Thang Trần Phềnh, còn có tên là Trần Văn Bình, tự Đạt Siêu. Bố đẻ ông là người lai Trung Quốc, mẹ người Việt Nam. Ông học khóa II (1926-1931) cùng Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm…
Chân dung họa sĩ Thang Trần Phềnh
Nhắc đến họa sĩ Thang Trần Phềnh, người yêu nghệ thuật sẽ nhớ ngay tác phẩm “Phạm Ngũ Lão”, 1923, 71,5×94,7cm, hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh khắc họa lại điển tích nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam: “…Hưng Đạo Đại vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng, Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ không biết quan quân trảy đến, một người lính dẹp đường quát mãi anh thanh niên vẫn cứ trầm tư bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, máu chảy đầm đìa, người lính không rút được giáo ra đang dùng dằng thì Hưng Đạo Đại vương lấy làm lạ hỏi đầu đuôi sự việc. Qua đối đáp trôi chảy của chàng trai nông dân, Đức Ông đã phát hiện đây sẽ là một vị lương tướng của triều đình. Và sau này đúng là như vậy”. (Theo trang web của Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão).
Tác phẩm “Phạm Ngũ Lão” của họa sĩ Thang Trần Phềnh
Nguồn: Trang web Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
“Phạm Ngũ Lão” được Thang Trần Phềnh sáng tác năm 1923, trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập 2 năm. Như vậy, có thể thấy, Thang Trần Phềnh đã là một nghệ sĩ tài khéo được công nhận từ sớm. Ông chuyên làm trang trí sân khấu và vẽ trang phục cho các rạp hát từ những năm 1910, được xem là người mở đầu cho ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu Việt Nam.
Họa sĩ Thang Trần Phềnh (người thứ 3 từ trái sang) cùng một gánh kịch Pháp
trước Nhà hát lớn Hà Nội, khoảng 1918-1920
Ngày 14 tháng 10 năm 2022, tại phiên đấu về Nghệ thuật Việt Nam của Nhà đấu giá Lynda Trouvé đã bán đấu giá thành công hai bức tranh lụa quý hiếm của Thang Trần Phềnh (tên gọi ban đầu là Trần Bình) với tổng giá trị 1.150.000 Euros (cả thuế) tương đương với 30 tỷ đồng. Mức giá đã gây xôn xao dư luận bởi trước phiên đấu rất ít ngày, nhà đấu giá vẫn chưa biết đây chính là hai tác phẩm quý hiếm của họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Ngày 22 tháng 5 năm 2024 tới đây, Nhà đấu giá Aguttes sẽ đấu giá hai bức tranh lụa rất quý hiếm của Thang Trần Phềnh. Thông số như sau:
1, “Lý trưởng đọc sách cho dân làng”
Mực và màu trên lụa, ký tên Trần Bình và chú thích phía trên bên phải, 75 × 51,5 cm
2, “Lý trưởng hỏi đường trên lưng ngựa”
Mực và màu trên lụa, ký tên Trần Bình và mô tả phía dưới bên phải, 75 × 51,5 cm
Hai bức tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh trong phiên đấu giá ngày 22 tháng 5 sắp tới tại Aguttes
Trong cuốn “Thang Trần Phềnh – Hồi ký và tác phẩm” (sưu tầm và biên soạn Quang Tuyến), trang 26-27 có đoạn: “Trong khi tòng học có vẽ nhiều bức tranh lụa do nhà trường gửi nước ngoài bán hết: 1. Ông thầy xem tướng. 2. Xem bói. 3. Đánh bài. 4. Tình mẹ con. 5. Đầu làng. 6. Ông chánh tổng hỏi thăm đường…”.
Như vậy, bức tranh “Lý trưởng hỏi đường trên lưng ngựa” (theo Aguttes) chính là tác phẩm “Ông chánh tổng hỏi thăm đường” mà Thang Trần Phềnh đã viết trong hồi ký.
Trong tư liệu gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lưu giữ, có một bản thảo với tiêu đề: “Sơn mài và tranh lụa – Hai dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Bản thảo bao gồm hai phần, một phần về sơn mài, một phần về lụa. Trong phần về lụa có viết: “Nếu chỉ xem tranh ở đề tài không thôi thì chưa thấy hết được giá trị nghệ thuật của những tác phẩm lụa đầu tiên của thời kỳ hiện đại trước Cách mạng Tháng Tám: “Bữa cơm”, “Cô rửa bát”, “Những người hát rong”, “Thiếu nữ ngồi khâu” (1929-1931), “Lên đồng”, “Rửa rau cầu ao”, “Em bé cho chim ăn”, “Vo gạo”, “Chơi ô ăn quan” (1932) của Nguyễn Phan Chánh; “Về chợ” (1927), “Người đàn bà chít khăn trắng” (1930), “Mùa xuân ngắm cảnh”, “Cha khuyên con”, “Bên bờ sông Hồng mua bán gạo” (1931-1933) của Nguyễn Nam Sơn; “Xuống ngựa”, “Hỏi thăm đường”, “Đánh tam cúc”, “Xem số” (Thang Trần Phềnh); “Bức thư” (Tô Ngọc Vân) là những tác phẩm lụa đầu tiên được giới thiệu ở nước ngoài. Ngoài cái tên đề tài mang tính chất dân tộc học khêu gợi tính hiếu kỳ của người xem, lớp tranh lụa đầu tiên này đều được các tác giả nghiên cứu công phu, sáng tác theo phương pháp cổ điển về diễn hình và bố cục. Tranh lụa được vẽ nhiều về loại phong tục nhưng được nghiên cứu sâu sắc về mặt biểu hiện nghệ thuật hình và màu…”.
Theo Aguttes, hai bức tranh “Lý trưởng đọc sách cho dân làng”, “Lý trưởng hỏi đường trên lưng ngựa” có xuất xứ như sau: “Vào đầu những năm 1890, gia đình ông X. đã tới sống ở Đông Dương, tại thành phố Hà Nội. Có lẽ là trong chuyến tham quan một triển lãm được Trường Cao đẳng Mỹ thuật tổ chức từ những năm 1929, hoặc tại một trong những hội chợ có sự góp mặt của học trò hoạ sĩ Thang Trần Phềnh, mà vào những năm 1930, gia đình đã mua được hai bức tranh của hoạ sĩ được lồng trong khung do nghệ nhân Gadin chế tác. Qua nhiều lần chuyển dời, hai bức tranh vẫn được truyền lại cho thế hệ sau và bảo quản trong gia đình cho đến ngày hôm nay”.
Theo những thông tin trên, có thể thấy, những tác phẩm của Thang Trần Phềnh đã được nhắc đến bởi chính ông và họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Đây là những cơ sở tư liệu quý giá trong quá trình tìm hiểu những tác phẩm quý hiếm, đã sáng tác gần trăm năm.
So với các tên tuổi nghệ sĩ khác, tranh của Thang Trần Phềnh không còn lại nhiều. Vì vậy, có thể nói, đây là hai tác phẩm lụa cực kỳ quý hiếm của ông. Chuyên gia nghiên cứu của Aguttes – bà Charlotte tâm đắc với việc trình bày hai tác phẩm này trong phiên đấu sắp tới của họ. Với mức giá ước tính 50 đến 80 nghìn euros cho mỗi bức tranh là một mức giá dễ chịu, có thể còn có nhiều tịnh tiến về mức tăng.
Chúng ta cùng đón chờ kết quả phiên đấu của Aguttes vào ngày 22 tháng 5 năm 2024.
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View