Logo loading

PHIÊN ĐẤU GIÁ SỐ [42] “HỌA SĨ CHÂU Á: NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI VIỆT NAM”, ĐẤU GIÁ CÔNG KHAI

Năm 2024 đánh dấu 100 năm kỷ niệm Victor Tardieu (1870-1937) thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhân dịp này, Charlotte Aguttes-Reynier tổ chức phiên bán đấu giá lần thứ 42 vào ngày 7 tháng 3, với chủ đề các họa sĩ châu Á, và tôn vinh Bộ sưu tập của ông […]
|Viet Art View

Năm 2024 đánh dấu 100 năm kỷ niệm Victor Tardieu (1870-1937) thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhân dịp này, Charlotte Aguttes-Reynier tổ chức phiên bán đấu giá lần thứ 42 vào ngày 7 tháng 3, với chủ đề các họa sĩ châu Á, và tôn vinh Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga, những người bạn thân thiết với cựu hoàng Bảo Đại (1913-1997).

Tiên phong trên thị trường châu Âu về những nghệ sĩ đến từ châu Á, chuyên gia đã xuất bản cuốn sách “L’Art Moderne en Indochine” (Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương), phát hành bởi nhà xuất bản In Fine, vào ngày 14 tháng 2 năm 2024.

NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI ĐÔNG DƯƠNG. TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG (1925-1945)
In Fine éditions d’art đã xuất bản, vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tác phẩm “L’art moderne en Indochine” (Nghệ thuật hiện đại Đông Dương) một tác phẩm do chuyên gia Charlotte Aguttes-Reynier thiết kế và biên soạn. Ấn phẩm này là tác phẩm đầu tiên cung cấp một cái nhìn toàn diện về vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật, hứa hẹn sẽ trở thành một sự kiện quan trọng. Cuốn sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường – cây cầu nối giữa Phương Đông và Phương Tây.

 

HỌA SĨ CHÂU Á • NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
KHÁM PHÁ NHỮNG TÁC PHẨM QUÝ HIẾM TỪ CÁC BỘ SƯU TẬP TƯ NHÂN CHÂU ÂU TRONG BA TUẦN TRIỂN LÃM CÔNG CỘNG
“Năm 1924, cách đây một trăm năm, Victor Tardieu đã trình bày với Toàn quyền Martial Merlin bản báo cáo về sự cấp thiết phải mở một trường Mỹ thuật tại Hà Nội. Ý kiến của ông đã được chấp thuận và ngôi trường này được thành lập vào tháng 10 cùng năm. Lớp sinh viên đầu tiên được tuyển chọn đã bắt đầu khóa học vào mùa thu năm 1925.
Năm 2014, cách đây mười năm, Aguttes phát hiện ra tác phẩm Le Thé của Lê Phổ (một trong những sinh viên của khoá đầu tiên) tại Paris. Nhà đấu giá quyết định dành cho tác phẩm một vị trí đặc biệt trong phiên đấu giá, giúp cho tác phẩm đạt được mức giá bán phù hợp. Điều này cũng khơi nguồn cho sự thức tỉnh của một thị trường đã ngủ quên kể từ giữa thế kỷ XX.” – Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia
Từ năm 2014, khoảng 1000 tác phẩm liên quan đến nghệ thuật hiện đại châu Á, trong đó có gần 150 bức tranh của Lê Phổ, hơn 115 tác phẩm của Mai Trung Thứ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm, đã được Charlotte Aguttes-Reynier thẩm định và bán đấu giá. Mỗi một cuốn catalogue chủ yếu đều giới thiệu về những tác phẩm chưa từng được công bố trên thị trường nghệ thuật, và tác phẩm “Thiếu phụ đan len” của Lương Xuân Nhị ở đây là một ví dụ.
Sinh năm 1914 tại Hà Nội, Lương Xuân Nhị là một nhân vật nổi trội trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Ông sử dụng phong cách hiện đại để tạo ra đặc trưng riêng cho các tác phẩm của mình. Lương Xuân Nhị theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp vào năm 1937. Ông là thành viên của Hội An Nam khuyến khích Nghệ thuật và Công nghiệp và từng nhận được nhiều giải thưởng của Hội. Cùng với Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn và Lê Văn Đệ, ông cũng là một trong những người sáng lập nên FARTA (Nhóm nghệ thuật An Nam). Từ năm 1955 đến năm 1981, ông giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lương Xuân Nhị tham gia vào các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, tại các thành phố như Paris, New York hay Tokyo. Với tư cách là thành viên của nhiều tổ chức, ông thường xuyên tới châu Âu. Nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về cảnh sắc nông thôn và chân dung thiếu nữ, ông đặc biệt được yêu thích nhờ vào màu sắc sử dụng trong tranh và phong cách nghệ thuật đặc trưng đầy tinh tế. Trong tác phẩm “Thiếu phụ đan len”, ông đã sử dụng những màu sắc mạnh mẽ và sống động, mang tới sự phong phú cho bố cục trong tranh.

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006), Thiếu phụ đan len
Sơn dầu trên toan, chữ ký ở góc trên bên trái, 61 × 46 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (mua tại Sài Gòn vào những năm 1950
và mang về Pháp); Bộ sưu tập tư nhân, miền Tây Nam
nước Pháp (thừa kế từ chủ sở hữu trước vào năm 1975)

 

BỘ SƯU TẬP CỦA ÔNG NGUYỄN HỮU HỢP VÀ BÀ NGUYỄN NGUYỆT NGA, NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI (1913-1997)
Phiên đấu giá lần thứ 42 tiết lộ về Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga, một cặp vợ chồng quý tộc có mối quan hệ thân thiết với gia đình hoàng gia, đặc biệt là với Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam. Từ năm 1948, họ sống đồng thời tại Pháp và Hà Nội. Tham gia vào vòng tròn trí thức và nghệ thuật quốc tế, hai vợ chồng đã có dịp gặp gỡ các nghệ sĩ Việt Nam như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lưu cùng chồng là Ngô Thế Tân. Họ rất quan tâm hỗ trợ sự nghiệp của những nghệ sĩ này và đặt hàng nhiều bức chân dung hiện vẫn còn được lưu giữ trong bộ sưu tập của gia đình. Hai bức tranh được đóng trong những chiếc khung nguyên bản do đích thân họa sĩ lựa chọn.
Mai Trung Thứ thực hiện một cách tỉ mỉ chân dung của bà Nguyễn Nguyệt Nga vào năm 1950. Đây là một bức chân dung được đặt hàng, một công việc mà nghệ sĩ không thường xuyên thực hiện. Tác phẩm chứa đựng sự nhạy cảm nghệ thuật, thể hiện qua nét dịu dàng và vẻ đẹp nữ tính đầy mộc mạc, giản dị. Người phụ nữ được miêu tả trong một không gian nội thất quý phái, với dáng vẻ sang trọng phù hợp với địa vị xã hội của mình. Bà ngồi trên một chiếc ghế dựa, tay và chân đan chéo và cầm một cuốn sách trong tay. Sự tinh tế trong trang phục của bà sánh ngang với sự tinh xảo của hoa văn trang trí trên tấm thảm và trên đôi giày đang lộ ra. Đôi tay của bà, đặt nhẹ nhàng trên tà áo dài màu tím và quần lụa trắng, được điểm xuyết bằng một viên kim cương lấp lánh, một chi tiết hiếm có trong tác phẩm của nghệ sĩ. Chiếc cổ thanh mảnh được tôn lên nhờ chuỗi ngọc bích. Phía sau bà, trên chiếc tủ, là một bình hoa và hai cuốn sách.
Từ bỏ tranh sơn dầu đã gắn bó với ông từ những ngày đầu, Mai Trung Thứ khám phá tranh lụa và nhanh chóng thành thạo kỹ thuật này. Ông vẽ trên lụa và rửa lụa nhiều lần để màu sắc trở nên hài hòa hơn: màu tím hoa cà và màu trắng ngà tương phản với sắc hoàng thổ và xanh lá trong phần hậu cảnh. Nghệ sĩ đã mang lại cho bức tranh này một vẻ đẹp tinh tế khi vẽ về người bạn, cũng là người bảo trợ của ông, bà Nguyễn Nguyệt Nga. Sự lựa chọn màu sắc tạo nên một bầu không khí ấm áp và nhạy cảm, đưa người xem vào một khoảnh khắc yên bình và thư thái. Mái tóc búi cao, đôi môi son đỏ và dáng vẻ của người phụ nữ thể hiện sự thanh lịch và tinh tế của tầng lớp thượng lưu Việt Nam.

MAI TRUNG THỨ (1906-1980), Chân dung Bà Nguyễn Nguyệt Nga, 1950
Mực và màu trên lụa, chữ ký và thời gian sáng tác ở góc trên bên trái, 61 × 46 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga;
Bộ sưu tập tư nhân, Paris và vùng phụ cận (thừa kế từ chủ sở hữu
trước khoảng năm 1965-1970)

 

Sinh ra tại Hà Nội, Vũ Cao Đàm là một trong những nghệ sĩ đã chọn định cư ở miền Nam nước Pháp, đất nước được các nghệ sĩ thế kỷ XX yêu thích; ông đến Pháp ít lâu trước Thế chiến thứ hai. Mặc dù là thủ khoa khoa điêu khắc, nhưng dần dần nghệ sĩ đã biến hội họa thành phương thức biểu đạt nghệ thuật ưa thích của mình. Bố cục của hoa cúc trong tác phẩm này gợi nhớ tới tình yêu ban đầu của ông đối với nghệ thuật điêu khắc.

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000), Hoa cúc, 1949
Mực và màu trên lụa, chữ ký và thời gian sáng tác ở góc dưới bên phải, 46 × 54,7 cm
Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga; Bộ sưu tập tư nhân,
Paris và vùng phụ cận (thừa kế từ chủ sở hữu trước trong khoảng 1965-1970)

Là một họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung, ông đã thực hiện hai bức chân dung của người bạn cũng là người bảo trợ của ông, Nguyễn Hữu Hợp.

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000), Chân dung ông Nguyễn Hữu Hợp
Sơn dầu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên trái, 53,5 × 44,8 cm
Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga;
Bộ sưu tập tư nhân, Paris và vùng phụ cận
(thừa kế từ chủ sở hữu trước khoảng năm 1965-1970)

 

 

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000), Chân dung ông Nguyễn Hữu Hợp
Sơn dầu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên phải, 41 × 33 cm
Bộ sưu tập của ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Nguyệt Nga

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM QUÝ HIẾM KHÁC THUỘC CÁC BỘ SƯU TẬP TƯ NHÂN CHÂU ÂU
“Thiếu phụ bên hoa cẩm chướng” miêu tả một người phụ nữ trẻ trong trang phục áo dài truyền thống. Cô đang ngửi mùi thơm dịu dàng toả ra từ những bông hoa cẩm chướng màu đỏ và màu trắng. Lê Phổ được biết đến với phong cách cá nhân đầy tính biểu tượng. Qua tác phẩm của ông, có thể thấy được ảnh hưởng từ các họa sĩ cổ điển Ý thời Quattrocento tới phong cách hội họa Việt Nam.
Ở đây, họa sĩ tạo ra một sự bình yên đầy xúc động bằng cách sử dụng màu sắc đồng nhất, đường nét tinh tế, khối hình mềm mại, và bức chân dung góc ba phần tư, gợi lên ảnh hưởng của nghệ thuật Ý. Là biểu tượng của sự trường thọ và hạnh phúc vĩnh cửu, mùi hương của hoa cẩm chướng khiến người phụ nữ chìm trong mộng mơ và suy tư.

LÊ PHỔ (1907-2001), Thiếu phụ bên hoa cẩm chướng
Mực và màu trên lụa, ký tên phía trên bên phải, có tiêu đề và
đánh số ở mặt sau, 64,1 × 44,9 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Casablanca (mua lại trong triển lãm năm 1942);
Bộ sưu tập tư nhân, Tây Nam nước Pháp (theo nguồn gốc từ bộ sưu tập trước)

 

Tác phẩm “Trong vườn” đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của họa sĩ Lê Phổ và phản ánh một cách xuất sắc những nghiên cứu về hội họa của ông trong thời kỳ chuyển giao. Bức tranh thể hiện sự hòa quyện của nhiều ảnh hưởng hội họa khác nhau. Lê Phổ chọn chất liệu lụa làm nền, một chất liệu sáng tác rất khó kiểm soát và không cho phép sửa chữa. Thêm vào đó, họa sĩ tái hiện một hình ảnh rất có ý nghĩa của đất nước mình: Một cô gái đang hái hoa đào phía sau hình ảnh hai mẹ con. Khung cảnh bình yên này làm nổi bật lên tầm quan trọng của cây đào trong văn hoá Việt Nam. Mang ý nghĩa biểu tượng ban đầu là sự bất tử, ngày nay cành đào và hoa đào đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết, ngày đầu năm mới âm lịch. Mừng xuân tới, cành đào mang lại may mắn và thịnh vượng cho gia chủ. Trong quan niệm của nhiều người, hoa đào mang lại nguồn sống mới, giúp các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh.

LÊ PHỔ (1907-2001), Trong vườn
Sơn dầu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên phải, tiêu đề ở mặt sau tranh, 46,3 × 33,3 cm
Xuất xứ: Phòng tranh Romanet, Paris; Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (mua lại từ phòng tranh vào khoảng năm 1950);
Bộ sưu tập tư nhân, miền Đông Nam nước Pháp (thừa kế từ chủ sở hữu trước vào khoảng năm 1985)

 

Được thực hiện vào đầu những năm 1940, tác phẩm “Ngoài trời” thể hiện vẻ đẹp của những người phụ nữ. Một thiếu nữ đang chăm chú đọc sách, người còn lại đắm chìm trong những suy nghĩ. Hai cô gái mặc áo dài truyền thống, trang phục tôn lên đường con mềm mại và vóc dáng thon thả của họ. Mái tóc được búi cao tinh tế và đôi môi đỏ mọng, hai thiếu nữ hiện lên vô cùng duyên dáng và thanh lịch. Phụ kiện được sử dụng trong tranh cũng là nét tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam: gối tựa và hộp gỗ.

Nếu ảnh hưởng phương Đông ngập tràn trong tác phẩm này, kho tàng lịch sử nghệ thuật phương Tây cũng hiện hữu nơi đây. Mặc dù họa sĩ sở hữu phong cách riêng thể hiện qua những tác phẩm minh họa thời trang trên các tạp chí chuyên ngành, nhưng trang phục của các thiếu nữ vẫn mang những nét gấp mềm mại theo phong cách điêu khắc Hy Lạp. Chuyển động trong tranh, đặc biệt là đường cong uốn lượn của cơ thể mang âm hưởng của trường phái kiểu cách Ý thế kỷ 16.

MAI TRUNG THỨ (1906-1980), Ngoài trời, khoảng 1940-1945
Mực và màu trên lụa, chữ ký ở góc dưới bên trái, tiêu đề ở mặt sau
73 × 53,8 cm

 

Đây là tác phẩm tả lại một cảnh sinh hoạt gia đình của họa sĩ Vũ Cao Đàm: Marguerite, cháu gái của họa sĩ đang ngồi trên bãi cỏ, chơi cùng gà mái mẹ và một đàn gà con trong vườn. Bức tranh tổng hợp các phong cách hội họa của Vũ Cao Đàm, giữa hình thức và quan điểm của nghệ thuật phương Tây trong cảnh đời thường và hội họa truyền thống trên lụa của Việt Nam. Qua bức tranh này, Vũ Cao Đàm đã khắc hoạ một cảnh đời thường diễn ra ở Béziers mùa hè năm 1951. Gia cầm là một chủ đề thường xuyên có mặt trong các tác phẩm của họa sĩ. Con gà trống là biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự can đảm và sức mạnh nam tính, trong khi gà mái và gà con đại diện cho cuộc sống gia đình, phản ánh các giá trị của xã hội Việt Nam.

“Đối với tôi, đây là hình ảnh của cô cháu gái Marguerite, con gái lớn của chị họ tôi Anna. Vào thời điểm đó, chúng tôi sống trong những ngôi nhà liền kề và anh rể họ của tôi là Đỗ Đình Cẩn đã nuôi gà trong vườn. Marguerite khoảng 5 tuổi, còn tôi lúc đó đã lên 9 vào năm 51.” – Yannick Vu-Jakober, con gái của họa sĩ

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000), Marguerite bên đàn gà con trong vườn
Khoảng 1950-1951
Mực và màu trên lụa, ký tên ở góc dưới bên phải, 55 × 43 cm
Xuất xứ: Bộ sưu tập của bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, một người bạn mà nghệ sĩ
đã có dịp làm quen tại Paris trong những năm 1930 (mua lại từ nghệ sĩ
vào tháng 8 năm 1956, sau đó thừa kế bởi thế hệ sau)
Bộ sưu tập tư nhân, Pháp (thừa kế từ chủ sở hữu trước vào năm 2000)

Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Hà Nội, có cha là một người thông thạo tiếng Pháp và yêu mến văn hóa Pháp. Lớn lên trong một môi trường học thuật uyên bác, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Ban đầu, ông thể hiện niềm yêu thích với bộ môn điêu khắc mà ông đã dày công luyện tập, nhưng cuối cùng Vũ Cao Đàm đã bộc lộ tài năng của mình trong hội họa trên lụa. Trong cả hai lĩnh vực này, họa sĩ tập trung trước hết vào hình ảnh con người, mà ông tôn vinh với thể loại tranh chân dung hay trong các bức tranh thể hiện tình yêu. Thường xuyên vẽ về chủ đề tình mẹ và tuổi thơ, ông vẽ bức “Marguerite bên đàn gà con trong vườn”, với tất cả sự dịu dàng dành cho cháu gái bé nhỏ của mình, và bức tranh “Mẹ và con” nói về tình yêu của người mẹ dành cho đứa con mới sinh của mình.

VŨ CAO ĐÀM (1908- 2000), Mẹ và con, 1956
Sơn dầu trên gỗ, chữ ký, nơi sáng tác và thời gian sáng tác ở góc dưới bên phải,
tiêu đề cùng ngày sáng tác và nơi sáng tác ở mặt sau, 53,5 × 45 cm
Mặt sau của tấm gỗ có bản phác thảo của hai bức tranh, phía trên là một kỵ sĩ cùng ba nhân vật,
phía dưới là hai nhân vật nữ.
Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Tây Nam nước Pháp (mua lại từ
chủ sở hữu của bức tranh tại Saint Paul de Vence năm 1956)

 

Từ những năm 1950, Mai Trung Thứ bắt đầu đơn giản hóa hình dáng, vẽ những gương mặt tròn cùng những cảnh nền trung lập. Những thay đổi này ngày càng đậm nét vào những năm 1960 và đặc biệt dễ nhận biết trong các tác phẩm được sáng tác vào những năm 1970. Bức tranh “Người bà” được thực hiện vào năm 1976, mang sự khác biệt trong việc sử dụng màu sắc của họa sĩ, với sắc hồng, sắc xanh dương, sắc cam rực rỡ khiến bức tranh tràn ngập sự sống động, trong khi màu nền được vẽ với sắc xanh lam ngả dần sang xanh lục, góp phần làm nổi bật bảng màu sặc sỡ này.

MAI TRUNG THỨ (1906-1980), Người bà, 1976
Mực và màu trên lụa, chữ ký và thời gian sáng tác ở phía trên bên phải
Trong khung nguyên bản do họa sĩ chế tác, 22 × 47 cm

Bán đấu giá
Aguttes Neuilly
Thứ năm ngày 7 tháng 3 năm 2024, 14h30 [giờ Pháp]

Triển lãm công cộng
Từ Thứ hai ngày 12 tháng 2 tới Thứ tư ngày 6 tháng 3
10h – 12h và 14h – 17h30 (trừ cuối tuần)
Khuyến khích đặt hẹn trước để được tham quan cùng chuyên gia

BÁN ĐẤU GIÁ
Charlotte Aguttes-Reynier – Chuyên gia
+33 1 41 92 06 49 – reynier@aguttes.com

Nguồn: Aguttes

Chia sẻ:
Back to top