy là tôi đã có tay nghề vững vàng lắm rồi đấy. Học 7 năm ở trường trung cấp; 5 năm trường đại học; 3 năm ra trường làm thầy giáo. Vậy là 15 năm nhé. Tay nghề 15 năm nó mới nhuần nhuyễn thế này.

Ông say sưa chỉ tay vào phần tạo hình sân chùa, phần mô tả mảng nước nói tiếp: Mà không biết tại sao vẽ cái tranh này nó lại hay thế, tự nhiên nó lóe hai cái điểm trắng này (đầu cây cầu Nhật Tiên và đầu tường của chùa trên đảo). Hai cái điểm trắng này là không phải ai cũng làm được đâu nhé. Tức là trong tranh, muốn có một cái để hút mắt vào thì đầu tiên là phải có cái điểm nhìn. Muốn gì thì gì đẹp xấu phải nhìn thấy cái ấy đã rồi từ đấy nó mới tỏa ra. Ấy, trong nghệ thuật nó phải như thế. Đặc biệt, nhìn kỹ mặt nước này này, nước này là cực kỳ nguyên thâm đấy. Phần nước nằm trong một cái “mảng âm” nhưng mà nó lại thay đổi ở trong cái “mảng âm” đó có “miếng”, ta gọi là “miếng âm” đi. Miếng ở trong những cái âm đó thì nó tạo ra mặt nước rất trong…. Mà hồi đó không hiểu tại sao lại có được cảm xúc như thế này; vì lúc ấy vẽ bức to như thế này ở nhà.

Màu trắng này này, “thằng bé” cũng trát đi trát lại nhiều lần. Mới đầu nó trắng như này này,  sau mình thấy nó trắng quá; lại trát; cuối cùng trát như nào đấy mà nó ra màu đẹp như thế này…

Nhìn tranh cảm động quá. Nhớ ngày xưa. Hồi đó là tuổi trẻ mà sao lúc ấy lòng mình lại có thể tĩnh mịch được như thế…

Viet Art View: Sau khi hoàn thành xong bức tranh này, ông đã từng trưng bày ở một triển lãm nào không, thưa họa sĩ?

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Có chứ. Khoảng năm 1992 gì đấy, tôi có đem bức tranh này ra trưng bày triển lãm (họa sĩ không nhớ tên triển lãm – người viết).

Lúc ấy, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn (1942-2004), chủ nhiệm khoa piano Nhạc viện Hà Nội, chồng của danh ca Mỹ Bình, ghé thăm triển lãm, nhìn thấy bức tranh này liền thảng thốt bảo tôi: “Anh Nguyên ơi, tôi thích cái tranh này lắm, bức cảnh chùa Thầy này với cả bức con ngựa kia nữa…”. Bạn mình thích, bạn mình quý tranh là mình xúc động rồi. Tôi thoải mái tặng luôn bạn.

Nhưng bây giờ cậu ấy mất rồi. Nhìn tranh tôi lại nhớ bạn; nhớ những tháng ngày xưa ấy. Năm tháng trôi thật nhanh. Tât cả tưởng mới gần đây, mà đã xa xôi quá rồi…

Viet Art View: Câu chuyện họa sĩ kể rất xúc động. Viet Art View trân trọng cảm ơn họa sĩ đã chia sẻ câu chuyện về tác phẩm.

Xin chúc ông sức khỏe và sáng tác được thêm nhiều bức tranh đẹp…

TIỂU SỬ HỌA SĨ ĐOÀN VĂN NGUYÊN (sinh 1946)

  • Sinh ngày: 18 tháng 8 năm 1946 tại Nam Định
  • Nguyên quán: Nam Lợi, Nam Trực, tỉnh Nam Định
  • Dân tộc: Kinh
  • Tốt nghiệp trường: Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoa Hội họa năm 1978
  • Danh hiệu: Nhà giáo ưu tú
  • Hội viên ngành: Hội họa, năm vào Hội: 1970
  • Tác phẩm chính: Bác làm thơ. 1990. Sơn mài. 100×130 cm; Trên cao nguyên. 1999. Sơn mài. 125×100 cm; Đi học chữ Bok Hồ. 2000. Sơn mài. 100×130 cm; Văn Miếu. 1994. Sơn mài. 240×140 cm; Chọi trâu. 2006. Sơn mài. 500×240 cm; Vật. 2006. Sơn mài. 200×120 cm; Dân quân gái. 2000. Lụa. 110×86 cm.
  • Huy chương vàng triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1990; Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng năm 2000; Giải B triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) Hội MTVN năm 1999; Giải khuyến khích Hội MTVN năm 1994; Giải xuất sắc triển lãm 990 năm Thăng Long Hà Nội năm 2000.
  • Khen thưởng: Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Quần chúng; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Năm năm liền được tặng danh hiệu Thầy dạy giỏi cấp trường; 10 năm được tặng danh hiệu Thầy dạy giỏi cấp Bộ.

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top