Logo loading

NHỮNG TÁC PHẨM BIỂU HÌNH ĐỘC ĐÁO CỦA CHRISTINA RAMBERG

Viện Nghệ thuật Chicago giới thiệu triển lãm hổi tưởng “Christina Ramberg: A Retrospective,” sau gần ba thập kỷ kể từ khi họa sĩ qua đời. Christina Ramberg, Sự suy sụp tinh vi (1972). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg. Bộ sưu tập tư nhân, Chicago. “Mục đích của tôi là biến những ám […]
|Viet Art View

Viện Nghệ thuật Chicago giới thiệu triển lãm hổi tưởng “Christina Ramberg: A Retrospective,” sau gần ba thập kỷ kể từ khi họa sĩ qua đời.

Christina Ramberg, Sự suy sụp tinh vi (1972). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg. Bộ sưu tập tư nhân, Chicago.

“Mục đích của tôi là biến những ám ảnh và ý tưởng của mình thành những phát biểu trực quan mạnh mẽ nhất, mạch lạc nhất có thể,” họa sĩ Christina Ramberg đã từng nói, mô tả quá trình và ý định thực hành nghệ thuật của cô.

Liên kết chặt chẽ với Chicago Imagists, một nhóm nghệ sĩ được thành lập vào giữa những năm 1960, những người ưa thích sự táo bạo, Ramberg (1946–1995) đã tạo ra những tác phẩm mạnh mẽ với phong cách cá nhân đặc biệt trong suốt cuộc đời và sự nghiệp tương đối ngắn ngủi.

Tác phẩm của Ramberg có thể được nhận ra ngay lập tức, chủ yếu tập trung vào các yếu tố hình tượng của hình dáng phụ nữ – chẳng hạn như bàn tay, kiểu tóc, quần áo và đáng chú ý nhất là thân mình – mang tính đồ họa và cách điệu cao. Khai thác các chủ đề và ý tưởng tương phản, đồng thời áp dụng các phương thức thử nghiệm đóng khung và cắt, Ramberg đã tạo ra một con đường dọc theo ranh giới giữa trừu tượng và biểu đạt.

Hình ảnh của triển lãm “Christina Ramberg: A Retrospective” (2024). Nhờ sự cho phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

Báo trước sự trở lại của mối quan tâm và sự chú ý của giới phê bình đối với tác phẩm đặc biệt của Ramberg là cuộc triển lãm “Christina Ramberg: A Retrospective,” được trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago cho đến ngày 11 tháng 8 năm 2024 – triển lãm khảo sát toàn diện đầu tiên về tác phẩm của cô trong gần ba thập kỷ. Tập hợp khoảng 100 tác phẩm từ bộ sưu tập của viện cũng như từ các bộ sưu tập công và tư nhân khác, triển lãm ghi lại phong cách phát triển của cô từ những bức tranh đầu tiên khám phá kiểu mẫu và hình dáng cho đến các tác phẩm trưởng thành (và dễ nhận biết nhất) có hình thân trên của phụ nữ, trang phục lót và sự câu thúc.

Đánh dấu cùng triển lãm hồi tưởng quan trọng này, Artnet đã đi sâu vào cuộc đời và tác phẩm của Ramberg, và dưới đây là (chỉ) những điều cần thiết mà bạn nên biết về thực hành nghệ thuật của cô.

Hình ảnh trong triển lãm “Christina Ramberg: A Retrospective” (2024). Nhờ sự cho phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

Ngay cả khi vẫn còn là sinh viên của trường thuộc Viện Nghệ thuật Chicago (SAIC), sự gắn bó của Ramberg với các thành phần trên cơ thể con người – cụ thể là tóc, bàn tay và trang phục của phụ nữ – đã thể hiện rõ trong tác phẩm của cô. Theo học với một số giáo viên có ảnh hưởng nhất trong lịch sử của trường, bao gồm Ray Yoshida, người hướng dẫn chủ yếu của những nghệ sĩ sau này đã trở thành Chicago Imagists, Ramberg cùng với các bạn cùng lớp đã tạo ra tác phẩm tập trung vào những gì mà triển lãm hồi tưởng này gọi là “sự hình dung lén lút”.

Christina Ramberg, Belle Rêve (1969). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg. Bộ sưu tập của Michael J. Robertson và Christopher A. Slapak.

Cách tiếp cận biểu hình này lần đầu tiên được kết hợp hoàn toàn trong một loạt triển lãm sinh viên với SAIC cũng như trong hai cuộc triển lãm “Hình ảnh sai” và “Hình ảnh sai II” do Ramberg và các bạn sinh viên tổ chức vào năm 1968 và 1969 tại Trung tâm nghệ thuật Hyde Park ở Chicago. “Chúng tôi quan tâm đến những tác động đạt được khi găm lại thông tin trong một tác phẩm,” Ramberg nói với Chicago Daily News khi mô tả đặc tính của tác phẩm do các nghệ sĩ triển lãm “Hình ảnh Sai” tạo ra. Và những tác phẩm của cô đúng là đã làm như vậy.

Christina Ramberg, Tóc (1968). Ảnh: Kris Graves. © The Estate of Christina Ramberg. Bộ sưu tập của Joel Wachs, New York.

Một bộ ngực biệt lập, một bàn chân trong một chiếc giày cao gót, hay nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là những bức vẽ mô tả đầu của phụ nữ từ phía sau, chỉ với các chi tiết về kiểu tóc của họ, các tác phẩm ban đầu của Ramberg gần như dễ nhận biết về những gì chúng thể hiện, cũng như những gì chúng không thể hiện. Trong bối cảnh tác phẩm của Ramberg, chúng báo trước quỹ đạo sáng tạo của nghệ sĩ cũng như các chủ đề và mô-típ cuối cùng được dùng làm nền tảng cho các tác phẩm quan trọng nhất của cô.

Những năm 1970 chứng kiến ​​Ramberg cho ra đời tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của mình. Tiếp tục khám phá các bộ phận cơ thể biệt lập và cấu hình của chúng, có thể được tìm thấy trong các bản phác họa và nghiên cứu tỉ mỉ về bàn tay của cô, các yếu tố của tính nữ trong tác phẩm của cô chuyển sang táo bạo. Áo nịt ngực và ren đen, áo lót và các đồ lót khác cùng với những tư thế khêu gợi cũng như bàn tay có hình dạng vặn vẹo với móng tay sơn màu carmine – và không bao giờ thể hiện khuôn mặt của đối tượng – mỗi tác phẩm của Ramberg đều ngụ ý những cách khác nhau mà cơ thể phụ nữ có thể được tạo hình và phục trang.

Christina Ramberg, Probed Cinch (1971). Ảnh: Clements/Howcroft, Boston. © The estate of Christina Ramberg. Bộ sưu tập tư nhân, New York.

Ký ức của Ramberg khi nhìn chiếc váy của mẹ cô đã hình thành nên các tác phẩm, trong đó Ramberg mô tả “… Tôi nghĩ rằng những bức tranh có liên quan nhiều đến điều này, khi xem và nhận ra rằng rất nhiều chiếc áo lót này biến đổi hoàn toàn cơ thể của một người phụ nữ… Tôi nghĩ nó thật hấp dẫn … ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ nó thật kinh khủng.”

Hoạt động dọc theo ranh giới giữa “hấp dẫn” và “kinh khủng”, các bức tranh của Ramberg lôi cuốn theo cách vừa kỳ lạ vừa gợi cảm, chạm tới ngôn ngữ của chủ nghĩa tôn sùng.

Christina Ramberg, Áo jacket xanh và đen (1981). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg.
Bộ sưu tập của Kathy và Chuck Harper, Chicago.

Tuy nhiên, khi quá trình thực hành phát triển, các nhân vật của Ramberg trở nên ít khêu gợi hơn – và nhìn chung ít thuộc tính con người hơn. Những tác phẩm từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 vẫn có phần thân trên của phụ nữ đặc trưng của cô nhưng thay vào đó chúng trông giống như robot và thậm chí là giống biểu đồ; các yếu tố cốt lõi của hội họa, chẳng hạn như màu sắc, đường nét, hình dạng và đặc biệt hơn là độ chính xác của chúng (một khía cạnh của tác phẩm mà sau đó cô đã trở nên nổi tiếng nhất) đã trở thành chủ đề trong tác phẩm của cô cũng như những nhân vật được miêu tả.

Mặc dù Ramberg được biết đến nhiều nhất nhờ những bức tranh, nhưng việc chỉ xem xét tác phẩm sẽ không đầy đủ nếu không đề cập đến sở thích sưu tập của cô.

Ramberg là một nhà sưu tập đồ vật, việc đó trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các tác phẩm chính thức của cô. Thường xuyên đến các cửa hàng tiết kiệm và ga-ra sale, cũng như Chợ phố Maxwell ở phía nam Chicago, Ramberg đã tìm kiếm thứ mà Giáo sư Ray Yoshida của SAIC gọi là “kho báu trong rác”, thuật ngữ được sử dụng cho một trong những phần dành riêng cho bộ sưu tập của cô trong triển lãm.

“Bức tường búp bê” của Christina Ramberg trong căn hộ của cô ở Chicago (1972). Nhờ sự cho phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

Trong vô số thứ cô sưu tập – từ những trang truyện tranh đến những bức tranh minh họa y học – bộ sưu tập búp bê của Ramberg, lên tới hàng trăm, là nổi bật nhất. Trong một số căn hộ mà Ramberg đã sống trong suốt cuộc đời của mình, cô đã gắn nhiều con búp bê này lên tường cũng như trong các triển lãm tác phẩm với những cách sắp xếp không bao giờ giống nhau. Trong triển lãm hồi tưởng của Viện Nghệ thuật, 155 con búp bê của cô được trưng bày theo cách tương tự. Bộ sưu tập búp bê nói lên niềm đam mê của cô với cơ thể và bộ sưu tập của cô bao gồm từ những món đồ tương đối mới, được sản xuất hàng loạt phản ánh định kiến ​​về chủng tộc và giới tính của thời đó cho đến những con búp bê thủ công độc đáo mang đến cái nhìn sâu sắc về cả người làm búp bê và người nhận dự định của nó.

Hình ảnh trong triển lãm “Christina Ramberg: A Retrospective” (2024). Nhờ sự cho phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

Ramberg đã bàn về bộ sưu tập búp bê của mình trong một cuộc phỏng vấn với Chicago Tribune năm 1989, nói rằng: “Tôi chỉ quan tâm đến những con búp bê thuộc sở hữu của ai đó. Những nơi mà khuôn mặt bị mòn đi và bị vẽ lại, hoặc có điều gì đó rất kỳ lạ đã xảy ra. Điều tôi thích ở chúng là ý thức về một lịch sử. Tôi quan tâm đến những gì được ngụ ý. Và sự thật đơn giản là chúng đã có một cuộc sống.”

Mặc dù Ramberg từ lâu đã coi chần như một thú tiêu khiển, nhưng phải đến đầu những năm 1980, nó mới trở thành một khía cạnh trọng tâm trong hoạt động nghệ thuật chính thức của cô, cho phép cô rút lui khỏi hội họa trong vài năm. Bắt đầu từ năm 1983, những chiếc mền của cô đã có mặt trong các phòng trưng bày và bảo tàng, mỗi chiếc đều nêu bật tính chất thử nghiệm, khám phá – đồng thời gợi nhớ sở thích sưu tập của cô. Mặc dù Ramberg dựa vào các kỹ thuật và cách làm mền truyền thống, nhưng cô ấy thường xuyên sử dụng các cách phối màu và hoa văn cũng như vải khác thường, có nguồn gốc từ những chuyến đi của cô cũng như các “kho báu trong rác”.

Christina Ramberg, Japanese Showcase (1984). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg.
Nhờ sự cho phép của Estate of Ray Yoshida và Corbett vs. Dempsey.

Giống như thói quen sưu tập của cô đã mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo, thời gian cô tập trung vào việc may mền cuối cùng đã nuôi dưỡng những ý tưởng và cách tiếp cận mới đối với hội họa, và cô đã quay trở lại vào giữa những năm 1980 với “những bức tranh vệ tinh” của mình. Những tác phẩm mới này khác biệt rõ rệt so với những bức tranh trước đây của cô cả về phong cách lẫn chất liệu; nơi mà trước đây cô ấy ưa thích acrylic trên Masonite và áp vào các lớp sơn tinh tế cũng như sử dụng các nét vẽ cẩn thận, giờ đây cô ấy làm việc hoàn toàn bằng sơn dầu trên toan, impasto với lớp sơn nền có thể nhìn thấy được.

Christina Ramberg, Vô đề #123 (1986). Ảnh: Jamie Stukenberg. © The Estate of Christina Ramberg. Nhờ sự cho phép của Corbett vs. Dempsey.

Tác phẩm của Ramberg lúc đó cũng khác xa với chủ đề thông thường của cô. Hình học và đường nét giống như phác họa, chắc chắn được lấy cảm hứng từ lưới và sự lặp lại của các mẫu mền, gợi nhớ đến một vệ tinh hoặc tháp truyền tải, và tính khó hiểu của chúng gợi lên bầu không khí trừu tượng.

Hình ảnh trong triển lãm “Christina Ramberg: A Retrospective” (2024). Nhờ sự cho phép của Viện Nghệ thuật Chicago.

Mặc dù đã quay trở lại với hội họa nhưng Ramberg vẫn không ngừng làm mền. Một năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh Prick – hay chứng mất trí nhớ vùng trán, một căn bệnh thoái hóa thần kinh hiếm gặp, sẽ cướp đi mạng sống của cô ở tuổi 49 – cô đã tạo ra một số chiếc mền mang tính sáng tạo và năng động nhất trong sự nghiệp của mình. Tổng hợp từ kho lưu trữ các đồ sưu tập được và các thành phần bố cục từ những bức tranh trước đó của mình, cô đánh số những tác phẩm muộn này bắt đầu bằng chữ số La Mã “I”, đối lập với các tác phẩm khác của cô cùng thời kỳ vốn đã được đánh số thành hàng trăm, cho thấy cô coi những mảnh ghép này như một khởi đầu mới và một chân trời mới ngay cả khi cuộc đời cô đang ở giai đoạn chạng vạng.

Bài viết của Annikka Olsen
Nguồn: Artnet
Lược dịch bởi Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top