Nhà phê bình Ben Luke trò chuyện với cháu trai của Picasso, nhìn lại di sản của họa sĩ cùng những triển lãm đánh dấu 50 năm kể từ ngày Picasso qua đời.
Khi Pablo Picasso qua đời vào ngày 8 tháng 4 năm 1973, thế giới đã mất đi một nhân vật văn hóa vĩ đại. Trong câu chuyện trên trang nhất của tờ New York Times vào ngày hôm sau, Alfred Barr, giám đốc sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, cho biết: “Chúng ta may mắn được chứng kiến sự hiện diện của ông trong thời đại chúng ta.”
Đối với Olivier Widmaier Picasso, khi đó còn là một thiếu niên ở Paris, cuộc đời đã thay đổi. Anh biết tin về cái chết của ông mình qua một bản tin thời sự trên TV. “Đó là một cú sốc, bởi vì bạn thường không nhận loại thông tin [cá nhân] này trên truyền hình. Đối với tôi, Pablo Picasso là người cha của mẹ tôi.”
Pablo Picasso. Le Rêve (Giấc mơ). 1932. Vẽ Marie-Thérèse Walter. Ảnh: © Succession Picasso/Dacs, London 2022, Alamy.
Widmaier Picasso sinh năm 1961, là con trai của Maya Picasso, con gái của họa sĩ với người tình, nàng thơ Marie-Thérèse Walter. Cha của anh là Pierre Widmaier, một cựu sĩ quan hải quân. Walter, một người mẫu, đã trở thành chủ đề của một số bức chân dung nổi tiếng nhất của Picasso, đặc biệt trong số đó là bức ‘Le Rêve’ (Giấc mơ), 1932, và ‘Cô gái trước gương’, cùng năm. Trước khi họa sĩ qua đời, Widmaier Picasso đã được che chở khỏi danh tiếng của ông. “Chúng tôi có những bức tranh, bản vẽ, một số bức ảnh ở nhà, nhưng ông là người mà tôi không nhìn thấy, vì ông sống khá xa,” anh nói. Trong những ngày sau cái chết của Picasso, anh giải thích, “Tôi phát hiện ra ông là một người quan trọng hơn nhiều so với tôi nghĩ.”
Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Picasso được đánh dấu bằng hơn 40 triển lãm ở Châu Âu và Hoa Kỳ, được tổ chức dưới tên Kỷ niệm Picasso 1973–2023. Các triển lãm cho thấy cuộc đời và tác phẩm của Picasso vẫn có thể được khám phá và giải thích rộng rãi như thế nào, phân tích nhiều góc độ từ ảnh hưởng của các bậc thầy kinh điển, các giai đoạn cụ thể trong sự nghiệp, đến mối quan hệ của ông với những người cùng thời và phản ứng của các nghệ sĩ ngày nay. Có mười sáu triển lãm chỉ riêng ở quê hương Tây Ban Nha của Picasso và mười hai triển lãm ở Pháp. “Mọi người hỏi, ‘Ông ấy là người Tây Ban Nha? Hay ông ấy là người Pháp?’—Widmaier Picasso nói. “Và tôi nói, Pablo là người Tây Ban Nha, nhưng Picasso là người Pháp. Ngày nay, còn hơn thế nữa: ông là một công dân thế giới.”
Pablo Picasso. Cô gái trước một chiếc gương. 1932. Sơn dầu trên toan. 162.3 cm × 130.2 cm (63.9 in × 51.3 in).
Widmaier Picasso, một doanh nhân và nhà sản xuất chương trình truyền hình, nói rằng ông nhận ra Maya “là người [trong số các con của Picasso] có lẽ đã dành nhiều thời gian nhất với Picasso. Khi còn là một đứa trẻ, khi còn là một thiếu niên và thậm chí là một thanh niên, bà rất thân với cha mình. Bà đã trở thành một kiểu bạn tâm giao.” Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất liên quan đến Maya – hiện đã 87 tuổi – cuộc gặp gỡ của bà với bức tranh ‘Guernica’ của Picasso trong một xưởng vẽ ở Paris vào năm 1937. “Thật kỳ lạ,” Widmaier Picasso nói. “Những kỷ niệm nhỏ của bà về nó – rằng bà đặt ngón tay lên tấm toan lớn đó, có lẽ để lại dấu vân tay – thêm vào thông điệp của bức tranh. Đó là sự ngây thơ của những đứa trẻ bị giết bởi cuộc tấn công vào Guernica, rồi một đứa trẻ đang ngắm nhìn bức tranh, nhận ra khuôn mặt của Marie-Thérèse ở đó, và chạm vào nó với cùng một sự ngây thơ như vậy.” Maya đưa Olivier đến đó nhiều năm sau; một trải nghiệm “thực sự xúc động” đối với anh. Anh nhớ lại khoảng thời gian của mình với Marie-Thérèse Walter, người đã tự sát vào năm 1977. “Bà là một người đầy yêu thương, hầu như bà không nhắc đến Picasso, nhưng [khi bà nhắc đến, đó là] những kỷ niệm đẹp. Không có gì phức tạp cả.”
Pablo Picasso. Guernica. 1937. Sơn dầu trên toan. 349,3 × 776,6 cm.
Đã có nhiều bàn luận về khả năng phi thường của Picasso trong việc nắm bắt khí chất của những người làm mẫu cho ông, ngay cả khi tranh ông là sự tách rời và bóp méo khuôn mặt cũng như hình dáng của người mẫu. Picasso đã có câu nói nổi tiếng để đáp lại những lời chỉ trích về bức chân dung ‘Gertrude Stein’ của ông (liên quan đến chủ đề của một triển lãm tại Musée du Luxembourg, Paris, vào tháng 9 năm 2023) rằng: “Mọi người đều nghĩ cô ấy không giống bức chân dung của mình chút nào, nhưng đừng bận tâm, cuối cùng cô ấy sẽ xoay sở để trông giống như thế.” Widmaier Picasso có cảm thấy rằng cần phải có một khả năng nhận thức tương tự để thực sự hiểu những bức chân dung của bà mình không? “Ồ, vâng. Tôi nghĩ rằng bạn phải rèn luyện đôi mắt của mình giống như bạn phải rèn luyện đôi tai của mình khi nghe opera,” anh nói. Tuy nhiên, anh nói thêm rằng khi ngày càng quen thuộc với tác phẩm của ông ngoại, “rõ ràng là Picasso đang nhìn con người, đồ vật và phong cảnh với cường độ cao hơn. Và chắc chắn ông đã có thể vẽ khuôn mặt của Marie-Thérèse đến mức hoàn hảo của một bức tranh cổ điển. Nhưng đồng thời, ông không chỉ biểu tượng hóa khía cạnh thể chất của bà – những đường cong tuyệt đẹp – mà còn cả ý thức của bà, hay tình yêu của họ, thông qua sự đơn giản hóa của cái mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa Siêu thực. Khi tôi quen hơn với việc xem những bức tranh đó, tôi ngay lập tức thấy mối liên quan.”
Pablo Picasso. Gertrude Stein. 1905–6. Chân dung. 39 3/8 × 32 in. (100 × 81.3 cm).
Vào thời điểm Picasso qua đời, đã có nhiều cuộc tranh luận về những tác phẩm khi đó của ông, sẽ là chủ đề của hai triển lãm trong năm 2023: tại Beyeler Foundation, Basel và La Casa Encendida, Madrid. Ngay cả những người ủng hộ lâu dài cũng bác bỏ chúng; nhà sưu tập và học giả Douglas Cooper đã mô tả “chỉ là những bức vẽ nguệch ngoạc rời rạc được thực hiện bởi một kẻ điên cuồng trong phòng chờ của cái chết”. Nhưng, Widmaier Picasso nói, “Phải mất thời gian để mọi người hiểu rằng đó có thể là nỗ lực cuối cùng của một thiên tài để chứng tỏ rằng ông vẫn còn điều gì đó để nói.” Anh tin rằng những tác phẩm này sẽ ngày càng trở nên quan trọng và “về kích thước, cảm xúc của những vệt màu”, chúng kết nối với hội họa Tân biểu hiện cuối những năm 1970 và 1980 “đặc biệt là với Jean-Michel Basquiat”.
Pablo Picasso. Le Moulin de la Galette. Paris, khoảng 1900. Sơn dầu trên toan. 35 5/16 inches × 46 inches (89.7 × 116.8 cm).
Những triển lãm nổi bật khác của loạt Kỷ niệm Picasso 1973-2023 bao gồm triển lãm Picasso – El Greco tại Prado ở Madrid vào tháng 6, phỏng theo một triển lãm gần đây được tổ chức tại Kunstmuseum Basel, tập trung vào mối liên hệ giữa hai nghệ sĩ. “Đối với tôi, thật xúc động khi nghĩ rằng ông tôi đã đến thăm bảo tàng Prado để lấy cảm hứng từ Goya, El Greco, Velázquez, và hơn một thế kỷ sau, [điều đó đã truyền cảm hứng cho] một triển lãm ở Madrid.” Bảo tàng Guggenheim ở New York đang tập trung vào bức tranh Paris đầu tiên của Picasso, ‘Le Moulin de la Galette’ 1900, ghi lại một cảnh trong vũ trường Paris khét tiếng, “sẽ rất quan trọng để mọi người hiểu câu chuyện bắt đầu như thế nào,” Widmaier Picasso nói.
Pablo Picasso. Les Demoiselles d’Avignon. 1907. Sơn dầu trên toan. 243.9 cm × 233.7 cm (96 in × 92 in).
Triển lãm Daniel-Henry Kahnweiler tại Museu Picasso ở Barcelona, cho đến tháng 3 năm 2023, tập trung vào nhà buôn có ảnh hưởng của Picasso, người đã xem ‘Les Demoiselles d’Avignon’ 1907, trong xưởng vẽ Montmartre của Picasso – “không ai khác hiểu nó vào thời điểm đó. Vì vậy, người đàn ông này rất quan trọng ngay từ đầu.” Trong khi đó, từ tháng 3, Musée Picasso-Paris sẽ giới thiệu một hình thể mới cho bộ sưu tập của mình, do nhà thiết kế thời trang Paul Smith lên ý tưởng, mà Widmaier Picasso kỳ vọng sẽ là một “cách đổi mới” để trưng bày “tất cả kiệt tác của bảo tàng”. Một triển lãm đáng chú ý về các tác phẩm của Picasso trên giấy khai mạc tại Centre Pompidou, Paris, vào tháng 10, Picasso: 2023 bản vẽ, sẽ có 2.023 bản vẽ và bản in, từ hàng chục nghìn trong suốt cuộc đời của Picasso – một “sự thành thạo về vẽ và chạm khắc,” anh nói. Anh cũng nhắc đến “một điều rất đặc biệt” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York vào tháng 9, tập trung vào đơn đặt hàng chưa thực hiện của Picasso cho thư viện của một ngôi nhà ở Brooklyn thuộc về nhà phê bình, nhà sưu tập Hamilton Easter Field. “Đó là một cách mới lạ để xem xét Picasso; Tôi không biết rằng ông đã từng có ý định trở thành một nhà thiết kế nội thất.”
Trong số các triển lãm hấp dẫn nhất (chưa được đặt tên), sẽ diễn ra tại Bảo tàng Brooklyn vào tháng 6, do diễn viên Hannah Gadsby đồng giám tuyển, người đã nói trong chương trình Nanette trên Netflix: “Tôi ghét Picasso […] Picasso phải chịu đựng chứng misogyny.” [chứng tâm thần đặc trưng bởi việc không thích, khinh thường, có thành kiến sâu xa với phụ nữ] Widmaier Picasso tin rằng “ngày nay, sau phong trào #MeToo, việc khám phá câu hỏi này với Picasso là rất quan trọng. Hoàn toàn cần thiết để có một kiến thức thực sự về nguồn gốc cảm hứng của ông, cuộc sống của ông, tình yêu của ông, trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Sẽ là một sai lầm nếu lảng tránh câu hỏi này.” Hấp dẫn tương tự sẽ là À toi de faire, ma mignonne: Sophie Calle tại Musée Picasso-Paris, trong đó nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ khái niệm người Pháp được toàn quyền thực hiện một tác phẩm liên quan đến chuỗi kỷ niệm. “Tôi tò mò muốn biết cô ấy sẽ sống như thế nào trong bảo tàng,” Widmaier Picasso nói.
Dự án của Calle khẳng định rằng đây không chỉ là một chuỗi những sự kiện kỷ niệm mà còn là cơ hội để đánh giá lại Picasso. “Chúng tôi đã chuyển từ cái bóng của Picasso sang thế giới nghệ thuật,” Widmaier Picasso nói. “Sẽ dễ dàng hơn cho các nghệ sĩ trong cuộc chơi với ông.” Anh rất hào hứng với triển vọng này. “Đối với những người không phải là người hâm mộ hay chuyên gia về Picasso, điều cần thiết là phải có một tầm nhìn mới mẻ về tác phẩm và cuộc sống của ông, chứ không phải hình ảnh bụi bặm của một người đã qua đời cách đây 50 năm.”
Nguồn: Sotheby’s, Museo Reina Sofía, The Met, Guggenheim, Wikipedia
Lược dịch bởi Viet Art View