Logo loading

NHỮNG MỐC THỜI GIAN TRONG SỰ NGHIỆP CỦA KATSUSHIKA HOKUSAI

Khám phá những điểm mốc quan trọng trong cuộc đời của Katsushika Hokusai (1760–1849), một trong những nghệ sĩ sáng tạo nhất và được yêu thích nhất Nhật Bản, theo dõi hành trình đáng chú ý của ông từ một người học việc địa vị thấp đến một ngôi sao đang lên vẽ trước sự […]
|Viet Art View

Khám phá những điểm mốc quan trọng trong cuộc đời của Katsushika Hokusai (1760–1849), một trong những nghệ sĩ sáng tạo nhất và được yêu thích nhất Nhật Bản, theo dõi hành trình đáng chú ý của ông từ một người học việc địa vị thấp đến một ngôi sao đang lên vẽ trước sự chiêm ngưỡng của Tướng quân. Rồi đến những năm khó khăn của thập niên 1820, khi ông mất một người con gái và người vợ thứ hai. Và cuối cùng là đến những năm 1840, khi ông đạt được sự hiểu biết sâu sắc về thế giới thông qua nghệ thuật của mình.

 

Chiếc cọ không bao giờ ngừng

Chủ yếu được biết đến bên ngoài Nhật Bản nhờ bản in khắc gỗ Dưới con sóng ngoài khơi Kanagawa (thường được gọi là Con sóng lớn), Hokusai thực sự đã tạo ra hàng nghìn bức tranh và bản in cũng như tranh minh họa cho gần 270 cuốn sách. Ông bắt đầu vẽ từ năm 6 tuổi và trong hơn 80 năm tiếp theo, cây cọ của ông không bao giờ ngừng chuyển động.

Thậm chí cho đến cuối đời, khi sống với sự chăm sóc của cô con gái – cũng là một nghệ sĩ – Ōi (khoảng 1800–1857), ông đã ngồi bên bàn vẽ của mình suốt ngày đêm để bắt kịp yêu cầu của công việc và những ý tưởng mà ông nảy ra. Ông sử dụng nhiều nghệ danh trong suốt sự nghiệp của mình, thường đại diện cho một giai đoạn cuộc đời hoặc niềm tin cá nhân. Tên chính bao gồm: Shunrō, Hokusai, Iitsu, Manji và Gakyō Rōjin.

Hokusai thường được phân loại là nghệ sĩ của Phù thế hội (ukiyo), chỉ thế giới đặc biệt của thời Edo (1615–1868) gồm sân khấu, khu vui chơi và văn hóa đại chúng. Nhưng ông còn vượt xa hơn thế. Ông là một người quan sát có thiện cảm với xã hội đương đại, là người tổng hợp các kỹ thuật hội họa Đông Á và châu Âu, đồng thời là một thầy giáo đã chia sẻ niềm vui hội họa của mình với tư cách là một họa sĩ trong hàng chục sách hướng dẫn vẽ và hội họa.

Hạn chế đi lại của thời Edo đồng nghĩa với việc Hokusai không bao giờ rời khỏi Nhật Bản. Ông sống phần lớn cuộc đời ở Edo (Tokyo ngày nay), nhưng điều đó không ngăn cản ông tưởng tượng ra những thế giới rộng lớn hơn. Ngày nay, Hokusai là một họa sĩ nổi tiếng của thế giới, người đã trở thành nguồn động viên, thử thách và truyền cảm hứng cho mọi người.

 

Thập niên 1760 đến 1780, những năm đầu

Katsushika Hokusai (1760–1849), Diễn viên Ichikawa Danjūrō trong vai thầy tu Mongaku giả dạng một kẻ lưu manh.

In màu khắc gỗ, Nhật Bản, 1791. Món quà của Ngài Robert Leicester Harmsworth.

Lúc ba tuổi, không rõ lý do, Hokusai được nhận vào gia đình một người thợ đánh bóng gương cha truyền con nối và ở tuổi thiếu niên, ông đã học việc với một thợ khắc gỗ, một trong những nghệ nhân chủ chốt của lĩnh vực in mộc bản thống trị ngành xuất bản ở thời điểm này. Năm 1777, ở tuổi 19, ông vào xưởng vẽ của Katsukawa Shunshō, một họa sĩ Phù thế hội thành công, chuyên vẽ các phụ nữ đẹp và diễn viên trên sân khấu. Năm tiếp theo, Hokusai bắt đầu thiết kế tranh in diễn viên của riêng mình, ký tên Shunrō. Ông ở xưởng vẽ của Shunshō cho đến khi chủ nhân qua đời vào năm 1793, không lâu sau đó, một lần nữa không rõ lý do, ông bị đuổi. Trong suốt thời gian này, ông cũng viết và minh họa các tiểu thuyết ngắn được ưa chuộng.

 

Thập niên 1790, Nghệ sĩ độc lập

Katsushika Hokusai (1760–1849), Cảnh sông Sumida, từ ‘Một cái nhìn về những cảnh đẹp của Đông Đô’, tập 1.

Sách minh họa in màu khắc gỗ, Nhật Bản, 1800.

Sau khi bị đuổi khỏi xưởng Shunshō, Hokusai mất đi khả năng hoạt động trong một thời gian. Sau đó, vào giữa những năm 1790, ông bắt đầu kết nối với các nhóm thơ chuyên về ‘kyōka’, một thể loại thơ dí dỏm. Thực hiện bản thiết kế được đặt hàng riêng cho các bản in thơ (‘surimono’) và sách minh họa ‘kyōka’ đã sớm trở thành trụ cột trong công việc của ông. Vào thời điểm này, ông được cho là đã nghiên cứu nghệ thuật trang trí của trường phái Rinpa và từ năm 1795, ông sử dụng nghệ danh Sōri. Năm 1798, ông chuyển cái tên đó cho một học trò (một phong tục) và bắt đầu sử dụng cái tên Hokusai Tokimasa, phản ánh niềm tin của ông vào vị thần Phật giáo nhân từ Myōken, người có vương quốc được cho là Sao Bắc Đẩu (được gọi là ‘Hokushin’ trong tiếng Nhật).

 

1800–1810, luôn luôn được ưa chuộng

Katsushika Hokusai (1760–1849), Minamoto no Tametomo và những cư dân của đảo Onigashima.

Tranh cuộn, mực, màu và vàng trên lụa, Nhật Bản, 1811.

Hokusai đạt được thành công vang dội trong những năm 1800–1810. Trong các buổi trình diễn hội họa tại các ngôi chùa lớn, ông đã thể hiện khả năng sử dụng cọ điêu luyện của mình trên những bức tranh khổng lồ có kích thước bằng một tòa nhà (khoảng 210m × 105m) về các chủ đề quen thuộc như Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập Phật giáo Chan (Thiền) và vị thần may mắn Hotei. Ông cũng trình diễn một bức tranh trước Tướng quân, nhà cai trị quân sự của Nhật Bản. Tranh minh họa của Hokusai cho những câu chuyện phiêu lưu đăng nhiều kỳ của tiểu thuyết gia Kyokutei Bakin (1767–1848) đã khiến ông được chú ý nhiều hơn. Trong số nhiều tác phẩm hợp tác được đánh giá cao của Bakin-Hokusai có ‘Những câu chuyện kỳ lạ về Cung Trăng’ (‘Chinsetsu yumihari-zuki’, 1807–1811), kể về chiến binh Minamoto no Tametomo. Lần đầu tiên ông sử dụng cái tên mà chúng ta biết đến ngày nay là Katsushika Hokusai vào năm 1807.

 

1810–1812, Chia sẻ những hiểu biết

Katsushika Hokusai (1760–1849), Bảy vị thần may mắn trong ‘Những phác họa của Hokusai’, tập 1.

Sách in màu khắc gỗ, Nhật Bản, 1814.

Khoảng năm 1810, Hokusai bắt đầu sản xuất các sách hướng dẫn vẽ giúp ông nổi tiếng khắp Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách đầu tiên trong số này, ‘Hướng dẫn cơ bản về phác thảo’ (‘Ryakuga haya-oshie’), ra đời vào năm 1812. Năm đó, ông cũng đi về phía tây đến Nagoya, nơi ông gặp một nhóm những người đam mê hội họa do kiếm sĩ và samurai-quản gia ưu tú Maki Bokusen (1775–1824) đứng đầu. Tại nhà Bokusen, Hokusai đã tạo ra hàng trăm phác họa nhanh mà ông gọi là ‘manga’, gợi ý ‘những bức vẽ từ đỉnh đầu của tôi’. Ngạc nhiên trước sự đa dạng và những kỹ năng mà chúng thể hiện, Bokusen và những người khác đã biên soạn các bức vẽ thành một tập và trở thành tập đầu tiên trong xê-ri nổi tiếng: ‘Những phác họa của Hokusai’ (‘Hokusai manga’, 15 tập, 1814–78).

 

1820s, Những năm khó khăn

Katsushika Hokusai (1760–1849), Người bói thơ. Tranh cuộn, mực và màu trên giấy, Nhật Bản, 1827.

Món quà của Ngài William Gwynne-Evans.

Năm 1819, Hokusai tròn 60 tuổi. Mong chờ một hành trình khác xoay quanh chu kỳ lịch Đông Á 60 năm, ông đã nghĩ ra nghệ danh mới Iitsu, nghĩa là ‘một lần nữa’. Hoạt động bùng nổ cuối cùng trong việc thiết kế ‘surimono’ (một thể loại tranh in khắc gỗ của Nhật Bản) diễn ra vào đầu những năm 1820, nhưng sau đó những đơn đặt hàng dường như đã cạn kiệt. Tương đối ít tác phẩm của ông được biết đến từ giữa đến cuối những năm 1820. Ông dường như phải chịu đựng những khó khăn cá nhân, bao gồm cái chết của một cô con gái và người vợ thứ hai, một đứa cháu trai ương ngạnh khiến ông phải gánh những khoản nợ cờ bạc, ông rất dễ suy sụp. Đến cuối những năm 1820, con gái Ōi của ông rời bỏ cuộc hôn nhân thất bại, quay về chăm sóc và làm việc bên cha mình.

 

1830s, Cơn sóng thứ hai (hoặc thứ ba)

Katsushika Hokusai (1760–1849), ‘Dưới cơn sóng ngoài khơi Kanagawa’ (‘Cơn sóng lớn’) (Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ).

In màu khắc gỗ trên giấy, 1831. Được mua với sự hỗ trợ của Art Fund.

Vận may của Hokusai hồi sinh một lần nữa vào đầu những năm 1830, khi các nhà xuất bản bắt đầu đặt hàng ông thiết kế phong cảnh, tranh chim và hoa và các tác phẩm in thương mại khác. Một số phiên bản chủ đề thiên nhiên này cũng xuất hiện trong các cuốn sách minh họa trước đó của ông. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng niềm đam mê hội họa của ông vẫn không ngừng mang lại những sáng tác và cách tiếp cận mới. Ông đã viết một câu nổi tiếng: “Có lẽ đến khi tôi 110 tuổi, mỗi dấu chấm và đường kẻ dường như sẽ có một cuộc sống riêng.”

Những thành tựu của thời kỳ này bao gồm ‘Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ’ (1831–1833), hai xê-ri thường được gọi là ‘Những bông hoa lớn’ và ‘Những bông hoa nhỏ’ (đầu những năm 1830) và nhiều xê-ri đổi mới khác. Ở Nhật Bản, Phú Sĩ được coi là ngọn núi linh thiêng gắn liền với sự trường thọ. Nó cũng có thể mang ý nghĩa cá nhân đối với Hokusai, vì ông đã kết hợp đường nét đặc biệt của ngọn núi vào một trong những con dấu của mình sau này và dành một cuốn sách minh họa ba tập về 100 góc nhìn của Phú Sĩ. Các nghệ danh ‘Manji’ (‘Vạn vật’) và Gakyō Rōjin (‘Họa cuồng lão nhân’) đều ra đời vào khoảng năm 1834.

 

1840s, Đến những tầm cao hơn nữa

Katsushika Hokusai (1760–1849), ‘Đạo sĩ Zhou Sheng leo thang mây lên mặt trăng’, từ ‘Banmotsu ehon daizen zu’ (Những minh họa cho Cuốn sách tranh vạn vật vĩ đại). Bản vẽ mẫu, mực trên giấy, Nhật Bản, thập niên 1820 đến thập niên 1840. Việc mua được tài trợ bởi Di sản của Theresia Gerda Buch, tưởng nhớ cha mẹ của bà, Rudolph và Julie Buch, với sự ủng hộ của Art Fund (cùng sự đóng góp từ Quỹ Wolfson).

Một số dự án xuất bản sau này của Hokusai vẫn chưa hoàn thành hoặc chưa được sản xuất, cho thấy rằng tham vọng của ông đôi khi có thể vượt quá khả năng hoặc cam kết của các nhà xuất bản. Đối với những người ngưỡng mộ tác phẩm của ông, đây hóa ra lại là một điều may mắn, vì thay vì bị đục đẽo bởi người thợ mộc khắc gỗ, một vài ví dụ hiếm hoi về các bản vẽ hoàn thiện ban đầu của ông dành cho in và sách minh họa vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Một khám phá tuyệt vời gần đây là nhóm 103 bức vẽ mẫu mà ông đã tạo ra cho một bộ bách khoa toàn thư bằng tranh có tựa đề ‘Cuốn sách tranh vạn vật vĩ đại’ (‘Banmotsu ehon daizen’, cuối những năm 1820–40). Bao gồm các chủ đề liên quan đến Ấn Độ, Trung Quốc và thế giới tự nhiên, những bức vẽ này dường như là một phần của một dự án lớn hơn mà Hokusai có thể đã thực hiện không liên tục từ những năm 1820 trở đi.

 

1840s trở đi, Một họa sĩ siêu phàm

Katsushika Hokusai (1760–1849), ‘Những chú vịt trong dòng nước chảy’. Tranh cuộn,

mực và màu trên lụa, Nhật Bản, 1847. Món quà của Ngài William Gwynne-Evans.

Vào những năm 1840, thập kỷ cuối cùng của ông, Hokusai càng tập trung hơn vào hội họa. Hội họa cho phép ông trau dồi kỹ thuật và khám phá những chiều sâu mới về chủ đề và các mô-típ mà ông đã tìm tòi trước đó. Dù đứng không vững nhưng tinh thần của ông vẫn rất nhiệt tình và rời Edo ít nhất một lần để dành thời gian với người bảo trợ trung thành của mình, thương gia giàu có Takai Kōzan (1806–1883), ở vùng núi Nagano (phía bắc miền trung Nhật Bản). Hokusai đã sống lâu gấp đôi so với hầu hết những người cùng thời với ông nhưng luôn có ý định sống và làm việc lâu hơn nữa, như được thể hiện trong dấu ấn bùa hộ mệnh, ‘Hyaku’ (‘Một trăm’), mà ông đã sử dụng trên các bức tranh trong ba năm cuối đời. Những tác phẩm cuối cùng của ông kết hợp khả năng quan sát nhạy bén, sự hoàn thiện về mặt kỹ thuật và cảm giác kết nối tinh thần sâu sắc hơn với các chủ thể của mình.

 

Lược dịch bởi Viet Art View

Nguồn: Bảo tàng Anh

Chia sẻ:
Back to top