Hầu hết chúng ta đều biết Gustav Klimt là họa sĩ đã vẽ The Kiss [Nụ hôn], trong đó hai nhân vật hòa quyện bởi một vòng ôm mãnh liệt. Ông bọc cơ thể họ lại với nhau trong cùng một tấm thảm vàng lấp lánh hoa văn. Bên người đàn ông được trang trí bằng các hình chữ nhật đứng, trong khi bên người phụ nữ là các vòng tròn đồng tâm.
Klimt, nhà lãnh đạo phong trào Ly khai Vienna, là một bậc thầy của chủ nghĩa tượng trưng. Ông đưa những ám chỉ tính dục và linh hồn vào những hình vẽ và hoa văn phong phú, được trang trí lộng lẫy trên các tấm toan, tranh tường và tranh khảm. Thông thường, những thông điệp của chúng — về niềm vui, sự giải phóng tình dục và nỗi đau khổ của con người — chỉ được che đậy một cách mỏng manh. Những tác phẩm mạo hiểm hơn của ông, mô tả những nhân vật khỏa thân khiêu gợi và nhiều cơ thể quấn lấy nhau, đã gây tai tiếng với giới quyền uy ở Vienna.
Mặc dù vậy, giới thượng lưu của thành phố vẫn ngưỡng mộ tác phẩm của ông và thường xuyên ủy thác cho ông vẽ chân dung. Các nghệ sĩ cùng thế hệ cũng say mê phong cách của ông, nhận ra thông điệp mang tính đột phá về tình dục, không gian và biểu hiện trong hội họa tượng hình. Khi Auguste Rodin đến xem Beethoven Frieze nổi tiếng của Klimt (1902), một phần của cuộc triển lãm lần thứ 14 của phong trào Ly khai Vienna, ông đã ca ngợi tác phẩm là “quá bi thảm và quá thần thánh”. Một thế hệ trẻ những người theo chủ nghĩa Biểu hiện châu Âu, bao gồm cả Egon Schiele, đã yêu mến Klimt và coi ông là một anh hùng của họ.
Ngày nay, những tác phẩm của Klimt vẫn khiến chúng ta say mê. Các viện bảo tàng bán các bản sao lại những bức tranh của Klimt nhiều hơn so với bất cứ họa sĩ nào khác.
Gustav Klimt là ai?
Gustav Klimt ‘Trinh nữ’ 1913
Klimt không thích nói về cuộc sống cá nhân hoặc công việc của mình. “Tôi tin rằng tôi không phải là một người đặc biệt thú vị. Không có gì đặc biệt về tôi,” ông từng nói. “Tôi là một họa sĩ vẽ ngày này qua ngày khác từ sáng cho đến tối.” Nhưng những chi tiết đằng sau lại kể một câu chuyện khác. Klimt là một họa sĩ say mê học nghề và mạnh dạn nổi dậy chống lại giới uy quyền; một người hay e thẹn nhưng đầy mê hoặc; mặc caftan khi vẽ; yêu quý con mèo cưng của mình, và — có lẽ hơn hết — phụ nữ. (Mặc dù Klimt chưa bao giờ kết hôn, nhưng ông có 14 người con và được đồn đại là có rất nhiều người tình.)
Ông sinh năm 1862 tại Baumgarten, Áo, không xa Vienna. Cha của ông là một thợ khắc vàng và bạc; giống như một số trong bảy anh chị em, Klimt tiếp bước cha mình. Đến năm 14 tuổi, ông đăng ký vào Trường Nghệ thuật Ứng dụng của Vienna, nơi ông học một loạt các môn, bao gồm cả bích họa và tranh khảm.
Ông là một sinh viên tận tụy và dành hàng giờ trong các viện bảo tàng của Vienna để nghiên cứu các bình cổ và các châu báu khác, đồng thời sao chép các bức tranh đoạt giải như Isabella d’Este (1534–36) của Titian. Ông và anh trai của mình, Ernst, cũng bộc lộ bản năng buôn bán từ rất sớm. Họ bán các bức chân dung được vẽ từ ảnh và thực hiện các bản vẽ kỹ thuật cho một bác sĩ chuyên khoa tai. Những dự án này đã góp phần giúp Klimt sớm làm chủ được khoa học về hình dạng con người.
Titian ‘Isabella d’Este’ 1534-1536
Gustav Klimt ‘Judith và cái đầu của Holofernes’ 1901
Đồng thời, Klimt bắt đầu nhận những công việc trang trí, chẳng hạn như các bức tranh tường và tranh trần công phu cho các nhà hát và các công trình công cộng khác. Vào cuối những năm 1880, ông đã đưa vào chúng các chủ đề cổ điển và các nhân vật thần thoại vô cùng khéo léo, đến mức chúng lọt vào mắt của Hoàng đế Franz Josef, người đã trao tặng Klimt Huân chương Vàng cho các bức bích họa của ông tại Nhà hát Burgtheatre của thành phố.
Theo thời gian, với lượng công việc trang trí và vẽ chân dung ổn định – và kết quả là sự độc lập tài chính và được công nhận – Klimt đã chấp nhận mạo hiểm sáng tạo nhiều hơn. Những bức vẽ gợi tình của ông về phụ nữ từ đầu những năm 1900 cho thấy mối quan tâm lâu dài trong sự nghiệp đối với hình dáng và ham muốn của con người (gần đây hơn, những tác phẩm này cũng được mô tả ở góc độ một người ghét phụ nữ, cách nhìn được củng cố bởi tai tiếng của Klimt như một Casanova). Nhưng trên toan, ông đã rất cẩn thận.
Theo một cách nào đó, Vienna là một thành phố phóng túng mạnh mẽ, tràn ngập sự suy đồi và những thử nghiệm. Chính quyền thành phố và giới uy quyền của nghệ thuật truyền thống đã chống lại phong trào văn hóa tiên phong này, được thúc đẩy bởi các nghệ sĩ và trí thức trẻ bao gồm Klimt, kiến trúc sư Otto Wagner, nhà soạn nhạc Gustav Mahler và Arnold Schönberg, và nhà phân tâm học Sigmund Freud.
Chính trong môi trường nghịch lý này, nơi đã gây ra sự đàn áp kiểu Victoria chống lại quyền tự do biểu đạt, Klimt đã trưởng thành. Chẳng bao lâu, ông bắt đầu chuyển tải những suy tư của mình về khát khao, ước mơ và cái chết thông qua những bức tranh lộng lẫy, đầy biểu tượng. “Bất cứ ai muốn biết điều gì đó về tôi,” Klimt từng nói, “nên xem kỹ những bức tranh của tôi và cố gắng nhìn thấy trong đó tôi là người như thế nào và tôi muốn làm gì”.
Điều gì truyền cảm hứng cho ông?
Gustav Klimt ‘Nụ hôn’ 1907
Gustav Klimt ‘Medicine (Trích đoạn: Hygieia)’ 1900/07
Khi mới vào nghề, Klimt đã say mê những bức tranh lịch sử công phu của tiền bối Hans Makart. Klimt nhận thấy rằng ông có thể khám phá mối quan tâm của mình – hình dạng con người – một cách an toàn thông qua các chủ đề cổ điển, như thử thách và khổ nạn của các vị thần và nhân vật thần thoại Hy Lạp. Ví dụ, bức tranh tường ở Burgtheater, những nhân vật khỏa thân lanh lợi, nhảy múa trong Nhà hát ở Taormina (1886–87) trở nên thật dễ chịu, với một xã hội bức bối.
Nhưng sau khi Klimt rời trường và bước vào tuổi cuối hai mươi, ông ngày càng bị ảnh hưởng bởi những người tiên phong của Vienna. Sự suy đồi và sự nổi loạn về trí thức của những người đồng trang lứa đã khiến ông say mê. Nhóm các nhà văn Jung-Wien đã phản ứng chống lại văn học thế kỷ 19 theo chủ nghĩa đạo đức bằng cách khám phá những giấc mơ và tính dục trong tác phẩm của họ, trong khi Freud “không nhìn thấy vật thể thẳng đứng nào mà không hiểu nó là sự cương cứng, không nhìn thấy chiếc lỗ nào mà không nghĩ đến khả năng xuyên vào”, như nhà sử học Gilles Neret đã chỉ ra.
Klimt bắt đầu từ chối các cách tiếp cận hội họa truyền thống hơn mà thiên về chủ nghĩa cổ điển, lý tính và chủ nghĩa tự nhiên. Ông bắt đầu chấp nhận rủi ro ngay từ năm 1890, khi ông được giao nhiệm vụ vẽ một bức tranh tường lớn mô tả lịch sử nghệ thuật cho Bảo tàng Kunsthistorisches. Ông đã chọn đại diện cho từng giai đoạn, từ Ai Cập đến thời Phục hưng, thông qua các nhân vật nữ. Nhưng không giống như những bức tranh lịch sử và ngụ ngôn được thực hiện bởi những người đi trước, ông thể hiện các đối tượng của mình bằng những đặc điểm của con người, thay vì thần thánh. Trong Hy Lạp cổ đại II (Cô gái đến từ Tanagra) (1890–91), đối tượng của Klimt giống với một trong những người bạn đồng trang lứa phóng túng của ông — một người phụ nữ sống, thở trong bầu không khí ủ rũ — hơn là một sinh vật thần thoại, thanh thản. Cô ấy là người đầu tiên trong số “những người phụ nữ nguy hiểm” của Klimt, như Neret đã gọi những nhân vật nữ của họa sĩ — những người phụ nữ mạnh mẽ, biểu cảm có khả năng quyến rũ và hủy diệt. Bức tranh tường này đã mở đường cho một giai đoạn thử nghiệm và nổi loạn trong tác phẩm của Klimt, khi ông nghiêng ngả trên rìa của phạm vi có thể chấp nhận được.
Gustav Klimt ‘Mäda Primavesi (1903–2000)’ 1912–1913
Gustav Klimt ‘Một cánh đồng anh túc’ 1907
Đến năm 1897, Klimt và một số người bạn nghệ sĩ và nhà thiết kế mạo hiểm đã tách khỏi Hiệp hội Nghệ sĩ Vienna, một hiệp hội truyền thống, để thành lập một nhóm cấp tiến gọi là Ly khai (được đặt theo một thuật ngữ La Mã cổ đại có nghĩa là “cuộc nổi dậy chống lại các quyền lực thống trị”). Klimt trở thành chủ tịch và chỉ đạo tinh thần của nhóm. Bức vẽ mà ông thực hiện cho lần ra mắt của phong trào, Ver Sacrum, một người phụ nữ khỏa thân cầm gương đưa về phía người xem — “như thể mời gọi nguồn cảm hứng mới, một sự khởi đầu mới”, nhà sử học Julia Kelly viết.
Càng ngày, nguồn cảm hứng của Klimt trở thành sự tìm hiểu tâm lý và mối bận tâm về tình dục, những chủ đề này cũng được chia sẻ trong những người tiên phong của Vienna. Một chủ đề yêu thích của các salon nghệ thuật là cuộc chiến của hai giới — đặc biệt là sự thống trị của phụ nữ so với đàn ông. Mối quan tâm ban đầu của Klimt đối với hình dáng phụ nữ hòa cùng với những chủ đề này, và ông bắt đầu mạo hiểm hơn trong những mô tả về phụ nữ. Trong các tác phẩm như Judith và cái đầu của Holofernes (1901), ông thể hiện một Judith mạnh mẽ, đầy sức hấp dẫn tính dục đang cầm đầu kẻ xâm lược.
Phụ nữ luôn là đối tượng yêu thích của Klimt. “Tôi ít quan tâm đến bản thân như một đối tượng cho hội họa hơn so với những người khác, hơn hết là phụ nữ,” ông từng nói. Đến đầu những năm 1900, những bức tranh miêu tả về phụ nữ của ông ngày càng thể hiện rõ tính cách và mong muốn của họ — cũng như cảm xúc của con người nói chung. Ngay cả những bức chân dung về phụ nữ trong xã hội của ông cũng đầy những nét biểu cảm và những chiếc áo choàng trông như thể chúng được dệt từ những bông hoa mới chớm nở. Điều này thể hiện một khía cạnh trong sáng tác của Klimt, trong đó “thân thể của người mẫu trở thành những họa tiết trang trí, và họa tiết trang trí lại trở thành thân thể của người mẫu”, như nhà sử học nghệ thuật Alessandra Comini đã nói.
Gustav Klimt ‘Âm nhạc (nghiên cứu)’ 1895
Giới quyền uy của nghệ thuật Viennese không hài lòng. Trong khi Klimt đã giành được đơn đặt hàng hội trường nghi lễ của trường Đại học, các nhà phê bình ngay lập tức phản đối “hình thức vô định và sự gợi mở mơ hồ về các mối quan hệ giữa con người với nhau, gợi ý đến sự giải phóng tình dục”, Kelly viết. Trong bản phác thảo cho một phần của bức tranh tường, Triết học (1899–1905), những cơ thể trần quấn lấy nhau và bay lên bầu trời bên cạnh vòng xoáy của các vì sao.
Cuối cùng, Klimt từ bỏ dự án, nhưng ông không nản lòng tiếp tục theo đuổi con đường này. “Kiểm duyệt đủ rồi,” ông đáp. “Tôi muốn bỏ đi… Tôi từ chối mọi hình thức hỗ trợ từ nhà nước, tôi sẽ làm mà chẳng cần gì cả.” Từ năm 1901–02, ông vẽ Cá vàng, với tựa đề ban đầu là Gửi những nhà phê bình của tôi. Trong đó một tiên nữ khỏa thân xoay phần sau của mình về hướng của người xem.
Gustav Klimt ‘Cá vàng’
Không lâu sau, Klimt có một chuyến đi đến Ravenna, Ý, nơi ông gặp nghệ thuật Byzantine, lung linh với những chi tiết mạ vàng. Nó mắc vào ông, và Thời kỳ Vàng nổi tiếng đã tới. Đối với những đơn đặt hàng chân dung (khi ông được yêu cầu phải ở trong cơ ngơi của người đặt hàng), quần áo của chủ thể trở thành tấm thảm trang trí các hình dạng trừu tượng được phủ những sắc màu rực rỡ – vàng, đỏ, xanh lam, xanh lá cây. Trong thời gian này, ngay cả những bức tranh phong cảnh hay những diềm trang trí trừu tượng — cũng chứa đầy những hình dạng hữu cơ: xoắn ốc nhấp nhô, xoáy nước ào ạt, những chùm hoa.
Khi Klimt tiến gần đến cái chết ở tuổi 55 (hậu quả của các biến chứng do đột quỵ), các đề cập đến vòng đời cũng xuất hiện thường xuyên hơn trong các bức tranh của ông. Chẳng hạn, Cây đời (1905) trở thành một biểu tượng lặp lại trong những tác phẩm cuối đời của ông. Như Neret đã gợi ý, cây tập hợp một số chủ đề yêu thích của nghệ sĩ: hoa, phụ nữ và các mùa luôn thay đổi.
Gustav Klimt ‘Cây đời’
Tại sao những sáng tác của ông lại quan trọng?
Gustav Klimt ‘Johanna Staude’ 1917
Gustav Klimt ‘Em bé (Nôi)’ 1917/1918
Tác phẩm của Klimt đã mạnh dạn phá vỡ quy ước nghệ thuật. Ông đã mở ra một thời kỳ tượng hình mới xóa bỏ các nguyên lý cứng nhắc của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa cổ điển. Thay vào đó, ông ủng hộ những hình tượng con người đầy biểu cảm, sung sức, những nhân vật biểu hiện mong muốn và cảm xúc của họ. Những khuynh hướng này đã mở đường cho cuộc Ly khai Vienna, trong đó Klimt là nhà lãnh đạo can đảm, phong trào tiếp tục ảnh hưởng đến chủ nghĩa Biểu hiện Vienna, một phong trào do học trò của ông, Schiele, lãnh đạo. Với Klimt là nguồn cảm hứng của mình, Schiele tiếp tục khám phá những hoạt động cảm xúc và tâm lý bên trong những người mẫu của mình.
Hơn nữa, tác phẩm tranh tường của Klimt đã đi tiên phong trong sự kết hợp giữa nghệ thuật và kiến trúc mà sau này sẽ ảnh hưởng đến Bauhaus và các nhà Kiến tạo Nga. Với các đồng minh theo chủ nghĩa Ly khai như kiến trúc sư Josef Hoffmann và nhà thiết kế Koloman Moser, Klimt đã mở rộng khái niệm về Gesamtkunstwerk, hay tác phẩm nghệ thuật toàn phần. Ông tạo ra cả Beethoven Frieze và Stoclet Frieze (1905–11) để chúng kết hợp hoàn hảo với kiến trúc và nội thất xung quanh.
Trong sự nghiệp về sau của mình, Klimt tiếp tục chứng tỏ tầm ảnh hưởng: Các bức tranh từ Thời kỳ Vàng của ông, cũng như những bức phong cảnh có cấu trúc mà ông thực hiện ngay trước khi qua đời, lần lượt báo trước sự ra đời của Tân Nghệ thuật và Lập thể.
Nguồn: Artsy; gustav-klimt.com
Lược dịch bởi Viet Art View