HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003)
Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn
Sơn mài, 1940, 130×122 cm
Ngày 8 tháng 10 năm 2023, tại Metayer-auction, bức tranh sơn mài quý hiếm có tên “Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn” của họa sĩ Hoàng Tích Chù sẽ được đấu giá online trên nền tảng đấu giá trực tuyến của Interencheres trong phiên Art d’Asia.
Thông số tranh như sau:
Tên tác phẩm: Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn
Năm sáng tác: 1940
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 130×122 cm
Giá ước tính: 50.000 – 80.000 EUR
Đặt cọc 10.000 EUR trước phiên đấu 24h
Ngay từ khi có thông tin về bức tranh rất quý hiếm này của họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhiều Nhà sưu tập đã trò chuyện với Viet Art View về tính chân bản, mức độ quý hiếm, giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Thậm chí, mức giá tối ưu có thể mua nên ở mức độ nào cũng được suy tính, cân nhắc. Xét trên nhiều góc độ, từ giá trị lịch sử đến giá trị nghệ thuật, mức độ quý hiếm, Viet Art View mạn đàm mấy ý kiến nhìn ở góc độ tham chiếu sau:
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Năm 1934, “Hội An Nam khuyến khích Mỹ nghệ và Kỹ nghệ” được thành lập. Ngay từ năm 1929, các giáo sư người Pháp đã nhận thấy “sơn mài là một chất liệu sáng tác giàu tiềm năng nghệ thuật” nên đã bắt đầu cho sinh viên thử nghiệm chất liệu sơn mài trong tạo hình hội họa với sự hỗ trợ của nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành (1898-1977).
Giáo sư Victor Tardieu đã viết trong bản báo cáo: “Đây là một chất liệu sáng tác tuyệt vời, xứng đáng trở thành một hình thức nghệ thuật ‘Quốc gia’.”
Sau nhiều nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm kỹ thuật chất liệu từ các sinh viên nhiều khóa, với sự hỗ trợ của nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Thành, năm 1934, xưởng sơn mài được thành lập. Tháng 5 năm 1938, Ban sơn mài chính thức trở thành một ban học độc lập; được các sinh viên yêu thích.
Thành tựu của “hội họa sơn mài Việt Nam” đã bắt đầu được chú ý đặc biệt ngay từ những năm thập niên 1930. Nhân dịp Triển lãm Đấu xảo Pari 1931, Lê Phổ (1907-2001) đã trình bày sáng tác “Phong cảnh Xứ Bắc”, bình phong sơn ta (son, then, vàng, bạc) sáng tác khoảng 1929-1930. Năm 1932, Trần Quang Trân (1900-1969) sáng tác bức bình phong “Bụi tre bóng nước”, sáu cánh, mỗi cánh 110×25 cm; Năm 1938, Nguyễn Gia Trí (1908-1993) sáng tác “Bên đầm sen”, 120×210 cm; 1939, sáng tác bình phong hai mặt “Phong cảnh – Dọc mùng”, 159×400 cm. Năm 1939, Lê Quốc Lộc (1918-1987) sáng tác “Hội chùa”, 100,5×200 cm khi mới học năm thứ nhất; Năm 1940, Phạm Hậu (1905-1994) sáng tác “Gió mùa hạ”, 67.7×149 cm…
Với những thành công mang tính chất biểu tượng trên, có thể thấy việc đưa chất liệu sơn mài vào hội họa tạo hình là bước ngoặt đột phá khiến “hội họa sơn mài Việt Nam” trở thành một trong những giá trị đặc biệt với các nền hội họa khác trên thế giới.
Năm 1938, khi thành lập Ban sơn mài, sinh viên Hoàng Tích Chù (khóa 1936-1941) đang học năm thứ 2. Cùng khóa có Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), Nguyễn Tiến Chung (1914-1976).
Cùng nằm trong không khí sáng tạo sôi nổi và phấn khởi ấy, “Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn” được Hoàng Tích Chù sáng tác năm 1940, trước khi tốt nghiệp năm 1941 một năm là kết quả tất yếu của chuỗi những thành tựu mà lớp nghệ sĩ đi trước đã đạt được.
“NHỮNG THIẾU NỮ THANH LỊCH TRONG VƯỜN”
Thoạt nhìn “Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn”, thấy phảng phất dáng hình lãng mạn, mộng mơ theo motif tạo hình được yêu thích thời đó. Bên hồ, ba thiếu nữ mặc áo dài tân thời, người ngồi nghỉ ngơi lơ đãng, hai người còn lại đang thong thả dạo mát. Hoa sen, cây hoa phù dung, cỏ, hoa dại, vài cánh bướm bay nhỏ xinh mang cảm giác về sự thanh mát của thiên nhiên.
Có ba chi tiết thú vị trong bức tranh này. Sự xuất hiện của chú dê nhỏ, con chim bồ câu và đôi hài vải thêu hình rồng phượng, thoạt tưởng như ngẫu nhiên; nhưng có lẽ Hoàng Tích Chù không sắp đặt đơn giản như vậy.
Trong văn hóa phương Tây, hình tượng con dê tượng trưng cho sinh sản và phồn thịnh. Trong văn hóa phương Đông con dê là con giáp thuộc “địa chi Mùi”, mang ý nghĩa triết lý và nhân văn. Giờ Mùi kéo dài từ 13-15h, là thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Hình ảnh chim bồ câu từ Đông sang Tây đều là biểu tượng cho sự sống, hòa bình và hạnh phúc.
Trong ba thiếu nữ mặc áo dài, chỉ duy nhất thiếu nữ mặc áo dài màu vàng có họa tiết hình mây (thường thấy trong hoa văn dân gian trang trí cổ) được Hoàng Tích Chù tạo hình cùng chiếc hài thêu họa tiết rồng phượng. Hai thiếu nữ còn lại đi giày tân thời với áo dài có họa tiết hiện đại hơn.
Sự giao thoa văn hóa đông tây này được Hoàng Tích Chù sắp đặt, sáng tạo một cách rất có ý thức. Sự đồng điệu trong tổng thể trang phục từ hình thức đến nội dung; Sự tinh tế được diễn tả từ những chi tiết nhỏ nhất khiến cho tác phẩm trở nên giàu tính biểu tượng, tính dân tộc.
Trong phần giới thiệu về tác phẩm, có viết: “Tác phẩm này có gợi lên sự hợp tác giữa Hoàng Tích Chù và nghệ nhân sơn mài Đinh Văn Lịch. Nghệ nhân Đinh Văn Lịch sinh năm 1916 (là em trai của nghệ nhân Đinh Văn Thành, sinh 1899)” có thể chưa hợp lý. Bởi năm 1941, Hoàng Tích Chù ra trường mới mở xưởng ở Hàng Khoai. Năm 1940, khi sáng tác “Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn” Hoàng Tích Chù vẫn đang học trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Đặng (cháu ngoại của nghệ nhân Đinh Văn Thành) thì các sáng tác của Hoàng Tích Chù có sự gắn kết tương đối chặt chẽ với nghệ nhân Đinh Văn Thành (được mời về hỗ trợ sinh viên ban sơn mài). Vậy phải chăng nghệ nhân Đinh Văn Thành mới là người phụ giúp một phần về sơn để Hoàng Tích Chù (lúc ấy vẫn chưa tốt nghiệp) hoàn thiện tác phẩm?
TÍNH CHÂN BẢN
Khi bức tranh được giới thiệu trên trang của Nhà đấu giá, có một vài nhà sưu tập trao đổi với Viet Art View về tính chân bản của tác phẩm này. Trên thực tế, khi phải xem một tác phẩm nghệ thuật qua một vài bức ảnh thì sai số là có thể. Nhưng về căn bản, nếu để ý kỹ lưỡng tạo hình nhân vật của Hoàng Tích Chù, sẽ nhận thấy bút pháp của ông trong việc xây dựng chi tiết cho nhân vật. Đôi khi, chỉ cần một đặc điểm nhận dạng (xuyên suốt) sẽ thấy “những gì thể hiện trên mặt tranh” luôn là minh chứng rõ ràng nhất cho việc “made in…” của một danh xưng nào đó. Điều này không khó, chỉ là chịu khó xem tỉ mỉ, quan sát kỹ càng, có nhiều so sánh đối chiếu những tác phẩm cùng thời kỳ của tác giả sẽ tìm thấy đặc điểm tương đồng. Từ đó nhận ra “cái hồn, cái thần” trong dấu ấn cá nhân mỗi nghệ sĩ.
Các đối tượng làm giả thường non nghề, háu ăn. Họ có thể tạo cảm giác về thị giác “nhìn qua có thể thấy giống”. Nhưng chắc chắn bất cứ sự sao chép hoặc “nhại” nào đó đều khó có thể tái tạo lại được “cái hồn, cái thần” của cá nhân nghệ sĩ. Các chuyên gia, nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật sâu sắc thì họ “rất tinh”, khó có thể lọt qua con mắt “có nghề” của họ. Nhất là các nhà sưu tập và người buôn, nếu không tinh họ sẽ phải trả giá bằng rất nhiều tiền. Còn khi họ chưa đủ tự tin, họ sẽ tìm sự trao đổi tư vấn từ các chuyên gia (có tâm, có nghề).
Vì vậy, nếu một bức tranh quý hiếm, đắt giá được bán đấu giá công khai thì đó là cơ hội cho tất cả chúng ta. Nếu không mua được thì cũng được ngắm, được bàn luận. Còn nếu “không phải tác phẩm chân bản” thì rất nhanh thôi, sẽ có chuyên gia giỏi “cảnh báo” cho chúng ta. Và số những “chuyên gia ngầm” là không ít. Thấy “chướng tai gai mắt” chắc chắn họ sẽ lên tiếng. Bởi họ không muốn những người sưu tập thực sự bị mất niềm tin vào một “thị trường đầy rẫy nhưng kẻ bất lương trục lợi”. Các nhà sưu tập không ngại sự lên xuống của giá, của thanh khoản. Họ chỉ không muốn niềm yêu thích nghệ thuật của họ bị xói mòn dần bởi một thị trường không minh bạch và trong sạch.
GIÁ ƯỚC TÍNH
Cũng như các cuộc đấu giá khác, giá khởi điểm hấp dẫn luôn nằm trong thuật tính toán của Nhà đấu giá. Với ước tính từ 50.000 đến 80.000 EUR cho “Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn”, sẽ có nhiều người đấu cùng một lúc. Nhưng chắc chắn đến mức giá cuối cùng chỉ có thể là một vài người có đủ thanh khoản. Mức giá sẽ là 2 trăm, ba trăm hay 4 trăm ngàn euro hoàn toàn có thể.
Và mức giá ấy rất xứng đáng. Tác phẩm vừa sâu đời, vừa hiếm, vừa quý, vừa tên tuổi; Chủ đề hiện thực, lãng mạn, nhân văn; Tạo hình đẹp, nhân vật sang trọng, quý phái; Bề mặt tranh tốt (theo ảnh). Chất liệu sơn mài thời kỳ đầu cũng là một điểm cộng lớn bởi giá trị lịch sử xét theo dòng chảy của hội họa sơn mài Việt Nam.
LÊ PHỔ (1907-2001), “Phong cảnh Xứ Bắc”, Khoảng 1929-1930
Bình phong sơn ta (son, then, vàng, bạc)
LÊ QUỐC LỘC (1918-1987), Hội chùa, 1939, Sơn mài, 100,5×200 cm
Sưu tập bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
NGUYỄN GIA TRÍ (1908-1993), Phong cảnh – Dọc mùng, 1939, Sơn mài, bình phong hai mặt, 159×400 cm
Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
PHẠM HẬU (1905-1994), Gió mùa hạ, 1940, Sơn mài, 67,7×149 cm
Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Một số hình ảnh trích đoạn tác phẩm Những thiếu nữ thanh lịch trong vườn của Hoàng Tích Chù:
Bài viết của Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View