Logo loading

PHONG CẢNH VIỆT NAM – HÌNH ẢNH CUẢ NHỮNG GIẤC MƠ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TRẦN PHÚC DUYÊN

Từ năm 1952 đến năm 1989, Trần Phúc Duyên đã 25 lần trưng bày triển lãm cá nhân các sáng tác của mình trên các chất liệu. Trong đó, hầu hết trên chất liệu sơn mài. Trong 25 lần trưng bày đó, chỉ duy nhất có 2 triển lãm ở Việt Nam. Triển lãm thứ […]
|Viet Art View

Từ năm 1952 đến năm 1989, Trần Phúc Duyên đã 25 lần trưng bày triển lãm cá nhân các sáng tác của mình trên các chất liệu. Trong đó, hầu hết trên chất liệu sơn mài.

Trong 25 lần trưng bày đó, chỉ duy nhất có 2 triển lãm ở Việt Nam. Triển lãm thứ nhất năm 1952 tại Nhà hát lớn Sài Gòn. Triển lãm thứ hai năm 1953 tại Hà Nội. 23 triển lãm còn lại được trưng bày ở Pháp, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Bởi cuối năm 1954, ông cùng gia đình anh ruột Trần Phúc Chí, em trai Trần Phúc Tường sang Pháp định cư.

 

Ảnh chụp Triển lãm sơn mài tại rạp hát Đô Thành năm 1952

Catalogue Triển lãm sơn mài tại Sài Gòn năm 1952

Tác phẩm “Bờ sông” được (cho là) mua bởi ông Robert Dubois – trong gia đình theo dòng dõi. Tranh được sáng tác năm 1950 tại xưởng vẽ của Trần Phúc Duyên ở 146 Avenue de Grand Buddha (đường Quán Thánh). Tư liệu ghi nhận, có tới ba phiên bản “Bờ sông” cùng được sáng tác năm 1950 với các kích thước khác nhau bao gồm một tấm, ba tấm và tám tấm cùng sáng tác theo phong cách “sơn mài cổ điển đồng nhất”. Trần Phúc Duyên đã sử dụng lối vẽ này trong hầu hết các bức tranh của mình, từ 1946 đến 1954.

Bức tranh tám tấm ở đây có kích thước lớn nhất, đầy đủ chi tiết nhất… Tiêu biểu cho chủ đề phong cảnh mà Trần Phúc Duyên sáng tác trước 1954. Trong bức tranh này, Trần Phúc Duyên có cái nhìn vừa tổng thể lại vừa chi tiết, bao quát tỉ mỉ cả một không gian rộng lớn với lớp lang cảnh vật, thảm thực vật, kiến trúc, con người, động vật… Khung cảnh vùng trung du (mạn ngược) phía Bắc hiện lên sinh động, thân quen và ấm áp…

TRẦN PHÚC DUYÊN (1923 – 1993). Bờ Sông. 1950. Sơn mài. 80x200cm (8 tấmx25cm)

Cũng như các họa sĩ Việt Nam khác thường sáng tác chủ đề phong cảnh quê hương vùng quê Bắc Bộ, vùng trung du miền núi như làng quê, bến sông với các địa danh như ngoại thành Hà Nội, vịnh Hạ Long, Thác Bờ – Hòa Bình, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương ở Sơn Tây, vùng núi trung du phía Bắc…Nơi có quang cảnh nên thơ, trữ tình, tiêu biểu cho cảnh sắc Việt Nam.

Trước năm 1950, sơn mài Trần Phúc Duyên mang đậm phong cách truyền thống với các gam màu cơ bản, quen thuộc. Sau đó, ông tìm tòi, thử nghiệm dùng các hoà sắc mới xanh lam, bạc xám. Trong vựng tập triển lãm cá nhân đầu tiên của Trần Phúc Duyên tổ chức tại Nhà hát Thành Đô (Nhà hát Lớn) Sài Gòn từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 1 năm 1952 có viết:

Đã khuất rồi thời kỳ người ta hoài bão nâng sơn ta ra ngoài khuôn cũ kỹ của thuật trang trí thuở xưa. Thuở ấy, cách đây khoảng hai mươi năm, hầu như chỉ vàng, son, đen, dăm ba chính sắc đó là đủ tạo nên quý giá cho các phẩm vật”.

Xưởng ở Quán Thánh – nơi sáng tác bức “Bờ sông”

Sau khi sang Pháp, từ 1958 đến 1968; sau đó là Thụy Sĩ từ 1968 đến tận 1993 – khi qua đời… 39 năm sống nơi xứ người, xa quê hương yêu dấu, không lập gia đình, một mình lặng lẽ làm việc, dành toàn Trần Phúc Duyên dành toàn bộ thời gian, tâm lực cho chất liệu sơn mài. Nguyên vật liệu làm tranh sơn mài như son, then, vàng, bạc, sơn then được gửi chị gái gửi từ Việt Nam qua ngày càng khó khăn và gần như dừng hẳn sau sau 1960 (Theo tư liệu của Phạm Đạt – Quang Vinh). Vì vậy, ông phải mày mò, thử nghiệm, chế tạo một số nguyên liệu sẵn có để có thể tiếp tục được sáng tác sơn mài.

Chân dung họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 – 1993)

Khắc phục mọi khó khăn về chất liệu, ông đã trải qua các phong cách tạo hình đa dạng từ hiện thực đến trừu tượng. Bắt đầu từ “Sơn mài cổ điển đồng nhất”, đến “Sơn mài Thủy Mặc”, cuối cùng “Vô hình và Trừu Tượng”…với các bảng màu từ truyền thống của vàng, son, đen đến các hòa sắc xanh lam, xanh lá. Cuối cùng ông đã sáng tạo ra một hòa sắc mới, làm phong phú bảng màu của sơn mài với ghi, xám, vàng, nâu nhạt…Và quê hương yêu dấu luôn là chủ đề chính trong những tác phẩm của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1964, khi được hỏi về những điều mới mẻ và cách tân trong nghệ thuật sơn mài ông đã trả lời:

– “Tôi muốn nâng tầm nghệ thuật sơn mài lên cùng đẳng cấp với sơn dầu”

– “Tôi muốn kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây, tôi muốn lột tả được những mô típ của phương Đông và tinh thần của phương Tây”. (Theo tư liệu của Phạm Đạt – Quang Vinh).

Trần Phúc Duyên là nghệ sĩ của nội tâm, của những lãng mạn, trữ tình, thơ mộng. Tác phẩm của ông đều hướng tới cái đẹp, cái thiện từ nội dung đến hình thức. Xuyên suốt, bao trùm một tình cảm nồng nàn tha thiết với quê hương.

Và với sơn mài, Trần Phúc Duyên muốn kể cho chúng ta câu chuyện: “Bên dưới những lớp sơn, một tâm hồn sâu kín thì thầm cho chúng ta về những hình ảnh của những giấc mơ”.

(François CHENG, Nhà văn, Nhà thơ, Thành viên Viện Hàn lâm Pháp)

Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top