Bệnh tâm thần có ngăn cách họa sĩ với thực hành nghệ thuật của họ? Hay nỗi đau lại thúc đẩy khả năng sáng tạo? Van Gogh đã trả lời cả hai câu hỏi này trong những năm cuối cùng của ông.
“… sức khỏe của anh tốt, còn đầu óc của anh, sẽ thế này, chúng ta hãy hi vọng, là vấn đề của thời gian và nhẫn nại.”
Vincent van Gogh đã viết câu trên trong một bức thư gửi cho em trai Theo, đề tháng 6 năm 1889. Ông đã là cư dân của viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole ở Saint-Rémy, miền nam nước Pháp, trong khoảng một tháng. Khổ sở vì lo âu, trầm cảm, chứng sợ khoảng rộng và ảo giác thính giác, ông đã dành một năm cho việc điều trị tại viện tâm thần. Giống như phần lớn cuộc đời Van Gogh, đó là một thời kỳ vĩ đại của sáng tạo, nhưng cũng vô cùng đau khổ.
Bệnh viện ở Saint-Rémy, 1889, sơn dầu trên toan,
Bảo tàng Hammer, Los Angeles
Mặc dù người họa sĩ gốc Hà Lan đã chịu đựng những đau khổ về tinh thần trong suốt cuộc đời, nhưng đến những năm cuối cùng của ông, tình trạng rối loạn cảm xúc mà ông thường trải qua mới trở nên cực kỳ nghiêm trọng, dẫn đến bảy cuộc khủng hoảng rõ rệt trong khoảng hai năm rưỡi. Chúng ta có thể lưu ý rằng trong những năm này, phong cách của Van Gogh thậm chí còn trở nên khác biệt hơn, những nét cọ của ông thường cuộn thành một khối màu sắc và hình dạng sống động, tạo thành những tác phẩm đẹp và mang tính bản năng sâu sắc. Phải chăng nghệ thuật của Van Gogh được thúc đẩy khi tình trạng tinh thần ngày càng tồi tệ? Hay đó đơn giản là sự tiến hóa tự nhiên của phong cách?
Trong những năm tháng suy tàn này, Van Gogh dường như đã ám chỉ trong các bức tranh của mình về sự ngắn ngủi có thể thấy trước của cuộc đời ông. Rất nhiều về biểu tượng, chủ đề, kỹ thuật và màu sắc miêu tả một cảm giác sầu thảm về cái chết.
Quán cà phê về đêm, 1888, sơn dầu trên toan, Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale, New Haven
“Trong bức tranh Quán cà phê về đêm của anh, anh đã cố gắng thể hiện ý tưởng rằng quán cà phê là nơi người ta có thể hủy hoại bản thân, phát điên hoặc phạm tội… và tất cả những điều này diễn ra trong một bầu không khí giống như một lò lửa lưu huỳnh nhợt của quỷ.”
Chắc chắn có những cảm xúc rất mạnh đối với Quán cà phê về đêm. Người khách đơn độc mặc đồ trắng bên dưới ánh đèn rực rỡ dường như của một thế giới khác, những nhân vật ngồi sụp xuống những chiếc bàn nhỏ như thể đang chìm trong nỗi tuyệt vọng quá sâu để có thể thoát ra, trong khi một quý ông đội mũ rơm liếc nhìn người phụ nữ ngồi đó. Nói tóm lại, đó là một hoạt cảnh nhỏ về sự điên cuồng của địa ngục.
Sau trải nghiệm đáng tiếc và khét tiếng ở Arles, Van Gogh đã tự nguyện đăng ký vào Saint-Rémy. Giám đốc Peyron đã phỏng vấn ông khi nhập viện và nhập những ghi chú sau vào sổ đăng ký:
“… bị chứng hưng cảm cấp tính kèm theo ảo giác về thị giác và thính giác khiến anh phải tự cắt tai mình. Hiện tại, anh dường như đã lấy lại được lý trí, nhưng anh không cảm thấy mình có sức mạnh và lòng can đảm để sống độc lập… ý kiến của tôi là M. van Gogh rất hiếm khi lên cơn động kinh.”
Mặc dù chưa có chẩn đoán chính thức nào được đưa ra về tình trạng của Van Gogh, bác sĩ tâm thần người Hà Lan, Tiến sĩ G. Kraus (người có ý kiến được đính kèm trong ấn bản ở Mỹ về những bức thư của Van Gogh) đã cho thấy một cái nhìn hùng hồn khi từ chối dán nhãn cho căn bệnh mà Van Gogh phải chịu đựng:
“Ông là một cá tính đối với căn bệnh của mình, cũng như đối với nghệ thuật.”
Ở Saint-Rémy, Van Gogh sẽ có thời gian tỉnh táo kéo dài, bị chấm dứt bởi ba đợt kích động dữ dội, mỗi đợt kéo dài từ hai đến ba tháng. Ông 36 tuổi khi tự mình đăng ký vào viện. Ông sẽ chết ở tuổi 37.
Vòng tù nhân (vẽ theo Gustave Doré), sơn dầu trên toan, 1889,
Bảo tàng Nhà nước về Nghệ thuật, Pushkin, Moscow
Van Gogh đã sao chép Vòng tù nhân của Gustave Doré, một nghệ sĩ mà ông rất ngưỡng mộ, từ một bản in của Nhà tù Newgate, London.
“Môi trường xung quanh ở đây bắt đầu đè nặng lên tôi… Tôi không thể tiếp tục nữa, tôi đã hết kiên nhẫn rồi.”
Tác phẩm này gói gọn tất cả nỗi thống khổ về tinh thần đang hành hạ Van Gogh trong thời gian ông ở Saint-Rémy. Những bức tường gạch, những quan chức đến thăm đang trò chuyện nhàn rỗi trong khi các tù nhân đi trong một vòng tròn bất tận, xuống một tầng địa ngục nào đó của riêng mình, và Vincent nhìn ra người xem với ánh mắt đau buồn, một sự lẻ loi tột độ, rằng ngay cả sinh vật khắc kỷ nhất cũng không thể không cảm thấy ít nhất một chút tuyệt vọng.
“Chà, với căn bệnh tâm thần mà anh mắc phải, anh nghĩ đến nhiều nghệ sĩ khác đang đau khổ về mặt tinh thần và anh tự nhủ rằng điều này không ngăn cản một người thực hiện nghề họa sĩ như thể không có gì khó khăn.”
Cái nhìn sâu sắc vượt thời gian này của Van Gogh được lấy từ một bức thư khác gửi cho người em trai thân yêu Theo và mở ra cơ hội để thảo luận và tranh luận. Liệu mức độ tuyệt vọng nào đó – hay ít nhất là sự bất mãn – có cần thiết để tạo ra tác phẩm nghệ thuật thực sự vĩ đại không? Và nếu đúng như vậy, liệu nỗi đau tinh thần của một người có trở thành một ân huệ không? Trạng thái tinh thần của Van Gogh suy sụp trong thời gian ở Saint-Rémy, và những năm cuối đời nằm trong những năm khó khăn nhất của ông, nhưng trong thời gian ở viện tâm thần, ông đã vẽ hơn 140 bức tranh. Không khó để rút ra sự tương đồng.
Đêm đầy sao, 1889, sơn dầu trên toan, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, thành phố New York
Kiệt tác Đêm đầy sao của Van Gogh là một bức tranh có vẻ đẹp tuyệt đối, nhưng nó dường như cũng gợi lên sự hỗn loạn tràn ngập trong tâm trí người họa sĩ. Những vòng xoáy của bầu trời đêm, những đường tua như ngọn lửa của cây bách, những ngọn đồi xung quanh giống như đại dương cuồn cuộn. Tất cả biểu thị rõ ràng tâm trí đang trong cơn đau dữ dội của một giai đoạn tâm lý.
Sự suy đoán và giả định có thể dễ dàng được áp dụng vào tác phẩm của một nghệ sĩ. Đây không phải là hành động chủ đích sâu sắc. Nhưng chính Van Gogh đã giải thích một số biểu tượng đen tối đằng sau bức tranh Cánh đồng lúa mì với một người gặt lúa trong bức thư gửi em trai:
“… Anh nhìn thấy trong anh ta hình ảnh của cái chết… Nhưng chẳng có gì đáng buồn trong cái chết này, nó diễn ra giữa ban ngày với ánh sáng vàng của mặt trời tràn ngập mọi thứ.”
Phải chăng đây là những lời của một người biết mình sắp đi đến hồi kết?
Cánh đồng lúa mì với một người gặt lúa, 1889, sơn dầu trên toan,
Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam (Vincent van Gogh Foundation)
Vào ngày 16 tháng 5 năm 1890, Van Gogh rời viện tâm thần Saint-Rémy để đến Paris. Ông ở với Theo ba ngày trước khi lui về Auvers. Vào ngày 27 tháng 7, ông bước ra cánh đồng lúa mì gần đó và tự bắn vào ngực mình. Ông chết trong vòng tay của Theo hai ngày sau đó.
Van Gogh đã phải chịu đựng một cuộc đời đau khổ về tinh thần và phần lớn là sự mù mờ về nghệ thuật của mình (ông chỉ bán được một bức tranh). Thật đau buồn khi ông không còn sống để thấy nghệ thuật của mình nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao mà nó xứng đáng. Trong lá thư cuối cùng gửi Theo, ngày 23 tháng 7 năm 1890, được tìm thấy trên người ông sau khi chịu vết thương do đạn bắn, Van Gogh đã viết:
“Chà, sự thật là, chúng ta chỉ có thể để cho những bức tranh của mình lên tiếng.”
Và ông đã làm được hơn cả như thế.
Bài viết của Benjamin Blake Evemy
Nguồn: Mutual Art
Lược dịch bởi Viet Art View