Logo loading

NHỚ HỌA SỸ NGUYỄN KAO THƯƠNG NGƯỜI CHIẾN SỸ – NGƯỜI HỌA SỸ ĐẦU TIÊN BẮN RƠI MÁY BAY GIẶC PHÁP TRÊN CHIẾN TRƯỜNG NAM BỘ

Thấm thoắt đã tới những ngày kỷ niệm 48 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật 19 tháng 5 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ tới những kỷ niệm thời học sinh còn in sâu trong […]
|Viet Art View

Thấm thoắt đã tới những ngày kỷ niệm 48 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật 19 tháng 5 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ tới những kỷ niệm thời học sinh còn in sâu trong tôi về bác họa sỹ Nguyễn Cao Thương, người bạn Nam Bộ vong niên gắn bó cùng ông ngoại tôi – Nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước.

Họa sĩ Nguyễn Kao Thương (1918 – 2003). Nguồn ảnh: từ bài viết “Nguyễn Kao Thương – người đặt tên Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai” của Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Minh Anh đăng trong Tạp chí Mỹ thuật ngày 14/8/2019

Lần đầu tiên được gặp bác Cao Thương là lần tôi theo ông ngoại đến nhà bác, khi đó là khoảng dịp hè năm 1966 tôi đang nghỉ hè khi sơ tán về quê ở cùng ông bà ngoại làng sơn mài Hạ Thái, ven con sông Tô Lịch ngoại thành Hà Nội. Trước khi đi ông ngoại tôi bảo: hai ông cháu mình đến thăm một bác họa sỹ người miền Nam đang ở trong trường mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay). Rồi ông tôi đạp chiếc xe đạp cũ kỹ có cái ghi đông cong vểnh lên, chở cháu từ quê Hạ Thái lên Hà Nội, dắt xe qua cổng trường. Hai ông cháu tôi đi băng qua khoảng sân rộng của Trường mỹ thuật, tới tận cuối con đường hẹp thì rẽ phải bước lên chiếc thang gỗ ọp ẹp, qua dọc một hành lang tối om của căn phòng xép tầng hai thì ông tôi gõ cửa. Mở cửa ra đón ông cháu tôi là một người đàn ông vạm vỡ, bước đi tập tễnh, da ngăm ngăm, mặt vuông, vầng trán cao,đặc biệt có đôi mắt rất to tròn tươi cười chào ông cháu tôi: “chào bác Thành, hai ông cháu vào đây”.

Tôi háo hức nhìn căn phòng chật hẹp vừa ở, vừa làm việc của bác họa sỹ tò mò, ngạc nhiên lắm “cái gì cũng lạ”. Căn phòng bác ở có trần thấp, chật hẹp, choán giữa nhà là một giá vẽ có đặt một tấm tranh lớn đang vẽ dở, sát tường là chiếc giường cá nhân cao lênh khênh chật hẹp, đầu giường có một cái ghế, trên mặt ghế là một chiếc sọ đầu lâu “trắng ởn”. Bức tường chéo với giường ngủ có một cửa sổ lớn không chấn song, tôi nhìn ra là đường Nam bộ phía dưới, có tiếng còi tàu hỏa từ xa vọng lại; chân tường bác để một cái điếu hút thuốc lào, trên sàn nhà bằng gỗ đã cũ ọp ẹp la liệt những cây cọ vẽ, màu vẽ các loại. Nơi sinh hoạt và làm việc của một họa sỹ tập kết ra Bắc là vậy, tư trang cá nhân quá sơ sài nếu không nói là chẳng có gì, tôi cảm nhận căn phòng toát lên sự bề bộn, chỉ tập trung cho việc chính là vẽ tranh. Cùng ông đến chơi nhà bác, cái gì cũng lạ nên tôi hỏi bác: sao bác lại để cái đầu lâu ở đầu giường? Bác bảo phải xuống nghĩa trang Văn Điển xin mãi mới được cái đầu lâu phụ nữ này để bác vừa nghiên cứu và giảng dạy cháu ạ. Những năm sau có dịp đến chơi tôi thấy theo thời gian chiếc đầu lâu cũng xỉn đen dần, nứt mỏng trông như một miếng bìa cũ rạn nứt và cuối cùng nó nằm ở một xó dưới sàn nhà. Sau này, qua những tài liệu hội họa mà bác gửi nhà ông tôi, tôi thấy bác nghiên cứu rất sâu môn “Giải phẫu cơ thể người” để giảng dạy và sáng tác cụ thể, chính xác từng động tác hoạt động của con người. Bác họa sỹ là người lao động nghệ thuật rất nghiêm túc, tỷ mỷ và bài bản. Tiếp chuyện ông cháu tôi, bác lấy ngón tay di lên thành cửa sổ và giơ cho tôi xem rồi bảo trước đây khi bác học tập nghiên cứu hội họa ở Liên Xô bác ở Ký túc xá hàng ngày được lau chùi rất sạch sẽ, giẻ lau trắng tinh không bẩn như thế này đâu, vì bác không có thời gian nên để bẩn vậy. Tôi hỏi bác sao chân bác lại đi tập tễnh vậy, bác chỉ cái bao súng lục để ở bàn nói vui với ông cháu tôi: ngày kháng chiến chống giặc Pháp, bác đã lấy súng trường trèo lên cây bắn cháy cái máy bay của giặc Pháp (sau này tôi được biết là súng trung liên), trong một lần chiến đấu quân giặc đã bắn bác bị thương ở gót chân không chữa khỏi bị thành tật nên đi tập tễnh, bác là thương binh hạng ba rồi tập kết ra Bắc, súng lục bác trả đơn vị còn cái vỏ bao bác giữ làm kỷ niệm. Thế là bác Cao Thương là người chiến sỹ và cũng là người họa sỹ đầu tiên bắn rơi máy bay của giặc Pháp trên chiến trường Nam Bộ, thật vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ. Đó là những năm đầu sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc XHCN.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Sơn dầu. 75x100cm. 1957. Nguồn ảnh: Tạp chí Bildende Kunst số Tháng 11/1959 của Cộng hòa Dân chủ Đức, trang 791

Từ những năm 1967 – 1968 bác Cao Thương đã nghiên cứu, quan sát tỷ mỷ kỹ lưỡng, phác họa rất chi tiết những mẫu thực tế, vẽ đi vẽ lại nhiều lần để ấp ủ xây dựng những hình tượng nhân vật cho những tác phẩm hội họa lớn, hoành tráng. Với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ kính yêu, họa sỹ Nguyễn Cao Thương đã thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ nói với văn nghệ sỹ: “văn hóa phục vụ quần chúng nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở”, “Nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta không biết gì” và từ đó họa sỹ đã đi thực tế ở những công trường lớn đang xây dựng và cả ở nơi tuyến lửa Quảng Bình cùng các chiến sỹ bắn máy bay giặc Mỹ để hoàn thành những tác phẩm hoành tráng. Có một lần khoảng hè năm 1967, ông tôi cho tôi đi cùng đến xưởng vẽ nơi bác giảng dạy ở trong Trường mỹ thuật để cho bác mượn chiếc áo khoác ngoài bằng vải ka ky màu sáng của ông tôi. Xưởng vẽ của trường vừa cao, lại rộng mênh mông. Tôi thấy bác Kao Thương đang đứng trước một bức tranh lớn đang vẽ dở. Bác chào ông tôi, rồi bảo ông tôi khoác ngay cái áo kaky đó và chỉ một vài tư thế đứng làm mẫu để bác nghiên cứu và vẽ trực tiếp phác thảo nhân vật chính trong tranh. Sau đó bác bảo ông tôi cho mượn chiếc áo khoác vải ka ky để làm mẫu cụ thể vẽ tranh Bác Hồ thăm bộ đội phòng không.

Bác Hồ thăm trận địa pháo phòng không Hồ Tây. Sơn dầu. 150x280cm. 1969. Nguồn ảnh: sách “Họa sĩ Nguyễn Cao Thương” của tác giả Mã Thanh Cao, trang 14 NXB Mỹ thuật

Sau này tôi được xem trực tiếp bức tranh “Bác Hồ thăm trận địa pháo phòng không Hồ Tây” trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một bức tranh sơn dầu hoành tráng, cảnh Bác Hồ đến thăm các chú bộ đội pháo cao xạ như người cha đến thăm các con. Bức tranh sơn dầu thể hiện các chiến sỹ ở từng vị trí chiến đấu, với chất liệu sơn dầu đã gây ấn tượng mạnh qua những động tác, cử chỉ dứt khoát, chính xác của các chiến sỹ trong chiến đấu, khẩu pháo cao xạ rõ ràng đến từng chi tiết đã toát lên tinh thần khẩn trương sẵn sàng chiến đấu dũng cảm bắn máy bay giặc Mỹ xâm lược.  Bác Cao Thương đã dày công nghiên cứu tỷ mỷ phác thảo các nhân vật trong bức tranh, từ những dáng đứng, động tác chiến đấu của các chiến sỹ và đặc biệt hình tượng Bác Hồ được thể hiện chi tiết sống động với dáng đứng khoan thai hiền từ, trừu mến với các chiến sỹ. Thông qua tác phẩm, bằng lao động nghệ thuật tâm huyết, người họa sỹ, chiến sỹ Nguyễn Cao Thương đã gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của người con Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” đến Bác Hồ, vị Cha già của dân tộc. Bức tranh “Bác Hồ thăm trận địa pháo phòng không Hồ Tây” của họa sỹ, chiến sỹ Nguyễn Cao Thương có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật thể hiện cao độ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc XHCN.

Những năm 1966 – 1967, chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, miền Bắc tập trung sức người, sức của tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tuyến lửa từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ngày thêm nóng bỏng, thu hút mọi lực lượng, phương tiện chi viện cho tiền tuyến và giới văn nghệ sỹ cũng đồng hành cùng cả nước sát cánh cùng các lực lượng trực tiếp chiến đấu. Một đêm hè ngột ngạt, nóng bức của năm 1967, ông tôi bảo tôi ra ngõ cùng ông đón bác Cao Thương. Trong đêm tối tôi được gặp bác Cao Thương đầu đội mũ sắt oai phong như một chiến sỹ dắt chiếc xe đạp cuốc Liên Xô tập tễnh cùng mấy bác đàn ông đẩy chiếc xe bò chở đầy các hộp gỗ, hộp giấy và hối hả bốc xuống theo sau ông cháu tôi chuyển ngay về nhà ông ngoại cất giữ. Bác chỉ kịp bảo ông tôi là phải đi gấp vào tuyến lửa khu bốn cũ để trực tiếp sáng tác, gửi nhờ ông tôi giữ hộ những sách vở, tài liệu sau này sẽ lấy.

Thế là những năm học cấp 3 nơi sơ tán quê nhà tôi được tha hồ xem sách vở của bác Cao Thương, và niềm ham thích tìm hiểu về hội họa, nghệ thuật tạo hình trong tôi có từ khi ấy. Qua đọc những sách vở, những sách về giải phẫu cơ thể người chủ yếu bằng tiếng Nga, những ghi chép tư liệu của bác, tôi đã thấy bác là người rất ham mê đọc sách và tìm tòi sử dụng những kiến thức đọc được để thể hiện trong những ký họa, phác thảo tay cho những tác phẩm lớn sau này. Từ chiến trường Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, để có thể tiếp thu kiến thức trong lĩnh vực hội họa bác đã học cấp tốc văn hóa để hoàn thành kiến thức văn hóa cấp ba phổ thông khi ấy trong một thời gian rất ngắn kỷ lục, rồi bác lại học ngoại ngữ tiếng Nga say mê để có kiến thức ngoại ngữ tiếp thu kiến thức nghệ thuật tạo hình ở nước ngoài (Liên Xô khi đó). Bác là một chiến sỹ đã dũng cảm dùng súng trường bắn máy bay giặc Pháp rơi và cũng là một họa sỹ tài năng say mê với nghệ thuật hội họa, tôi rất ngưỡng mộ. Những sách vở hội họa tôi được xem của bác Cao Thương đã cho tôi hiểu: bác đã sang Liên Xô học tập hội họa ở Trường Đại học Mỹ thuật MOSKVA mang tên V. I. XURIKOV (một họa sỹ Nga nổi tiếng) những năm 1960 – 1962 và khi đó trong các sách vở tài liệu bác đều ký tên là Kao Thương (bằng chữ Nga), khi về nước có lẽ theo thói quen bác lấy chữ ký cả bằng chữ Nga và chữ Việt: Kao Thương từ đó.

Tết Mậu Thân năm 1968, ông ngoại tôi mời họa sỹ Kao Thương về quê nhà Hạ Thái ăn Tết và sáng tác tranh sơn mài. Ông ngoại tôi dành một không gian hè nhà ở gian giữa có tấm giại tre che chắn mưa nắng để đặt tấm vóc sơn mài đã vẽ được sơ bộ cảnh những công nhân lắp đường dây điện cao thế trên cao, phía dưới là ánh mặt trời đỏ rực chiếu hắt lên trông thật hoành tráng và đẹp mắt, tấm tranh sơn mài dài gần cả gian giữa nhà. Bà ngoại tôi đã tận tình làm các món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Bắc như thịt đông, cá kho, chè đậu đãi, giò lụa, bánh trưng tự gói luộc…để đãi khách quý miền Nam xa quê hương ăn tết. Đêm giao thừa năm ấy, trong tiếng pháo đêm giao thừa giòn giã, gia đình ông bà ngoại tôi cùng bác Kao Thương qua đài Tiếng nói Việt Nam lắng nghe giọng nói ấm áp của Bác Hồ chúc Tết:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến lại càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sỹ đồng bào

Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”

Sau lời chúc Tết của Bác Hồ là tin vui Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân toàn miền Nam thắng trận giòn giã, bác Kao Thương phấn khởi mang túi kẹo đặc biệt ra khao mừng, cùng gia đình ông bà ngoại tôi chuyện trò say sưa đến sáng. Sáng mùng một tết nguyên đán, tôi thấy bác Kao Thương có điều gì thôi thúc phấn chấn. Bác lấy bút vẽ, ít vàng quỳ, bạc quỳ, vỏ trứng,… say sưa vẽ trên tấm vóc đang vẽ dở. Ông tôi cùng đứng cạnh bác xem bác vẽ và trao đổi kinh nghiệm nghề. Tôi thấy bác tỉ mỉ cẩn chất liệu vỏ trứng lên mũ công nhân điện, rồi thếp vàng quỳ lên những tia nắng mặt trời…Bức tranh chưa hoàn thành nhưng tôi được chiêm ngưỡng cảnh những công nhân lắp đường dây điện cao thế trên cao thật khỏe khoắn, phóng khoáng trên một nền trời bao la rực rỡ ánh mặt trời. Sử dụng chất liệu sơn mài cho bức tranh đã gây một ấn tượng mạnh, ca ngợi vẻ đẹp trong lao động của người công nhân điện miền Bắc XHCN tập trung hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo lưới điện không bị mất vì đồng bào miền Nam ruột thịt.

Những năm 59 – 60 của thế kỷ trước, bác Kao Thương là Hiệu phó Trường Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), còn ông ngoại tôi là giảng viên sơn mài của trường đã làm việc ở đây từ thời kỳ trước hòa bình lập lại năm 1955. Bác Kao Thương trước đây học trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc, sau này về Nam chiến đấu rồi tập kết ra Bắc nên khi gặp lại ông ngoại tôi rất mừng vì được tiếp tục học hỏi kinh nghiệm sơn mài của ông tôi. Họa sỹ Kao Thương rất ham mê hội họa và thường tìm tòi thể hiện tác phẩm với những chất liệu khác nhau. Đặc biệt họa sỹ rất quan tâm đến chất liệu sơn truyền thống thể hiện trong tranh sơn mài, họa sỹ trăn trở làm sao sử dụng chất liệu giá trị cao như vàng, bạc và chất liệu phổ thông như vỏ trứng sao cho “đắt”. Ông tôi thường trao đổi với họa sỹ sử dụng chất liệu vàng, bạc có giá trị cao làm sao cho “đắt”, vàng , bạc tôn vẻ sang trọng, cao quý nếu sử dụng đúng chỗ những điểm nhấn của bức tranh; còn tranh dù có thếp nhiều vàng bạc nhưng sử dụng không đúng chỗ thì giá trị nghệ thuật sẽ thấp. Tranh sơn mài còn quý ở chỗ, theo thời gian càng lâu thì cảnh trong tranh càng có độ sâu lắng, tầng tầng lớp lớp tuyệt diệu.

Họa sỹ Nguyễn Kao Thương, Hiệu phó Trường Mỹ nghệ Việt Nam cùng học trò Trường Mỹ nghệ Việt Nam Chúc mừng nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành nhân dịp năm mới 1959 (Họa sỹ Nguyễn Kao Thương đứng ngay sau cụ Thành. Ảnh tư liệu sưu tầm của họa sỹ Nguyễn Xuân Nghị tặng gia đình cụ Thành). Nguồn ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Xuân Nghị – họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sưu tầm tặng gia đình cụ Thành (cháu ngoại cụ Thành cung cấp ảnh)

Hè năm 1968 tôi lại được cùng ông đến chơi nhà bác Kao Thương. Vừa đến cửa nhà bác, nhìn vào tôi thấy một tấm tranh lật úp để ở trên bệ cao, bác tỷ mỷ dùng lưỡi dao thép tẩy lõm những vệt dài lỗ chỗ. Vì ở cùng ông ngoại chuyên làm sơn mài nên tôi nhận ra ngay tấm tranh bị mọt ăn bên trong đang bị bác Kao Thương đục tẩy. Tôi cũng nhận ra là bức tranh hồi Tết bác vẽ chưa xong nên tôi ngờ nghệch hỏi: “Bác ơi, bác vẽ công phu bao nhiêu lâu mới được vậy, thế có sửa chữa được không bác”. Bác im lặng một lúc rồi bảo ông tôi: “đúng là tốt gỗ hơn tốt nước sơn, tấm vóc này tôi làm do chọn gỗ không được như ý nên khi làm vóc dù có cẩn thận mà vẫn bị mọt hỏng, bao nhiêu công lao, thếp vàng thếp bạc tốn kém mà có lẽ phải bỏ mất”. Tôi cũng bùi ngùi tiếc cho niềm hứng khởi, công sức lao động nghệ thuật, tâm trí bác dồn cả cho bức tranh sơn mài vẽ trong những ngày Tết Mậu Thân ở quê tôi mà nay có thể bị hỏng phải vứt bỏ. Quả thật, sau này tôi không bao giờ thấy bức tranh được trưng bày, giới thiệu ở đâu cả. Một tác phẩm hội họa sơn mài do bác dồn tâm huyết, thời gian, lao động nghệ thuật sáng tác nhưng khi chất lượng tranh không đảm bảo bác dứt khoát bỏ đi, không giữ lại.

Những năm tháng sống và làm việc trên đất Bắc bác Kao Thương ở một mình không vợ con trong căn phòng nhỏ chật hẹp đơn sơ có cửa sổ trông ra đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), chỉ có những vật dụng tối thiểu: chiếc giường cá nhân cao lênh khênh, một giá vẽ thường đặt những phác thảo tranh lớn choán gần hết không gian. Toàn bộ thời gian, tâm trí bác dồn cho giảng dạy và sáng tác nghệ thuật mong sớm trở về quê hương đóng góp. Lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc Pháp, giặc Mỹ sâu sắc và tình yêu với nhân dân đất nước đã được thể hiện rõ trên những tác phẩm hội họa tiêu biểu do bác sáng tác mà tôi đã được xem như: “Mỏ thiếc Tĩnh Túc – Cao Bằng”, sáng tác năm 1957, “Bác Hồ thăm trận địa pháo phòng không Hồ Tây”, sáng tác năm 1969, những ký họa màu nước Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Đặc biệt là bức sơn mài khổ lớn “Công nhân lắp đường dây điện trên cao” mà may mắn thay tôi được trực tiếp xem trong quá trình họa sỹ vẽ, tiếc rằng vì lý do trên mà tác phẩm này không bao giờ được trưng bày.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, họa sỹ Kao Thương trở về quê hương sau bao năm xa cách. Từ đó tôi không còn được gặp lại bác nhưng trong tâm trí, tình cảm, những kỷ niệm xưa của tôi vẫn nguyên vẹn dành cho bác.Nhớ đến bác họa sỹ Nguyễn Kao Thương là nhớ đến người bác gắn bó với ông ngoại tôi một nghệ nhân sơn mài như tình bạn keo sơn thủy chung, “ăn vóc học hay”,  nhớ đến người bác đôn hậu, mộc mạc chất phác có giọng nói Nam Bộ ấm áp thân thương.

 Sau này tôi được biết họa sỹ Nguyễn Kao Thương là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học mỹ thuật trang trí Đồng Nai, họa sĩ sinh ngày 22 tháng 3 năm 1918 và mất ngày 28 tháng 3 năm 2003 tại thành phố Hồ Chí Minh thọ 85 tuổi, năm 2012 họa sĩ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật.

Họa sỹ Nguyễn Kao Thương trước tiên là một chiến sỹ, họa sỹ, một nghệ sỹ cách mạng thực sự với niềm ham mê nghệ thuật đã dùng tài năng hội họa của mình làm phương tiện phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ của quân và dân ta ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họa sỹ đã trăn trở, thể nghiệm đưa trào lưu nghệ thuật Hiện thực XHCN thời kỳ đó vào những tác phẩm hội họa sáng tác của mình. Họa sỹ đã đi thực tế ở những công trường xây dựng lớn như Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Khu gang thép Thái Nguyên, thăm Khu di tích Pắc Pó, cùng các chiến sỹ trên trận địa pháo Thanh Hóa, Quảng Bình …để trực họa, trải nghiệm lấy tư liệu cho những tác phẩm lớn sau này. Trong cuộc sống họa sỹ không chú ý đến những sinh hoạt thường ngày nhưng trong sáng tác tác phẩm họa sỹ lại rất kỹ tính (như tấm vóc đã vẽ gần xong nhưng bị mọt không cứu được là kiên quyết bỏ).

 Người chiến sỹ, họa sỹ Nam Bộ Nguyễn Kao Thương đã thấm nhuần câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, cả cuộc đời họa sỹ đã chiến đấu dũng mãnh bằng vũ khí trên chiến trường, và bằng vũ khí hội họa trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Bài viết này tôi viết về họa sỹ Nguyễn Kao Thương, thành kính tưởng nhớ đến bác, một người con Nam Bộ bắn rơi máy bay giặc Pháp đầu tiên bằng súng trường, một họa sỹ tài năng đã một thời gắn bó với ông ngoại tôi – nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành và các bác họa sỹ của Trường mỹ thuật Đông Dương trên đất Bắc.

Bài viết bởi tác giả Nguyễn Đình Đặng

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Back to top