17h (Việt Nam), 11h (Pháp) thứ Sáu, ngày 5/4/2024
Đầu tiên, vẫn phải là tác phẩm tiêu điểm của các Master về hội họa sơn mài của Việt Nam. Tác phẩm của họ luôn được đánh giá cao, được kiếm tìm và sưu tập.
Ngạc nhiên đầu tiên phải kể đến tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh và Phạm Đức Cường.
1. Lot 214
Tác giả: Ngô Mạnh Quỳnh (1917 – 1991)
Tên tác phẩm:
Năm sáng tác: 1943. Chất liệu: Sơn khắc. Kích thước: 139x90cm. Giá ước tính: 5000 – 8000 euros
Xuất xứ: Từ ông René Jolly Giám đốc Cục Địa chính và Địa lý Đông Dương, tỉnh Nam Định, Bắc Kỳ.
Đây là tác phẩm sâu đời, kích thước lớn, hoàn thiện của Ngô Mạnh Quỳnh, khá hiếm trên thị trường. Nhắc đến Ngô Mạnh Quỳnh chúng ta thường hay nghĩ đến bức tranh sơn mài “Lên chùa”, 1943, hoặc bức “Chùa Thầy” rất nổi tiếng của ông. Sau này, ông chuyển dần sang lối vẽ kiệm màu – chỉ đen trắng, rồi “thủy mặc”. Lần triển lãm “Nghệ thuật tranh thủy-mạc” tháng 2, năm 1944 tại Nhà La Crémaillère, đã có lời viết như sau: “Vẫn biết rằng ông Mạnh Quỳnh muốn cho ta thấy những bức tranh hoàn toàn Việt Nam từ lối vẽ cho đến vật liệu để vẽ, nhưng ta cứ có thể nghĩ rằng nếu vài bức trong đó hoàn toàn được điểm ít màu nhạt vào thì toàn thể những bức tranh sẽ vui hơn”.
Nếu Mạnh Quỳnh cứ tập trung sáng tạo trên chất liệu sơn mài như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù thì hẳn ngày nay chúng ta sẽ còn có một cái tên ghi dấu ấn cho chất liệu này. Vì vậy, với bức tranh hẳn là quý hiếm này, không nên bỏ lỡ bởi sự hiếm có của chúng. Và tất nhiên nó cũng rất đẹp và đáng để sưu tầm.
Với mức giá khởi điểm từ 5-8k euros quá tốt cho một tác phẩm như thế này thì chỉ có thể từ 2 điều. Một là Nhà đấu giá tăng sự hấp dẫn với người mua. Hai là sau rất nhiều năm, bức tranh có thể đã bị xuống cấp bởi với kỹ thuật thời kỳ đó, vóc và chất sơn được sử dụng trong tạo hình vẫn còn một số điểm hạn chế. Vì vậy, nếu được xem trực tiếp trước khi quyết định luôn là yếu tố quan trọng với nhà sưu tầm.
2. Lot 215
Tác giả: Phạm Đức Cường (1916 – 1990)
Tên tác phẩm: Paysage à la pagode Chua Thay. Năm sáng tác: Khoảng 1940-1950
Chất liệu: Sơn mài. Kích thước: 99x200cm. Giá khởi điểm: 12.000 – 15.000 euros
Xuất xứ từ ông René Jolly Giám đốc Cục Địa chính và Địa lý Đông Dương, tỉnh Nam Định, Bắc Kỳ.
Phải nói rằng, đây là một tác phẩm đẹp, quý của Phạm Đức Cường. Chỉ tiếc rằng nó đã bị “cong vênh, nứt nẻ” (NĐG). Đúng như vậy, một vết nứt lớn chạy gần ngang hết mặt tranh khiến cho bức tranh có một giá ước tính rất tốt. Nếu khắc phục được tình trạng cong vênh và vết nứt lớn thì đây sẽ là một bức tranh đẹp, quý, hiếm.
Phạm Đức Cường là tác giả của cuốn “Kỹ thuật sơn mài” nhỏ xinh nổi tiếng ở Việt Nam. Nhưng chắc không nhiều người để ý rằng ông học đã học bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Đức Toàn, Phạm Viết Song…Và kỹ thuật sơn mài của ông nổi tiếng không kém gì các họa sĩ sơn mài cùng thời khác.
Đã lâu lắm mới thấy xuất hiện một tác phẩm gây được nhiều tò mò bởi cái tên của họa sĩ tưởng lạ mà hóa rất quen.
3. Lot 213
Tác giả: Nguyễn Văn Tỵ (1917- 1992)
Tên tác phẩm: L’Île de Catba – Jonques dans la baie d’Along. Năm sáng tác: Khoảng 1944
Chất liệu: Sơn mài. Kích thước: 100x195cm 100x (32,5x 6 tấm). Giá khởi điểm: 80.000 – 120.000 euros
Xuất xứ: Bình phong bằng gỗ sơn mài nhiều màu và vàng với sáu tấm được ký tên phía dưới bên phải và ghi ngày bằng chữ số La Mã 1944. Kích thước mỗi tấm: 100×32,5 cm. Tổng kích thước: 100×195 cm. (Tình trạng rất tốt, hao mòn và hao mòn nhỏ). Xuất xứ: Được ông L, phi công đồn Hải Phòng, đóng quân từ năm 1952 đến năm 1955 mua với giá 5.000 piastres từ Ets Hu’ng – Loi, 44 boulevard de l’Amiral Courbet, Hải Phòng ngày 3/2/1955.
Trên thực tế, xét bảng màu xanh lam, vàng (chanh hơi ngả xanh), phong cách tạo hình tương đồng nhiều sáng tác của Nguyễn Văn Tỵ để so sánh là rất có cơ sở là do ông sáng tác. Chỉ có đôi chút băn khoăn bởi chữ ký (qua ảnh) dường như bị cào xước bởi vật nhọn gì đó. Nhưng chữ ký in hoa, con số năm sáng tác là chữ số La Mã là một trong những dấu hiệu nhận diện tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
4. Lot 162
Tác giả: Nguyễn Tiến Chung (1914- 1976)
Tên tác phẩm: Les quatre saisons – Bốn mùa. Năm sáng tác: Khoảng 1943
Chất liệu: Lụa. Kích thước: 70x80cm. Giá khởi điểm: 20.000 – 30.000 euros
Xuất xứ từ sưu tập tập của Tổng thủ quỹ MX Ngân hàng Đông Dương. Được truyền lại trong cùng một gia đình từ những năm 1940.
Bề mặt bức tranh lụa này có vẻ còn được tốt lắm (theo nhà đấu giá). Tranh chưa được ký tên, dù đã được Triển lãm vào năm 1943 tại Salon Unique.Tranh mô tả các thiếu nữ, con dê và hoa phù dung. Mô típ này khiến chúng ta liên tưởng đến bức “Những thiếu nữ thanh lịch”, sơn mài, 1940 của Hoàng Tích Chù. Về căn bản, nếu không có một vài điểm yếu trên, bức tranh này rất đáng để mua bởi sự hiếm quý của nó.
Ngoài ra các lot hợp lý để sưu tầm như 166 – tranh lụa Trần Duy Liêm (1914-1994); lot 17 – tranh sơn dầu tĩnh vật hoa của Jean Võ lăng (1921-2005) như một trong những đề tài về hoa khác với tạo hình của Lê Phổ…nên sưu tầm bởi tính đại chúng; lot 108 – tranh sơn dầu tổng hợp trên giấy của Inguimberty có một mức giá rất đáng mến với chủ đề quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta…
Đốt lò hương ấy so tơ phím này…
Một bức tranh hợp lý, đẹp của Duy Liêm
Những tác phẩm tĩnh vật hoa của Jean Võ Lăng nên được sưu tầm sớm trước khi chúng trở nên đắt đỏ.
Giá ước tính từ 4000-6000 euros rất hấp dẫn
Vài điều chia sẻ trước phiên đấu từ Viet Art View.
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View