Lê Phổ (1907-2001). Nữ họa sĩ. 1965. Sơn dầu. 100×130cm
Ngược dòng thời gian…
Lê Phổ sinh năm 1907 tại Hà Đông. Cha của ông là Lê Hoan, quan đại thần An Nam (tỉnh Hà Tây) dưới triều Vua Hàm Nghi (1884-1885). Lê Phổ trở thành em bé mồ côi ở tuổi lên tám sau khi cha mẹ lần lượt qua đời.
Lê Phổ trong xưởng vẽ của mình, khoảng 1960. Nguồn Findlay Galleries
Chính vì sự thiếu thốn tình thương cha mẹ nên với Lê Phổ, nên “những năm tháng vô cùng tươi đẹp” của ông là khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lê Phổ rất yêu quý thầy giáo của mình – ngài Victor Tardieu cũng như kính mến người thầy thứ hai – Joseph Inguimberty.
Năm 1931, Lê Phổ được thầy Victor Tardieu chọn làm trợ lý tại Triển lãm các nước thuộc địa diễn ra tại Paris năm 1931. Đây là lần đầu tiên chàng trai trẻ Lê Phổ ra nước ngoài.
Năm 1933, ông quay về Việt Nam giảng dạy. Trong thời gian đó ông có cơ hội vào Huế, vẽ chân dung vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu…
Sau bốn năm về Việt Nam, với tư cách là Giám đốc Nghệ thuật khu trưng bày Đông Dương tại Triển lãm Quốc tế Paris năm 1937, Lê Phổ từ Việt Nam quay trở lại Pháp và quyết định ở lại Paris; coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.
Hội họa của Lê Phổ – Nơi giao hòa giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây
Về căn bản, hội họa Lê Phổ thuộc trường phái lãng mạn, được chia làm ba giai đoạn
Thời kỳ đầu là khoảng thời gian Lê Phổ ở Hà Nội, và vài năm sau khi ông ở Pháp. Chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu được ông thể nghiệm đầy đủ. Phong cách hội họa căn bản, cổ điển, hiện thực, hàn lâm…
Thời kỳ thứ hai gọi là thời kỳ Romanet. Phong cách hội họa thời kỳ này rất sâu đậm, được vun đắp, giới thiệu liên tục với công chúng bởi mối quan hệ đặc biệt giữa công việc và tình bạn từ Lê Phổ với quý ngài André Romanet- ông chủ của Galerie de Romanet. Việc này duy trì trong 23 năm…, từ 1941 đến 1964.
Tranh lụa của Lê Phổ thời kỳ này đạt nhiều thành tựu. Lê Phổ tạo hình người nữ Việt Nam với trang phục truyền thống; các chi tiết trang trí đậm tính Việt, lấy cảm hứng sâu sắc từ hình ảnh, phong tục, tập quán quê hương mình… trong một khung cảnh lại đậm chất lãng mạn, phong thái nèn nã, duyên dáng, lịch thiệp rất văn minh châu Âu với sắc màu nguyên bản, đậm đà.
Thời kỳ thứ ba (thời kỳ cuối) của Lê Phổ bắt đầu khi ông ký hợp đồng độc quyền với Wally Findlay Galleries của Hoa Kỳ vào năm 1964. Từ thời điểm này, ông gần như chỉ sáng tác trên chất liệu sơn dầu. Đây là thời kỳ giao hòa mạnh mẽ nhất giữa Đông và Tây trong tranh Lê Phổ. Tạo hình người nữ Việt vẫn luôn hiện diện nhưng phong cách, bút pháp, màu sắc trong tranh mang âm hưởng mạnh mẽ của trường phái Ấn tượng – Hậu Ấn tượng châu Âu.
Sự giao hòa mạnh mẽ và sâu sắc này đã tạo nên sức hút lớn từ tranh Lê Phổ. Với tranh lụa ông tinh tế tỉ mỉ; với tranh sơn dầu khoáng đạt, sinh động, rực rỡ, vương giả… tất cả đều toát lên sự nền nã, trang nhã, thanh lịch, duyên dáng, quý phái của người phụ nữ Việt.
Lê Phổ và cơ duyên với áo dài
Theo một số tư liệu, khoảng năm 1950, Lê Phổ kết hợp giữa áo tứ thân và biến thể áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường (1912-1946), sáng tạo kiểu áo dài mới với vạt áo được may dài, tay không phồng, cổ kín nút, nút bên phải áo, may ôm sát cơ thể, trong khi hai vạt dưới được bay tự do rất mềm mại, duyên dáng.
Áo dài Lemur năm 1938. Nguồn ảnh: hoilhpn.org.vn
Sự kết hợp này đã tạo nên một chiếc áo dài hài hòa, được đánh giá chuẩn mực về thiết kế dáng, được giới nữ hoan nghênh nhiệt liệt và thường gọi với cái tên mến yêu là “áo dài Lê Phổ”.
Bộ tứ họa sĩ Việt sống ở châu Âu thường lấy tạo hình nữ áo dài làm tiêu điểm trong sáng tác. Nhưng việc kết hợp giữa tạo hình nữ mặc áo dài Việt trong các khung cảnh, hoạt cảnh đậm sắc thái châu Âu cùng bút pháp Ấn tượng mới là điểm nhấn đặc biệt khiến tranh Lê Phổ trở nên khác biệt.
Hình ảnh nữ họa sĩ hay hình ảnh phụ nữ Việt
Lê Phổ (1907-2001). Nữ họa sĩ. 1965. Sơn dầu. 100×130cm
Bức tranh khắc họa hình ảnh một nữ họa sĩ đang ngồi trước giá vẽ với bút lông và màu. Nhưng chủ thể chính, chiếm gần trọn bề mặt tranh vẫn là bình hoa đầy màu sắc rực rỡ và ấn tượng.
“Nữ họa sĩ” được sáng tác năm 1965. Đây là thời kỳ ngôn ngữ hội họa của Lê Phổ dễ nhận biết nhất. Tạo hình hoa, vườn cây, nhân vật hầu hết trên chất liệu sơn dầu với gam màu rực rỡ của chủ nghĩa Ấn tượng. Trong đó tạo hình hoa luôn ở vị trí trung tâm và lớn nhất.
Hình ảnh nhân vật nữ dù đơn hay nhóm cũng đều được tạo hình rất thanh lịch, nhàn nhã như thưởng trà chiều, đọc sách, chuyện trò, thêu thùa, chơi với trẻ nhỏ hay đơn giản là suy tư.
Có thể do Lê Phổ muốn nhân vật của mình đa dạng; vì vậy các nhân vật nữ này dù đang được khắc họa trong hoạt động nào thì thần thái vẫn luôn toát lên phong cách sống vương giả, quyền quý.
Những giá trị đặc biệt của tác phẩm…
Theo chia sẻ từ Nhà sưu tập Nghệ thuật Nguyễn Minh, trong một lần đi chơi tại thành phố Chicago (Mỹ) với con gái, hai cha con đã tới thăm Nhà đấu giá Hindman. Ở đây, ông đã gặp “Nữ hoạ sĩ” của Lê Phổ và ngay lập tức thích thú với bức tranh này.
Thứ nhất, đây có thể là lần đầu tiên, xuất hiện một bức tranh sáng tác về nữ hoạ sĩ của Lê Phổ.
Thứ hai, thời kỳ Lê Phổ đi học chỉ có nữ hoạ sĩ Lê Thị Lựu và Nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim. Bà Lựu lại là một nhân vật trong bộ tứ danh hoạ Việt sống ở nước ngoài, chơi rất thân với Lê Phổ.
Vậy phải chăng nhân vật nữ hoạ sĩ trong tranh chính là hoạ sĩ Lê Thị Lựu?
Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, đây là một bức tranh rất đẹp, giao hoà đậm nét yếu tố phương Đông và phương Tây.
Nhân vật chính là hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống nhưng bối cảnh lại là châu Âu văn minh; được sáng tác trên phong cách, ngôn ngữ tạo hình, hoà sắc mang đậm hơi thở của chủ nghĩa Ấn tượng…
Và kích thước lớn, hiếm có 98×131cm của “Nữ hoạ sĩ” cũng góp phần làm bức tranh trở nên rất có giá trị.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Viet Art View chọn “Nữ hoạ sĩ” của danh hoạ Lê Phổ như một món quà để giới thiệu với bạn bè yêu nghệ thuật nhằm tôn vinh nét thanh lịch, duyên dáng, trang nhã của hình tượng người phụ nữ Việt, trong một khung cảnh văn minh, hiện đại, quý phái châu Âu…
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View