Logo loading

PHẠM HẬU HAY…?

Trong post này có hai bức tranh sơn mài… Bức thứ nhất (có thông tin chi tiết đầy đủ dưới ảnh) được in ở trang 57, sách “Sơn mài Phạm Hậu”, 2019 của tác giả Phạm Gia Yên – con trai của họa sĩ Phạm Hậu. Vậy, đây chắc chắn là một bức tranh chân […]
|Viet Art View

Trong post này có hai bức tranh sơn mài…

Bức thứ nhất (có thông tin chi tiết đầy đủ dưới ảnh) được in ở trang 57, sách “Sơn mài Phạm Hậu”, 2019 của tác giả Phạm Gia Yên – con trai của họa sĩ Phạm Hậu. Vậy, đây chắc chắn là một bức tranh chân bản của Phạm Hậu sáng tác.

PHẠM HẬU (1903-1994).Cấy lúa lúc bình minh. Sơn mài. 36x57cm. (In trong cuốn “Sơn mài Phạm Hậu”, 2019, NXBMT của tác giả Phạm Gia Yên-con trai họa sĩ Phạm Hậu)

Bức thứ hai sắp đấu trong phiên online của NĐG Sotheby’s vào ngày 29.7.2022.

Thông tin (copy nguyên) về bức tranh sắp đấu (online) tại Sotheby’s ngày 29.7.2022
Pham Hau 1903 – 1995. Planting Rice. Lacquer on board. Signed in Chinese and stamped with the artist’s seal (lower right). Unframed: 45.5 by 59.5 cm; 17 ⅞ by 23 ½ in. Framed: 61 by 74.5 cm; 24 by 29 ⅜ in.

Không bàn về màu sắc, độ nét các chi tiết (do phương tiện chụp và chất lượng in), nhìn bằng mắt thường, qua ảnh cũng có thể thấy đây là hai bức tranh khác nhau. Hai bức tranh khác nhau về kích thước. Bức “Cấy lúa lúc bình minh” đã in sách “Sơn mài Phạm Hậu” có kích thước 36x57cm. Bức sơn mài “Planting Rice – Cấy lúa” sắp đấu ở Sotheby’s, kích thước 45,5×59,5cm. Hai bức đều không đề năm sáng tác.

Bức thứ nhất đã được khẳng định là chân bản. Còn bức thứ hai sắp đấu có nhiều điều để đem ra so sánh. Xét về biểu hiện kỹ thuật, ngôn ngữ tạo hình, giao diện cảm quan đều thấy đây khó có thể là một sáng tác của Phạm Hậu.

Theo sách “Sơn mài Phạm Hậu” – Năm 1934, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1929-1934), Phạm Hậu về lại làng Đông Ngạc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng sơn mài truyền thống trên tranh khổ lớn và các sản phẩm như bình phong, tủ…Với hợp đồng đầu tiên: sản xuất 50 chiếc hộp thuốc lá sơn mài do ông Victor Tardieu giới thiệu, Phạm Hậu đã có chút vốn…

Xưởng sơn mài này của Phạm Hậu có nhiều nhân công. Vì là sơn mài ứng dụng nên một số sản phẩm sơn mài ứng dụng được sản xuất không chỉ một bản. Ví dụ như bức bình phong sơn mài bốn tấm “Chín con cá chép trong hồ nước”. Bức bình phong này cũng có tới mấy bản. Một bản trong số đó thực hiện khoảng 1939-1940, cũng đã bán tại Sotheby’s tháng 3/2019 với giá hơn 1 triệu usd. Thời điểm đó, đấy là tác phẩm đầu tiên của Phạm Hậu đạt ngưỡng 1 triệu usd (cho một giao dịch công khai).

Quay trở lại với bức tranh sắp đấu online tại Sotheby’s. Theo một nguồn tin thân cận cho biết, bức “Planting Rice – Cấy lúa” đã bị từ chối đưa vào phiên đấu chính thức từ hai nhà đấu giá tại Pháp. Bây giờ, xuất hiện tại phiên online này của Sotheby’s.

Trong phiên này, ngoài những bức đẹp của họa sĩ Việt còn có thêm một vài bức khác cũng cần xem xét lại. Viet Art View sẽ review ở những post kế tiếp.

Bài viết nhỏ này như một chia sẻ với bạn yêu nghệ thuật chứ không phải đánh động nhà sưu tập nào đó đừng mua hay có ý gì với nơi tổ chức. Bởi nhà sưu tập đích thực thường lọc thông tin tốt, họ sẽ đắn đo, cân nhắc kỹ khi mua. Một số có mục đích khác vẫn đấu như bình thường bởi khách hàng của họ có thể không nắm rõ thông tin về mọi thứ…Còn Sotheby’s dù có độ phủ rộng và lớn đến đâu trên sàn quốc tế thì họ vẫn là một nơi “giao thương mua bán” những sản phẩm nghệ thuật thuộc về “thú chơi”. Họ cũng có những biện luận của riêng họ. Vì vậy, quyền quyết định hay không vẫn ở người mua.

Còn một nhóm nhỏ các bộ sưu tập đủ ngân lượng để mua mà không có thời gian, không đủ chuyên môn tỉ mỉ thì họ đều có tư vấn riêng, rất biết về tranh.

Điều này thực sự chuyên nghiệp…

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top